(TBKT) – Cơn sốt đồng tiền ảo bitcoin đã kéo dài trong 1 năm qua trên thế giới và tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có một báo cáo chính thức nào về thị trường bitcoin nhưng có chuyên gia dự đoán giá trị giao dịch bitcoin mỗi ngày có thể hàng chục triệu đô la. Do vậy không chỉ nhà đầu cơ, giới công nghệ cũng đang đầu tư mạnh vào máy móc để mong đào được bitcoin.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin lược ghi ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI tại hội thảo “Bitcoin và làn sóng Blockchain” hôm 20-12 tại Hà Nội.
– Luật sư Trương Thanh Đức: Hiện tại vẫn chưa quy định pháp lý nào cấm bitcoin thì đương nhiên chúng ta có thể giao dịch, mua bán, đổi trác nhưng chỉ có một điều mà Ngân hàng Nhà nước cảnh báo là bitcoin không phải là tiền, không phải là công cụ thanh toán, nếu dùng vào việc thanh toán là phạm pháp.
Với bitcoin, luật pháp chỉ bảo vệ khi nhà đầu tư nộp tiền để mua bitcoin nhưng không nhận được thứ mong muốn sau khi thanh toán. Nhưng khi một người đã sở hữu bitcoin mà vì một yếu tố nào đó bị mất giá, biến mất thì luật không có quy định liên quan. Do vậy, đầu tư vào bitcoin không phải là đầu cơ mạo hiểm, mà là đầu cơ vô cùng mạo hiểm.
Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan, thời hạn hoàn thành vào tháng 8-2018. (trích Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo). |
Với sàn bitcoin Việt Nam, pháp luật Việt Nam chưa chính thức cho phép thành lập sàn bitcoin, mà chỉ cho phép thành lập đơn vị tài chính, tư vấn môi giới. Rất khó để có một pháp luật nào quy định rõ ràng về bitcoin. Vì vậy, Việt Nam vẫn hướng đến việc cho phép nhân dân làm những điều luật không cấm, tương tự trong bitcoin chỉ cấm về hoạt động thanh toán.
Tôi nghĩ không nên đi theo hướng xây dựng luật bao quanh để kiểm soát bitcoin mà trước tiên, các tổ chức cần phải ngồi lại với nhau để định nghĩa rõ ràng bitcoin là gì, từ đó mới có thể đưa vào một luật cụ thể để kiểm soát. Nếu bitcoin là tiền thì sẽ dựa theo quy định về tiền để soát xét, nếu là công cụ tài chính thì sẽ theo luật tài chính. Việc cần làm là quản lý theo định nghĩa mà không phải tạo ra luật mới để kiểm soát nó.
Trúc Diễm
—————–
Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Tiền tệ) 21-12-2017:
http://www.thesaigontimes.vn/266727/dau-tu-bitcoin-vo-cung-mao-hiem.html
(349/524)