1.747. “Chẳng có lý do gì để hạn chế Uber, Grab cả!”

(KT&DB) – Uber, Grab chiếm thị phần của taxi truyền thống được là tốt, nó rẻ hơn, nó hiệu quả hơn, nó tốt hơn, chẳng có lý do gì mà hạn chế nó.

Ảnh: Internet

Phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Đức, xoay quanh câu chuyện về Uber, Grab và các hãng taxi truyền thống.

PV: Thưa ông, tháng 01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, cụ thể là Uber và Grab. Việc này đã phần nào tác động theo hướng tích cực đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí phù hợp hơn. Tuy nhiên, hiện nay có thông tin Grab Taxi lỗ lớn, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2016. Vậy, câu hỏi đặt ra là: Liệu câu chuyện chuyển giá trốn thuế?

Ông Trương Thanh Đức: tôi cho rằng, nếu có câu chuyện chuyển giá trốn thuế, thì cũng hoàn toàn bình thường, giống như Cocacola, Metro vậy. Nếu như chúng ta không kiểm soát được, không có cái gì chứng minh được là người ta lãi, mà báo lỗ, thì đương nhiên là không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, trường hợp này rất có thể là lỗ, bởi đang trong quá trình đầu tư, phải mất tiền quảng cáo rất lớn, tiền khuyến mại rất nhiều, cộng thêm với các chi phí khác mà chúng ta không thể hình dung hết. Ngược lại, nếu như kiểm soát tốt, tránh được gian lận, chứng minh được là những hạnh toán này, những khoản nọ khoản kia không hợp lệ, thì lúc đó hoàn toàn có thể là truy thu thuế, thậm chí là có thể xử phạt.

PV: Vậy, theo ông cần phải làm gì để kiểm soát được?

Ông Trương Thanh Đức: tôi cho rằng, việc kiểm soát Uber và Grab không khó. Cơ quan quản lý cần đặt điều kiện với họ, như là “ông kinh doanh ở Việt Nam với phương thức, công nghệ mới, thì phải có cách thức để Việt Nam kiểm soát và bảo đảm tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, chi phí hợp pháp, hợp lệ, giống như bất kỳ một doanh nghiệp nào khác ở Việt Nam”. Ví dụ như: xuất hóa đơn, sổ sách kế toán giấy tờ phải theo dõi như thế nào, cái nào được phép hạch toán vào chi phí, cái nào không được thừa nhận… Tôi cho rằng, theo như cách của Uber, Grab, thì thậm chí còn theo dõi dễ hơn, bởi họ kinh doanh hoàn toàn dựa vào phần mềm. Chính vì vậy, để kiểm soát, thì yêu cầu họ, đối với cơ quan thuế, thì phải công khai về dữ liệu phần mềm. Cơ quan này được phép can thiệp, được phép kiểm tra và kiểm soát. Còn đối với bên ngoài, thì giữ bí mật. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần phải có những người có chuyên môn về IT để có thể nắm được bản chất của vấn đề như thế nào, tình hình dòng tiền và lỗ lãi, thu chi… của Uber và Grab, để từ đó có phương thức quản lý tối ưu nhất.

PV: Từ khi có Uber và Grab, thị phần của taxi truyền thống giảm từ 30%-40%. Nhiều ý kiến cho rằng là do taxi truyền thống bị cản trở bởi các điều kiện kinh doanh hơn Uber và Grab. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Trương Thanh Đức: tôi cho rằng, sai đâu thì sửa đấy thôi. Nguyên tắc kinh doanh kinh tế thị trường của Luật Đầu tư là khuyến khích tự do kinh doanh cái gì, mà pháp luật không cấm. Những cái đặt ra điều kiện, thì phải là vì an ninh quốc phòng, vì sức khỏe cộng đồng, vì đạo đức xã hội, chứ không phải là cứ muốn đặt ra là đặt được. Tất cả những gì không đúng với nguyên tắc ấy, thì phải bỏ bớt, loại trừ.

Tôi cho rằng, đầu tiên là phải kiểm soát, chấn chỉnh taxi công nghệ mới để tránh sự gian lận trốn thuế, hay là lợi dụng sơ hở của pháp luật. Tiếp đó là phải rà soát các điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống. Những cái gì bất hợp lý, không cần thiết phải duy trì, thì loại bỏ để cho 2 loại hình này ở mặt bằng tương đối công bằng, hợp lý, để mục tiêu cuối cùng là khuyến khích cả hai loại hình này phát triển có hiệu quả, đem lại lợi ích cho người sử dụng, cũng như cho xã hội. Còn hoàn toàn không lo ngại là lĩnh vực này chiếm lĩnh lĩnh vực kia, vì nó chiếm được là tốt, nó rẻ hơn, nó hiệu quả hơn, nó tốt hơn, chẳng có lý do gì mà hạn chế nó. Nếu nó tắc đường, thì anh phải có giải pháp tổng thể, bằng giải pháp kinh tế, giải pháp lỹ thuật như thế nào đấy, chứ còn đâu những giải pháp hành chính, những điều kiện kinh doanh về cơ bản phải cùng mặt bằng, cùng sân chơi, thì nó mới đúng nguyên lý của kinh tế thị trường và công bằng của luật pháp.

PV: Ông có lời khuyên nào dành cho các hãng taxi truyền thống không, thưa ông?

Ông Trương Thanh ĐứcTaxi dù có sản phẩm tốt đến đâu, dù có công nghệ hiện đại đến đâu, thì mỗi anh có một thế mạnh, thị phần và có ngách của nó, chứ không anh nào có thể tiêu diệt hoàn toàn cả. Tuy nhiên, nếu anh thấy rằng loaị hình kia tốt, cạnh tranh, lợi thế, nó loại bỏ mình, thì anh bắt tay vào làm cái đấy. Nếu không thì anh phải chấp nhận cuộc chơi thôi. Giống như là 2 cửa hàng vị trí giống nhau, hình thức giống nhau, chất lượng giống nhau, nhưng rất có thể là một bên ế, không ai mua hàng, không ai sử dụng dịch vụ, nhưng ngược lại một bên rất đắt hàng, thì anh phải xem lại điều đấy. Tại sao anh lại không chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, mà phải kéo người khác tụt xuống, phải khó khăn. Tại sao anh không đổi mới bản thân, tại sao không kiến nghị loại bỏ bớt rào cản để anh có thể cạnh tranh công bằng… Còn nếu chỉ bảo là tôi tốt, anh không được tốt, thì đó không phải là biện pháp tổng thể để giải quyết được vấn đề./.

Kim Hiền (thực hiện)


 

Kinh tề & Dự báo (Góc chuyên gia) 22-7-2017:

http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/194-8872-chang-co-ly-do-gi-de-han-che-uber-grab-ca.html

(1.181/1.181)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,611