1.749. Cầm cố sổ bảo hiểm xã hội: Sửa luật để cấm, không cho giao dịch!

(PL&XH) – Lợi dụng quy định người lao động được giữ sổ bảo hiểm xã hội, tại một số tỉnh, thành đang xảy ra tình trạng người lao động đem sổ đi cầm cố với các cá nhân khác, hoặc ngân hàng, tiệm cầm đồ, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ mới…

Tự bảo quản sổ BHXH, nhiều người mang đi thế chấp

Theo lộ trình, chậm nhất là đến hết 2020, ngành BHXH phải tập trung cấp sổ BHXH điện tử và thẻ BHYT điện tử. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động có quyền được giữ sổ BHXH để quản lý, theo dõi quá trình đóng BHXH của chủ doanh nghiệp và bắt đầu từ 2017, cơ quan BHXH phải trả sổ cho người lao động.

Khi người lao động tự giữ sổ BHXH thì sẽ giám sát được việc người sử dụng lao động có đóng nộp BHXH cho mình hay không, tránh trường hợp người sử dụng lao động nợ tiền đóng, không đóng hoặc đóng không đủ nhưng người lao động không biết. Từ đó, kịp thời phản ánh lại với người sử dụng lao động, công đoàn cơ cở, cơ quan BHXH để điều chỉnh, bổ sung.

Tuy nhiên, ông Chu Minh Tộ, Trưởng ban Sổ – thẻ, BHXH Việt Nam cho hay, sau khi được cầm sổ BHXH, tại một số tỉnh, thành như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP HCM, Đăk Nông… đã xảy ra tình trạng người lao động đem sổ đi cầm cố tại ngân hàng để thực hiện các khoản vay tín dụng.

Đặc biệt, thông tin từ tỉnh Phú Yên cho biết, cơ quan BHXH tỉnh đã nhận được công văn từ ngân hàng đề nghị phối hợp trong việc cấp và chi trả chế độ cho người lao động đã đem sổ BHXH đi thế chấp.

Trong khi đó, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH và không quy định cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp đem sổ BHXH đi cầm cố, mà chỉ cấp lại sổ BHXH do bị hỏng, mất.

Các chuyên gia phân tích về bất cập pháp lý khi cầm cố sổ BHXH để vay tiêu dùng.

Phát hiện sổ đang cầm cố sẽ không được cấp lại

Ông Chu Minh Tộ cho biết, việc người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ BHXH và người cầm cố sổ. Nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ do bị mất, hỏng thì không thuộc đối tượng được cấp lại.

Chưa kể, nếu việc đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH với lý do bị mất, hỏng mà cơ quan BHXH phát hiện thì người lao động đang cầm cố sổ BHXH thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

Còn đối với người, đơn vị nhận cầm cố sổ BHXH, pháp luật về BHXH cũng không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia BHXH. Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan.

Vì vậy, nếu người lao động cầm cố sổ BHXH, sau đó được cấp lại vì lý do bị mất và đem sổ BHXH cấp lại đi giải quyết BHXH một lần, thì người cầm cố sổ BHXH sẽ không thể đem sổ BHXH nhận thế chấp đi giải quyết BHXH, mặc dù có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật. Còn nếu người lao động tham gia BHXH gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng BHXH một lần mà qua đời) thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tuất, người cầm cố sổ BHXH sẽ không được hưởng.

Cần sửa Luật BHXH để cấm, không cho phép giao dịch

Tại tọa đàm “Giao sổ BHXH cho người lao động: Quyền lợi và những vấn đề đặt ra” do Cổng thông tin Chính phủ vừa tổ chức, luật sư Trương Thanh Đức, GĐ Cty Luật ANVI cho rằng, có vấn đề pháp lý không rõ ràng trong trường hợp này. Đó là, cho đến giờ phút này, chưa có quy định nào về việc “không được cầm cố sổ BHXH” nên người ta vin vào cớ đó để mang sổ BHXH đi giao dịch.

“Tôi cho rằng cần sửa đổi Luật BHXH để cấm, không cho phép giao dịch”, luật sư Trương Thanh Đức nói. Đồng thời, ngân hàng không nên nhận vì việc cầm cố này không có giá trị pháp lý và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác.

Còn theo ông Trần Đình Liệu, Phó TGĐ BHXH Việt Nam, sổ BHXH chỉ có giá trị khi người lao động đến cơ quan BHXH xác định đúng nhân thân, đúng cơ sở dữ liệu thì mới được giải quyết chính sách. Vậy nên, khi cơ quan BHXH không giải quyết chế độ chính sách đó cho ngân hàng thì hệ thống ngân hàng sẽ gặp rủi ro. “Quan điểm của tôi là việc cầm cố sổ BHXH tại hệ thống ngân hàng là trái pháp luật”, ông Liệu nói.

Cũng theo ông Liệu, người lao động tham gia BHXH tuân theo nguyên tắc có đóng, có hưởng; đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia BHXH. “Điều này có nghĩa là chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó, thân nhân của người đó mới được hưởng quyền lợi liên quan hoặc trong một số trường hợp là người được ủy quyền được nhận thay”, ông Liệu khẳng định.

Nói về việc người lao động đem sổ BHXH đi thế chấp nhưng lại lên cơ quan BHXH của tỉnh khai báo mất sổ và xin cấp lại, ông Liệu cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu sổ bảo hiểm bị mất mà người lao động đề nghị thì cơ quan BHXH sẽ cấp lại. Cơ quan BHXH sẽ có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân cố tình khai báo gian dối khi thế chấp sổ BHXH nhưng lại khai báo mất sổ để làm lại sổ mới. Còn luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chính việc cấp lại sổ BHXH có khi lại làm các bên cầm cố ngại hơn, chứ chỉ cấp 1 lần thì họ yên tâm là chỉ có một sổ mà thôi.

Bình luận về ý kiến cho rằng việc dùng sổ BHXH đem thế chấp là hợp lý nếu như có một bản thỏa thuận giữa 3 bên là BHXH, ngân hàng và người lao động, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trường hợp này vì có thỏa thuận nên ngân hàng được quyền nhưng BHXH Việt Nam cần phải phát hiện ra và chấn chỉnh ngay nội bộ của mình dừng lại không được phép làm việc ấy, nếu có cam kết rồi nhưng không hợp lý cũng không nên thực hiện.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, người lao động nên xác định cái gì có thể thế chấp vay tiêu dùng, tránh những hậu quả xấu trong cuộc sống. Còn theo ông Trần Đình Liệu thì chính sách BHXH là chính sách an sinh, hướng đến những người yếu thế. “Tôi cho rằng người dân, nhất là người đã cầm được quyển sổ đó thì không nên đi cầm cố để giải quyết những vấn đề trước mắt mà ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài”, ông Liệu nói.

Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn quy định sổ BHXH được cấp cho người tham gia để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Người tham gia được cấp và bảo quản một sổ BHXH duy nhất, trong trường hợp sổ BHXH bị mất, hỏng phải thông báo với cơ quan BHXH để xem xét cấp lại (không quy định cấp lại đối với trường hợp cầm cố sổ BHXH).

Năm 2018, mức đóng BHXH là 32% mức tiền lương, thu nhập Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Luật Việc làm và Luật An toàn vệ sinh lao động, tổng mức đóng BHXH bắt buộc (gồm đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau, thai sản); bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); BHYT, áp dụng từ ngày 1-1-2018 là 32% mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng. Trong đó người lao động đóng 10,5% (gồm 8% BHXH, 1% BHTN và 1,5% BHYT), chủ sử dụng lao động đóng 21,5% (gồm 14% BHXH, 1% BHTN và 3% BHYT). Khi tham gia BHXH, người lao động được hưởng các chế độ: Ốm đau, thai sản; tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; trợ cấp thất nghiệp; chế độ hưu trí; khám chữa bệnh BHYT.

Phương Thảo

—————————-

Pháp luật & Xã hội (Góc nhìn) 24-2-2018:

http://phapluatxahoi.vn/cam-co-so-bao-hiem-xa-hoi-sua-luat-de-cam-khong-cho-giao-dich-111406.html

(439/1.598)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

435. Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng.

Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng. (Phát biểu tại Hội thảo...

Phỏng vấn 

4.403. Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao?

Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao? (HTV) - Theo thông báo từ Temu,...

Trích dẫn 

3.949. ‘Bù nhìn’ trong ngân hàng.

‘Bù nhìn’ trong ngân hàng. (NQT) - Thành viên hội đồng quản trị độc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,008