1.757. Huy động USD nhưng vẫn kiên trì chống “đô la hóa”

(NĐT) – Các chuyên gia ngân hàng cho rằng thời điểm này khá nhạy cảm để quyết định nâng lãi suất huy động USD, nếu có thì cần thận trọng, tránh lạm phát, tránh tình trạng đô la hóa như các năm trước đây.

Gửi USD sắp có lãi suất?

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD, sau gần 2 năm áp dụng mức 0% để giảm áp lực lên tỉ giá USD/VND, nhằm chống đô la hóa.

Người dân vẫn gửi ngân hàng dù lãi suất huy động USD là 0% (ảnh minh họa)

Diễn biến mới nhất của nhà điều hành được chú ý từ buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với NHNN trung tuần tháng 7/2017, Chủ nhiệm VP Chính phủ – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã gửi thông điệp của Thủ tướng tới NHNN rằng người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần lưu ý NHNN nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực vàng và USD trong dân để phục vụ sản xuất kinh doanh.

“NHNN có chủ trương quyết liệt là chống đô la hóa, nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát thì làm sao huy động được nguồn lực này? Chúng ta vẫn phải mua trái phiếu quốc tế với lãi suất trên 4%, vậy huy động trong dân thế nào?” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đáp lời Bộ trưởng tại cuộc họp nói trên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN coi đây là vấn đề rất quan trọng và đã có giải pháp để triển khai.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực nhưng làm sao bảo đảm ổn định” – Thống đốc khẳng định.

Sau các phát ngôn này, nhiều luồng dư luận cho rằng khả năng lớn là lãi suất huy động USD sẽ được nhà điều hành điều chỉnh trong nay mai.

Tuy nhiên, trao đổi với báo Người Đưa Tin, một đại diện của NHNN đã từ chối chia sẻ các giải pháp cụ thể tại thời điểm hiện tại.

Nên điều hành thận trọng

Số liệu của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tín dụng ngoại tệ 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 7,3% so với cuối năm 2016, chiếm 8,3% tổng tín dụng. Bởi vậy nhiều ý kiến cho rằng cần nâng lãi suất để huy động nguồn lực USD nhàn rỗi trong dân, thay vì hiện nay ta đang phải đi vay nước ngoài với lãi suất cao để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước ngày càng cao.

Tuy nhiên trong khi một số chuyên gia kinh tế, tài chính ủng hộ NHNN điều chỉnh lãi suất huy động USD thì một số khác lại bày tỏ quan ngại, cho rằng đây là một chính sách vĩ mô nên được thực hiện thận trọng.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Áp lực đối với tỷ giá Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ theo chiều hướng tăng do chính sách tiền tệ của FED và do mức bất cân đối trong cán cân thương mại của Việt Nam. Cộng với áp lực các chính sách bên ngoài, nhiều khả năng NHNN nên thay đổi chính sách lãi suất 0% cho tiền gửi USD”.

Cụ thể, TS. Hiếu cho biết: Lãi suất Libor hiện ở mức 1,2%, nhưng con số này có thể tăng tiếp. Rất nhiều khả năng sẽ có một số vốn sẽ tuồn ra nước ngoài để tìm kiếm mức sinh lời cao hơn. Do đó, chúng ta sẽ có áp lực về tỷ giá.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Đồng quan điểm với TS. Hiếu, chuyên gia kinh tế – TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng nhà điều hành nên tăng lãi suất huy động USD tại thời điểm hiện tại. “Trong bối cảnh Mỹ tăng mà mình không tăng thì dòng đô la sẽ bị “chảy ngược”. Thời điểm này tăng lãi suất huy động USD là vừa hợp lý và hợp lệ. Ngoại hối của Việt Nam năm ngoái đạt 9 tỉ USD, năm trước nữa 13,5 tỉ, như vậy là mất 25%. Thiếu kiều hối là thiếu ngoại tế sẽ làm lệch tỉ giá.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Nói về mối quan hệ với chính sách chống đô la hóa đang áp dụng, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng chúng ta vẫn có thể duy trì chống đô la hóa bằng cách không cho thanh toán bằng USD, còn huy động thì không liên quan. Ngoài ra, ông Phong khẳng định chính dòng vốn ngoại tệ là dòng vốn giá rẻ mới làm giảm chi phí đầu vào và không gây lạm phát, ngược lại với tăng lãi suất huy động tiền Việt thường gây lạm phát.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nguyên Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank lại cho rằng việc tăng lãi suất huy động USD vào thời điểm này có thể gây ảnh hưởng đến chủ trương chống đô la hóa, và rằng lãi suất có quy luật riêng của nó, không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính mà chỉ nên dùng các biện pháp gián tiếp.

“Mục đích chống đô la hóa không khuyến khích thanh toán đô la chỉ trừ trường hợp giao dịch với nước ngoài. Lãi suất USD bằng 0% hoặc thậm chí âm thì người ta vẫn gửi nhiều vì người ta vẫn có lợi cho nên không cần phải tăng lãi suất. Xuất khẩu cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách này, do cán cân xuất nhập khẩu không chênh lệch nhiều. Chỉ duy nhất một cái chịu ảnh hưởng thôi đó là kiều hối” – luật sư Đức nói.

Ông Đức cũng khuyến cáo nếu ép tăng trưởng thì sẽ gây ra rủi ro. “Quan điểm của tôi là nên nhìn vào mục tiêu, chúng ta có muốn chống đô la hóa triệt để lâu dài không? Và hiện nay nhu cầu ngân hàng có thật sự cần hay không? Nếu thật sự cần thì có thể điều chỉnh ở mức an toàn, và cần làm thận trọng”.

Một chuyên gia khác đang hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cũng nhận định: Chống đô la hóa và huy động nguồn lực phải là 1 giải pháp đồng bộ của điều hành kinh tế vĩ mô. Làm sao để người dân không găm giữ ngoại tệ mà chuyển đổi thành đồng Việt Nam để gửi ngân hàng lấy lãi suất cao hơn hoặc để đầu tư vào sản xuất kinh doanh là cách tốt nhất để huy động nguồn lực. Nguồn lực USD mà NHNN mua được sẽ cân đối bán cho các doanh nghiệp có lệnh thanh toán nhập khẩu hàng hóa với nước ngoài, còn lại thì bán trong hệ thống để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, những việc này chúng ta đã làm rất tốt từ 2011 đến nay.

Cuối năm 2015 diễn biến tỉ giá có nhiều áp lực, sau khi rà soát NHNN đã giảm lãi suất huy động USD xuống còn 0%. Chính sách đó đồng thời với các giải pháp khác đã hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại hối, suốt từ cuối 2015 đến nay tỉ giá ở mức ổn định.

Còn hiện tại, vị chuyên gia cho rằng lãi suất USD so với nước ngoài cũng rất khó bởi vì huy động trong nước đa số là ngắn hạn trong khi đi vay trái phiếu nước ngoài dài hạn thì lãi suất phải cao hơn.

“Bởi vậy câu chuyện nâng lãi suất tiền đô để huy động là câu chuyện phải hết sức thận trọng. Có thể mặt được thì như đã nói ở trên, song cũng cần đến tính đến mặt trái của nó: Khi nâng lãi suất huy động USD sẽ dễ tạo ra tâm lý kỳ vọng về ngoại tệ, ngoại hối nên người dân sẽ quay lại găm giữ như ngày xưa. Ngày xưa điều hành chưa tốt, tỉ giá chỉ hơi biến động là thị trường xôn xao, bây giờ điều hành linh hoạt hơn nhưng người ta cũng không quan tâm nhiều như trước, đây chính là cái mặt đang tốt hiện nay do đó cần cân nhắc” – vị chuyên gia nói.

Minh Minh

—————

Người đưa tin (Tài chính – Ngân hàng) 01-8-2017:

http://www.nguoiduatin.vn/huy-dong-usd-nhung-van-kien-tri-chong-do-la-hoa-a334194.html

(238/1.466)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,365