1.765. Mô hình taxi công nghệ Uber, Grab: Quản chặt hay cấm?

(CP) – Mô hình “taxi công nghệ” của Uber, Grab đang tiếp tục gây tranh cãi giữa doanh nghiệp, địa phương và ngay cả những nhà làm luật. Tuy nhiên, Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải của Bộ GTVT sắp ban hành đang được kỳ vọng sẽ mang lại môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp này.

“Công nghệ là cần thiết nhưng cần hạn chế để tránh tiêu cực”

Là doanh nghiệp có hàng nghìn xe hợp tác với Công ty Grab, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX giao thông vận tải Toàn cầu cho biết, từ khi Grab, Uber vào Việt Nam, với cách làm mới áp dụng lợi thế của công nghệ 4.0, đã tiếp cận khách hàng nhanh chóng, chỉ trong thời gian ngắn thu hút được một cộng đồng đông đảo khách hàng sử dụng. Bên cạnh đó, Uber và Grab đã thúc đẩy các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi.

“Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, tôi nhận thấy những thông điệp của Grab không hẳn như họ nói. Cụ thể như thông điệp “thu nhập của lái xe Grab lên 35 triệu đồng/tháng” đã thu hút được một khối lượng lớn người lao động tuy nhiên thực tế lại không phải vậy.

Thông điệp Uber, Grab là tạo loại hình vận tải giá rẻ cũng chưa chắc. Theo tôi, nếu tính trung bình cước Uber, Grab không hề rẻ hơn taxi truyền thống. Vào các giờ thấp điểm hoặc thời điểm khuyến mãi giá cước Uber, Grab có thể thấp hơn. Còn vào những khung giờ cao điểm hay thời tiết bất lợi, giá cước này “nhảy múa” liên hồi, thậm chí cao gấp hai, gấp ba bình thường”, ông Tuấn cho hay.

Còn ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, cần phải quản lý loại hình Uber, Grab như taxi.

“Chúng tôi khẳng định ứng dụng công nghệ là rất tích cực, tuy nhiên cần phải quản lý để hạn chế tiêu cực. Không thể thả nổi loại hình này, đặc biệt trong điều kiện giao thông của Thành phố vẫn đang quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc. TP. Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT góp ý sửa đổi Nghị định 86. Chúng tôi luôn ủng hộ quan điểm phải đưa loại hình kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi vào quản lý giống như quản lý taxi”, ông Hà khẳng định.

Tương tự như ông Vũ Hà, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng cho biết, TP. Đà Nẵng đã đề nghị Grab chỉ thực hiện hoạt động tại Đà Nẵng khi có sự phối hợp quản lý của Sở GTVT Đà Nẵng.

Tuy nhiên, sau 2 năm dù chưa có sự quản lý của Sở và ý kiến của Bộ nhưng Grab vẫn hoạt động, nay Đà Nẵng đã có trên 4.000 xe. Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng đây là nhóm kinh doanh ngoài vòng pháp luật, xem thường quy định pháp luật và quy định chính quyền địa phương. Chính quyền đã mời làm việc và yêu cầu không triển khai nhưng họ vẫn làm.

“Tôi kiến nghị phải định danh, ta không quản lý được là lo chưa định danh được họ là vận tải hay công nghệ. Giữa hai loại hình này khác nhau như thế nào? Thực ra không khác, chỉ là kết nối, một bên kết nối tổng đài, một bên kết nối mạng. Khi quy định họ là kinh doanh vận tải thì áp quy định như kinh doanh taxi truyền thống. Các doanh nghiệp taxi bức xúc và liên tục kiến nghị là vì môi trường kinh doanh, chứ chúng tôi không yêu cầu bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Điều chúng tôi cần là trong một môi trường kinh doanh phải công bằng, không để một doanh nghiệp tự do còn một bên chịu ràng buộc”, ông Võ Thành Nhân nói.

Quản chặt chứ không nên cấm

Về vấn đề “cấm hay không cấm” Uber, Grab, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định rõ, người dân và doanh nghiệp được phép làm những việc pháp luật không cấm nên tôi cho rằng không nên nói đến chuyện cấm Uber, Grab nữa”.

“Bộ GTVT không có quyền cấm, Hà Nội, Đà Nẵng chẳng có quyền gì cấm. Bộ luật Dân sự nói không được hạn chế quyền pháp nhân của cá nhân, chỉ có Quốc hội và luật mới có quyền cấm. Còn nếu muốn cấm thì phải sửa Luật Giao thông”, luật sư nói.

Lý giải rõ hơn, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, chỉ được cấm trong 4 trường hợp: Có lý do gây ảnh hưởng đến an ninh – quốc phòng; lý do về tính chất an toàn xã hội; lý do về đạo đức xã hội; lý do về sức khỏe cộng đồng. Mà cả 4 lý do này đều không hợp lý với mô hình Uber và Grab.

Về việc hạn chế xe tại các đô thị lớn, theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu phải hạn chế giữa “taxi công nghệ” và taxi truyền thống, cần hướng tới hạn chế cái truyền thống, khuyến khích cái hiện đại vì lợi ích, hiệu quả, an toàn, có dữ liệu và quản lý tốt hơn.

Về việc có nên quản lý Uber, Grab như taxi hay không, theo quan điểm của luật sư: Dù là loại xe gì nếu như đã là hãng công nghệ mà quản lý như người lao động bình thường thì tôi cho rằng Uber, Grab không quản lý như thế. Ở phần nào đó, họ vẫn trực tiếp chi trả, khuyến mại nhưng trong hợp đồng, trong thỏa thuận họ chỉ đóng vai trò làm thay cho pháp nhân kinh doanh vận tải. Họ chỉ tranh thủ công nghệ còn về lý, trách nhiệm vẫn là cá nhân pháp nhân kinh doanh vận tải. Trường hợp đó chúng ta sẽ quản lý hãng taxi.

“Còn nếu chỉ đơn thuần kết nối xe, luật và Nghị định phải điều chỉnh và cũng nên khuyến khích. Đây chỉ là kinh doanh của hãng công nghệ nhưng lái xe hoàn toàn không dính dáng đến kinh doanh. Đó mới là khuyến khích 4.0, là kinh tế chia sẻ, tận dụng thời gian nhàn rỗi.

Nhưng cái mà kết hợp mà kinh tế chia sẻ thì rất hay, rất tốt. Vấn đề chính là phải quản, quản chặt chứ không nên cấm”, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.

Đáp lại ý kiến của ông Vũ Hà về việc TP. Hà Nội cấm Uber, Grab đi vào một số tuyến đường như taxi, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc cấp phù hiệu xe hợp đồng Uber, Grab, Hà Nội hoàn toàn có thẩm quyền, nếu cảm thấy điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng, cần thiết có thể đề xuất dừng cấp phù hiệu. Đây là thẩm quyền trong quản lý nhà nước của các Sở GTVT tại địa phương.

“Ví dụ, TP. Hà Nội đã cấp một lượng xe hợp đồng thí điểm nhất định. Nhưng giờ tính toán lại, nếu giao thông đã quá tải, Hà Nội có thể ngừng cấp. Đây chính là thẩm quyền quản lý Nhà nước tại địa phương về quản lý vận tải. Không phải cái gì cũng đưa lên Bộ, lên Chính phủ. Trên cơ sở thực trạng của địa phương về quá tải, về tắc nghẽn giao thông, về hạ tầng không phù hợp, Sở GTVT có thể kiến nghị”, Thứ trưởng yêu cầu.

Thêm nữa, Thứ trưởng cho biết, những ý kiến của doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội và luật sư đã nêu Bộ GTVT tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp và nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

“Sau 4 lần trình Dự thảo, Thủ tướng xác định đây là nghị định tác động rất lớn đến xã hội, liên quan đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người dân, nên soạn thảo phải chặt chẽ, đúng quy định. Chúng ta đã có luật thì phải bám vào luật để đưa ra hướng dẫn chặt chẽ cho các lĩnh vực này. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các hiệp hội, người dân, của các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt của các thành viên Chính phủ.

Theo kế hoạch, hôm nay, chúng tôi gửi Bộ Tư pháp và đăng tải dự thảo trên Cổng TTĐT của Bộ GTVT để tiếp tục lấy ý kiến góp ý cho dự thảo”, Thứ trưởng cho biết.

Về việc, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi sẽ ban hành ngay hay phải chờ Luật Giao thông đường bộ mới, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, do yêu cầu của quản lý, Nghị định 86 sẽ phải sửa và ban hành ngay chứ không chờ sửa Luật.

Phan Trang

—————————-

Chính phủ (Kinh tế) 22-3-2018:

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Mo-hinh-taxi-cong-nghe-Uber-Grab-Quan-chat-hay-cam/332249.vgp

(445/1.575)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,921