(ĐV) – Việc tăng, giảm tín dụng do khả năng hấp thu của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và đánh giá tính khả thi vốn vay của ngân hàng.
Chạy xe máy cũ tốc độ cao
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước khả năng có điều chỉnh lớn về mức cho vay năm nay nhằm nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên 21-22%.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, 7 tháng đầu năm nay tín dụng đã tăng khoảng 9,3%, nếu theo định hướng tăng trưởng 22% nói trên, sẽ còn khoảng 698.500 tỷ đồng tăng thêm dồn trong 5 tháng cuối năm.
LS Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) không đồng tình với biện pháp này.
Ông chỉ ra rằng, trước nay GDP của Việt Nam tính theo con số thô nên cứ tăng được đồng nào là tính ngay đồng ấy, trong khi điều quan trọng là hiệu quả thực sự hay không, chất lượng đầu tư, chất lượng cho vay, chất lượng tín dụng thế nào.
Tăng trưởng tín dụng của Việt nam có dấu hiệu quá nhanh trong năm nay |
“Yêu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn đang có nguy cơ làm méo mó nền kinh tế thị trường khi việc tăng hay giảm tăng trưởng tín dụng là do khả năng hấp thu của nền kinh tế, do doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hay không, do ngân hàng có nhìn nhận, đánh giá được rằng có an toàn, hiệu quả, khả thi không để cho vay.
Việc này phải do cung cầu, thị trường quyết định. Nếu tăng lên thì lãi suất giảm hoặc ngược lại. Còn bây giờ đang có xu hướng ẩn chứa nhiều nguy cơ, đó là ép tăng trưởng.
Đáng lý ra Nhà nước chỉ ép giảm chứ không ép tăng để chống sốc, vì thấy nguy cơ phát triển nóng và không an toàn. Còn nếu tăng là do thị trường tự tăng khi thấy rằng việc tăng ấy là tốt, có triển vọng, có tương lai trong và ngoài nước nhưng điều dó cũng không có nghĩa là cứ để nó tăng một cách ngẫu hứng”, LS Trương Thanh Đức chỉ rõ.
Vị chuyên gia thẳng thắn, bởi Việt Nam theo chủ nghĩa thành tích, tăng trưởng thô GDP và trong nhiều công cụ, biện pháp thì tăng trưởng tín dụng là dễ nhất và nhanh nhất, nhưng gây sức ép như vậy rất tai hại.
Hình dung tăng trưởng tín dụng như tốc độ giao thông, LS Đức cho biết, ai cũng muốn đỡ tốn xăng, muốn về nhà nhanh, hay muốn cảm giác bay bổng khi đi tốc độ cao, thế nhưng như vậy lại không an toàn cho chính người điều khiển phương tiện và những người than gia giao thông khác. Do đó, Nhà nước phải đặt ra những giới hạn nhất định, đặc biệt là trong những điều kiện bất thường, mưa bão, đường xấu…
“Thực ra, tâm lý của các ngân hàng cũng muốn tăng. Ngân hàng tốt thì không dại gì tăng vì họ rất thận trọng, tính toán an toàn, hiệu quả. Nhưng ngân hàng nào kém, nếu được mở cửa sẽ lập tức tăng vô tội vạ, chụp giật và muốn đạt thành tích ăn xổi ở thì, chẳng hạn tăng được như thế thì mới tính được lợi nhuận, doanh số, giá cổ phiếu… Nhưng chỉ cần 1, 2 năm sau, cái giá phải trả mới kinh khủng.
Khi ấy, thảm họa nợ xấu một lần nữa có thể tái diễn và lúc đó đừng có đổ tội cho ngành ngân hàng”, LS Trương Thanh Đức cảnh báo.
Hiệu quả đồng vốn bơm ra?
LS Trương Thanh Đức cũng nhắc lại cảnh báo của một số tổ chức quốc tế lớn về thực tế tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu quá nhanh trong năm nay ở Việt Nam. Ngay cả mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 18% mà Ngân hàng Nhà nước dự tính và đưa ra định hướng đầu năm nay cũng là con số quá cao.
“Nếu môi trường tốt, nền kinh tế ổn định, tăng như thế đã nguy hiểm. Còn môi trường Việt Nam đang xấu, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, nợ đầm đìa không trả nổi, nợ xấu của doanh nghiệp lớn, nếu tăng trưởng tín dụng tăng nữa sẽ làm nặng thêm gánh nặng đó.
Tất nhiên cũng phải ghi nhận rằng đã có nhiều thay đổi theo hướng thuận lợi hơn nhưng về cơ bản tình hình vẫn cực kỳ khó khăn và không nên nghĩ đến việc phải đạt được thành tích tăng trưởng như thế”, ông Đức nhấn mạnh.
Trước nghi ngại về khả năng hấp thụ của nền kinh tế nếu bơm thêm gần 700.000 tỷ đồng, vị chuyên gia cho rằng vẫn có thể hấp thụ được, thậm chí là dễ dàng với những cách như đảo nợ.
Tuy nhiên, một lần nữa ông cảnh báo, tương lai, hiệu quả của đồng vốn đầu tư và khả năng thu hồi, khả năng an toàn vốn lại rất mờ mịt.
Một khi đã bơm thêm thì phải có phương án, dự án hiệu quả, khả thi, phải tăng trưởng thị trường, thị phần, phải có sản phẩm… để nhìn thấy nó tăng vào đâu, hợp lý thế nào, tránh tình trạng tăng về tiêu dùng như nhập khẩu hàng xa xỉ hay tăng về nhà đất theo kiểu đầu cơ, ứ thừa.
“Đáng nhẽ không phát triển dự án bất động sản nữa nhưng anh lại cứ kích thích tăng thì đương nhiên sẽ bán được thêm. Lúc ấy đúng là tăng trưởng thật, bán được hàng thật nhưng sẽ chết vì tài sản đó không sản xuất kinh doanh thì sau này ai chịu? Nền kinh tế chịu, ngân hàng chịu và cuối cùng là dân chịu, xã hội chịu”, LS Trương Thanh Đức nói.
Bởi thế, ông lưu ý, để nền kinh tế phát triển, vấn đề không nằm ở chỗ bơm thêm tiền để đạt mục tiêu tăng trưởng, mà phải có những giải pháp để kích thích những thứ thực sự cần tăng trưởng, cần phát triển; thủ tục, điều kinh kinh doanh phải giảm tối đa.
“Chẳng hạn, BOT phải dẹp làm sao để bớt chi phí, giá thành, để người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều, vận chuyển hàng hóa cạnh tranh được.
Còn nếu cứ có bao nhiêu rào cản, ngáng trở, xuất nhập khẩu vướng mắc, tiêu thụ nội địa vướng mắc, làm người tiêu dùng mất lòng tin… thì càng tăng càng tai hại”, LS Đức nhấn mạnh.
Thành Luân
Đất Việt (Kinh tế) 17-8-2017:
http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/bom-tien-kich-cau-kinh-te-chay-xe-toc-do-cao-3341205/
(1.170/1.170)