1.773. Trách nhiệm ngân hàng đến đâu khi cán bộ lợi dụng chức vụ lừa đảo?

(ANTT) – Thời gian gần đây, đã có nhiều vụ lừa đảo tài sản do chính cán bộ ngân hàng thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, những vụ việc này cho thấy, nghiệp vụ ngân hàng vẫn còn nhiều “lỗ hổng”.

Chỉ vì tin tưởng cán bộ ngân hàng…

Gửi tiền vào ngân hàng là lựa chọn của nhiều người bởi đây được xem là cách quản lý tài chính vừa an toàn vừa sinh lời. Thế nhưng không ít trường hợp số tiền hàng tỷ đồng vẫn “bốc hơi” khỏi tài khoản, sổ tiết kiệm mà khách hàng không hay biết.

Mới đây, mổ ngân hàng TMCP đã gây sóng dư luận, khi có thông tin một khách hàng bỗng dưng “bốc hơi” 800 triệu đồng trong sổ tiết kiệm, gây hoang mang dư luận, dó là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, chi nhánh Phú Thọ.

Theo nguồn tin ở VTV, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Mai Thị Tân Dân, nguyên Trưởng Phòng giao dịch Thanh Ba thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam chi nhánh Đền Hùng về hành vi tham ô tài sản.

Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, Dân đã hướng dẫn khách hàng ký mẫu chữ ký để đăng ký giao dịch, có 3 trường hợp người gửi tiền tiết kiệm vì tin tưởng nên đã nhờ Dân ký hộ chữ ký. Sau đó, đối tượng đã tự ý giả chữ ký của 3 người trên và rút tiền sử dụng chi tiêu cá nhân. Với tổng số 6 sổ tiết kiệm trên, Mai Thị Tân Dân đã chiếm đoạt số tiền trên 1,9 tỷ đồng.

Thông tin ban đầu được biết, đây là trường hợp nhân viên trên đã lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt số tiền này. Đương nhiên, lỗi phần lớn là do ngân hàng làm sai quy trình, để nhân viên lợi dụng, song với trường hợp trên, lỗi một phần thuộc về khách hàng vì đã dễ dãi khi giao dịch, giao tiền cho nhân viên ngân hàng ngoài phòng giao dịch.

Hay gần đây, một trường hợp khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với cái “mác” cán bộ ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Phủ Quỳ, huyện Quỳ Hợp, một cán bộ ngân hàng cũng đã  vay nóng của nhiều người dân với số tiền hàng chục tỷ đồng, rồi tuyên bố vỡ nợ khiến nhiều người dân trên địa bàn điêu đứng, khóc lên khóc xuống khi tiền của mình tự dưng “không cánh mà bay”.

Cũng là nhân viên BIDV, mới đây Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Kim Luận (SN 1991) là cựu nhân viên ngân hàng BIDV Chi nhánh Đắk Nông để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng.

Theo đơn tố cáo của bà Đỗ Thị Thúy (SN 1974; ngụ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) gửi đơn tới cơ quan công an, đối tượng Nguyễn Thị Kim Luận về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của bà 2,7 tỉ đồng. Bà Phạm Thị Tương (SN 1975, ngụ cùng thị xã Gia Nghĩa) cũng làm đơn tố cáo bà Luận lừa đảo chiếm đoạt hơn 6,9 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Luận cũng đang bị điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số công dân khác.

Một trường hợp khác cũng được đưa tin rầm rộ là vụ bốc hơi 9 tỷ đồng của một khách hàng tại ngân hàng Quốc Dân (NCB). Theo đó, do tin tưởng “người quen” là một trưởng phòng giao dịch, nên khách hàng này đã đồng ý chuyển từ gửi tiết kiệm sang sang hình thức bảo lãnh ngân hàng với lãi suất 13%/năm – một sản phẩm mà ngân hàng không hề có…

Lợi dụng sự tin tường của khách hàng, nhân viên ngân hàng đã “trực lợi” chiếm đoạt tài sản (ảnh internet)

Hồi tháng 5, tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Lào Cai, đối tượng Lê Thị Huệ, ở phường Nam Cường, thành phố Lào Cai đã dùng thủ đoạn tuyên truyền với người dân là có mối quan hệ tốt với các ngân hàng nên có thể gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn nhiều lần mức gửi ngân hàng niêm yết.

Với phương thức này, Huệ đã huy động được hàng trăm tỷ đồng của nhiều người. Sau khi nhận tiền của nạn nhân, Huệ đến ngân hàng làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm cho những người đã đưa cho Huệ, nhưng Huệ chỉ nộp 1 triệu đồng/sổ tiết kiệm. Sau khi có sổ tiết kiệm, Huệ sửa số tiền trong sổ bằng với số tiền mà nạn nhân đưa cho Huệ. Bằng thủ đoạn này, Huệ đã chiếm đoạt của nhiều cá nhân với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Giải pháp phải từ chính ngân hàng

Chỉ là một vài trường hợp điển hình trong thời gian gần đây, trước đó cũng có nhiều vụ việc tương tự xảy ra. Hầu hết các nạn nhân bị mất tiền đều có chung đặc điểm là quen biết với đối tượng lừa đảo và tin tưởng họ, đặc biệt là những người làm trong ngân hàng có uy tín nên đưa tiền cho đối tượng một cách dễ dàng. Và nhiều người cũng biết rằng việc đưa tiền như vậy, nhất là phục vụ cho vay đảo nợ là khá rủi ro nhưng vì hám lãi suất cao và tin tưởng người làm ngân hàng nên vẫn “nhắm mắt làm liều”. Còn đối tượng lừa đảo thì lợi dụng mác làm ngân hàng, những lần đầu để củng cố niềm tin với khách hàng họ đều trả lãi đều đặn, nhưng sau đó khi số tiền lên cao, có thể do chi tiêu vào việc cá nhân quá đà hoặc không lấy lại được tiền mà đối tượng mang đi cho vay nên dẫn đến việc mất khả năng trả nợ và bỏ trốn.

Có một đặc điểm rất nguy hiểm của nền kinh tế Việt Nam trong những năm phát triển nóng vừa qua là vốn đầu tư chủ yếu trong tất cả các hoạt động kinh tế đều xuất phát từ ngân hàng.

Điều đó lý giải hiện tượng phần lớn lợi nhuận của toàn bộ nền kinh tế rơi vào tay các ngân hàng và nếu hệ thống ngân hàng siết lại các khoản vay, lập tức toàn bộ nền kinh tế bị giảm phát. Cũng chính vì vậy, các hoạt động lừa đảo nhằm vào ngân hàng càng ngày càng nhiều về số lượng và số tiền lừa đảo cũng mỗi ngày một lớn, có vụ lên đến hàng nghìn tỷ.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hiện nay quy định của luật khiến người gửi tiền chưa được bảo vệ do vậy khi xảy ra sự cố khách hàng luôn phải chịu thiệt. Chính vì vậy, Người gửi tiền cần tìm hiểu thông tin không chủ quan tin tưởng vào một cá nhân để tránh rủi ro. Khi gửi tiền khách hàng nên tìm ngân hàng lớn, uy tín thực hiện giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. 

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa cũng là do sự buông lỏng trong quản lý cán bộ từ các ngân hàng. Chính vì vậy, ngân hàng phải có cơ chế quản lý kiểm soát chặt chẽ nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ. Đồng thời công khai công bố quy định đó để người dân biết và tránh được rủi ro.

“Những vụ việc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ngoài lòng tham của cá nhân dẫn đến lừa đảo còn có nguyên nhân đến từ ngân hàng. Ngân hàng thiếu hoặc không có quy định chặt chẽ về phạm vi hoạt động của mỗi cá nhân cũng như khi vi phạm xử lý thế nào phải có tuyên bố quy định trước để bao trùm tất cả hành vi có thể dẫn đến lừa đảo, mất uy tín ngân hàng”, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm -nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Để xảy ra điều này, uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng không nhỏ và trong trường hợp là bị hại, ngân hàng rất khó thu hồi số tiền thất thoát. Nhiều ngân hàng đã phải chấp nhận số nợ xấu không nhỏ liên quan đến các vụ án hình sự. Do vậy, để hạn chế thiệt hại thì việc phòng ngừa rủi ro thông qua quản trị rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro đảm bảo, đặc biệt là phải quản lý chặt khâu nhận tài sản đảm bảo đối với các ngân hàng là đặc biệt quan trọng.

Mai An 


An ninh Tiền tệ (Ngân hàng) 18-8-2017:

http://antt.vn/trach-nhiem-ngan-hang-den-dau-khi-can-bo-loi-dung-chuc-vu-lua-dao-205968.htm

(97/1.563)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,908