1.778. Thận trọng với phương án tăng thuế VAT.

(ĐBND) – Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Điều này đi ngược lại mong muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, thậm chí có thể còn “dung dưỡng” cho việc chi ngân sách theo kiểu “vung tay quá trán”, do đó cần hết sức thận trọng.

 Theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại nhiều quốc gia (kể cả nước phát triển), xu hướng ở các nước này là cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu (cụ thể là tăng thuế tiêu dùng như VAT). Đơn cử, từ năm 2009 – 2016, thuế VAT tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tăng từ khoảng 19% (năm 2014) lên hơn 19% (năm 2016), các nước EU từ trung bình 19% (năm 2000) lên xấp xỉ 21,5% (năm 2014)…

Thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư LÊ XUÂN HIỀN: Nên “khoan thư sức dân”

Tôi không ủng hộ việc tăng thuế suất thuế VAT vì thực chất là thu của người tiêu dùng và làm cho doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh. Điều này có phần đi ngược lại với mong muốn của Chính phủ, khi Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo “kiến tạo” và “giảm bớt gánh nặng” cho doanh nghiệp!

Tất nhiên, có những vấn đề phát sinh mang tính chất “sống còn” thì thay đổi chính sách là cần thiết. Nhưng muốn thay đổi chính sách thì phải có thuyết trình rằng cơ quan quản lý không còn giải pháp nào khác và có lộ trình để nhà đầu tư (đang hoạt động và nhà đầu tư có ý định) lường trước các rủi ro. Đáng tiếc là hiện nay, nhiều khi chính sách của chúng ta có tình trạng cứ thích là thay đổi mà chưa tìm giải pháp xem có cách nào tăng nguồn thu nhưng không cần phải thay đổi chính sách không?

Để đưa ra quyết định tăng thuế VAT, theo tôi, cơ quan quản lý cần trả lời được câu hỏi: Hiện nay, một số lĩnh vực đang có thuế suất VAT bằng 0 và ưu đãi thấp hơn mức 10%, vậy quy định này còn phù hợp không? Đồng thời, cần phải tìm cho bằng được nhưng lĩnh vực có lợi nhuận cao nhưng lại không ảnh hưởng nhiều đến đại bộ phận người dân mà vì lý do nào đó hoặc chúng ta bỏ sót không đánh thuế, hoặc chúng ta chưa phát hiện được ra, hoặc biết nhưng không đánh thuế hoặc đánh thuế thấp!

Tôi cho rằng nên “khoan thư sức dân”; tiết kiệm, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực chứ không phải cứ thấy ít tiền, thiếu tiền là tìm cách thu thêm bằng việc tăng thuế.

 Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC: Tại sao không đặt vấn đề giảm?

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, trong đó đưa ra lý do là để “phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế VAT quốc tế”, tôi cho rằng không thuyết phục.

Với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hay các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), việc tăng thuế là bình thường. Song, không thể đem so sánh với Việt Nam vì các nước này cơ bản đều có mức sống cao hơn chúng ta, thậm chí chênh lệch rất lớn. Nếu Bộ Tài chính có muốn so sánh thì chỉ nên xem xét trong góc độ các nước châu Á hoặc khu vực, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư. Nếu có mức thuế hợp lý, chúng ta sẽ thu hút đầu tư và ngược lại, nếu thuế tăng sẽ dẫn đến giảm thu hút đầu tư, trốn thuế, lách thuế.

Theo tôi được biết, hiện ở Philippines, mức thuế VAT được áp dụng từ 7 – 12%, Hàn Quốc là 10%, Campuchia 10%, Thái Lan 7%, Singapore 7%, Hồng Kông và Ma Cao áp mức thuế 0%. Nếu chúng ta tăng thuế VAT thì cùng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện là 20% (trong khi Singapore áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có 17%, Hồng Kông 16,5%, Ma Cao 12%…) rõ ràng sẽ gặp rất nhiều bất lợi, doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn. Khi tăng thuế VAT, người tiêu dùng bị ảnh hưởng là điều dễ nhận thấy. Nhưng ảnh hưởng nặng nề hơn cả là khối doanh nghiệp, khi tất cả các chi phí đầu vào như xăng dầu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, chi phí vận chuyển… sẽ tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như toàn nền kinh tế.

Thực tế, vẫn còn tình trạng khi muốn tăng nguồn thu ngân sách bằng cách tăng thuế, cơ quan quản lý thường lấy lý do “phù hợp thông lệ quốc tế”. Người dân có quyền đặt câu hỏi: Tại sao không đặt vấn đề giảm thay vì phải tăng thuế? Tại sao cứ khi ngân sách khó khăn, trong đó có một nguyên nhân không nhỏ là do đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát… thì lại tính đến việc tăng thuế để bổ sung nguồn thu? Đó là lập luận khó có thể chấp nhận! Tôi cho rằng, trước khi bàn đến việc tăng thuế để “phù hợp thông lệ quốc tế”, các cơ quan quản lý cần xem lại việc thực thi các luật về thuế ra sao, đã thực sự hiệu quả chưa? Hãy nhìn vào mấy triệu hộ kinh doanh để thấy họ có nộp đủ thuế không? Nếu chúng ta làm tốt các luật về thuế, bảo đảm luật được thực thi đúng, đủ thì có lẽ đã không phải đặt vấn đề điều chỉnh tăng thuế như hiện nay.

Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS. VŨ THÀNH TỰ ANH: Khó giải quyết gốc rễ vấn đề

Theo tôi, có 3 lý do cần thận trọng với phương án tăng thuế VAT từ 10% lên 12% của Bộ Tài chính.

Thứ nhất, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ “đánh” vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế phải chịu sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Vì vậy, tăng thuế VAT sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn. Điều này khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.

Thứ hai, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU – là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách.

Thứ ba, cũng là lý do quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28 – 29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” và kém hiệu quả.

Vũ Thủy 


Đại biểu Nhân dân 24-8-2017:

http://www.daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=394680

(526/1.454)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,298