1.820. Vay tiêu dùng: Cần thận trọng vì lợi bất cập hại

(TC) – Thị trường tài chính tiêu dùng nước ta có mức tăng trưởng nhanh như vũ bão và đi kèm với đó là hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng cũng có xu hướng tăng cả về quy mô và mức độ phức tạp.

Mức lãi suất cao ngất ngưởng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, theo thống kê, trong giai đoạn 10 năm kể từ năm 2007 – 2017, lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 20%/năm, đạt quy mô 646.000 tỷ đồng, phục vụ 20 triệu lượt khách hàng trên cả nước.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dư địa tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng vẫn rất lạc quan với mức tăng trưởng 25% – 30%/năm trong những năm sắp tới.

Hiện ở nước ta, dịch vụ tài chính tiêu dùng được cung cấp bởi chủ yếu là ngân hàng và các công ty tài chính. Trong đó, thường các ngân hàng sẽ có mức lãi suất cho vay thấp nhưng thủ tục giấy tờ và thời gian phê duyệt khoản vay thường phức tạp.

Ngược lại, các công ty tài chính có thủ tục vay, bộ hồ sơ giấy tờ đơn giản, gọn nhẹ hơn ngân hàng, tuy nhiên mức lãi suất cao hơn so rất nhiều với mức của các ngân hàng.

Theo thống kê, đối với mức lãi suất mua hàng trả góp, trong khi các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình dao động từ 10 – 25%/năm thì mức lãi suất của công ty tài chính lên đến 55%, thậm chí có nơi trên 84%/năm.

Nhiều rủi ro, lắm khiếu nại

Cũng bởi nguyên do đó mà theo báo cáo từ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, trong những năm gần đây, số lượng khiếu nại của người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào nhóm chủ thể là công ty tài chính.

Theo đó, phản ánh của người tiêu dùng về hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu là các hành vi như cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ, rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nhân viên tư vấn thường cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Ví như khi tư vấn, nhân viên cam kết mức lãi suất chỉ từ 1 – 2%/tháng nhưng thực tế, mức lãi suất thể hiện trên hợp đồng là 6%/tháng. Trong thời gian gần đây, có hiện tượng nhân viên tư vấn mạo danh tên của ngân hàng để giới thiệu dịch vụ cho vay. Thực tế, sau khi kiểm tra hợp đồng đã ký kết, người tiêu dùng mới nhận thấy khoản vay là do công ty tài chính cung cấp với mức lãi suất khá cao.

Bên cạnh đó, có nhiều khiếu nại của người tiêu dùng cho rằng, tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhân viên thường hối thúc người tiêu dùng nhanh chóng ký mà không để người tiêu dùng đọc, nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng. Sau khi ký kết hợp đồng cho vay tín dụng, nhân viên từ chối giao bản hợp đồng gốc để người tiêu dùng lưu giữ hoặc không cho phép người tiêu dùng sao chụp hợp đồng với lý do phải chuyển hợp đồng về công ty để lấy dấu, hẹn sẽ chuyển theo đường bưu điện cho người tiêu dùng sau.

Thêm vào đó, khi có tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phản ánh và làm việc với đơn vị tài chính, từ việc gọi điện tới tổng đài điện thoại của công ty thường tốn nhiều tiền cước, lời thoại hướng dẫn dài dòng, khó hiểu đến việc nhân viên tổng đài không ghi nhận nội dung khiếu nại… Nhiều trường hợp người tiêu dùng không thể chứng minh được thời điểm gửi khiếu nại tới công ty do hình thức liên lạc qua điện thoại không được ghi nhận đầy đủ.

Đặc biệt, có một số lượng lớn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hành vi thu hồi nợ của các bên liên quan, trong đó, phổ biến là việc người đi vay, bạn bè, người thân của người đi vay liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn có nội dung đe dọa, quấy rối, làm phiền.

 Chỉ cần gõ từ khóa “vay tiêu dùng” trong vòng 0,55 giây hiện lên đến 1.900.000 kết quả. Ảnh: Tố Uyên

Mặt khác, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết thêm, hiện các đơn vị cho vay kết hợp với các đơn vị bán hàng triển khai loại hình cho vay mới: Khi có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ sẽ được nhân viên giới thiệu gói tài chính hỗ trợ 0% lãi suất và chỉ phải trả góp tiền gốc hàng tháng.

Hình thức này có nhiều ưu điểm cho người tiêu dùng nhưng đồng thời, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không nhận định đầy đủ về tổng giá trị khoản vay, về các điều kiện đi kèm khi vay và chỉ tập trung vào mức tiền trả góp hàng tháng.

Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, kỹ năng tài chính

Trước thực trạng đó, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, người tiêu dùng cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong những giao dịch tài chính, đặc biệt là đối tượng người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa.

“Hiện nay, đa phần người tiêu dùng khi ký kết khoản vay đều tập trung vào món hàng họ sẽ sở hữu, số tiền phải trả hàng tháng mà không quan tâm tới các điều khoản khác. Do đó, đã có trường hợp bị “bẫy” về các quy định ràng buộc” – luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết.

Do đó, theo ông Đức, việc quan trọng đầu tiên người tiêu dùng cần lưu ý là nên lựa chọn các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay uy tín. Sau đó cần tính toán thật cẩn thận khả năng trả nợ, cũng như sự cần thiết của khoản vay.

Bên cạnh đó, khi tham gia giao dịch các hợp đồng vay, người tiêu dùng cần hiểu rõ các nội dung thông tin cơ bản của hợp đồng vay như mức lãi suất, thời gian vay, quy định về trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm… và ký hợp đồng sau khi nắm rõ, nhìn rõ các thông tin thể hiện trên hợp đồng.

Mặt khác, sau khi ký hợp đồng, yêu cầu cung cấp bản sao hoặc sao chụp bản hợp đồng đã ký để lưu giữ. Khi phát sinh tranh chấp, nên ưu tiên sử dụng các hình thức liên hệ có lưu vết như gửi email, gửi thư qua bưu điện.

“Ngoài ra, khi đã thực hiện hợp đồng vay rồi việc thanh toán chậm trễ sẽ khiến người tiêu dùng phải gánh thêm phí phạt rất cao, ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng cá nhân. Vì vậy, người tiêu dùng nên tránh để rơi vào tình trạng này” – ông Đức nhấn mạnh.

Tố Uyên

—————

Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 09-5-2018:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2018-05-09/vay-tieu-dung-can-than-trong-vi-loi-bat-cap-hai-57204.aspx

(298/1.293)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,916