(TN) – Thanh Niên trao đổi với PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, về kết quả thu hồi tài sản tham nhũng từ các vụ đại án đạt kết quả thấp.
Một căn nhà của Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, bị cáo buộc chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng trong vụ đại án OceanBank ẢNH: PHẠM HÙNG |
Về hưu rồi mới thấy tài sản khổng lồ
PGS-TS Trần Văn Độ |
Có rất nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung vẫn là do cơ chế, chính sách pháp luật của chúng ta bất cập, tập trung vào mấy điểm lớn. Đó là, chế độ quản lý không kiểm soát được đường đi của dòng tiền và việc kê khai tài sản của cán bộ không đi vào thực chất. Các tài sản tham nhũng hiện nay nằm đầu tiên là trong khối tài sản của người tham nhũng. Thứ hai, những tài sản được tặng cho, biếu xén mà thường gọi là tẩu tán. Thứ ba, tài sản đã bị rửa tiền như mua cổ phần, cổ phiếu, đầu tư vào chỗ này chỗ kia, thậm chí gửi ra nước ngoài. Nếu chúng ta không có biện pháp quản lý đồng tiền thì không thể kiểm soát được tham nhũng.
Tôi biết trường hợp một quan chức có con đang du học ở Anh, muốn mua nhà nhưng không chuyển khoản trực tiếp cho con được nên nhờ một bạn học cùng nhận hộ. Vừa nhận xong thì cơ quan kiểm soát tài chính gọi lên hỏi tiền ở đâu ra, không giải trình được đuổi học luôn, đó là số tiền chỉ 5.000 bảng Anh thôi. Còn chúng ta có chuyển hàng tỉ đồng cũng không ai kiểm soát.
Bên cạnh đó, chúng ta đang áp dụng biện pháp phòng ngừa là kê khai tài sản nhưng rất hình thức. Nhìn vào kê khai trên giấy tờ thì ai cũng ngậm ngùi sao mà cán bộ quan chức VN nghèo thế. Nhưng thực sự thì sao, về hưu rồi mới thấy toàn biệt phủ, xe sang, tài sản khổng lồ…
TIN LIÊN QUAN
Tài sản tham nhũng thu hồi được chưa đầy 8%
Tổng số tiền bị thiệt hại của các vụ án tham nhũng lên đến 59.750 tỉ đồng, trên 400 ha đất. Trong số này, các cơ quan chức năng đã thu hồi là 4.676,6 tỉ đồng, tức chưa đầy 8% và trên 219 ha đất.
Vậy về thực thi pháp luật trong vấn đề này thì như thế nào?
Luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… khi thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều tra, xử lý hình sự. Và khi đó, cơ quan điều tra mới có thể áp dụng các biện pháp bắt buộc như: kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản… Thế nhưng, thực tế thì phải kiểm tra, kết luận xong, cơ quan điều tra mới vào cuộc. Mà việc kiểm tra, thanh tra bao giờ cũng có sự tham gia của đối tượng bị kiểm tra, thanh tra. Khi kết luận cũng thế, để họ còn tranh luận, giải trình. Việc kiểm tra, thanh tra có khi kéo dài cả năm trời, tài sản tẩu tán hết rồi còn đâu.
Lẽ ra khi phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng, thậm chí, khi mới có thông tin trên báo chí thì không cần thanh tra, kiểm tra, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ vào cuộc ngay thì mới giải quyết được vấn đề. Còn cách làm của chúng ta hiện nay vừa làm ngược và còn hú còi báo động để tham nhũng tẩu tán tài sản.
Thay đổi quy trình thì mới giải quyết vấn đề
Vậy ở nước ngoài, quy trình xử lý tiến hành như thế nào, thưa ông?
Họ đang làm theo quy trình xuôi, các cơ quan phòng chống tham nhũng của họ có nhiều quyền lực. Còn chúng ta đang làm ngược lại, kể cả là ngược lại so với trước đây. Ngày xưa, chúng tôi làm là nếu đảng viên có dấu hiệu phạm tội thì tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ chức vụ quản lý rồi giao các cơ quan tiến hành tố tụng. Sau đó, cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan quản lý mới căn cứ vào phán quyết của tòa án để xử lý kỷ luật Đảng và xử lý chức vụ.
Còn bây giờ, chúng ta nhìn vào nhiều vụ án, như tại Tập đoàn dầu khí VN, quy trình là để cơ quan kiểm tra Đảng làm, rồi tiến hành kỷ luật về mặt Đảng cho thôi chức vụ… thì lúc đó tài sản khó còn gì để mà thu hồi.
Vừa rồi, khi lấy ý kiến sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng, có ý kiến đề xuất lồng ghép cả cơ chế kiểm tra Đảng vào, song tôi không tán thành, bởi hoạt động của Đảng là theo điều lệ. Chúng ta có cái rất buồn cười là đảng viên vi phạm đến mức động trời nhưng khi kiểm tra vẫn gọi là đồng chí. Rõ ràng vấn đề ở đây là quy trình. Thay đổi được quy trình này mới giải quyết được vấn đề.
Để khắc phục những hạn chế trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, theo ông cần phải có những giải pháp gì?
Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành chỉ mới giải quyết được phần ngọn là xử lý tham nhũng. Còn phần gốc là nguyên nhân tham nhũng, các cơ chế quản lý kinh tế, cơ chế quản lý xã hội, cơ chế quản lý con người… tất cả mọi thứ vẫn giữ nguyên, không thay đổi mà chỉ chú ý vào kê khai… thì sẽ chẳng đi đến đâu.
Tôi cho rằng phải là những giải pháp tổng hợp, ở góc độ vĩ mô cả về quản lý điều hành chứ không nằm trong một đạo luật cụ thể. Chúng ta phải nhanh chóng triển khai cơ quan quản lý dòng tiền. Trong điều kiện hiện tại thì tạm thời có thể cho phép giao dịch tiền mặt với các hoạt động bình thường còn những giao dịch lớn như: mua ô tô, giao dịch bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, đầu tư… phải qua chuyển khoản. Những vấn đề này chúng tôi đã đề xuất từ thời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Nguyễn Văn Bình, nhưng vẫn chưa làm được.
Cải cách về hành chính để xóa bỏ tình trạng tham nhũng. Đừng gọi là tham nhũng vặt, chỉ với dăm ba triệu thì coi là tham nhũng vặt nhưng với hàng triệu sự việc như vậy thì đó là vấn đề nguy cơ của xã hội. Đồng thời, tìm nguyên nhân sản sinh ra tham nhũng để thay đổi các chính sách, thay đổi các cơ chế để đảm bảo đời sống cho cán bộ công chức.
Trong việc thu hồi tài sản tham nhũng thì phải có những chế tài quy định mạnh hơn, rõ ràng về cưỡng chế, kê biên, phong tỏa tài khoản. Tức là biện pháp ngăn chặn. Khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì lập tức kê biên toàn bộ tài sản, phong tỏa tài khoản. Thậm chí, kể cả với tài khoản, tài sản mà cơ quan điều tra thấy có dấu hiệu liên quan tới tham nhũng với người thứ 3 chiếm hữu. Ví dụ như ngôi nhà của một đứa con, người thân… xây biệt thự mấy chục tỉ.
Dùng tiền mặt, khó truy nguồn gốc Các vụ án lớn, tham nhũng tính chất rất nghiêm trọng, số tiền tham nhũng, thiệt hại lớn nhưng tài sản thu hồi sau đó không được bao nhiêu. Nguyên nhân chính là tình trạng dùng tiền mặt, không chi trả qua tài khoản ngân hàng nên không xác định được tiền đi đâu về đâu, truy được nguồn gốc tiền. VN hiện sử dụng tiền mặt nhiều, cơ quan quản lý chưa quản lý được tài sản của các cá nhân, người phạm tội không đứng tên tài sản hoặc nhờ người khác đứng tên… nên việc thi hành án để thu hồi không phải dễ. Đó là lý do vì sao cá nhân phạm tội phải bồi thường 100 tỉ đồng nhưng cơ quan thi hành án chỉ có thể thu hồi được 20 tỉ đồng. Ở nước ngoài, họ quản lý thu nhập và thanh toán qua ngân hàng nên khi cần thu hồi tài sản, có thể thực hiện được. Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC) Tẩu tán rất tinh vi Quá trình thu hồi tài sản các vụ án, đặc biệt vụ án tham nhũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Vì thế, có những cán bộ, quan chức xác định “hy sinh đời bố, củng cố đời con” tìm cách tẩu tán tài sản tinh vi trong quá trình đương chức. Chẳng hạn như tránh để tiền mặt, ngoại tệ, vàng lớn ở nhà; những tài sản như bất động sản, xe thì nhờ người thân đứng tên – điều này còn giúp cán bộ tránh mang tiếng, cũng như “thoát” bị để ý trong việc kê khai tài sản hằng năm. Đến khi vụ việc được phát hiện thì việc thu hồi tài sản cũng trở nên khó khăn hơn, vì pháp luật chỉ thu hồi những tài sản do người phạm tội đứng tên. Luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH IPIC Thanh Xuân (ghi) |
Thái Sơn (thực hiện)
——————
Thanh niên (Thời sự) 03-10-2017:
https://thanhnien.vn/quy-trinh-nao-ngan-ke-tham-nhung-tau-tan-tai-san-post699917.html
(187/1.703)