1.834. Ưu đãi cho các đặc khu: Bao nhiêu là đủ?

(DĐDN) – Vấn đề thu hút ưu đãi vào các đặc khu kinh tế như thế nào để vừa thu hút được các nhà đầu tư nhưng cũng vừa đảm bảo bảo được lợi ích của đất nước hiện vẫn là một luồng tranh cãi rất lớn.

Hôm nay, 21/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV chính thức được khai mạc, một trong những đạo luật đáng chú ý nhất sẽ được đưa ra thảo luận và có thể thông qua lần này là Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu).

Đáng chú ý tại dự thảo này các ưu đãi để thu hút nhà đầu tư chủ yếu vẫn là về thuế, miễn tiền thuê đất, mặt nước.

Cụ thể, miễn tiền thuê đất lên đến 20 năm, miễn, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu…

Nếu chỉ tập trung ưu đãi thì chỉ tạo ra sự dịch chuyển về kinh tế

Các đặc khu được kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế, đồng thời, đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, khi bình luận vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nói rằng: Đã đặt ra đặc khu thì phải đặt ra mục tiêu đột phá phát triền gấp hàng chục lần so với không có đặc khu. Nếu chỉ tập trung vào việc tạo ra ưu đãi về tiền thuế, đất, tài nguyên… thì chỉ tạo ra sự dịch chuyển kinh tế chứ không phải là tạo ra sự phát triển kinh tế.

“Do đó, đặc khu cần tạo ra môi trường tự do, thuận lợi, thông thoáng về chính quyền, thủ tục hành chính, chính trị và giải quyết tranh chấp để phát triển mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhằm thu được nhiều thuế, chứ không phải là miễn giảm thuế, tiền đất, dịch chuyển lợi ích từ đia bàn khác về đặc khu. Tức giảm tiền đóng góp cho ngân sách ở nơi khác, cách khác để tăng thu ngân sách cho đặc khu”, ông Đức lập luận.

Vấn đề thu hút ưu đãi vào các đặc khu kinh tế như thế nào để vừa thu hút được các nhà đầu tư nhưng cũng vừa đảm bảo bảo được lợi ích của đất nước hiện vẫn là một luồng tranh cãi rất lớn.

Về hành chính, tuy tên gọi là khu hành chính – kinh tế đặc biệt nhưng thực chất chỉ là nhằm tạo ra khu kinh tế đặc biệt chứ không phải nhằm tạo ra khu hành chính đặc biệt.

Sự đặc biệt của hành chính chỉ nhằm phục vụ cho sự đặc biệt về kinh tế chứ không có mục đích tự thân. Vì vậy, cần thiết kế cơ chế hành chính vì kinh tế chứ không phải là ngược lại”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo tinh thần này, ông Đức cho rằng nhà nước cần áp dụng cơ chế hành chính đặc biệt để tạo ra môi trường kinh doanh đặc biệt nhằm tạo ra kết quả kinh tế đặc biệt, thay vì áp dụng cơ chế kinh tế đặc biệt này để tạo ra kết quả kinh tế đặc biệt khác.

“Đặc khu cần phải áp dụng một trong hai cơ chế. Thứ nhất, nếu có Hội đồng nhân dân thì không có Uỷ ban nhân dân; chỉ có thị trưởng, chế độ thủ trưởng lãnh đạo thay vì chế độ tập thể lãnh đạo. Thứ hai, nếu có Uỷ ban nhân dân thì không có Hội đồng nhân dân. Nếu có cả hai và bó buộc trong khuôn khổ bất hợp lý, không sửa Hiến pháp thì không có gì đáng gọi là đặc khu.

Về quản lý nhà nước, dù có hay không có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thì cũng chỉ nên có một đầu mối cơ quan hành chính quản lý nhà nước thay vì 5 – 7 cơ quan như dự thảo và cũng tương tự như đối với các huyện thị hiện hành. Tức là cần coi đặc khu kiểu giống như một khu công nghiệp hay khu chế xuất, chỉ có 1 Ban quản lý khu công nghiệp. Đồng thời, nó không chỉ là các chính sách miễn giảm hay cơ chế ưu đãi như đối một khu công nghiệp”, ông Đức đề xuất.

Đi xa hơn, Giám đốc Công ty Luật ANVI còn cho rằng nhà nước cần phải chấp nhận đặc khu có sự đặc biệt cả về chính trị, chứ không chỉ có sự đặc biệt về kinh tế và hành chính. Chẳng hạn, đặc khu cần không có cán bộ mà chỉ có công chức, tập trung gần như toàn bộ vào phát triển kinh tế, không tổ chức các cơ quan, đoàn thể đầy đủ ban bệ như các cấp chính quyền khác.

Không nên chiều nhà đầu tư bằng mọi giá!

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hình thức ưu đãi tại các đặc khu kinh tế không chỉ là thuế, phí, đất đai, nếu quá chú trọng đến các ưu đãi này, sẽ khiến hụt thu ngân sách, trong khi đó hiệu quả lại không như mong đợi.

“Chúng ta không nên chiều nhà đầu tư bằng mọi giá. Ưu đãi chỉ là điều kiện cần nhưng chưa phải điều kiện đủ để họ quyết tâm đầu tư”, ông Nhưỡng nói.

Theo quan điểm của vị này thì các nhà đầu tư nước ngoài cần một môi trường tốt để có thể tin tưởng, an tâm đầu tư. Do đó, các đặc khu của Việt Nam bên cạnh các ưu đãi cần thu hút các nhà đầu tư bằng thể chế chính sách, bình ổn an ninh xã hội hoặc cũng có thể là cam kết đào tạo một đội ngũ nhân sự chất lượng cao giúp các nhà đầu tư.

Vì vậy, ông Nhưỡng khẳng định: “Khi xây dựng đặc khu kinh tế, phải xác định rõ việc chỉ thu hút một đối tượng các nhà đầu tư nào đó phù hợp chứ không nên chiều lòng tất cả các nhà đầu tư bằng cách đưa ưu đãi quá cao bằng mọi giá”.

Cát Cát

————-

Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & PL) 21-5-2018:

http://enternews.vn/uu-dai-cho-cac-dac-khu-bao-nhieu-la-du-129531.html

(595/1.119)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,921