1.390. Nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã lặng lẽ thâu tóm bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước?

“Đồng tiền bát gạo của nhân dân”

“Kinh nghiệm các nước về vấn đề này rất nhiều, chúng ta phải tránh tiếng xấu, tránh những tiếng đồn tiếng đại quanh việc định giá. Đây là đồng tiền, bát gạo của nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại cuộc họp với các Bộ, ngành về chủ trương bán vốn nhà nước hồi cuối tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiếp tục bán vốn của một số doanh nghiệp lớn và phải công khai trên thị trường. Thủ tướng yêu cầu việc bán vốn nhà nước phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Trên thực tế, việc nhà nước bán tài sản thông qua chào bán công khai đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi thu được vốn với giá cao, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Mới đây, CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Cấp nước Nhà Bè (NBW), một doanh nghiệp có vốn nhà nước đang niêm yết trên sàn Upcom lên 22% từ việc SCIC chào bán công khai. Thông qua hình thức này, REE cũng đã mua thành công 66,29% cổ phần của CTCP Phát triển Điện Nông thôn Trà Vinh (DTV).

Việc một doanh nhân thâu tóm các doanh nghiệp có vốn nhà nước thông qua hình thức chào mua công khai với những doanh nghiệp đã thực hiện niêm yết. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tăng tính công khai, minh bạch, đặc biệt là tránh thất thoát vốn nhà nước khi bán cho nhà đầu tư, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lợi ích nhóm.

Có xóa được lợi ích nhóm?

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện việc mua bán, sáp nhập thông qua thị trường chứng khoán, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Thậm chí, nhiều thương vụ nhà đầu tư thâu tóm doanh nghiệp nhà nước nhưng thương vụ chỉ được biết đến sau khi giao dịch đã hoàn tất hoặc phát sinh các sự vụ liên quan khiến thông tin đổi chủ phát tán ra ngoài.

Điển hình là như việc Tập đoàn BRG do bà Nguyễn Thị Nga làm Chủ tịch đã thực hiện một loạt thương vụ thâu tóm các DNNN như Handico, Intimex, khách sạn Thắng Lợi, Vinamotor… đều diễn ra một cách lặng lẽ và vô cùng nhanh gọn.

BRG còn thâu tóm nhiều công ty có quỹ đất lớn như OSC Việt Nam, In Trần Phú…

nu dai gia nguyen thi nga da lang le thau tom bao nhieu doanh nghiep nha nuoc
Việc BRG dự định xây dựng một khách sạn ngay sát hồ Hoàn Kiếm trên nền cũ của Siêu thị Intimex vẫn đang gây tranh cãi trong giới quy hoạch kiến trúc (Nguồn: Infonet)

Tuy trên sổ sách, Intimex chỉ có vốn điều lệ chỉ 250 tỷ đồng, kinh doanh kém hiệu quả nhưng lại sở hữu những lô “đất kim cương”. Tính riêng khu đất 2.800 m2 tại số 22-32 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngay sát mặt hồ Hoàn Kiếm, nơi trước đây là siêu thị Intimex cũng đã có giá gấp hàng chục lần vốn điều lệ công ty này.

Đó cũng là mục đích chính để BRG từng bước thâu tóm cổ phần chi phối tại Intimex Việt Nam. Nhìn vào kết quả kinh doanh bết bát của Intimex, 4 năm trở lại đây, chỉ năm 2014 Intimex lãi 129 triệu đồng. Tính đến cuối năm 2014, Intimex có khoản lỗ lũy kế lên đến 87 tỷ đồng, giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu của Intimex chỉ còn 7.240 đồng. Việc BRG dự định xây dựng một khách sạn ngay sát hồ Hoàn Kiếm trên nền cũ của Siêu thị Intimex vẫn đang gây tranh cãi trong giới quy hoạch kiến trúc.

Hồi cuối năm 2014, thị trường địa ốc Hà Nội xôn xao với thông tin về một thương vụ đầu tư vào khách sạn Thắng Lợi có vị trí đắc địa nhất nhì Hà Nội sẽ thuộc sở hữu một đại gia ngân hàng sau khi cổ phần hóa.

Sau đó, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khách sạn Du lịch Thắng Lợi đã xác nhận trên báo chí về việc Tập đoàn BRG góp vốn vào khách sạn này, và đó chỉ là việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp để đầu tư hiệu quả hơn, chứ không phải là cổ phần hóa. Khách sạn Thắng Lợi có lịch sử gần 40 năm, đạt tiêu chuẩn 4 sao, nằm trên đường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội), có tổng diện tích khoảng 4,5ha.

Cùng với đó, BRG cũng âm thầm thâu tóm Công ty xây dựng Handico, nhảy vào làm chủ đầu tư dự án Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại Sài Đồng (Long Biên). Sau đó BRG cũng làm chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp khác là Đồng Mô Đại Kim.

Trước đó, BRG thông qua công ty con của mình là Vinamco đã chi 1.250 tỷ đồng để mua lại 97,7% cổ phần của Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông vận tải.

Hồi tháng 8 năm 2015, Công ty TNHH Thung lũng Vua –thành viên của Tập đoàn BRG cũng đã trở thành cổ đông chiến lược của Thăng Long GTC với 27% cổ phần nắm giữ thông qua đợt IPO. Việc sở hữu này thể hiện tham vọng của BRG với những dự án BĐS mà Thăng Long GTC đang nắm giữ, điển hình như Times Square Hà Nội (Phạm Hùng-Trần Duy Hưng). Tuy nhiên, những thương vụ ít được chú ý đến như thế này lại được BRG thực hiện thông qua việc chào mua công khai.

Bên cạnh yếu tố công khai, minh bạch, công tác định giá tài sản hiện nay cũng là một vấn đề cần xem xét. Những đổi mới của Nghị định 187/CP của Chính phủ và Thông tư số 126/BTC của Bộ Tài chính đã cơ bản đưa việc cổ phần hóa theo hướng nâng cao tính công khai, minh bạch, tính chuyên nghiệp và gắn với thị trường; gắn việc phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại và vướng mắc khi xác định giá trị doanh nghiệp theo các văn bản pháp quy trên.

Tại Hội nghị chỉ đạo về bán vốn nhà nước mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lấy ví dụ về việc cổ phần hóa khách sạn Kim Liên (Hà Nội) như một vụ IPO kiểu mẫu. Theo đó, việc đấu giá cổ phần khách sạn này đã đem về cho nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm 122 tỷ đồng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc định giá thấp tài sản đã tạo điều kiện cho tư nhân thâu tóm doanh nghiệp nhà nước với giá rẻ, đây chính là nguyên nhân khiến các thương vụ không được diễn ra một cách công khai, minh bạch. Trong khi đó, Nghị định 59 năm 2011 và Thông tư 127 năm 2014 đã quy định việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được bán đấu giá công khai. Tuy nhiên, việc làm ngơ các quy định này khiến cho tài sản nhà nước bị thất thoát.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về việc bán vốn của SCIC tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng chú ý theo dõi, giám sát, nhất là với những doanh nghiệp có giá trị lớn, lợi nhuận lớn. Cùng với đó, các doanh nghiệp từ khi cổ phần hóa phải niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, bảo đảm việc bán vốn nhà nước phải thu về giá trị cao nhất.

Theo Hiền Anh

Infonet

——————

VietnamBiz (Doanh nghiệp) 19-10-2016:

https://vietnambiz.vn/nu-dai-gia-nguyen-thi-nga-da-lang-le-thau-tom-bao-nhieu-doanh-nghiep-nha-nuoc-5197.htm

(103/1.569)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,362