1.893. Luật An ninh mạng: Cần giải pháp, không nên cấm

(SGĐT) – Dự thảo Luật An ninh mạng (ANM) sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong những ngày tới, đang vấp phải những ý kiến trái chiều từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (ảnh), Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết: 
Đúng là Việt Nam rất cần khuôn khổ pháp lý về ANM, nhưng phải cân nhắc để tránh gánh nặng tuân thủ cho DN, người dân, cản trở sự sáng tạo và đánh mất động lực phát triển.
Không thống nhất quy định
PHÓNG VIÊN: – Thưa ông, dự thảo Luật ANM đưa ra quy định về năng lực, điều kiện với DN cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng (ATTTM) có thực sự cần thiết khi vấn đề này đã được quy định trong Luật ATTTM 2015?
Luật An ninh mạng: Cần giải pháp, không nên cấm ảnh 1
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC: – Trong trường hợp đã có luật quy định về lĩnh vực nào đó, nếu cần thiết có thể sửa luật cũ, bổ sung thêm. Trường hợp ban hành luật mới cũng được, nhưng không được lặp lại những quy định cũ và không nên đưa ra những điều kiện kinh doanh không phù hợp vào luật mới.
Vì thế, trước khi ban hành luật mới, cần cân nhắc kỹ giữa các luật, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho DN. Tránh tình trạng cùng một DN cung cấp dịch vụ lại chịu 2 lần thẩm định về điều kiện, năng lực tại 2 cơ quan khác nhau.
Thế nhưng, nhiều điều khoản trong dự thảo Luật ANM được cho trái với cam kết quốc tế, như DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet phải thành lập cơ quan đại diện, đặt máy chủ tại Việt Nam… Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, đôi khi văn phòng công ty là văn phòng ảo, không cần con dấu. Nếu chúng ta lại quy định các tập đoàn lớn về công nghệ như Google, Facebook, Youtube… phải đặt máy chủ tại Việt Nam là không hợp lý
Lĩnh vực ATTT là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được xác định trong Luật Đầu tư, và Luật ATTTM, nay dự thảo Luật ANM lại bổ sung thêm một thủ tục hành chính nữa đối với việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ viễn thông, internet… Điều này thể hiện việc ban hành văn bản luật theo kiểu mạnh bộ nào bộ đó làm, không thống nhất quy định. Theo tôi, trong lĩnh vực ATTT nên thống nhất ở một đầu mối là Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) ban hành và quản lý.

Tạo thêm rắc rối

 90% luật của ta hiện nay áp dụng tư duy dễ quản lý, không phải để tạo điều kiện cho người dân, DN dễ thực hiện. Vì thế cần phải có thay đổi để luật ban hành mang lại lợi ích cho xã hội, người dân, DN, thúc đẩy môi trường kinh doanh. Còn nếu ban hành luật chỉ đơn thuần là công cụ quản lý sẽ không có nhiều ý nghĩa, thậm chí trói buộc, kìm hãm DN phát triển.
– Quy định DN viễn thông, internet phải thiết lập cơ chế xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản để bảo đảm tính bảo mật, tính trung thực thông tin đăng ký, và cung cấp cho cơ quan chuyên trách bảo vệ ANM có khả thi, thưa ông?
– Xác thực theo dạng tạo chức năng, tiện ích, bí mật cho người sử dụng sẽ do DN viễn thông, internet cung cấp. Trường hợp thứ nhất chủ thể sử dụng có quyền không xác thực vì các tài khoản trên mạng dễ bị đánh cắp mật khẩu, bị xâm chiếm.
Còn xác thực thông tin theo dạng thứ hai được đưa ra trong dự thảo Luật ANM liên quan đến an toàn quốc gia, ATTTM nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo, không ảnh hưởng đến tiền bạc, bí mật, các giao dịch của người sử dụng và cơ quan nhà nước.
Còn việc đưa ra yêu cầu DN đảm bảo tính trung thực của thông tin đăng ký của người dùng không khả thi, vì DN không thể xác thực, cũng như đảm bảo tính trung thực của thông tin người dùng khai báo, bởi hiện nay hệ thống quốc gia về căn cước công dân chưa sẵn sàng để DN kết nối, xác thực. Nếu ban hành các quy định này cần tránh tạo thêm các thủ tục rắc rối, vì đây là những thỏa thuận liên quan đến phát triển dịch vụ của nhà cung cấp.
Thí dụ, Facebook vẫn đưa ra những yêu cầu bảo mật với người sử dụng về email, số điện thoại cá nhân, nhưng là sự thỏa thuận dịch vụ với người sử dụng. Pháp luật quy định giao dịch có văn bản phải có chữ ký, còn giao dịch không có văn bản không có chữ ký vẫn được thừa nhận, dù nó không có cơ sở đảm bảo, dễ xảy ra tranh chấp, rủi ro.

Công nghệ Việt Nam chưa đủ tầm

– Theo ông, quy định đặt máy chủ tại Việt Nam có thực sự cần thiết, giúp kiểm soát tốt hơn an toàn, ANM?
– Thực tế Trung Quốc và Nga đã đưa ra các quy định này vì họ quá mạnh về công nghệ, có thể kiểm soát, chi phối được hệ thống mạng trong nước, nhưng ở Việt Nam chưa làm được.
Hơn nữa, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng quy trình đảm bảo ANM đối với dữ liệu trên đó, cũng như không có ý nghĩa gì về ATTT nếu quy trình, kỹ thuật, công nghệ không đáp ứng yêu cầu chuẩn mực. Và nếu DN, tổ chức ở Việt Nam không được sử dụng những dịch vụ lưu trữ dữ liệu an toàn nhất để đặt dữ liệu, sẽ tạo ra nguy cơ mất ANM cao.
Trong trường hợp các ông lớn về công nghệ như Facebook, Google, Youtube… rút khỏi Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu. Mặt khác, sẽ tác động rất lớn đến nỗ lực số hóa nền kinh tế trong những năm tới.
Cơ hội duy nhất để Việt Nam có thể vươn lên, bứt phá phát triển chính là đưa công nghệ vào sản xuất, quá trình số hóa nền kinh tế là một trong những động lực lớn thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt, trong khi năng lực sản xuất của các ngành nông nghiệp, công nghiệp nước ta còn yếu, nếu hạn chế quá trình đổi mới công nghệ sản xuất sẽ làm cho nền kinh tế chững lại.
Về việc DN Việt Nam lựa chọn đặt máy chủ ở nước ngoài vì rẻ và an toàn hơn. Thậm chí pháp luật hiện hành còn cho phép DN trong nước mở tài khoản ở nước ngoài, xu hướng toàn cầu là vậy. Vấn đề là các cơ quan chức năng phải đưa ra giải pháp quản lý, không phải áp dụng biện pháp cấm đoán.
Không thể quản một dịch vụ công nghệ toàn cầu giống như quản cái nhà, chiếc xe. Tư duy quản lý dịch vụ công nghệ theo hướng buộc nhà cung cấp phải đặt máy chủ tại vùng lãnh thổ đã lạc hậu và lỗi thời.

——————

Sài Gòn Đầu tư tài chính (Góc chuyên gia) 06-11-2017:

https://www.saigondautu.com.vn/goc-chuyen-gia/luat-an-ninh-mang-can-giai-phap-khong-nen-cam-51737.html

(1.302/1.302)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,619