1.395. Làm sao xử lý doanh nghiệp nhà nước công bố thông tin chậm rãi, nhỏ giọt?

(HQ) – Gần một năm sau ngày Nghị định 81/2015/NĐ-CP quy định về nội dung, trình tự, thủ tục, trách nhiệm công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có hiệu lực, đến nay việc thực hiện quy định DNNN phải định kỳ công bố các thông tin của DN vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Theo các chuyên gia, không phải do thiếu chế tài mà do thực thi các quy định hiện hành chưa nghiêm túc và quyết liệt.

lam sao xu ly doanh nghiep nha nuoc cong bo thong tin cham rai nho giot

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nghiêm túc quán triệt và thực hiện công bố đầy đủ thông tin hoạt động theo quy định tại Nghị định số 81. Ảnh minh họa.

Trây ỳ công khai

Các báo cáo DN cần công bố theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP: Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm, Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 03 năm gần nhất tính đến năm báo cáo, Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác, Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm, Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức, Báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm, Báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng và báo cáo công bố thông tin bất thường của DN (nếu có).

Theo nội dung Nghị định 81/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ tháng 11-2015), DNNN bao gồm các tập đoàn kinh tế, DNNN thuộc các bộ, ngành và DNNN trực thuộc địa phương phải định kỳ công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin liên quan đến hoạt động của DN. Việc minh bạch hóa và công bố thông tin về hoạt động của DNNN tạo cơ sở để giám sát sử dụng các nguồn lực tại các DN, tránh gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí, đồng thời cải thiện trách nhiệm của DNNN trong việc minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.Quy định là vậy, song tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình công bố thông tin của DNNN vào ngày 22-9 vừa qua, Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến ngày 20-9-2016 vẫn còn rất nhiều DNNN chưa thực hiện quy định này hoặc có thực hiện nhưng chưa đầy đủ hoặc chưa đạt chất lượng.

Theo đó, mới chỉ có 140/432 DNNN thực hiện công bố thông tin, con số này chiếm 32,41% tổng số DN phải công bố. Về nội dung công bố thông tin của các DN vẫn chưa đầy đủ theo quy định tại Nghị định 81. Đơn cử, với báo cáo tài chính năm 2015, trong khi thời hạn công bố là 31-5-2016, nhưng mới chỉ có 64 DNNN công bố. Thời hạn công bố nội dung báo cáo lương, thưởng năm 2015 là ngày 31-3-2016 nhưng đến nay cũng chỉ mới có 85 DNNN thực hiện. Đồng thời, mới chỉ có 87/432 DN công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016…

Đáng chú ý, đối với 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước phải thực hiện công bố thông tin, chỉ có 1 DN là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc công bố thông tin, hầu hết DN còn lại chưa thực hiện công bố đầy đủ các nội dung theo quy định. Đặc biệt, một số DN như Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam là những đơn vị chưa thực hiện công bố công khai bất cứ một nội dung nào. Một số Tổng công ty lớn như Đường sắt Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy, Mobifone… chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính 2015. Chỉ có 2 đơn vị là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đã thực hiện đầy đủ việc công khai các báo cáo tài chính năm 2015 theo quy định.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, tỷ lệ DNNN thực hiện công bố thông tin theo quy định là rất thấp, nội dung thông tin còn sơ sài, chưa đầy đủ, quy trình công bố thông tin chưa được đảm bảo theo quy định. Cũng theo Bộ KH&ĐT, trước đó, đến hết tháng 7-2016, chỉ có 17/22 bộ, ngành, 24/63 địa phương, 6/31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trả lời công văn yêu cầu xây dựng danh sách các DN phải thực hiện công bố thông tin.

Trước tình trạng này, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nghiêm túc quán triệt và thực hiện công bố đầy đủ thông tin hoạt động theo quy định tại Nghị định 81.

Cách chức lãnh đạo DN nghiệp nếu không tuân thủ?

Về nguyên nhân của sự chậm trễ, theo Bộ KH&ĐT, bên cạnh việc các cơ quan chủ sở hữu và DN chưa thực sự thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định 81 thì còn do đây là nội dung mới nên các đối tượng phải công bố thông tin còn lúng túng khi thực hiện, dẫn tới thực hiện chưa nghiêm túc. Ngoài ra, chế tài xử phạt được cho là chưa đủ tính răn đe đối với DN.

Trên thực tế, Nghị định 81/2015/NĐ-CP cũng đã quy định hình thức kỷ luật đối với vi phạm về công bố thông tin, từ kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, xử phạt hành chính, thậm chí hạ bậc lương và cao nhất là buộc thôi việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với người quản lý DN. Tuy nhiên, thực tế là vẫn còn rất nhiều DNNN thiếu minh bạch và cũng chưa có trường hợp nào bị xử lý kỷ luật do chậm công bố thông tin. Điều này, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI là do không có đôn đốc kiểm tra, việc xử lý những vi phạm cũng không nghiêm, việc thực hiện hay không thực hiện báo cáo cũng như nhau dẫn tới chế tài không có tác dụng. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, một khi vẫn duy trì các DNNN đồng thời duy trì cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì không thể giải quyết được.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, sở dĩ có việc chậm công bố thông tin là do những người đại diện quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại các DN này coi nhẹ chuyện công bố thông tin, việc xử lý kỷ luật đối với vi phạm còn lỏng lẻo, dẫn đến việc các DN công bố thông tin chậm rãi, nhỏ giọt. Vì thế, theo ông Hải, Chính phủ phải hành động kiên quyết để “siết” lĩnh vực này. “Nếu ở DN tư nhân, người lao động được trả tiền để báo cáo tình hình hàng ngày của DN mà không thực hiện thì mất việc là chuyện bình thường. Trong khi đây là những tập đoàn kinh tế lớn, nắm hàng tỷ USD của Nhà nước, Tổng giám đốc DN, Chủ tịch HĐQT là người nắm trọng trách quản lý tiền, tài sản của Nhà nước, của nhân dân nhưng lại xem nhẹ chuyện công bố thông tin, điều này là không chấp nhận được. Không minh bạch sẽ dễ dẫn đến tham nhũng. Do đó, theo tôi, cần siết chặt kỷ luật, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành phải yêu cầu cụ thể ngày nào DN phải công bố đầy đủ thông tin, nếu không tuân thủ thì cách chức”, ông Hải kiến nghị.

Theo ông Hải, không chỉ Nghị định 81, trong Pháp lệnh Cán bộ, công chức cũng quy định các hình thức kỷ luật, do vậy có cơ sở để xử lý kỷ luật đối với việc chậm hoặc không công bố thông tin DN. Đối với các bộ chủ quản, những cá nhân lãnh đạo bộ được giao phụ trách các tập đoàn, tổng công ty cũng phải bị xử lý nếu các DN này không thực hiện công bố thông tin đúng quy định.

Liên quan đến câu chuyện công bố thông tin của các DNNN, hiện nay có nhiều DNNN đã cổ phần hóa nhưng vẫn chưa thực hiện công khai, minh bạch thông tin trên sàn chứng khoán, trong đó Habeco, Sabeco là những trường hợp điển hình. Về vấn đề này, TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc công khai minh bạch thông tin của DNNN là một khâu yếu, và đây cũng là điểm yếu của cả hệ thống, điều này cho thấy trong cơ chế của chúng ta có nhiều điểm “lèm nhèm”, “tranh tối tranh sáng. “Thông tin không rõ ràng ảnh hưởng đến việc đánh giá thực chất của DNNN. Vì không nhìn thấy rõ được điểm yếu, điểm mạnh của DN nên không có phương án đối xử với DN giúp cho DN tốt hơn, dẫn tới làm cho quá trình cổ phần hóa của DNNN vừa chậm, vừa kém hiệu quả”, TS. Trần Đình Thiên bình luận.

Bộ KH&ĐT cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc, theo dõi, giám sát tình hình thực hiện công bố thông tin của các cơ quan chủ sở hữu Nhà nước, DNNN về quá trình triển khai thực hiện Nghị định này. Theo các chuyên gia, tới đây cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý DN không thực hiện công khai, minh bạch thông tin DN theo quy định bởi điều này không chỉ cản trở DNNN trong cổ phần hóa khi không tìm được nhà đầu tư mà điều này còn cản trở những nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho tất cả các loại hình DN.

Hoài Anh

——————

Hải quan (Tài chính) 22-10-2016:

https://haiquanonline.com.vn/lam-sao-xu-ly-doanh-nghiep-nha-nuoc-cong-bo-thong-tin-cham-rai-nho-giot-39948.html

(87/1.800)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,877