1.630. Nhiều quy định chính sách bất cập đang “cản trở” các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển

(PL) – Về cơ bản, các hoạt động của DNVVN hiện nay chịu sự điều chỉnh chung của Luật Doanh nghiệp 2014, bên cạnh đó là Nghị định 56/2009 về trợ giúp phát triển DNVVN. Tuy nhiên, cũng như mọi loại hình DN khác, DNVVN còn phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật trong các ngành, lĩnh vực liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ, các Luật về thuế…Vì vậy, mặc dù có văn bản hỗ trợ riêng là Nghị định 56 nhưng hiệu lực thực thi của Nghị định này chưa cao, không thể “vượt” quá Luật, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ DNVVN trong thực tiễn chưa hiệu quả. Theo đó, ngoài những khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn vay (như đã đề cập ở bài trước), thì DNVVN hiện nay còn gặp phải khá nhiều trở ngại từ những bất cập của nhiều quy định chính sách pháp luật.


Hội thảo Chính sách hỗ trợ DNNVV – kinh nghiệm từ Nhật Bản

Thuế thu nhập doanh nghiệp còn cao ?

Theo các quy định của pháp luật về thuế thì DNVVN đang chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) là 20%. Mặc dù đây đã là mức thuế suất ưu đãi nhưng nhiều DN cho rằng 20% vẫn còn quá cao. Trên thực tế, ngoài thuế TNDN, các DN nói chung và DNVVN nói riêng còn chịu rất nhiều loại thuế không thường xuyên khác như: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…Bên cạnh đó là các chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh: mua nguyên liệu sản xuất, trả lương nhân viên, các chi phí bảo hiểm bắt buộc, phí công đoàn, trả lãi ngân hàng…và thậm chí là cả phí “bôi trơn” như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã từng dẫn ra trong một cuộc hội thảo. (Bà Lan cũng cho biết, nếu tính cả thuế và phí mà DN phải chi trả đã chiếm gần một nửa lợi nhuận, thì cơ hội phát triển của DN là rất khó khăn). Cho nên, mức thuế TNDN 20% được xem là chưa hợp lý đối với khối DNVVN (chỉ thấp hơn 2% so với nhóm DN lớn). Hơn nữa, trong nhóm DNVVN bao gồm ba cấp độ là DN vừa, DN nhỏ và DN siêu nhỏ nhưng lại bị áp dụng chung mức thuế suất 20%, rõ ràng lại càng bất hợp lý hơn.

Một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DNVVN có điều kiện tăng tích lũy, tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí kinh doanh, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiểu được điều này, nhiều cơ quan hữu quan trong đó có Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ giảm thuế TNDN cho DNVVN xuống còn 15% hoặc chỉ 17%. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNVVN đã đề nghị Chính phủ chọn phương án giảm thuế xuống còn 15% bởi phương án 17% chưa hỗ trợ được nhiều cho DN. Đồng thời việc giảm thuế TNDN cũng cần được phân chia theo 3 cấp quy mô DN: DN nhỏ, DN vừa được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN ngang nhau còn DN siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 2 loại DN kia.

Tuy nhiên những đề xuất nói trên còn đang chờ sự xem xét, quyết định của Quốc hội trong các kỳ họp sắp tới.

DNVVN ít cơ hội tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh tốt

Nghị định 56/2009 về trợ giúp phát triển DNVVN có quy định chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DNVVN, thế nhưng quy định này chỉ mang tính khuyến khích, chưa cụ thể và chưa quy rõ hạn mức hỗ trợ cũng như trách nhiệm thực hiện của các UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Do đó, hiệu quả thực tế của chính sách hầu như không có.


Trương Thanh Đức cho rằng nhiều quy định của Bộ Công thương đang gây phân biệt đối xử giữa DNVVN với DN lớn

Hiện nay, mặt bằng sản xuất các khu công nghiệp đáp ứng rất tốt yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, của DN tư nhân có quy mô lớn nhưng đối với các DNVVN gần như nằm ngoài tầm tay của họ. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tỷ lệ DNVVN tiếp cận được với đất đai trong cụm khu công nghiệp là rất thấp (35% đất của các DN lớn nằm trong khu công nghiệp, DN vừa chiếm19% , DN nhỏ là 8% , DN siêu nhỏ là 3%) . Về cơ bản, DNVVN hiện tại vẫn đang tận dụng đất trong khu dân cư, sinh hoạt hàng ngày của chủ DN. Về lâu dài sẽ có những bất cập, đặc biệt đối với những DN sản xuất.

Theo ông Nguyễn Đức Định, Giám đốc CTCP quản lý dự án xây dựng miền Trung: “ Điều mà DNVVN thật sự cần…là chính sách của Nhà nước về ưu đãi về đất đai, mặt bằng sản xuất… Chỉ khi có những hỗ trợ như vậy, DN làm ăn có lãi, việc giảm thuế mới thực sự tác động đến DN”.

Ông Nguyễn Đức Định cho rằng, Nhà nước cần phải đảm bảo cơ sở hạ tầng để các DNVVN có thể khai thác, hưởng lợi một cách công bằng. Theo đó, để giải quyết được vấn đề này cần sự tham gia của nhiều bộ ngành có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ xây dựng, Bộ Công thương. Đặc biệt, Chính phủ cũng cần xác định đây là một trong những hướng đi chính trong chương trình xây dựng Luật hỗ trợ DNVVN.

Đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích: DNVVN khó “chạm” tới

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, dịch vụ công ích là dịch vụ rất quan trọng, phục vụ lợi ích của cả cộng đồng như cấp thoát nước, vận tải công cộng tại các đô thị, chiếu sáng, dịch vụ quản lý công viên, trồng và chăm sóc cây xanh… Trên thực tế, khoản kinh phí mà ngân sách nhà nước chi cho hoạt động này hàng năm rất lớn và dường như vẫn “dành sân” cho các DN nhà nước. Các DNVVN cho dù có đủ khả năng và tiềm lực để cung ứng các dịch vụ công ích với chất lượng phục vụ cao mà chi phí lại “phải chăng” hơn rất nhiều, nhưng lại khó “chạm tay” tới tham gia đấu thầu cung ứng loại hình dịch vụ này.

Khi đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến cung ứng dịch vụ công ích thì có thể thấy, thực trạng nói trên là điều dễ hiểu, bởi những quy định “cản trở” DNVVN tham gia cung cấp dịch vụ này.

Điều 22 của Luật Đấu thầu 2013 quy định: “Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây: … Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ…”

Điều 5 Nghị định 130/2013 về sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích quy định việc lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Đấu thầu; Đặt hàng; Giao kế hoạch.


Nhiều DNVVN rất cần được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, đổi mới công nghệ kỹ thuật… (ảnh minh họa)

Theo đó, hầu hết các gói cung ứng dịch vụ công ích đều được chỉ định bằng cách đặt hàng, giao kế hoạch mặc dù đấu thầu đã được quy định là phương thức ưu tiên nhưng không có nghĩa là bắt buộc. Quy định này của pháp luật đã “cản trở” DNVVN dễ dàng. Chỉ số ít các gói cung ứng dịch vụ công được đem ra đấu thầu thì cũng hiếm khi “rơi” vào tay DNVVN.

Ông Mai Văn Nguyên, nguyên Giám đốc Cty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 cho biết: Ở nhiều dự án có khả năng lợi nhuận cao, giá trị lớn thì các DN tư nhân “mồ côi” khó có khả năng trúng thầu dù có năng lực và kinh nghiệm. Việc này do nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ việc có đơn vị “sân sau” của một số quan chức ở các cơ quan quản lý nhà nước hoặc chủ đầu tư dự án đang được đấu thầu.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư: “Dịch vụ công là khu trú cuối cùng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. ..Cần phải thị trường hóa để khu vực này hoạt động theo nguyên tắc thị trường, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả”. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Dự án Luật hỗ trợ DNVVN sắp tới sẽ hướng đến mục tiêu hỗ trợ cụ thể hơn cho DNVVN tham gia cung cấp dịch vụ công ích như là: gói thầu xây lắp có giá không quá 5 tỷ đồng và gói thầu mua sắm hàng hoá, dịch vụ có giá không quá 3 tỷ đồng do các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm công sẽ chỉ dành cho các nhà thầu là DNVVN. Đồng thời ông Đặng Huy Đông cũng khẳng định, để tạo sự thống nhất trong chính sách, Chính phủ cũng sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan của Luật Đấu thầu.

Nhiều quy định về điều kiện kinh doanh gây phân biệt đối xử giữa DNVVN với DN lớn

Các chính sách của Nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng và quyết định nhiều đến sự lớn mạnh của DN. Hiện nay nhiều chính sách, luật của Việt Nam đang có nhiều quy định tạo thuận lợi cho các DN lớn nhưng lại gây bất lợi cho sự phát triển của các DNVVN.

Theo LS. Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI: Một loạt chính sách về điều kiện kinh doanh do Bộ Công thương soạn thảo đã và đang “giết dần” DNVVN. Cụ thể là đã yêu cầu quá cao điều kiện về quy mô kinh doanh trong các văn bản sau đây:

Nghị định số 109/2010 về Kinh doanh xuất khẩu gạo, với những quy định DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có: Ít nhất 1 kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; Kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo.

Nghị định 202/2013 về Quản lý phân bón, Thông tư hướng dẫn số 29/2014 của Bộ Tài chính, yêu cầu công suất tối thiểu của cơ sở sản xuất phân bón vô cơ là 1.000 – 10.000 – 50.000 – 100.000 tấn/năm.

Nghị định số 19/2016 về Kinh doanh khí, quy định DN phân phối gas phải có các bồn chứa tối thiểu 300 m3; phải có số lượng chai gas thuộc sở hữu của mình tối thiểu 2.620.000 lít; phải có trạm nạp gas thuộc sở hữu của mình; phải có hệ thống cửa hàng bán gas và có tối thiểu 20 tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh gas;…

Nghị định số 83/2014 về Kinh doanh xăng dầu quy định điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu: Có cầu cảng chuyên dụng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn; Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu tối thiểu 15.000 m3…Có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ, 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ;…

Bên cạnh đó còn một số ngành nghề, lĩnh vực khác cũng tồn tại những quy định quá khắt khe về quy mô kinh doanh…

Theo Ls. Trương Thanh Đức, những quy định trên là bất hợp lý, đã vi phạm quyền tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, quyền chủ động điều chỉnh quy mô và và ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp quy định tại Điều 7 Luật DN 2014; vi phạm các quy định về “hạn chế cạnh tranh” trong Luật Cạnh tranh 2004.

Trên thực tế là nhiều DNVVN có nhu cầu và khả năng kinh doanh trong các lĩnh vực nói trên nhưng vì điều kiện kinh doanh quá khắt khe như vậy khiến họ gặp rất nhiều trở ngại. Chẳng hạn như trong vài năm trở lại đây, nhiều thương nhân “đua” nhau đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát để được cấp giấy chứng nhận. Nhưng kho bãi xây xong thì cũng cạn kiệt vốn, không còn đủ sức để xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua, tiêu thụ lúa gạo cho người sản xuất nữa.

Theo báo cáo của Bộ Công thương thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2010 về Kinh doanh xuất khẩu gạo để báo cáo Chính phủ trong quý II/2017. Một số nghị định khác cũng được các cơ quan ban ngành hữu quan kiến nghị sửa đổi nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chính thức từ Bộ Công thương.

“Các quy định này đã tạo sự phân biệt giữa các DNVVN với các DN có quy mô lớn. Chính phủ đã kiến tạo thì phải có trách nhiệm hủy bỏ rào cản” – Ls. Trương Thanh Đức kiến nghị.

Hy vọng tất cả những bất cập nêu trên sẽ được Chính phủ và Quốc hội tháo gỡ triệt để thông qua việc xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong Dự án Luật hỗ trợ DNVVN sắp tới.

Đàm Lan

————-

Pháp lý (Diễn đàn Luật gia) 01-5-2017:

http://phaply.net.vn/dien-dan-luat-gia/nhieu-quy-dinh-chinh-sach-bat-cap-dang-can-tro-cac-doanh-nghiep-vua-va-nho-phat-trien.html

 (494/2.510)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,603