1.955. Tranh cãi về quan điểm hợp pháp hoá condotel của tỷ phú Trịnh Văn Quyết

(NQT) – Trước quan điểm của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết về việc có thể áp dụng bộ Luật Dân sự để giải quyết vấn đề pháp lý cho condotel, nhiều ý kiến đã không đồng tình vì cho rằng không đủ cơ chế để làm việc này.

Cơn sốt đầu tư mua bán căn hộ khách sạn (hay còn gọi là condotel) đã liên tục nóng trong 2-3 năm trở lại đây với sự bùng nổ của các dự án quy mô lớn trên khắp các thiên đường nghỉ dưỡng của Việt Nam.

Theo số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2017, đã có tới 23.000 căn condotel được đưa ra thị trường. Không chỉ bùng nổ ở các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, bất cứ nơi nào có bãi biển đẹp đều là nơi condotel xuất hiện.

Như các bài viết TheLEADER đã đăng tải, vấn đề xác định danh phận cho loại hình condotel đang dấy lên sự tranh luận rất lớn trong dư luận.

Chia sẻ tại hội thảo “Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018” vừa tổ chức cuối tuần qua, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, không cần sửa luật mà có thể áp dụng bộ Luật Dân sự để hợp pháp hóa condotel.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết.

Đồng tình với việc có thể ghép condotel vào dịch vụ kinh doanh du lịch, tuy nhiên, Chủ tịch FLC không đồng ý với ý kiến cho rằng luật không rõ ràng về mô hình kinh doanh căn hộ khách sạn này.

Quan điểm của tỷ phú Trịnh Văn Quyết khác với đa số các ý kiến đồng thuận với việc nên sửa Luật Đất đai và Luật Nhà ở để công nhận tính pháp lý của condotel cho phù hợp với thực trạng phát triển của thị trường.

“Nếu nói luật chưa rõ ràng về pháp lý cho condotel, tôi cho rằng không đúng. Bởi, Luật Nhà ở, Luật Bất động sản chưa đề cập thì chúng ta có thể áp dụng Luật Dân sự. Thực tế, trước đây nhiều chủ đầu tư đã được tư vấn theo hướng này”, ông Quyết nhấn mạnh.

Theo ông Quyết, nên áp dụng bộ luật Dân sự cho pháp lý condotel bởi giao dịch condotel là thoả thuận dân sự theo hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư. Bộ luật này còn lớn hơn nhiều so với Luật Đất đai và Luật Nhà ở vốn chỉ là luật chuyên ngành.

Ý kiến về việc áp dụng Luật Dân sự cho pháp lý condotel của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã nhận được những tranh luận trái chiều của giới luật sư cũng như các chuyên gia bất động sản.

Không đồng tình với quan điểm của ông Quyết, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho hay, bà đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này và nhận thấy rằng không có cơ chế nào để có thể hợp pháp hoá pháp lý của condotel thông qua một bộ luật nào khác ngoài Luật Đất đai và Luật Nhà ở.

Việc thừa nhận tính pháp lý của condotel bằng Luật Dân sự là không thể. Bởi Luật Dân sự là bộ luật gốc, bộ luật nền tảng cho tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế xã hội.

Trong khi đó, khi giải quyết một vấn đề cụ thể, mang tính chuyên ngành hay một nhóm các sự vật thuộc các quan hệ xã hội chuyên ngành như đất đai, bất động sản thì nhất định phải thông qua các bộ luật chuyên ngành, bà Thảo nhấn mạnh.

Do đó, bà Thảo cho rằng, đối với condotel vẫn cần phải căn cứ vào Luật Đất đai và Luật Nhà ở, sau đó mới giải quyết thông qua bộ Luật dân sự.

Nếu trong trường hợp Luật Nhà ở và Luật Đất đai không được sửa đổi để phù hợp với loại hình bất động sản lai này mà hoạt động mua bán chỉ được căn cứ trên Luật Dân sự thì hợp đồng vẫn có thể tuyên vô hiệu do không phù hợp với các quy định pháp luật, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo khẳng định.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Nét, Trọng tài viên VIAC cũng cho rằng, Luật Dân sự là luật chung, xử lý đủ mọi thứ. Đó là lối thoát cuối cùng khi không còn căn cứ được vào luật nào khác thì người ta mới dùng Luật Dân sự.

Trong Luật Dân sự có đặt ra việc tự do giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là quan hệ giữa hai bên ký hợp đồng, tồn tại rất nhiều rủi ro. Trong khi đó, đối với bất động sản, vấn đề sở hữu vẫn là cội nguồn của quan hệ hợp đồng, nếu chưa giải quyết được quan hệ sở hữu thì cũng không giải quyết được quan hệ hợp đồng, luật sư Nét nhấn mạnh.

Luật sư Trương thanh Đức

Nói rõ hơn về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định, tính pháp lý của condotel cũng như các loại hình bất động sản lai khác nếu chỉ dựa vào bộ Luật dân sự là không đủ. 

Bởi có hàng chục luật liên quan đến loại hình bất động sản này. Các luật khác về cơ bản có thể không vướng nhưng Luật Đất đai và Luật Nhà ở sẽ vướng.

Trong khi đó, về nguyên tắc, nếu loại hình bất động sản liên quan đến hai hay nhiều luật thì phải chấp hành đủ tất cả các bộ luật luật này mới đủ điều kiện được pháp luật công nhận là hợp pháp.

Do đó, nếu muốn hợp thức hoá tính pháp lý của condotel vẫn phải sửa Luật Đất đai và Luật Nhà ở, luật sư Đức nhấn mạnh.

Đưa ra quan điểm về hai giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 đối với condotel, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, còn phải phụ thuộc vào giấy phép xây dựng của dự án ở dạng nào, có gắn với các công trình thương mại khác không, có thời hạn hay vĩnh viễn. 

Nếu dự án condotel được xây dựng trên đất ở thì việc cấp sổ đỏ cho các căn hộ là đương nhiên. Còn nếu các dự án này được xây dựng trên đất thuê, sử dụng vào mục đích là đất thương mại dịch vụ thì nên cấp số đỏ có thời hạn cho các dự án này, ông Đức cho hay.

Trước ý kiến cho rằng, cấp sổ đỏ cho căn hộ condotel sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước và phá nát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương. Bởi khi cấp đất kinh doanh đối với các dự án du lịch, Nhà nước chỉ thu tiền thuê đất của chủ đầu tư, còn nếu giao đất làm nhà ở thì tiền sử dụng đất sẽ lớn hơn rất nhiều lần. 

Giám đốc ANVI cho rằng, đất đai cũng giống như tất cả các loại hàng hoá khác, khi mua đất vĩnh viễn, nhà đầu tư phải bỏ tiền, chịu hoàn toàn rủi ro về dự án lẽ ra phải rẻ hơn đất thuê. 

“Thực tế Việt Nam đang làm ngược nên mới có thực trạng này. Còn đối với condotel, tôi cho rằng vẫn nên công nhận để quản lý và phù hợp với thực tế phát triển của thị trường”, luật sư Đức nhận định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có dự thảo trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013. Trong đó bộ này đã đề nghị bổ sung chế độ sử dụng đất công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng để ở và đề xuất hai phương án xác định danh phận cho đất xây dựng căn hộ khách sạn (condotel).

Phương án thứ nhất là xác định đây là đất ở, thời hạn sử dụng đất của chủ dự án là 50 – 70 năm, sau đó chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài. Phương án này là cấp sổ đỏ cho condotel như đất ở.

Giải pháp thứ hai là vẫn giữ nguyên theo Luật Đất đai hiện tại là đất thương mại dịch vụ với thời hạn sử dụng 50 – 70 năm, chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong thời hạn dự án.

(*) Sự bùng nổ của các dự án condotel đang gây nên nhiều tranh cãi khác nhau cả về khía cạnh pháp lý và triển vọng kinh doanh. TheLEADER sẽ tiếp tục phân tích cơ hội và rủi ro của hình thức đầu tư này trong những bài tiếp theo. 

Thu Phương

—————-

Nhà quản trị (Bất động sản) 11-01-2018:

http://theleader.vn/tranh-cai-ve-quan-diem-hop-phap-hoa-condotel-cua-ty-phu-trinh-van-quyet-20180109235414511.htm

(455/1.630)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.359. Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại...

Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại lo siết (TN) - Bộ Tài...

Trích dẫn 

3.844. Làm thế nào để nhận bồi thường bảo...

(NĐT) Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi? (NĐT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 222,661