1.970. Ông chủ ngân hàng không thể kiêm nhiệm chủ tịch doanh nghiệp: Vẫn có những trường hợp ngoại lệ

(NĐT) – Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mareven Food Holdings là một ví dụ….

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB 

10 Chủ tịch HĐQT ngân hàng “vướng” quy định của Luật TCTD mới

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các TCTD chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 với quy định rất rõ ràng rằng: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Theo thống kê, hiện có khoảng 10 nhân vật là Chủ tịch HĐQT các ngân hàng đang vướng quy định này của Luật TCTD mới. Trong đó có ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Mareven Food Holdings, có trụ sở tại CH Síp; Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), kiêm Chủ tịch CTCP Tập đoàn BRG; Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam kiểm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank); Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), kiêm Chủ tịch Tập đoàn Doji; Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH Milk, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á; Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), kiêm Chủ tịch Tập đoàn Geleximco; Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kiên Long Bank, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm; Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank kiêm Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàn Cầu kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu; Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T; Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.

Ông Đỗ Quang Hiển: Tôi chọn SHB

Để tuân thủ Luật TCTD mới, cụ thể là quy định Chủ tịch HĐQT ngân hàng không kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại doanh nghiệp khác, mới đây nhiều ông bà chủ ngân hàng đã tuyên bố sẽ từ bỏ chức danh Chủ tịch HĐQT tại doanh nghiệp để tiếp tục đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng, như ông Dương Công Minh, ông Đỗ Quang Hiển, bà Thái Hương, ông Đỗ Minh Phú. Trong đó có một trường hợp đặc biệt là bà Nguyễn Thị Nga thì rời bỏ vị trí Chủ tịch HĐQT SeaBank để toàn tâm cho BRG.

Có những ông chủ ngân hàng nằm ngoài quy định của Luật TCTD mới?

Tuy nhiên, theo trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn với một vị tham gia soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các TCTD thì sẽ có những trường hợp chủ ngân hàng ngoại lệ, không áp dụng quy định nêu trên của Luật. Giải thích cho những trường hợp ngoại lệ, vị này cho biết: NHNN đang xem lại để xử lý xử lý trường hợp các ông chủ ngân hàng trong nước kiêm Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp nước ngoài như trường hợp của ông Đặng Khắc Vỹ. Thiên hướng có thể Luật chỉ áp dụng với các doanh nghiệp trong nước mà không áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài. Bởi mục tiêu của quy định trên là để tránh quan hệ tín dụng, vay mượn giữa ngân hàng và doanh nghiệp là chủ yếu.

“Theo đó, các ngân hàng sẽ trình lên NHNN về việc xin phép để Chủ tịch HĐQT ngân hàng tiếp tục đảm nhiệm các vị trí trên và NHNN sẽ xem xét để đồng ý hay không”, vị này cho biết.

Trả lời về trường hợp ông chủ ngân hàng trong nước kiêm chủ doanh nghiệp ở nước ngoài có áp dụng các quy định của Luật TCTD mới? – Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, theo nguyên tắc chung, nếu Luật không chỉ rõ thì được hiểu là quy định không áp dụng cho doanh nghiệp hay cá nhân nước ngoài.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, áp dụng Luật TCTD mới như thế nào, có áp dụng quy định trên với doanh nghiệp nước ngoài hay không thì còn tuỳ vào quan điểm của NHNN (đơn vị chủ trì thi hành Luật).

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD có điều khoản về chuyển tiếp với các trường hợp đang đương nhiệm Chủ tịch HĐQT ngân hàng kiêm Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp. Cụ thể: Người quản lý, người điều hành và các chức danh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được bầu, bổ nhiệm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không đáp ứng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được sửa đổi, bổ sung theo Luật này được tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ hoặc đến hết thời hạn bổ nhiệm.

Như vậy, với các trường hợp chủ ngân hàng chưa hết nhiệm kỳ được bổ nhiệm thì có thể tiếp tục vị trí cho tới khi hết thời gian bổ nhiệm mới phải lựa chọn giữa việc đi hay ở lại ngân hàng.

NGUYỄN THOAN

————-

Nhà đầu tư (Tài chính) 26-01-2018:

http://www.nhadautu.vn/ong-chu-ngan-hang-khong-the-kiem-nhiem-chu-tich-doanh-nghiep-van-co-nhung-truong-hop-ngoai-le-d6325.html

(104/995)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,408