102. Doanh nghiệp “chết” khó hơn “sinh”?!

(NQL) – Luật Phá sản là đạo luật về quyền được “chết” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã trải qua 15 năm, nhưng con số doanh nghiệp “tử trận” được hưởng “phát súng ân huệ” chưa vượt quá 100.

Luật về quyền được “chết”

Luật Phá sản là đạo luật “kết liễu cuộc đời” doanh nghiệp, nếu như không còn cứu vãn được, để đào thải các doanh nghiệp yếu kém, loại trừ các thực thể sống vật vờ, dựa dẫm vào người khác và sự tồn tại của nó là vô ích. Nếu cứ tiếp tục duy trì những công ty này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí còn kéo theo nhiều công ty khác cùng xuống “mồ” với mình một cách oan uổng.

Luật Phá sản trợ giúp các doanh nhân sa cơ, lỡ vận rút lui khỏi thị trường một cách đàng hoàng, minh bạch, để tạo điều kiện cho họ “làm lại cuộc đời”. Đó cũng là bằng chứng duy nhất khẳng định ý nghĩa trách nhiệm hữu hạn của các pháp nhân, tức là chỉ giới hạn trách nhiệm tài sản trong phạm vi số vốn góp vào công ty.

Đối với nhiều nước, doanh nghiệp bị phá sản có thể chỉ là do tạm thời mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, do đó doanh nghiệp có thể được “cải tử hoàn sinh” dưới nhiều hình thức như mua bán, sáp nhập, thay tên, “đổi họ”,… Nhưng điều đặc biệt đối với nước ta, nói đến doanh nghiệp bị phá sản là đồng nghĩa với “thây ma đã chết”, chứ không còn là doanh nghiệp bị khó khăn “ốm yếu” nữa. Vì thế, sau 15 năm thực hiện 2 đạo luật về phá sản năm 1993 và 2004, ngành Toà án mới chỉ thụ lý được vài trăm vụ, với chưa đầy 100 doanh nghiệp được tuyên bố phá sản. Như vậy, cả Luật Phá sản cũ và mới vẫn tiếp tục lâm vào tình trạng bị “phá sản”. Và hàng vạn doanh nghiệp đã khánh kiệt, tê liệt, tuyệt vọng, tan rã, thậm chí đã “chết” 100% rồi, vẫn không được “khai tử” về mặt pháp lý.

Đòi nợ đồng thời là xoá nợ

Thực chất việc phá sản là thủ tục đòi nợ đặc biệt – đòi nợ tập thể của các chủ nợ thông qua việc yêu cầu Tòa án tuyên bố con nợ bị phá sản để thu hồi nợ. Nhưng khả năng đòi nợ thông qua thủ tục phá sản trên thực tế còn quá khó khăn và rất ít hiệu quả, nên chưa được các chủ nợ ưu tiên áp dụng.

Điều kiện để tuyên bố phá sản theo luật định khá đơn giản. Để thực hiện được quyền yêu cầu phá sản, chủ nợ chỉ cần chứng minh 3 nội dung sau: Mình là chủ nợ, khoản nợ đã đến hạn và con nợ không thanh toán sau khi đã được yêu cầu. Thậm chí, chủ nợ còn dễ dàng yêu cầu phá sản con nợ chỉ với một món nợ rất nhỏ, không đáng gì so với khối tài sản của con nợ. Vì chỉ cần căn cứ vào dấu hiệu duy nhất “lâm vào tình trạng phá sản” quy định tại Điều 3 của Luật Phá sản là: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu”. Điều đó có nghĩa là: Toà án có thể phải thụ lý vụ án khi khoản nợ quá hạn thanh toán chỉ là 1 ngày với số tiền là 1.000 đồng, vì đã hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu “lâm vào tình trạng phá sản”.

Phá sản cũng là sự tha miễn trách nhiệm cho doanh nghiệp vỡ nợ, là sự xoá nợ hợp pháp. Riêng doanh nghiệp tư nhân thì chỉ là sự xoá nợ tạm thời, con nợ vẫn còn nghĩa vụ trả nợ khi phát sinh tài sản mới. Trên thực tế, doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản nợ nần chồng chất, không có khả năng thanh toán ngay cả những khoản nhỏ nhất. Do đó, thủ tục phá sản chủ yếu còn lại ý nghĩa “chôn cất xác chết” doanh nghiệp, là chính sách nhân đạo của nhà nước và xã hội.

Thủ tục rắc rối, phức tạp

Cả về pháp lý cũng như thực tế cho thấy có hàng loạt sự rắc rối nảy sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Thủ tục vô cùng phiền phức và hao tổn đáng kể tiền bạc, thời gian của những chủ thể liên quan. Theo đuổi một vụ phá sản mất hàng năm trời (theo một số liệu thống kê thì bình quân là 5 năm, gấp đôi các nước trong khu vực), nhưng kết quả thì không dựa trên cái lý thắng thua, mà lại phụ thuộc vào thực trạng “sức khoẻ” của doanh nghiệp bị phá sản. Khá nhiều quy định của Luật Phá sản còn thiếu rõ ràng, hợp lý hoặc tuy có lý nhưng lại rất khó vượt qua. Ví dụ, kiểu như không thu hồi được các khoản phải thu để trang trải nợ nần nên mới bị phá sản, nhưng muốn được công nhận phá sản thì lại phải xử lý xong các khoản phải thu. Hoặc, nếu doanh nghiệp không thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán tài chính, thì cũng không có đủ cơ sở để tuyên bố phá sản.

Động đến quan hệ nào với Nhà nước cũng là sự mệt mỏi, càng sợ trước lời “nguyền” vô phúc đáo tụng đình. Nếu những vụ kiện đòi nợ thông thường đã luôn trầy vi, tróc vẩy, thì vụ yêu cầu phá sản còn khốn khó hơn nhiều lần.

Nhưng công bằng mà nói, nếu việc giải phóng trách nhiệm về tiền bạc của con nợ mà lại đơn giản, dễ dàng quá, thì khác nào khuyến khích kẻ xấu lợi dụng phá sản để quỵt nợ hợp pháp. Như thế, thì các chủ nợ và người lao động sẽ phải gánh chịu oan những hậu quả nặng nề của doanh nghiệp phá sản. Nếu muốn tránh phiền phức, rắc rối cho doanh nghiệp bị phá sản là chỉ có trả hết nợ nần, tức là giải thể thay vì phá sản.

Có quyền nhưng không lợi

Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, người lao động và chủ nợ (trừ nợ có bảo đảm) đều có quyền yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Nhưng chọn con đường phá sản, thì trong hầu hết các trường hợp, các bên thường sẽ thiệt hơn so với việc trì hoãn “phát tang” con nợ. Lãnh đạo công ty bị phá sản sợ mất chức, người lao động sợ mất việc, chủ nợ sợ mất công dã tràng.

Theo Luật Phá sản, khi nhận thấy doanh nghiệp của mình lâm vào tình trạng phá sản, thì chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu phá sản. Cái lợi sau khi được phá sản là doanh nghiệp sẽ không còn bị chủ nợ săn đuổi đêm ngày (trừ doanh nghiệp tư nhân). Nhưng đối với cá nhân họ thì lại là lợi bất cập hại. Chủ tịch, giám đốc doanh nghiệp bị phá sản sẽ không được quyền thành lập doanh nghiệp và bị cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp từ 1 đến 3 năm (trừ trường hợp phá sản vì bất khả kháng). Vì thế, người ta sẽ tìm cách hạ cánh an toàn như về hưu, chuyển công tác, để lại núi nợ cho người khác. Thế là tránh được cái tiếng xấu “tán gia bại sản”, thoát được một bản ản “thân bại danh liệt”. Bởi nói gì thì nói, Luật Phá sản cũng chính là luật thất bại trong kinh doanh.

Về phía người lao động, khi doanh nghiệp của mình bị phá sản, họ sẽ bị mất việc, mất nốt chỗ dựa dù mong manh. Doanh nghiệp đã không có tiền trả mấy đồng lương còm cõi, mà yêu cầu phá sản thì càng bi đát, mờ mịt hơn. Ít nhiều còn hy vọng vào doanh nghiệp đang “sống dở chết dở”, đâm thêm lá đơn yêu cầu phá sản, thì khác nào bồi thêm một “liều thuốc cực độc” nữa cho nó nhanh “ra đi”?

Còn các chủ nợ thì chẳng mặn mà gì với việc yêu cầu tuyên bố phá sản con nợ, vì rất ít có hy vọng đòi nợ thông qua thủ tục phá sản. Con nợ thường có thảm trạng bi đát: Quỹ két thì không còn một xu, hàng hoá thì trống trơn, tài sản còn lại tính được ra tiền thì đã thế chấp khắp nơi. Do vậy, yêu cầu phá sản chẳng để làm gì, thậm chí còn bị quy lại trách nhiệm làm thất thoát tiền bạc do không thu hồi được nợ sau khi con nợ bị phá sản.

Các cổ đông của công ty cổ phần và các thành viên hợp danh của công ty hợp danh cũng có quyền yêu cầu phá sản công ty của mình, nhưng điều này cũng chủ yếu là một thứ quyền trên lý thuyết. Chỉ riêng nghĩa vụ phải nộp phí phá sản kèm theo đơn yêu cầu phá sản cũng đã làm nản lòng các đối tượng này.

Đến các cơ quan hữu quan cũng e ngại việc xử lý phá sản với đủ thứ lý do, có phần nguỵ biện như: Sợ con nợ lợi dụng phá sản để hợp pháp hoá những hành vi tham nhũng, để trốn tránh trả nợ; sợ phá sản dây chuyền, sợ mất thành tích của ngành, của địa phương và sợ v.v,… Cho nên đã lẳng lặng đứng nhìn con nợ “thập tử nhất sinh” hoặc hành động trái luật là giải thể doanh nghiệp thay vì phải phá sản do không thanh toán được hết nợ nần.

Vẫn cần “chết” hợp pháp

Như vậy, chính Luật Phá sản, đã bị “phá sản” không chỉ một lần. Thêm một minh chứng rằng, luật pháp rất cần cho cuộc sống nhưng lại không đi vào thực tế. Đã đến lúc phải gấp rút sửa đổi Luật này để ”điều trị” các doanh nghiệp “ngấp nghé mệng lỗ”, đồng thời giải nguy cho các doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy nợ nần dây dưa của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng này.

Trong “cuộc chiến” thương trường đương nhiên có kẻ thắng, người bại. Doanh nghiệp đã được khai sinh một cách đường đường chính chính, thì cũng cần được “khâm liệm” tử tế,  chu đáo khi không còn “sống” nữa. Các chủ thể có quyền và nghĩa vụ trong việc yêu cầu phá sản doanh nghiệp đừng vì những sự bất cập nói trên mà từ bỏ “vũ khí” cuối cùng theo luật định. Phải “báo tử” đúng lúc và “bắt nợ” trúng thời điểm, để lập lại trật tự kinh doanh lành mạnh, hợp pháp. Xét về khía cạnh nào đó, đây cũng chính là một cơ hội kinh doanh hoặc tái kinh doanh.

Xã hội cần nhìn nhận việc phá sản một cách khách quan, thiện cảm hơn. Và điều quan trọng nhất là cần tiến hành thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản kịp thời. Chờ đến lúc “bệnh trọng vô phương cứu chữa”, thì phá sản sẽ luôn là ác mộng kinh hoàng với tất cả.

———————————————

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 


Bài đăng trên mục Diễn đàn – Tạp chí Nhà Quản lý số 71/5-2009

 

Đăng lại:

  1. http://vinasme.vn/nd5/detail/tin-cong-dong-dnvn/doanh-nghiep-chet-kho-hon-sinh/39649.031.html
  2. http://www.vnba.org.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=7594&Itemid=65

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,626