107. Cuộc đua giá cả, túi tiền và lãi suất.

(ANVI) – Tham luận tại Hội thảo “Ứng phó với lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp” do Hội Các nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội ngày 24-7-2008:

Giá cả và bão giá

Trong kinh doanh, cái gốc là sản phẩm, cái đích là lợi nhuận, nhưng xuyên suốt cả quá trình lại là bán hàng và giá cả. Sản phẩm nhanh, nhiều, tốt, rẻ và cả đẹp nữa, mà không bán được, thì cũng vô nghĩa. Bán hàng giá cao mà không thu được tiền về, thì cũng vô vị.

Trong điều kiện bình thường, giá cả đầu vào cũng như đầu ra đều được “bàn tay vô hình” của thị trưởng sắp đặt bình ổn. Nhưng vào thời buổi lạm phát, giá cả đảo lộn và xoay chuyển hỗn loạn, khó lường.

Giá cả điều tiết thị trường cũng tựa như không khí điều hoà môi trường. Không khí chuyển động tạo thành gió. Gió to thành bão giá. Bão giá càn quét mọi nhà, mọi doanh nghiệp và mọi lĩnh vực.

Vậy, giải pháp quản trị doanh nghiệp nào để ứng phó với lạm phát?

Giảm giá đụng tăng giá

Một trong những việc đầu tiên mà các doanh nghiệp lựa chọn, đó là thực hành tiết kiệm, cắt giảm chi phí để giảm giá thành. Doanh nhân chân chính nào cũng thấm điều này, chứ không phải đến lúc khó khăn mới dùng tới. Nhưng, nếu hy vọng tiết kiệm được nhiều tiền, thì lại chứng tỏ rằng trước đó đã quá lãng phí. Còn nếu quá khứ không xảy ra phí phạm, thì tiết kiệm rất dễ đồng nhất với hành động keo kiệt, sẽ bị trả giá đắt. Anh nào thành công lớn trong việc này, thì khó phủ nhận lỗi lầm đã vung tay quá trán, vứt tiền qua cửa sổ.

Còn thải hồi, giảm lương, cắt thưởng, xén bớt lợi ích của người lao động, thì cũng đồng nghĩa với việc hạ thấp động lực và ý thức làm việc của nhân công, tác động xấu đến khả năng vượt qua bão tố. Biện pháp này chỉ phù hợp nếu như đã chót đãi ngộ quá hậu hĩnh, còn nếu như lương không cao mà giảm đi thì thật là nguy hiểm khác nào rút củi khỏi đáy nồi. Quan điểm quản trị doanh nghiệp mới thậm chí còn cho rằng, không phải là khách hàng, mà nhân viên mới chính là thượng đế. Vậy thì cùng bất đắc dĩ mới phải đụng vào thượng đế.

Tuy nhiên, cái khó nhất trong giảm chi phí lại là ở chỗ, phải đối mặt với “địch thủ” hàng hoá đầu vào tăng giá. Thật chẳng dễ gì có kết cục tốt đẹp khi cả hai bên cùng một quyết tâm, kẻ mua mong giảm, người bán lại muốn tăng. Vì vậy, giải pháp này cũng chỉ là thêm mắm thêm muối.

Tăng giá đụng túi tiền

Lạm phát lên cao, thiên hạ đua nhau tăng giá. Một trong những giải pháp “ưu tiên” hàng đầu của nhiều doanh nghiệp là tăng giá hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên, đó lại là một trong những việc nan giải nhất. Tăng thì dễ, nhưng để bán được hàng thì lại là một ẩn số khó lường, cho dù gặp thời dễ dàng chấp nhận giá cả “leo thang”, kể cả bị đẩy lên một cách vô lý. Tiền nhiều, giá lên, nhưng khi giá đã bị thổi lên rồi, thì dường như người nào cũng thấy rỗng túi, ai cũng ngại mua hàng.

Vì vậy, cũng giống như giảm lương và tiết kiệm, cuộc đua tăng giá chủ yếu là nhằm chống lỗ (chống bão) và gỡ gạc phần nào, chứ ít có hy vọng kiếm lời lãi ra trò. Cơ hội kiếm lãi như trong quá khứ chỉ đến với một số ít doanh nghiệp có lợi thế đặc biệt, chứ không dành cho tất cả mọi người như cái thời trời yên gió lặng. Bão giá cũng giống như bão lũ, quét sạch mái tranh, tường đất của nhà nghèo, nhưng có khi chỉ gây hư hại đến vườn hoa, cây cảnh của nhà giầu.

Một giải pháp tài chính cơ bản được nhắc đến là quản chặt túi tiền công nợ, thu dóc nợ cũ, giảm thiểu nợ mới. Tuy nhiên, thời buổi khan tiền, đói vốn, bạn hàng không dễ gì trả sớm, đối tác cũng không quên áp dụng “bảo bối” này. Kẻ bán tâm niệm: Một khoản thu, thì thu càng sớm càng tốt. Nhưng người mua cũng thuộc bài: Một khoản chi, thì chi càng muộn càng hay. Một nửa muốn thu hồi vốn nhanh chóng, nhưng phân nửa còn lại sẽ tìm mọi cách lạm dụng vốn. Túi tiền của người bán và túi tiền của người mua là hai bình thông nhau và nối qua ngân hàng. Không dễ gì đóng túi của mình, mở túi của người khác.

Túi tiền đụng ngân hàng

Túi rỗng thì không thể nói đến chuyện kinh doanh. Đã trèo trên con tàu thương mại, thì không thể không móc túi. Ngay cả giải pháp tình thế, từ tiết kiệm chi phí, thu hẹp kinh doanh cho đến giảm, giãn, lùi, huỷ việc đầu tư, cũng sẽ nhìn thấy kết cục mất mùa gặt hái tiếp theo. Tiền vốn luôn là một yếu tố quan trọng “đầu tiên”. Tất cả tiền đều là của dân, của các doanh nghiệp, nhưng kho tiền và kênh dẫn vốn chủ yếu nhất, đương nhiên là ngân hàng thương mại.

Có điều, khi tất cả đều bí tiền, thì nhà băng cũng cạn. Khi giá cuồng như bão, thì dường như tiền bạc cũng bay đâu mất. Dòng tiền bất ổn, cung cầu lệch pha bởi bão táp, dông tố. Nhưng kể cả ngân hàng không thiếu tiền đi chăng nữa, thì cũng rất dễ từ chối cho vay.

Là doanh nghiệp buôn tiền, tại sao ngân hàng lại không muốn bán hàng? Vì việc cho vay của ngân hàng là bán chịu hàng hoá, đôi khi được ví như cầm dao đằng lưỡi. Bán chịu khi sóng to, gió cả thì khác nào cầm dao hai lưỡi. Có ngành kinh doanh nào đặc biệt hơn tín dụng ngân hàng, khi mà đầu vào là đồng tiền, thì đầu ra cũng chính là đồng tiền đó, một sản phẩm không thể chế biến, nâng cấp.

Bão giá, mọi thứ đều đắt đỏ, tiền cũng “đắt”. Tiền gửi tăng lãi, tức là tăng giá. Ngân hàng cũng không tự dưng ấm đầu đến mức đua nhau mua đắt, chẳng qua thị trường buộc phải tăng lãi suất huy động. Doanh nghiệp thiếu vật tư, nguyên liệu cũng chưa dễ gì sụp đổ, nhưng ngân hàng không kiếm được đủ một lượng vốn tối thiểu, thì thấy ngay cái chết bất đắc kỳ tử không gì cứu vãn. Do vậy, đôi khi ngân hàng phải mua tiền bằng mọi giá, chẳng khác nào mua máu cứu người. Và hiển nhiên, họ phải tăng lãi suất cho vay. Không ít người nghĩ đơn giản rằng, lãi suất cho vay quá cao, ngân hàng tha hồ đắc lợi. Nhưng có biết đâu, ngân hàng lại nằm trong tâm bão giá. Cái tai hoạ đối với ngân hàng, đồng thời cũng sẽ là hậu hoạ của nền kinh tế, là ngân hàng đang trần mình trong bão kép: Mua bán tiền trong bão giá và giải ngân trong bão, đợi ngày thu hái. Khi bão tan, sẽ phải gặp mặt nhiều khách hàng  vay vốn mất khả năng trả nợ, do bị bão tàn phá. Ngân hàng muốn thu, người vay chậm trả. Người khác khó vay, vòng quay bế tắc.

Ngân hàng đụng lãi suất

Sau nhiều năm thực hiện rất thành công cơ chế tự do hoá lãi suất, quy định trói lại về lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã không được các cơ quan có trách nhiệm tôn trọng và thực hiện. Dân chúng, doanh nghiệp và ngân hàng tha hồ vi phạm. Làm sao không vi phạm được khi luật pháp đi ngược lại cuộc sống? Đến nay, cũng chỉ các ngân hàng thương mại phải tuân thủ.

Từ chỗ hoàn toàn buông lỏng, bất ngờ Ngân hàng Nhà nước quay ra hành động cứng rắn quá mức. Biện pháp hành chính ép buộc ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay được lý giải là vì quyền lợi của người vay. Như vậy đương nhiên là không vì lợi ích của người cho vay là ngân hàng. Vế ngược lại, cưỡng ép ngân hàng giảm lãi suất huy động, được giao giảng là vì sự an nguy của chính ngân hàng. Như vậy, mặc nhiên bỏ qua lợi ích của người cho vay là dân chúng gửi tiền vào ngân hàng. Các ngân hàng thương mại, tự dưng biến thành những cây cột chống bão. Cái nguy của ngân hàng, đặc biệt đối với ngân hàng cổ phần, là trong khi có thể bị đổ gẫy bất cứ lúc nào vì cũng sức cùng, lực kiệt mà lại không được Nhà nước bù lỗ hoặc xí xoá như một số cây cột giữ giá khác.

Quá nhiều bất ổn chung quanh câu chuyện lãi suất ngân hàng. Tất cả đang trái với cơ chế thị trường, quay ngược về thời ngân hàng bao cấp:

  • Lãi suất quá hạn bị chốt cứng không quá 150% lãi suất trong hạn, trái với quy định từ gần 3 năm nay của Bộ luật Dân sự (lãi suất quá hạn tính theo lãi suất cơ bản);
  • Lãi suất cho vay bị giới hạn tuyệt đối, giống như 7 năm trước;
  • Lãi suất huy động bị giới hạn vô cớ, giống như 13 năm trước;
  • Không được thu bất kỳ loại phí nào, giống như 2 chục năm trước, thời chưa có ngân hàng thương mại. Vấn đề còn nhức nhối hơn, khi các văn bản quy phạm pháp luật không hề cấm đoán việc thu phí. Những công văn của NHNN đã vượt qua luật, đã cấm làm cái điều mà cả thế giới này được làm và chính Luật Các tổ chức tín dụng cũng gián tiếp cho phép.

Lãi suất cao hay thấp phải do thị trường, với những quy luật cung cầu quyết định. Nhà nước muốn điều chỉnh kinh tế, thì phải dùng các công cụ kinh tế. Can thiệp thô bạo bằng công văn và công cụ hành chính là bóp méo thị trường. Lãi suất thấp mà không có người gửi, không giám cho vay thì chỉ là thành tích ảo, có hại trước mắt cũng như lâu dài cho nền kinh tế. Việc vi phạm của các ngân hàng trong trường hợp này là hậu quả của cơ chế điều hành vĩ mô bất cập, là tình thế tự cứu mình, chứ không vì vị thế độc quyền hoặc do ý muốn chủ quan.

Việc phạm luật thì phải được xử lý bằng luật. Ước tính có hàng ngàn chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng phạm lỗi. Nếu sòng phẳng ra, thì NHNN không thể chỉ yêu cầu cách chức một vài người. Mà cách chức hàng ngàn giám đốc, thì khác nào giáng một đòn chí mạng vào hệ thống ngân hàng, nhồi thêm cơn bão thứ ba vào tâm bão. Yêu cầu cách chức giám đốc là một sáng tác ngẫu hứng không dựa trên cơ sở pháp lý nào. Nó có thể có chút lý đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (mà con dấu có chữ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Nếu giao dịch vay mượn vượt 150% lãi suất cơ bản, thì có ba hình thức xử lý như sau theo quy định của pháp luật:

  • Xử lý theo trách nhiệm hình sự, nếu cho vay vượt 1.500% lãi suất cơ bản (10 lần lãi suất cho vay cao nhất), đó là công việc của các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử;
  • Xử lý vi phạm hành chính, nếu pháp luật có quy định. Hiện nay, chưa có quy định về xử phạt về loại vi phạm vượt trần lãi suất;
  • Xử lý theo quan hệ pháp luật dân sự, thông qua toà án hoặc trọng tài thương mại.

Như vậy, trong cả 3 hình thức xử lý nói trên, pháp luật không giao quyền cho NHNN có chỗ cho việc xử lý. Do vậy, nếu hành xử đúng luật, NHNN chỉ có thể lưu ý, nhắc nhở các ngân hàng thương mại. Còn xử lý cụ thể thế nào là phải theo quy định của pháp luật. Nếu người lao động có vi phạm kỷ luật lao động, thì tuỳ theo mức độ mà xử lý. Hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp cách chức người này, người nọ. Tại sao lại là cách chức mà không phải là khiển trách hay sa thải? Và sẽ phải cách chức ai, khi mà chính NHNN cũng vượt trần lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự, cụ thể là giữa tháng 2-2008, lãi suất thị trường mở qua đấu thầu giấy tờ có giá ngắn hạn tại NHNN lên tới 15%/năm cho kỳ hạn vay chỉ có 2 tuần[1], bằng 171% lãi suất cơ bản (8,75%) do chính mình đặt ra?

Đây là một hành động lạm quyền, là sự can thiệp hành chính quá sâu vào quan hệ kinh doanh. Nguy hại là ở chỗ, những động thái này có thế dẫn đến thảm hoạ với ngành ngân hàng và hậu hoạ tiếp theo cho cả nền kinh tế. Nếu cứ chặn họng ngân hàng thương mại, thì cũng đồng nghĩa với việc chặn đứng dòng vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp. Người vay vốn chấp nhận mua hàng đắt hay không mua được gì trong thời bão giá?

Giải pháp cho doanh nghiệp

Con tàu không được phép dừng lại khi gặp bão biển, không phải nhằm tiến lên, mà trước hết là để không bị xô đẩy, vùi dập, nhấn chìm. Doanh nghiệp cũng không thể trốn khỏi cơn bão giá, mà phải chấp nhận đối đầu bằng cách:

  • Lên phương án và tìm giải pháp chủ động ứng phó đối với các tình huống khó khăn, không loại trừ diễn biến xấu nhất. Sử dụng dịch vụ tư vấn của các công ty và chuyên gia để quản lý các nội dung và xử lý các thủ tục trong việc thay đổi hợp đồng kinh doanh, thương mại, lao động, tín dụng, bảo đảm tiền vay,.. tránh hành xử sai pháp luật, dẫn đến tranh chấp, cái xảy nảy cái ung.
  • Điều chỉnh ngay mục tiêu, kế hoạch thích hợp, từ bỏ đa mục tiêu, ví dụ như phải lựa chọn giữ khách hàng hay giữ quy mô, giữ thị phần hay giữ lợi nhuận;
  • Thắt chặt chi tiêu thật sự không cấp thiết, tiết kiệm mọi thứ chi phí. Có thể tiết kiệm được nhiều tiền bạc từ một chỗ, một khâu tiêu nhiều tiền và từ nhiều chỗ, nhiều khâu tiêu ít tiền. Tuy nhiên, không nên cắt giảm lương của những vị trí quản lý và nhân viên lao động chính. Doanh nghiệp khó khăn, thì người lao động cũng khó khăn, cần chấp nhận khoản chi phí đồng thời là đầu tư này để giữ người, chính là tài sản của doanh nghiệp; giữ được người là giữ được cả tiền bạc và niềm tin;
  • Quản lý chặt chẽ công nợ, giảm thiểu đầu tư mới, thận trọng trong việc đầu tư mở rộng; hạn chế các hoạt động vì mục tiêu xa; giữ vững những khâu sản xuất, kinh doanh cốt lõi, thu hẹp quy mô ở những khâu trung gian, hiệu quả không rõ ràng;
  • Làm việc với ngân hàng đang quan hệ, xác định lại một cách chắc chắn về khả năng cấp vốn, lãi suất, tỷ giá, vì khó có khả năng lựa chọn ngân hàng thay thế, do các ngân hàng cũng trong tình trạng khó khăn;
  • Xem ra, không có giải pháp đặc thù nào để đối phó với tình huống này và càng không có công thức chung cho mọi doanh nghiệp. Giải pháp, nếu có, thì cũng chỉ là tổng hợp tất cả những bài toán kinh doanh áp dụng trong mọi thời. Bí quyết thành công phụ thuộc vào kỹ năng, nghệ thuật, biện pháp ứng xử tuỳ theo thời điểm, liều lượng, là sự gia giảm, nhạy cảm của tư duy và tốc độ. Dù áp dụng giải pháp nào, thì cũng đều cần hướng tới kế sách lâu bền, thực chất như cơ cấu lại doanh nghiệp, xây dựng hoặc thay đổi chiến lược sản phẩm, chiến lược cạnh tranh, chiến lược nhân sự để đối phó với khủng hoảng. Chống bão phải từ thiết kế, đổ móng, xây tường, dựng mái, chứ không thể chỉ là đóng cửa, chằng dây, cưa cây, chắn sóng.

Kiến nghị với Chính phủ

  • Cần điều hành nền kinh tế với các giải pháp đồng bộ, cân đối tổng thể, không quyết một hoạt động này nhưng không tính đến hiệu ứng, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động khác. Áp đặt chính sách kinh tế cần có lộ trình hợp lý; không áp dụng biện pháp sốc. Điều chỉnh đột ngột làm cho doanh nghiệp choáng váng và gục ngã. Chẳng hạn, duy trì lãi suất cơ bản một cách bất hợp lý trong nhiều năm, rồi bất ngờ tăng lên 37%, kéo dài việc giữ giá xăng dầu một cách bất hợp lý, rồi bất thình lình tăng 31-44%, hay trong lúc nguồn vốn và khả năng thanh toán của các ngân hàng đang rất căng thẳng, lại tức thời rút đi 20.300 tỷ đồng;
  • Chính sách của Chính phủ phải nhằm thúc đẩy tự so sáng tạo, tự do kinh doanh, tạo ra nhiều giao dịch và giá trị gia tăng. Đặt ra hàng trăm loại giấy phép kinh doanh, mà chỉ quản được giấy, thì khác nào đười ươi giữ ống. Dịch vụ đòi nợ cũng phải có vốn pháp định 2 tỷ đồng, chắc chắn làm khó doanh nghiệp, nhưng sẽ chẳng có tác dụng tốt hơn cho thị trường này. Chính phủ càng không thể đứng trên pháp luật, không thể cấm các doanh nghiệp làm những điều mà pháp luật không cấm. Bởi Điều 57, Hiến pháp nước ta đã khẳng định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Việc cấm ngân hàng thu tất cả các loại phí liên quan đến tín dụng và USD, trong khi pháp luật không cấm, thì có phải là hành động cấm trái luật? Càng những lúc khó khăn như thế này, luật lệ, chính sách của Nhà nước càng phải hướng tới hiệu quả và lợi ích kinh tế, trong đó đặc biệt ưu tiên cho sự vận hành theo quy luật kinh tế thị trường cạnh tranh – đào thải một cách công bằng, tự nhiên. Nếu vì lợi ích chung, cần có một số hạn chế có tính chất tình thế, thì trước hết cần thuyết phục doanh nghiệp đồng tình và tự nguyện, chứ không thể dùng cơ chế hành chính áp đặt;
  • Cần nới lỏng các biện pháp chống lạm phát đánh vào ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh, tránh cho nguy cơ ngân hàng đang và sẽ rơi vào tình trạng tê liệt. Ngân hàng yếu một, nền kinh tế yếu hai, ngân hàng thiệt một, các doanh nghiệp thiệt mười. Cần nhanh chóng cấp phép chính thức cho các ngân hàng đã được chấp thuận về nguyên tắc, để đưa hàng chục ngàn tỷ đồng đang bị phong toả tham gia sản xuất, kinh doanh, đồng thời lấy lại niềm tin của doanh nghiệp về cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới cũng như về chính sách nhất quán của Chính phủ.
  • Chính phủ phải từ bỏ tư cách của ông chủ doanh nghiệp nhà nước khi ban hành quyết sách cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông chủ Nhà nước có toàn quyền ra lệnh cho công ty nhà nước mua đắt, bán lỗ, có quyền yêu cầu ngân hàng chính sách cho vay với bất kỳ lãi suất nào. Nhưng ông chủ ấy không thể đóng vai của ông chủ ngân hàng cổ phần, bắt họ phải cho vay với lãi suất không đủ bù đắp chi phí và bán USD với giá thấp hơn giá mua vào, bất luận vì chống lạm phát hay là một mục tiêu nào khác.
  • Tất cả những chính sách đúng đắn, nhưng chưa đúng thời điểm, không đồng bộ, thiếu giải pháp thấu đáo, cụ thể, thì rất có nguy cơ biến thành sai lầm. Chậm trễ, trì trệ hay nóng vội một chiều thì cũng đều gây hoạ. Khổng Tử đã nói: “Không dăn bảo trước mà muốn thành việc ngay, đấy gọi là hung bạo; hiệu lệnh để trễ lâu, đến kỳ thúc giục, ấy là thù hại dân”.

——————————–

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI

 

Nhân Dân điện tử

Cập nhật 18:01 ngày 24-07-2008

Vòng xoáy lạm phát: Doanh nghiệp nhỏ –  nỗi lo lớn

NDĐT – Lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội. Mưu sinh ngày càng khó khăn, giá cả đầu vào cho sản xuất liên tục tăng đột biến, nguy cơ thất nghiệp, phá sản đang hiển hiện.

Mở đầu cuộc hội thảo “Ứng phó lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp” sáng nay, tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam nói: “Hơn ai hết, chúng ta, các nhà quản trị doanh nghiệp, cảm nhận một cách trực tiếp và sâu sắc nhất những tác động của tình trạng này”.

Hơn 100 đại biểu là các nhà quản trị doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước sáng nay đến dự Hội thảo với những công việc, vị trí khác nhau, nhưng tất cả họ đều có chung một nỗi lo là lạm phát và làm thế nào để sống chung với lạm phát.

“Vòng quay bế tắc” của ông Đức

Ông Trương Thanh Đức là Giám đốc Công ty Luật ANVI. Cái khó đối với ông và của các nhà quản trị doanh nghiệp hiện nay là chưa thể thoát khỏi vòng xoáy lạm phát.

Ông Đức nói, các doanh nghiệp chân chính đều muốn giảm giá thành sản phẩm, nhưng lại phải đối mặt với “địch thủ” là hàng hóa đầu vào liên tục tăng cao. Khi lạm phát lên cao, thiên hạ lại đua nhau tăng giá. Tăng giá thì dễ, nhưng bán được lại là vấn đề, vì túi tiền của mọi người đều rỗng. Khi túi rỗng thì không thể nói chuyện kinh doanh, vì vậy, doanh nghiệp phải cầu đến ngân hàng. Nhưng bản chất ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, mà lại là loại doanh nghiệp đặc biệt, nghĩa là vẫn phải coi cái gốc của kinh doanh là sản phẩm, cái đích là lợi nhuận. Nhưng sản phẩm có tốt, bền, rẻ, đẹp, mà không bán được thì cũng vô nghĩa. Nhưng cho dù có bán hàng giá cao, mà không thu được tiền về thì cũng vô vị.

Ông Đức phân tích, mặc dù không muốn nhưng các ngân hàng phải đua nhau tăng lãi suất vì không có tiền mặt và kết quả là “doanh nghiệp lại khó vay, vòng quay lại bế tắc”.

Cuối cùng ông Đức cũng nói lên được nỗi lo của mình khi dẫn dụ, ngân hàng đang duy trì lãi suất cơ bản một cách hợp lý trong nhiều năm, rồi bất ngờ tăng lên 37%. Giá xăng dầu đang giữ ở mức hợp lý trong một thời gian dài, bổng chốc vọt lên hơn 30%. Trong lúc nguồn vốn và khả năng thanh toán của các ngân hàng đang căng thẳng, lại đột ngột rút đi hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Ông Đức mong rằng, Chính phủ cần điều hành nền kinh tế với các giải pháp đồng bộ, cân đối tổng thể. Các chính sách cần có một lộ trình hợp lý, tránh biện pháp sốc, điều chỉnh đột ngột dễ làm doanh nghiệp choáng váng và gục ngã.

………

VietNamnet

04:55′ 25/07/2008 (GMT+7)

Doanh nghiệp tự cứu: Muôn màu muôn vẻ

Con tàu đi biển không được phép dừng lại khi gặp bão. Doanh nghiệp cũng không thể trốn khỏi bão giá mà phải chấp nhận đối đầu và có nhiều kế sách. Có rất nhiều giải pháp nhưng không có giải pháp đặc thù nào để đối phó với mọi tình huống và càng không có công thức chung nào cho mọi DN. Bí quyết thành công phụ thuộc vào kỹ năng, nghệ thuật, biện pháp ứng xử từng thời điểm, liều lượng, sự nhạy cảm của tư duy và tốc độ”.

Lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tỉ giá biến động… đã khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN), nhất là các DN tư nhân vừa và nhỏ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để tìm cách thoát khỏi thua lỗ và phá sản, các DN đã có hàng loạt giải pháp ứng phó trong ngắn hạn, đồng thời cũng phải định hình lại hướng đi dài hạn của mình.

……….

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI so sánh: Con tàu đi biển không được phép dừng lại khi gặp bão. DN cũng không thể trốn khỏi bão giá mà phải chấp nhận đối đầu và có nhiều kế sách. Có rất nhiều giải pháp nhưng không có giải pháp đặc thù nào để đối phó với mọi tình huống và càng không có công thức chung nào cho mọi DN. Bí quyết thành công phụ thuộc vào kỹ năng, nghệ thuật, biện pháp ứng xử từng thời điểm, liều lượng, sự nhạy cảm của tư duy và tốc độ.

Ông Đức nhấn mạnh: Tuy nhiên, dù áp dụng giải pháp nào thì đều cần hướng tới kế sách lâu bền như cơ cấu lại DN, xây dựng hoặc thay đổi chiến lược để đối phó với khủng hoảng. Chống bão phải từ thiết kế, đổ móng, xây tầng… chứ không thể chỉ là đóng cửa, chằng dây…

 

Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

24-07-2008 22:59:33 GMT +7

Chớp cơ hội cải tổ doanh nghiệp trong lạm phát

…………..

Thời cơ sàng lọc nhân lực

Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, một trong những việc đầu tiên mà các doanh nghiệp lựa chọn là thực hành tiết kiệm, cắt giảm chi phí để giảm giá thành. Thắt chặt chi tiêu thật sự không cần thiết. Tuy nhiên, ông Đức cũng nhấn mạnh đến việc không nên cắt giảm lương của những vị trí quản lý và nhân viên lao động chính. Doanh nghiệp khó khăn thì người lao động cũng khó khăn. Do vậy, chính lúc này cũng cần chấp nhận những khoản chi phí đào tạo để nâng cao kiến thức, tay nghề cho người lao động với mục tiêu là giữ người vì đây chính là một tài sản vô giá của doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến của luật sư Đức, ông Nguyễn Thanh Hoàn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để lãnh đạo công ty củng cố hệ thống quản lý, tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng thông qua việc phân loại, tuyển dụng và đào tạo cán bộ.

Tuy nhiên, luật sư Đức lại cho rằng trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc tinh giản nhân công cũng là điều cần thiết. Trước mắt doanh nghiệp cũng nên xem xét giải pháp thuê nguồn lực chất lượng cao ở bên ngoài để tăng giá trị cho doanh nghiệp mà không tốn chi phí quản lý. Còn về lâu dài thì vẫn cần thiết phải củng cố, rà soát lại kế hoạch kinh doanh, đồng thời xây dựng văn hóa tiết kiệm từ điện, nước, văn phòng phẩm… để giảm chi tối đa cho doanh nghiệp.

http://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tintuc.php?nid=13229

Ngày 29-07-2008, 14:24

Có nên nới lỏng chính sách tiền tệ?

(ĐTCK-online) Vòng xoáy lạm phát cộng với sức ép lãi suất cao đang đẩy nhiều DN vào tình trạng đình đốn sản xuất. Việc thắt chặt chi tiêu và đầu tư công đã có những kết quả ban đầu, trước diễn biến này, một số chuyên gia và DN đã đề nghị NHNN nên xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT).

……..

Tại một cuộc hội thảo hôm 24/7, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cần nới lỏng các biện pháp thắt chặt đối với các ngân hàng thương mại, bởi ngân hàng yếu một nền kinh tế yếu hai, đồng thời nhanh chóng cấp phép chính thức cho các ngân hàng đã được chấp thuận về nguyên tắc để đưa hàng chục nghìn tỷ đồng đang bị phong tỏa tham gia sản xuất – kinh doanh.

………

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

http://www.dddn.com.vn/home/117/20080801072619493/Thi-truong/Rui-ro-den-tu-he-thong-ngan-hang-noi-dia.htm

Cập nhật lúc 19:35 – Thứ sáu, 01/08/2008

Rủi ro đến từ hệ thống ngân hàng nội địa

Trong bản báo cáo mới nhất công bố cuối tháng 7 vừa qua, các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Deutsche Bank cho rằng: “Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng trước một lựa chọn khó khăn, đó là cắt giảm lãi suất và chịu tình trạng lạm phát cao, hay giữ nguyên lãi suất và chấp nhận rủi ro tín dụng của các ngân hàng”.

……

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cần nới lỏng các biện pháp thắt chặt đối với các ngân hàng thương mại, bởi ngân hàng yếu một nền kinh tế yếu hai, đồng thời nhanh chóng cấp phép chính thức cho các ngân hàng đã được chấp thuận về nguyên tắc để đưa hàng chục nghìn tỷ đồng đang bị phong tỏa tham gia sản xuất – kinh doanh.

………..
Các trang web đăng lại bài của Vietnam net và PL TP HCM:

  1. Báo Kinh tế và Đô thị
  2. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sacombank
  3. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư (bsc.com.vn)
  4. Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Nội
  5. Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn
  6. Công ty Đoàn và Cộng sự (news.dfc.vn)
  7. Cổng thông tin doanh nghiệp và đầu tư Hưng Yên
  8. Diễn đàn Doanh nghiệp (www.dddn.com.vn)
  9. Doanh nghiệp 24h.com (kenhdoanhnghiep.vn)
  10. Đầu tư – Chứng khoán (tinnhanhchungkhoan.vn)
  11. Đọc báo trực tuyến (maxreading.com)
  12. Nhà Quản lý (nhaquanly.vn)
  13. Quảng Ninh Điện tử.
  14. Sàn OTC
  15. Thông tin Kinh tế – Nhịp cầu Thương mại (vntrades.com)
  16. Thông tin Thương mại (thongtinthuongmai.vn)
  17. Tiếp thị 24h.vn
  18. Tin Nhanh (timnhanh.com)
  19. Tin Việt Online (www.tinvietonline.com)
  20. Tổng cục Thuế (www.gdt.gov.vn)
  21. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (thongtindubao.gov.vn)
  22. Trường Đại học Lạc Hồng (www.lhu.edu.vn)
  23. com
  24. com.vn
  25. com.vn
  26. vn
  27. com.vn
  28. acomm.vn
  29. com
  30. com
  31. net
  32. com.vn

………..

[1] http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/02/770207

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,615