109. Tập đoàn kinh tế nhà nước: Luẩn quẩn và mâu thuẫn.

(ANVI) – Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định về Tập đoàn KT – VCCI  21-11-2008

Thiếu cơ sở pháp lý

Xem ra vẫn chưa rõ căn cứ pháp lý để ban hành nghị định này. Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 chỉ có khái niệm tổng công ty. Như vậy là không có căn cứ pháp lý từ luật này.

Còn Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã nêu rõ: “Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế.” Như vậy, nếu căn cứ vào luật này, thì nghị định phải quy định về tập đoàn kinh tế nói chung, chứ không chỉ “quan tâm” đến một nửa vấn đề.

Vậy, ban hành nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước là chưa phù hợp với Điều 56, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002) và Điều 149, Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Nhất là trong bối cảnh chuẩn bị xoá sổ Luật Doanh nghiệp Nhà nước từ 1/7/2010 sắp tới để tất cả cùng chung một sân chơi là Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Danh không chính, ngôn chẳng thuận

Chỉ riêng chuyện đặt tên doanh nghiệp liên quan đến chữ tập đoàn cũng đã thấy khó chấp nhận.

Nếu đã không cho đặt tên là tập đoàn, thì cần cấm tiệt, chứ đừng nửa nạc, nửa mỡ kiểu cho phép nhét chữ tập đoàn vào sau chữ công ty. Thế thì chỉ cần viết đúng một lần duy nhất, sẽ nghiễm nhiên được dùng sai cả đời cái từ tập đoàn thay cho từ công ty.

Quy định rõ tập đoàn không có tư cách pháp nhân, không phải là một tổ chức kinh tế, nhưng chính tên công ty mẹ lại được nhập nhằng gọi là tập đoàn một cách hợp pháp, thì khác nào “đánh lừa” thiên hạ?

Theo dự thảo nghị định, các tập đoàn và tổng công ty phải chuyển tên gọi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Xem chừng đúng Luật Doanh nghiệp, nhưng liệu có chuyện công ty mẹ là Công ty TNHH Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (tập đoàn hiện nay), trong khi các công ty con lại là Tổng công ty Bưu chính và Tổng công ty Viễn thông?

Công ty mẹ là Công ty TNHH Dầu khí Việt Nam (tập đoàn hiện nay), trong khi các công ty con lại là Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí và Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí?

Thậm chí công ty mẹ là Công ty Cổ phần Bảo Việt (Tập đoàn Bảo Việt đã được cổ phần hoá) mà các công ty con là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ (đã được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005)?

Thế thì pháp luật cần phải quy định thật rõ về việc chuyển đổi mô hình và sử dụng thuật ngữ tập đoàn, không chỉ với khối nhà nước mà tất cả.

Bình không mới, rượu quá cũ

Có thể nói đây là nghị định mong muốn sửa sai mô hình tổng công ty nhà nước, vì “thật ra, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển hay đang phát triển, kể cả Trung Quốc, trong thuật ngữ kinh tế cũng như trong ngôn ngữ thông thường, không có cụm từ “tổng công ty””.

Một trong những điểm gây tranh luận gay gắt là tập đoàn không có tư cách pháp nhân. Thì cũng vẫn là câu chuyện xưa cũ. Khi thành lập các tổng công ty có tới hàng ngàn tỷ đồng tiền vốn, nhưng lại đều là vốn của các công ty thành viên hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân đầy đủ.

Tổng công ty chỉ là cái vỏ rỗng, chỉ có quyền pháp lý với văn phòng tổng công ty, nhưng vẫn đàng hoàng là siêu pháp nhân bấy lâu, là pháp nhân trùm lên pháp nhân. Vậy thì quy định tập đoàn có hay không có tư cách pháp nhân thì cũng vậy.

Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ: “Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp”, thế nhưng vẫn có tới 8 tập đoàn kinh tế nhà nước đã được đăng ký kinh doanh và đang có tư cách pháp nhân, trong đó có cả tập đoàn mới được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Với nghị định này, thì gần như tất cả các tổng công ty 90-91 đều sẽ biến thành tập đoàn.

Danh mục ngành nghề kinh doanh chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước thuộc đối tượng áp dụng nghị định chỉ là bản sao ngành nghề của các tập đoàn và tổng công ty 91, không phù hợp với “đối tượng áp dụng” đã được nêu tại Điều 2. Trong đó vẫn có cả ngành thuốc lá rất độc hại cho xã hội, hoàn toàn không nên khuyến khích, nhưng Nhà nước vẫn muốn chuyển thành tập đoàn.

Và không biết tại sao lại phải hình thành cả tập đoàn trong ngành “đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước”?

Loay hoay ông chủ

Nhà nước vẫn loay hoay với vai trò của ông chủ sở hữu doanh nghiệp.

Tập đoàn kinh tế nhà nước, thì đúng với anh 100% vốn nhà nước, tạm đúng với anh có trên 50% vốn nhà nước, nhưng lại ôm cả những là công ty “cháu” chỉ có chừng một nửa của tỷ lệ 51% vốn nhà nước (nhân tỷ lệ 51% vốn của của công ty con trong công ty cháu với 51% vốn của công ty mẹ trong công ty con), thậm chí còn ôm hết cả những doanh nghiệp chỉ có một chút “dây mơ rễ má” như Điều 2 (Đối tượng áp dụng) của dự thảo nghị định thì quả là điều gay go.

Gay go ở chỗ, sau khi cổ phần hoá xong các doanh nghiệp nhà nước, thì phần lớn sẽ quay ngược trở lại dưới trướng tập đoàn nhà nước. Phải chăng là để khắc phục tình trạng “chưa có một người chủ nào trên thế giới quản lý đồng vốn của mình như thế” sau khi cổ phần hoá.

Bản chất của tập đoàn kinh tế nhà nước là kinh doanh, nhưng lại không được thả sức kinh doanh. Nhưng dường như kinh doanh của các tập đoàn trong thời gian qua là để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước chứ không phải là phục vụ kinh doanh?

Có một số ý kiến trách các tập đoàn là quá tham vọng. Nhưng thực chất tham vọng của các tập đoàn, chính là tham vọng của Nhà nước, ông trọng tài kiêm “cầu thủ” trên sân kinh tế. Ông chủ quản lý nền kinh tế quốc gia, thì buộc phải nói công bằng với các doanh nghiệp, nhưng ông chủ kinh doanh thì hẳn là sẽ “thương” túi tiền của “con đẻ” hơn của “con nuôi”?

Mâu thuẫn không nhỏ

Cái gốc của hình thành tập đoàn là sự tự nguyện thoả thuận liên kết, hợp tác giữa các pháp nhân độc lập.

Nhưng cũng giống như việc “tự nguyện” hình thành tổng công ty 90-91 trước đây, thủ tục hành chính để xuất nhập tập đoàn là vô cùng chặt chẽ và phải được Thủ tướng phê duyệt đề án trong đó có doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết (Điều 11). Lợi ích thật sự của các thành viên, yếu tố quyết định tham gia tập đoàn vẫn quá mờ nhạt trong việc hình thành tập đoàn kinh tế nhà nước.

Tiền của Nhà nước, nên Nhà nước muốn cho tập đoàn làm gì cũng được. Tuy nhiên, suy cho cùng thì tiền đó lại đều là tiền của dân. Các pháp nhân to nhỏ là công ty Nhà nước thì đã có hàng chục nghị định điều chỉnh. Còn tập đoàn là của chung, đều cần hướng tới một mục tiêu là kinh doanh có hiệu quả, nộp nhiều thuế, mang lại lợi ích cho xã hội, cho nhân dân.

Nếu chỉ lo cho tập đoàn Nhà nước hùng mạnh hơn nữa, dễ dẫn đến thủ tiêu tự do kinh doanh và phạm Luật Cạnh tranh. Rồi đến một ngày nào đó, liệu có phải làm lại một việc tương tự như việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước?

Công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế nhà nước không những giữ vững yếu tố nhà nước, mà còn được đẩy lên “giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, chi phối hoặc ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp thành viên khác trong tập đoàn kinh tế và với các liên kết trong tập đoàn kinh tế” (Điều khoản 3.4.a).

Với mong muốn hình thành những “quả đấm thép” của nền kinh tế, như vậy liệu có trở ngược lại nhà nước hoá doanh nghiệp tư nhân? Khoác trọng trách như vậy cho công ty mẹ, hoặc là phải áp đặt mệnh lệnh hành chính, hoặc đành bất lực, nếu công ty mẹ chỉ sở hữu một số vốn không đủ tỷ lệ quyết định cuộc chơi theo điều lệ công ty con và theo Luật Doanh nghiệp.

Quan hệ giữa công ty mẹ với các thành viên (vòng trong hay vòng ngoài) của tập đoàn kinh tế nhà nước thật sự không rõ ràng, ngoài dựa trên “đối vốn” còn nặng về “đối nhân” như các tổng công ty cũ.

Ví dụ, công ty mẹ đóng vai trò định hướng, điều hoà, phối hợp, nhưng lại đương nhiên được giao quyền “chủ trì”, “làm đầu mối” (Điều 13, 14).

Còn một số quy định thoạt nhìn thì tưởng là hay, nhưng hoá ra thuộc loại vô thưởng vô phạt, chẳng hạn như: công ty mẹ có quyền “Xem xét bảo lãnh một số khoản vay, hỗ trợ hoạt động tài chính cho các doanh nghiệp thành viên khác trong tập đoàn khi được các doanh nghiệp này đề nghị” (Điều khoản 14.2.d).

Có lẽ, không nên can thiệp quá chi ly vào mọi ngóc ngách của quan hệ tự do, tự nguyện, bình đẳng trong liên kết, hợp tác kinh doanh.


—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,606