110. Chủ thực ra rìa, “Râu ria” ở lại.

Chủ thực ra rìa, “Râu ria” ở lại.

(NQL) – Một nhà đầu tư đã bán hết số cổ phần cách đây 10 năm, thế nhưng lại vẫn thấy tên mình ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty vừa mới được cấp lại. Không có sự gian lận nào, không phải cơ quan đăng ký kinh doanh nhầm lẫn, mà là do quy định của Luật Doanh nghiệp.
Từ nội dung cần thiết ghi nhận

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng như giấy khai sinh của một con người. Trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ghi các thông tin pháp lý đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp như: Tên, địa chỉ của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, số Giấy CMND của người đại diện theo pháp luật; tên, địa chỉ, số Giấy CMND của thành viên hoặc cổ đông sáng lập; vốn điều lệ, giá trị vốn góp; ngành nghề kinh doanh (Điều 25 về Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp năm 2005).

Nhìn chung, các yếu tố trên được thay đổi theo thực tế. Chỉ riêng có nội dung về tên thành viên sáng lập hoặc cổ đông sáng lập là không thay đổi. Lý do là xuất phát từ những quy định của Luật Doanh nghiệp, như Điều 84 về Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập về cổ đông sáng lập. Theo quy định này, 3 năm đầu kể từ khi thành lập công ty, các cổ đông sáng lập bị ràng buộc trách nhiệm đối với công ty như “phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông”; phải “cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ”. Và các cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông khác nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Như vậy, việc ghi tên các cổ đông sáng lập vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong 3 năm đầu là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

Đến trở thành thông tin vô nghĩa

Tuy nhiên, sau 3 năm thành lập, thì toàn bộ các hạn chế đối với cổ đông sáng lập đã được hoàn toàn dỡ bỏ. Các quyền lợi và nghĩa vụ đối với cổ đông sáng lập đều không được phép duy trì. Tất cả cổ đông sáng lập đều trở thành cổ đông phổ thông. Và điều này đã làm cho một trong những thông tin quan trọng nhất trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không còn phù hợp.

Về nguyên tắc, sau 3 năm thành lập, thì không còn sự phân biệt nào giữa cổ đông  sáng lập và cổ đông phổ thông. Như vậy, đáng lẽ việc ghi tên cổ đông sáng lập vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đương nhiên được dỡ bỏ, vì không còn giá trị pháp lý. Tuy nhiên, cả Luật Doanh nghiệp cũng như Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29-8-2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh đều bỏ qua vấn đề này. Vì vậy, quy định ghi về tên cổ đông sáng lập vẫn tiếp tục được áp dụng kéo dài mãi mãi cùng với sự tồn tại của công ty.

Đối với các công ty vẫn giữ nguyên cổ đông ban đầu, chỉ thay đổi tính chất cổ đông sáng lập thành cổ đông phổ thông, thì cũng không có vấn đề gì đáng kể. Nhưng đối với rất nhiều công ty, đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông, thì việc tiếp tục duy trì tên cổ đông sáng lập không có ý nghĩa với bản thân công ty cũng như các đối tượng liên quan. Thậm chí trong rất nhiều trường hợp, còn trở lên rắc rối, vô nghĩa và phản tác dụng.

Sau 3 năm, rồi sau hàng chục năm hoạt động, rất nhiều cổ đông sáng lập được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã chuyển nhượng phần lớn hoặc toàn bộ vốn cổ phần tại công ty. Thế nhưng tên các cổ đông đó (cả cổ đông cá nhân cũng như tổ chức), vẫn cứ bất di bất dịch trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với số vốn chỉ chiếm một vài phần nghìn, thậm chí là bằng không. Không ít trường hợp cổ đông là cá nhân đã chết hay là những công ty góp vốn đã giải thể, phá sản, nhưng vẫn cứ vĩnh viễn được ghi nhận. Trong khi những cổ đông lớn, là chủ sở hữu thật sự, kể cả đến 99% vốn của công ty, thì lại không hề được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Chưa kể, nhiều khi công ty đã vài lần đổi tên, di chuyển địa chỉ, thay đổi cơ bản về ngành nghề kinh doanh, gần như đã “lột xác” hoàn toàn, không còn “dính dáng” gì đến công ty cũ, nhưng pháp luật vẫn cứ không cho “chủ nhân mới” thay chỗ của các “bậc tiền bối”.

Sửa sai lâu dài và trước mắt

“Giấy khai sinh” của công ty chỉ cần giữ nguyên nội dung duy nhất, đó là số đăng ký kinh doanh gắn với thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu tiên. Còn về yếu tố chủ sỡ hữu công ty là cổ đông nói chung, là cổ đông sáng lập nói riêng, do cũng thay đổi như các yếu tố khác, nên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng cần cập nhật những thông tin này. Thông tin về cổ đông sáng lập đã rút ra khỏi công ty chỉ là những nội dung thứ yếu, có ý nghĩa lịch sử, truyền thống đối với nội bộ công ty, không cần thiết phải công khai hoá ra công chúng.

Vì vậy, đề nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng, chỉ ghi tên cổ đông sáng lập trong 3 năm đầu và sau thời gian đó, cần ghi tên các cổ đông phổ thông sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên (mức sở hữu trở thành cổ đông lớn theo quy định của Luật Chứng khoán). Hiện tại, trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp là những vấn đề liên quan đến cổ đông sáng lập chỉ có giá trị trong 3 năm đầu tiên, Chính phủ vẫn có thể sửa đổi vấn đề bất hợp lý này trong Nghị định về đăng ký kinh doanh mà không nhất thiết phải chờ thay đối Luật.

Chỉ có như thế mới thể hiện được đúng bản chất, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của các thông tin về đăng ký kinh doanh. Có như vậy, mới thoát khỏi tình trạng cổ đông “râu ria”, cổ đông ảo lại cứ được pháp luật cho “chiếm chỗ” của cổ đông lớn, cổ đông thật trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

  • Đăng lại:
  1. http://www.doanhnhan360.com/PortletBlank.aspx/8A5F72224FB744CD9764DFD872782B78/View/Phap-luat-360/71096C7772C245728B1AC1CAEDC023DF/9066.viePortal?print=Chu_thuc_ra_ria_rau_ria_o_lai$10365

Trao đổi với bạn đọc

Cứ 30 giây, cổ đông lớn có thể thay đổi. Vậy nhưng Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng vẫn quản trước và sau 30 giây đó.

Mọi tỷ lệ, mọi giới hạn trên đời này cũng đều như thế, chỉ cách nhau một ly, một lai mà thôi. Nhưng vượt qua giới hạn ấy thì lại là một giời một vực.

Trân trọng!
————————
Luật sư Trương Thanh Đức
090.345.9070

— Ngày Thứ 2, 26/10/09, Luật sư 7.3G – HVTP <lopg.k7.3@gmail.com> đã viết:

Từ: Luật sư 7.3G – HVTP <lopg.k7.3@gmail.com>
Chủ đề: Re: Về: Luận bài “Chủ thực ra rìa, râu ria ở lại”
Đến: “Pháp sư” <truongthanhduc@yahoo.com>
Ngày: Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009, 10:51

Em rất cảm ơn thầy vì nội dung trả lời trên.

Quả thực, có rất nhiều khía cạnh hợp lý của việc cần thiết ghi tên CĐ lớn vào ĐKKD như thầy đã nói.

Tuy nhiên, em không muốn đi quá xa hay quá sâu vấn đề, nên bài viết này có thể là nội dung trao đổi cuối cùng của em về chủ đề này.

Quan điểm của em có lẽ vẫn không thay đổi gì nhiều và em xin trình bày thêm (hoặc trình bày lại) như sau:

  1. Giữ nguyên quan điểm đó là Nhấn mạnh yếu tố: Ổn định của CĐSL, tính thay đổi liên tục của CĐ thông thường – bản chất “tự do chuyển nhượng của CĐ” trong CTCP

Về điều này, có liên quan đến vấn đề thầy đã nói đó là “Cần ghi nhận như thế nào” đối với chủ sở hữu, và có nên “xoá sạch tên CĐ trong Giấy CN ĐKKD” hay không, thì

em xin luận thêm rằng, việc ghi nhận đó cũng chỉ nhằm mục đích cuối cùng là Quản lý NN đối với doanh nghiệp.

Và bản thân Luật DN khi quy định về CTCP cũng chỉ giới hạn việc quản lý loại hình DN này thông qua việc ghi tên CĐ sáng lập, và quản lý Chủ sở hữu chính là quản lý các CĐ sáng lập của Cty. Trong 03 năm đầu, nếu Cty có CP chào bán là 80% thì người mua 80% cổ phần đó vẫn ko đc ghi tên vào Giấy CN ĐKKD.

Còn về phía cơ quan quản lý, thì họ quản lý CTCP không chỉ thông qua CĐ sáng lập đó, mà còn thông qua người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Thêm nữa, việc quản lý CTCP, quản lý Chủ sở hữu Cty CP là điều nên làm, nhưng cần thiết phải Quản lý làm sao để CTCP không mất đi bản chất “Tự do chuyển nhượng” của mình, và tính “tự do” phải càng mở rộng càng tốt, chứ không phải bó hẹp nó lại. Chính yếu tố này làm cho việc quản lý CTCP, quản lý Chủ sở hữu của CTy là rất phức tạp – nhưng lại là điều mà buộc cơ quản quản lý NN phải chấp nhận (ít nhất là tại thời điểm hiện tại)

Chính bản chất “Tự do” của CTCP cũng chính là yếu tố thể hiện tính “không gắn kết chặt chẽ” với Công ty của các Cổ đông – Chủ sở hữu Cty (tính chất này không loại trừ đó là CĐ lớn hay CĐ nhỏ). Và CĐ lớn không thể có tính “gắn kết chặt chẽ” như thầy nói.

  1. Giữ nguyên quan điểm về tính: không khả thi khi phải làm Đăng ký thay đổi Giấy CN ĐKKD (ghi tên CĐ lớn)

Nhà nước cho phép CTCP được hoạt động, là do tính tích cực của nó đối với nền kinh tế, mà tính tích cực này có nguồn gốc từ việc huy động vốn và luân chuyển vốn một cách nhanh chóng, dễ dàng giữa các CĐ – Chủ sở hữu cty. Chỉ cần 1 yếu tổ ảnh hưởng đến tính chất này sẽ làm mất yếu tố tích cực của CTCP.

Xin nhắc lại, CĐ thông thường họ có thể thay đổi vốn hết sức chớp nhoáng, 1 giây trước họ là CĐ lớn, 1 giây sau họ là CĐ nhỏ, hoặc chẳng là gì? Vậy phải ĐKKD thay đổi CĐ như thế nào, khi: trong vòng 1 ngày họ luân chuyển tới hàng chục, hàng trăm con người khác nhau.

Và hoàn toàn có thể sảy ra trường hợp: trong thời gian nộp HS thay đổi ĐKKD (đổi tên CĐ lớn) thì Cổ phần của CĐ lớn này đã được chuyển qua tay hàng chục con người khác => khi đó thì giải quyết như thế nào? Chẳng lẽ họ ko đươc phép chuyển nhượng trong thời gian đó? Tiếp đến, Hồ sơ ĐKKD thay đổi CĐ lớn phải giải trình như thế nào? Hay ko cần giải trình về nguồn gốc cổ phần CĐ nhận chuyển nhượng?

Rồi trường hợp khác: trong 1 ngày có thể phải làm ĐK thay đổi Giấy CNĐKKD hàng chục lần, hàng trăm lần. Thậm chí là ko thể làm được Hồ sơ thay đổi ĐKKD, bởi vừa viết xong Hồ sơ thì tên CĐ mới lại phải bỏ đi để thay tên của 1 CĐ mới khác,…

________________________

Thưa thầy, em chỉ nhìn nhận vấn đề sâu hơn 1 chút dưới khía cạnh thực tế như trên. Và có lẽ về mặt lý luận pháp lý sẽ có phần rời rạc, thiếu logic. Nhưng dù sao đây cũng là vấn đề quan điểm, có khác nhau nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào góc nhìn, xuất phát điểm để đánh giá của mỗi người mà thôi.

Rất mong thầy chỉ bảo.

Trân trọng.

DLEX

Vào 14:00 Ngày 22 tháng 10 năm 2009, Pháp sư <truongthanhduc@yahoo.com> đã viết:

Tôi diễn đạt vấn đề bằng lới lẽ của em:

1. Theo pháp luật Chứng khoán, cổ đông lớn của công ty đại chúng, khi thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 1% trở lên phải báo cáo với Uỷ ban Chứng khoán, phài công bố thông tin định kỳ (chỗ này dù là 0,001% cũng phải công bố, chứ không chỉ là chuyện đòi hỏi “công bằng” giữa “5%” với “4,9%” nữa). Vậy phải khai trong ĐKKD thì cũng không có gì quá đáng. Đặc biệt là các công ty chưa phải là công ty đại chúng, thí các cổ đông lớn cũng “là các cổ đông có vai trò lớn trong việc quyết định lợi ích của hàng trăm nghìn cổ đông khác, và cần thiết phải quản lý họ“.

2. Công ty đại chúng thì có, chứ các công ty khác thì không có bất kỳ quy định nào để cho “rằng thông tin của họ đã được cơ quan quản lý biết và lưu trữ thông qua quy định về thông báo cổ đông lớn. Thông tin về các cổ đông lớn này chỉ cần lưu và thể hiện tại 1 nơi và bằng 1 cách ghi nhận là được, ko cần thiết phải ghi nhận bằng nhiều cách thức”.  Mà công ty đại chúng thì bao giờ cũng chiếm số ít.

3. Theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ có nghĩa vụ “gắn kết chặt chẽ đối với Công ty” trong 3 năm đầu “(ít nhất về mặt pháp lý)”. Sau 3 năm, không còn gì để nói. Những cổ đông này “muốn ra khỏi Cty” không “bắt buộc phải được sự đồng ý của Cty“. Sau 3 năm, thì cổ đông lớn sẽ đương nhiên thay thế vai trò “gắn kết chặt chẽ đối với Công ty“. Thiết nghĩ pháp luật cũng nên ghi nhận điều đó.

4. Nói chuyện chi nhánh là để bàn về chuyện ngắn dài chứ không để bàn vè yêu cầu, mục đích. Việc ghi tên cổ đông lớn, tối thiểu là 1, tối đa là 20 (chừng 1 trang gì đó), không có gì trở ngại. Giấy CNĐKKD ghi ngành nghề vài trang, ghi chi nhánh vài trang là chuyện bình thường. Giấy CNĐKKD của công ty TNHH còn có thể phải ghi nhận tới 50 thành viên. Thực tế nó đang vừa là “giấy” vừa là “sổ”.

5. Người ta toàn quyền lựa chọn trở thành cổ đông lớn hay nhỏ. Nếu cứ 4,9999% thì tha hồ tự do. Còn quyết trở thành cổ đông lớn, thì chỉ cần thêm 10.000 đồng cũng buộc phải chấp nhận luật chơi, phải thực hiện nhiều yêu cầu, thủ tục bắt buộc. Điều này đã được “thể hiện rõ trong các CTCP đã niêm yết“. “Vì thế việc ghi tên CĐ lớn vào Giấy CN ĐKKD là hết sức” “khả thi“.

6. Nếu việc ghi tên cổ đông lớn vào Giấy CNĐKKD “chẳng Người làm doanh nghiệp nào thích cả“, thì việc ghi tên các cổ đông sáng lập không còn đồng vốn nào, không còn dính dáng gì trong công ty là một thứ không thể chấp nhận được.

7. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của công ty là chủ sở hữu,  cần bàn chuyện ghi nhận thế nào, chứ không nên đề xuất giải pháp xoá sạch: “Sau 03 năm, Giấy chứng nhận ĐKKD sẽ không ghi tên các cổ đông của Công ty nữa.

Trân trọng!
————————
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
090.345.9070

— Ngày Thứ 4, 21/10/09, Luật sư 7.3G – HVTP <lopg.k7.3@gmail.com> đã viết:

Từ: Luật sư 7.3G – HVTP <lopg.k7.3@gmail.com>

Chủ đề: Re: Về: Luận bài “Chủ thực ra rìa, râu ria ở lại”
Đến: “Pháp sư” <truongthanhduc@yahoo.com>
Ngày: Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009, 23:50

Vâng thưa thầy, em xin cảm ơn thầy vì sự phản hồi.

Thưa thầy, bởi toàn bộ nội dung tranh luận chỉ mang tính quan điểm, vì vậy em xin phép lấy tư cách là 1 thành viên trong giới Luật sư (dù chưa chính thức) để trình bày quan điểm của mình.

Về vấn đề thầy nói thêm ở trên, em có quan điểm thế này:

– Thứ nhất, việc quy định cổ đông 5% là cổ đông lớn:

tất nhiên luật quy định ko phải để chơi, mà vì rằng, đó là các cổ đông có vai trò lớn trong việc quyết định lợi ích của hàng trăm nghìn cổ đông khác, và cần thiết phải quản lý họ.

Còn để quản lý họ như thế nào, theo em, ko cần thiết và ko nhất thiết phải ghi tên họ vào Giấy chứng nhận ĐKKD. Vì rằng thông tin của họ đã được cơ quan quản lý biết và lưu trữ thông qua quy định về thông báo cổ đông lớn. Thông tin về các cổ đông lớn này chỉ cần lưu và thể hiện tại 1 nơi và bằng 1 cách ghi nhận là được, ko cần thiết phải ghi nhận bằng nhiều cách thức – điều này sẽ tránh được các công đoạn rườn rà, giảm thiểu được các thủ tục, công đoạn ko cần thiết (như làm thay đổi ĐKKD).

Ngoài ra, có một điểm đặc trưng quan trọng về sự khác biệt giữa Cổ đông sáng lập và cổ đông ko phải là cổ đông sáng lập – đó là sự gắn kết chặt chẽ đối với Công ty.

Chỉ những cá nhân có sự gắn kết chặt chẽ (ít nhất về mặt pháp lý) mới xứng đáng và cần thiết phải ghi tên vào Giấy Chứng nhận ĐKKD, đó là những Thành viên trong Cty TNHH, những cổ đông sáng lập trong CTCP – những ng này muốn ra khỏi Cty bắt buộc phải được sự đồng ý của Cty.
Việc ghi tên này, phần nào là nhằm thực thể hoá trách nhiệm của pháp nhân.

– Thứ 2: Việc ghi tên Chi nhánh, VPĐD có thể đến hàng trăm:
Về điều này, cũng như em vừa nêu sự khác nhau giữa CĐ sáng lập và CĐ ko phải sáng lập, thì Chi nhánh, VPĐD cũng giống như CĐ sáng lập vậy, có sự gắn kết chặt chẽ với Công ty. Chi nhánh, VPĐD tồn tại một cách ổn định và lâu dài, còn CĐ thông thường thì họ có quyền tự do chuyển nhượng – bản chất của CTCP. Việc thay đổi tư cách CĐ thì ko ai có quyền quyết định mà chính CĐ đó tự quyết. Còn CĐ sáng lập, Chi nhánh, VPĐD, thành viên Cty TNHH thì ko thể tự mình quyết định điều này.

Em vẫn nhắc lại, CĐ thông thường họ thay đổi 1 cách chớp nhoáng, thể hiện rõ trong các CTCP đã niêm yết. Vì thế việc ghi tên CĐ lớn vào Giấy CN ĐKKD là hết sức ko khả thi.

Chi nhánh, VPĐD thì chắc chắn ko có sự thay đổi như vậy.

Còn lại, nếu số lượng Chi nhánh, VPĐD mà quá lớn và hiện tượng này trở lên phổ biến trên phạm vi cả nước thì đây sẽ là 1 lý do để xem xét lại có nên thay đổi quy định về việc ghi chi tiết vào Giấy CN ĐKKD hay ko? Vì lúc đó sẽ cần xem xét lại cái lợi và cái bất lợi của việc này, cụ thể là so sánh cái lợi của việc quản lý thông tin chi nhánh thông qua Giấy chứng nhận ĐKKD với cái bất lợi của việc gây phiền hà cho việc đăng ký, phiền hà cho việc ghi quá nhiều thông tin trong Giấy CN ĐKKD (vì Giấy CN ĐKKD phải là cái thể hiện vắn tắt – nhưng vừa đủ về các thông tin của Doanh nghiệp)
_________________

Trên đây chỉ là vấn đề mang tính quan điểm, vì vậy rất mong thầy thứ lỗi nếu em có điều gì thất lễ.

Bằng mọi sự kính trọng, em cảm ơn thầy đã không trách về sự vô phép của em,

Xin chúc thầy mọi điều tốt lành.

DLEX

Vào 10:08 Ngày 21 tháng 10 năm 2009, Pháp sư <truongthanhduc@yahoo.com> đã viết:

Cám ơn em đã tham gia trao đổi.

Vấn đề trên đời này không phải là lớn hay nhỏ, mà vấn đề là cần hay không cần.

Tại sao lại ghi tên cổ đông sở hữu 5% ư. Thế tại sao lại quy định đó là cổ đông lớn. Hẳn là luật quy định phải có mục đích của nó chứ không phải là để chơi.

Thế thì gắn nó vào ĐKKD có gì không hợp lô gic?
Còn dài ngắn thì cổ đông sáng lập hoàn toàn cũng có thể là 5-7 chục chứ. Chưa nói hiện nay đăng ký kinh doanh còn bắt ghi tên, địa chỉ các chi nhánh, có thế lên đến con số hàng nghìn thì sao?

Trân trọng!
————————
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
090.345.9070

— Ngày Thứ 3, 20/10/09, Luật sư 7.3G – HVTP <lopg.k7.3@gmail.com> đã viết:

Từ: Luật sư 7.3G – HVTP <lopg.k7.3@gmail.com>
Chủ đề: Luận bài “Chủ thực ra rìa, râu ria ở lại”
Đến: truongthanhduc@yahoo.com
Ngày: Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009, 20:03

Chào thầy,

Em là 1 học viên của lớp LS 7.3G và cũng đã được thầy dạy một số buổi.

E vừa đc đọc qua bài “Chủ thực ra rìa, râu ria ở lại” của Thầy.

Thưa thầy,

Trước hết em xin lỗi thầy trước nếu như có gì em nói ko phải xin thầy bỏ qua cho.

Về nội dung bài viết, thực sự em ko hiểu sao bài này của thầy lại được đăng trên các tờ báo lớn như vậy? Bởi lẽ, trong bào viết tuy nói lên 1 thực trạng đúng là bất hợp lý, nhưng cả bài viết cũng chỉ có mỗi ý đó là được. Còn lại thì có vẻ không ổn chút nào.

Cái còn lại ở đây, chính là cái giải pháp mà bài viết đưa ra:

“Vì vậy, đề nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng, chỉ ghi tên cổ đông sáng lập trong 3 năm đầu và sau thời gian đó, cần ghi tên các cổ đông phổ thông sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên (mức sở hữu trở thành cổ đông lớn theo quy định của Luật Chứng khoán). Hiện tại, trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp là những vấn đề liên quan đến cổ đông sáng lập chỉ có giá trị trong 3 năm đầu tiên, Chính phủ vẫn có thể sửa đổi vấn đề bất hợp lý này trong Nghị định về đăng ký kinh doanh mà không nhất thiết phải chờ thay đối Luật.”

Theo như giải pháp này thì, Phải ghi tất cả các Cổ đông lớn vào Giấy chứng nhận ĐKKD. => Điều này thật là điều không tưởng, bởi lẽ,  1 Công ty Cổ phần không lạ gì với số cổ đông lên tới con số vài chục hoặc vài trăm, và số cổ đông lớn có thể lên tới tối đa là 20 Cổ đông,

Và như vậy thì Giấy chứng nhận Đ KKD có thể phải là 1 Quyển sổ Chứng nhận ĐKKD chứ ko gọi là Giấy Chứng nhận nữa. Trong khi đó nếu có CĐ chiếm 5%, CĐ khác chiếm 4,9% lại ko được ghi vào thì là 1 điều có vẻ thiếu công bằng.

Không những vậy, 3 năm sau khi thành lập, Cổ đông trong CT Cổ phần có thể tự do chuyển nhượng cổ phần, và do vậy,  hôm nay họ là Cổ đông lớn – được ghi tên trong Giấy CN ĐKKD, nhưng ngày mai, thậm chí 1 phút sau, họ lại ko là gì của Cty cả.

Khi đó, chẳng lẽ lại phải đi Đăng ký kinh doanh lại và ghi tên người mới vào Giấy CN ĐKKD? Mà thủ tục ĐKKD như hiện tại đã rất phiền hà, thì chỉ càng làm bất tiện thêm cho các Doanh nghiệp mà thôi, khi đó thì để đạt đc cái lợi quá nhỏ (được ghi tên – có thể cho oai) lại tạo thêm cái hại lớn cho họ (mất tiền – mất thời gian, rắc rối nhiều vấn đề về thông tin,..) Điều này thì chẳng Người làm doanh nghiệp nào thích cả.

Với 2 lý do đó, chắc chắn không thể nào ghi tên các Cổ đông lớn vào Giấy CN ĐKKD như giải pháp bài viết đã nêu được.

Mà theo em, giải pháp cho vấn đề bài viết đưa ra là: Sau 03 năm, Giấy chứng nhận ĐKKD sẽ không ghi tên các cổ đông của Công ty nữa, chỉ cần ghi thông tin về người đại diện theo PL và các thông tin chúng của Cty là được.

Còn các thông tin về Cổ đông của Công ty, sẽ được cơ quan ĐKKD hoặc Uỷ ban chứng khoán nhà nước, các cơ quan được uỷ quyền… quản lý thông tin thông qua hồ sơ lưu trữ, thông qua việc gửi thông báo về cổ đông lớn như Luật đã quy định, hoặc thông qua thông tin lưu trữ tại các trung tâm lưu ký chứng khoán….

——————

Trên đây là ý kiến góp ý của em, có gì mong thầy chỉ bảo thêm.

(Tại vì em cũng làm về Doanh nghiệp khá nhìu rồi và em rất thấu cảnh bị bọn Nhà nước – Sở KHĐT hành dân)\

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 


Bài viết đăng trên Tạp chí Nhà Quản lý số 75/9-2009:

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.389. Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp...

Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường. (VNN)...

Trích dẫn 

3.906. Đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám: Làm rõ vấn...

Đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám: Làm rõ vấn đề chủ sở hữu hưởng lợi của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,481