(NQL) – Với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 1999 và 2005, thủ tục đăng ký kinh doanh là một trong những lĩnh vực đã được cải cách mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề gây bức xúc cho các doanh nghiệp. Một trong những số đó là thủ tục đăng ký thay đổi Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần.
Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định một trong những nội dung của Điều lệ công ty là phải xác định Người đại diện theo pháp luật của công ty (Điều 22). Người đại diện theo pháp luật có thể là một trong các chức danh Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc hay Tổng giám đốc công ty (Điều 95). Nếu người đại diện theo pháp luật của công ty là Tổng giám đốc, thì chức danh này do HĐQT toàn quyền quyết định. Vấn đề này đã được quy định rõ tại điểm h, khoản 2, Điều 108 của Luật Doanh nghiệp, về một trong những quyền và nhiệm vụ của HĐQT là “Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định”. Điều đó có nghĩa là, cấp nào có thẩm quyền bổ nhiệm các chức danh quản lý khác, thì do Điều lệ quy định, còn riêng chức danh Tổng giám đốc thì Luật đã ấn định là quyền hạn, đồng thời cũng là trách nhiệm của HĐQT.
Tuy nhiên, gần đây các công ty cổ phần muốn thay đổi đăng ký kinh doanh đối với Người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc, thì đều bị yêu cầu nộp biên bản họp Đại hội đồng cổ đông. Vụ việc điển hình là việc thay đổi Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Ngày 07-10-2008, Phòng Đăng ký Kinh doanh số 2 thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi Tổng Giám đốc, đồng thời là Người đại diện theo pháp luật của Sudico. Nhưng sau đó Phòng này lại có Thông báo số 25/TB-ĐKKD yêu cầu Sudico bổ sung biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, nếu không sẽ bị huỷ bỏ nội dung đăng ký kinh doanh mới được thay đổi.
Vậy tại sao cơ quan đăng ký kinh doanh lại yêu cầu doanh nghiệp phải có biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, trong khi việc thay đổi chức danh Tổng giám đốc không hề liên quan gì đến quyền hạn, trách nhiệm của Đại hội đồng cổ đông? Cơ sở mà cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu là dựa vào quy định tại khoản 3, Điều 29, Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29-8-2006 của Chính phủ về Đăng ký kinh doanh như sau: Khi đăng ký thay đổi Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần, thì phải gửi đến Phòng Đăng ký kinh doanh “quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần”. Tuy nhiên, đó là sự hiểu sai quy định một cách máy móc, vô lý, dẫn đến những đòi hỏi trái luật, gây khó cho doanh nghiệp.
Quy định tại Điều 29, Nghị định số 88/2006/NĐ-CP chỉ đúng với hai trường hợp sau: Thứ nhất, nếu Người đại diện theo pháp luật của công ty là Chủ tịch HĐQT, thì cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền yêu cầu phải có biên bản họp Đại hội đồng cổ đông về việc bầu Chủ tịch HĐQT, trong trường hợp Điều lệ Công ty quy định việc bầu Chủ tịch HĐQT thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông (Điều 111 của Luật Doanh nghiệp). Thứ hai, nếu công ty thay đổi Người đại diện theo pháp luật từ chức danh Chủ tịch HĐQT sang chức danh Tổng giám đốc mà trước đây Điều lệ lại quy định Chủ tịch HĐQT là Người đại diện theo pháp luật hoặc trường hợp ngược lại, công ty thay đổi Người đại diện theo pháp luật từ chức danh Tổng giám đốc sang chức danh Chủ tịch HĐQT mà trước đây Điều lệ lại quy định Tổng giám đốc là Người đại diện theo pháp luật. Nếu có sự thay đổi đó, thì đồng nghĩa với việc làm thay đổi Điều lệ của công ty, do đó bắt buộc phải có sự thông qua của Đại hội đồng cổ đông thì mới hợp pháp.
Còn việc thay đổi Tổng giám đốc của Sudico trong trường hợp nói trên, cũng như phần lớn việc thay đổi Người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc của các công ty cổ phần chỉ thuộc thẩm quyền của HĐQT. Trường hợp này không liên quan gì đến Đại hội đồng cổ đông, cũng không dẫn đến việc thay đổi Điều lệ công ty. Cơ quan đăng ký kinh doanh đã bỏ qua đoạn tiếp theo có ý nghĩa làm rõ quy định nói trên của khoản 3, Điều 29 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP: “Quyết định, biên bản họp Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông và quyết định của chủ sở hữu công ty phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty.” Quy định này đã giải thích lý do Nghị định yêu cầu biên bản họp Đại hội đồng cổ đông là liên quan đến việc sửa đổi Điều lệ. Mà trong tình huống này, không có gì khác hơn là việc sửa đổi nội dung về thay đổi Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, từ chức danh Chủ tịch HĐQT sang Tổng Giám đốc hoặc ngược lại.
Việc thay đổi Tổng giám đốc, đồng thời là Người đại diện theo pháp luật của các công ty diễn ra rất phổ biến. Yêu cầu nộp biên bản họp Đại hội đồng cổ đông trong mọi trường hợp, là cơ quan đăng ký kinh doanh đã cố tình phạm luật. Đây là một đòi hỏi vô lý, gây tốn kém rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc của doanh nghiệp. Đối với những công ty có hàng ngàn cổ đông, để bổ sung vài trang biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, thì phải bỏ ra hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng rất vô ích để tổ chức một cuộc họp hoặc lấy ý kiến cổ đông. Không những thế, việc này còn đặt Đại hội đồng cổ đông vào tình thế phải quyết định một việc ngoài thẩm quyền, sai cả pháp luật lẫn Điều lệ công ty.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có văn bản yêu cầu các Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và hiểu đúng yêu cầu tại Điều 29 của Nghị định số 88/2006/NĐ-CP nói trên. [1]
[1] Điều 38 về “Đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần” Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 về Đăng ký doanh nghiệp đã có quy định mới: Kèm theo Thông báo phải có: Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty làm thay đổi nội dung điều lệ công ty, của Hội đồng quản trị trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty không làm thay đổi nội dung điều lệ công ty.
Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——
Bài viết đăng Tạp chí Nhà Quản lý số 77 tháng 11-2009:
- Đăng lại: