114a. Một số vấn đề về Dự thảo Luật NHNN.

(ANVI) – Hội thảo Lấy ý kiến về Dự thảo Luật NHNN và Luật các TCTD

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng ngày 20-8-2009

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DỰ THẢO LUẬT NHNN

(Dự thảo 4 – trình Chính phủ tháng 6-2009)

 

  1. Về tên gọi của Luật: Không thấy Ban soạn thảo phân tích, lý giải về việc tại sao lại giữ nguyên tên gọi của Luật là Luật NHNN Việt Nam mà không đổi thành Luật Ngân hàng Trung ương Việt Nam, Luật Ngân hàng Quốc gia Việt Nam hay một tên gọi khác như nhiều ý kiến đề nghị lâu nay để làm rõ được tính chất của NHNN và tránh việc nhầm lẫn.
  2. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Nếu xác định NHNN chỉ là một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ, thì cần xem lại việc xây dựng một đạo luật riêng về tổ chức và hoạt động của “Bộ” này, vì từ trước đến nay chỉ có một đạo Luật Tổ chức Chính phủ chung, không xây dựng Luật riêng về tổ chức và hoạt động của một bộ. Theo đó, chỉ cần xây dựng Luật Hoạt động của Ngân hàng Trung ương. Là Luật về tổ chức của NHNN, nhưng cũng chỉ có một vài điều mang tính nguyên tắc, chưa làm rõ được mô hình tổ chức của NHNN, mà lại giao cho Chính phủ và Thống đốc NHNN quy định. Cứ theo như Dự luật, thì NHNN chỉ khác các bộ khác ở chữ Thống đốc thay cho chữ Bộ trưởng.
  3. Về vai trò độc lập của NHNN: Dự luật tìm mọi cách để thể hiện vai trò độc lập của NHNN trong khi dường như là nó đã được ấn định rằng không được phép độc lập. Vì vậy, đã buộc phải tạo ra những nội dung rất đặc biệt theo kiểu lột tả công đoạn thực tế như: “NHNN xây dựng định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để Chính phủ trình Quốc hội quyết định” (Điều 5); “NHNN báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia để Chính phủ báo cáo Quốc hội” (Điều 13). Thực ra quy định như thế cũng không có tác dụng gì hơn, vì bộ nào cũng phải là người “chắp bút” cho Chính phủ về các lĩnh vực do mình chịu trách nhiệm.
  4. Về cơ chế lãi suất: Điều 16 quy định: “Lãi suất cơ bản là lãi suất do NHNN xác định và công bố để định hướng lãi suất thị trường” và “Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các TCTD với nhau và với các khách hàng theo quy định của Luật này và Luật Các TCTD”. Như vậy, các TCTD không chịu giới hạn về lãi suất 150% lãi suất cơ bản theo khống chế của Bộ luật Dân sự là cần thiết và hợp lý.
  5. Về việc phát hành, thu hồi, thay thế tiền: Việc phát hành, thu hồi, thay thế tiền (“thu hồi và rút khỏi lưu thông các loại tiền không còn thích hợp và phát hành các loại tiền khác thay thế”), thìthuộc thẩm quyền của NHNN (các Điều 21, 22, 23 và 24). Việc “thiết kế mệnh giá, kích thước, trọng lượng, hình vẽ, hoa văn và các đặc điểm khác của tiền giấy, tiền kim loại” thì trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Điều 22). Việc “thiết kế, in, đúc, bán ở trong nước và ngoài nước các loại tiền mẫu, tiền lưu niệm phục vụ cho mục đích sưu tập hoặc mục đích khác” thì lại phải theo quy định của Chính phủ (Điều 25). Các nội này cần được quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền, vì thể hiện như Dự thảo thì sẽ bị hiểu rằng Thống đốc lại quyết định việc quan trọng hơn Thủ tướng và Thủ tướng lại quyết định việc quan trọng hơn Chính phủ?
  6. Về việc góp vốn, mua cổ phần của NHNN: Điều 31 quy định NHNN được “góp vốn, mua cổ phần thành lập doanh nghiệp nhằm thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của NHNN khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận” và được “quyết định mua cổ phần có thời hạn của các TCTD gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng theo cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định” là cần thiết và hợp lý để bảo đảm thực hiện một cách có hiệu quả chức năng của NHNN và bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng.
  7. Về giải thích từ ngữ: Một số từ ngữ được định nghĩa ở cả 2 luật NHNN và các TCTD như “hoạt động ngân hàng”, trong khi “ngoại hối”, “giấy tờ có giá”,… cũng được sử dụng nhiều lần trong Luật các TCTD, nhưng lại chỉ được giải thích trong Luật NHNN. Cần xác định, những từ ngữ nào đã được giải thích trong Luật NHNN thì Luật các TCTD cũng đương nhiên sử dụng theo, chứ không thể hai Luật đều giải thích cùng một từ ngữ, cũng như không thể cùng quy định về một nội dung như nhau. Tránh tính trạng 2 luật hiện hành cùng quy định trùng lặp giống nhau về Thanh tra ngân hàng và về Khen thưởng, xử lý vi phạm.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,728