122. Quản lý người chưa thành niên?

(NQL) Người chưa thành niên là người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Vì vậy, về nguyên tắc, họ không được phép tự quyết những việc quan trọng, lớn lao. Đáng tiếc là luật này cấm, nhưng luật khác lại mặc nhiên cho người nữ chưa thành niên được phép làm những việc hệ trọng nhất của cuộc đời, đó là lấy chồng và sinh đẻ.

Người chưa thành niên

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, người chưa thành niên (hay còn gọi là vị thành niên), là người chưa đủ 18 tuổi. Người chưa thành niên không có đủ năng lực hành vi dân sự, tức là chưa được phép tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự như đối với người thành niên.

Người chưa thành niên được chia thành nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó người chưa đủ 6 tuổi hoàn toàn không có năng lực hành vi dân sự, người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có năng lực hành vi hạn chế. Phân theo đối tượng, người chưa thành niên bao gồm toàn bộ trẻ em và một phần là thanh niên. Trong đó, trẻ em là người dưới 16 tuổi, theo Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em năm 2004. Còn thanh niên là người từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi theo Luật Thanh niên năm 2000.

Người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về mặt cơ thể sinh học, còn nhiều hạn chế cả về thể chất cũng như tinh thần và rất dễ bị tổn thương. Vì vậy họ được pháp luật đặc biệt quan tâm bảo vệ. Có rất nhiều quy định riêng biệt đối với người chưa thành niên như: Việc xử phạt nhẹ đáng kể đối với người chưa thành niên phạm tội và ngược lại xử phạt rất nặng đối với hành vi xâm phạm đến người chưa thành niên, như hiếp dâm, mua bán, cưỡng bức, hành hạ người chưa thành niên,… Đặc biệt, một người chưa đủ 18 tuổi, thì dù có phạm tội lỗi tày đình đến đâu đi chăng nữa, cũng không bao giờ phải chịu mức hình phạt tử hình.

Không được làm những việc lớn

Pháp luật có nhiều quy định hạn chế hành vi của người chưa thành niên. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự của họ phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ trường hợp đặc biệt như giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định được phép.

Tuổi đủ năng lực hành vi dân sự, hay tuổi để trở thành người lớn có ý nghĩa pháp lý và thực tế vô cùng quan trọng. Chưa đủ 18 tuổi, tức là chưa được tự mình quyết định hầu hết những công việc trong cuộc sống, như chưa được thành lập và quản lý doanh nghiệp, chưa được thuê lao động, chưa nhận thẻ cử tri để đi bầu cử, chưa được lái xe mô tô từ 50 cm3 trở lên,…

Thậm chí đối với một số công việc còn yêu cầu phải qua ngưỡng tuổi thành niên một thời gian nhất định mới được làm. Ví dụ như nam giới phải đủ 20 tuổi trở lên mới được phép hiến tình trùng (theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006). Hay người đủ 21 tuổi trở lên mới được ứng cử đại biểu quốc hội và đại biểu HĐND các cấp (Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội năm 1997 và Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003), mới được lái xe ô tải, máy kéo trên 3,5 tấn (Luật Giao thông đường bộ năm 2008).

Chưa phải là người lớn, sẽ không được phép xem các bộ phim có những cảnh nóng bỏng yêu đương, giường chiếu. Đương nhiên chuyện vợ chồng và quan hệ tình dục là điều cấm kỵ đối với người chưa thành niên. Đấy là nguyên tắc hoàn toàn hợp tình, hợp lý, có cơ sở khoa học và không thể bác bỏ.

Nhưng lại được làm chuyện người lớn

Vậy mà, cả ba đạo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986 và 2000 đều quy định như nhau là, nữ chỉ cần “từ 18 tuổi trở lên” đã được phép kết hôn. Tuy nhiên, trong suốt bốn chục năm trời, từ khi có Luật Hôn nhân và gia đình đầu tiên, cho đến hết thế kỷ 20, nhà nhà, người người điều hiểu rằng, nữ chưa thành niên mà lấy chồng thì được coi là tảo hôn, vi phạm một trong những điều cấm kết hôn. Vì vậy trên thực tế, chính quyền chỉ cho phép người nữ đủ 18 tuổi, tức đủ tuổi thành niên mới được kết hôn.

Nhưng Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của TAND Tối cao và Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ đã giải thích rõ, từ 18 tuổi là bước sang tuổi 18 (tức là chỉ cần đủ 17 tuổi cộng thêm 1 ngày). Xét đơn thuần về từ ngữ thì đúng là thế, nhưng xét về bản chất pháp lý thì là một việc thay đổi ghê gớm, một sự mâu thuẫn nguy hiểm: Người chưa trưởng thành nhưng lại được lấy chồng một cách đàng hoàng, thoải mái. Còn gì bất công hơn, khi người khác giao cấu với người chưa đủ 18 tuổi thì có thể bị phạt tù từ 1-15 năm vì phạm Tội mua dâm người chưa thành niên theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Hình sự, trong khi cũng chính người chưa thành niên ấy thì lại được tự do giao cấu hợp pháp với người khác nếu giắt lưng một cái giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Như vậy, một mặt pháp luật quy định tuổi này chỉ được làm những việc nhỏ, không được tự mình làm những việc quan trọng, nhưng mặt khác lại cho phép họ được quyết định một việc hệ trọng nhất của cuộc đời. Và hậu quả tiếp theo là, sau khi lấy chồng hợp pháp xong, đương nhiên được sinh con đẻ cái. Rồi nếu xảy ra mâu thuẫn vợ chồng, thì lại được quyền tham gia vào vòng tố tụng dân sự, tức là phải độc lập quyết định việc ly hôn, việc phân chia con cái, tài sản, nhà cửa, đất đai. Trong khi một người chưa thành niên khác, thì lại không được phép độc lập trở thành nguyên đơn hoặc bị đơn dân sự trong các vụ việc, dù là nhỏ nhặt tại toà án.

Không tìm ra bất cứ lý do nào thuyết phục cho việc quy định và giải thích rằng, người chưa thành niên lại được phép tự do kết hôn. Thậm chí điều này là đi ngược lại chính sách hạn chế sinh đẻ và sinh con sớm, đồng thời cũng trái ngược với xu thế phát triển của xã hội là, tuổi kết hôn trên thực tế ngày càng cao. Đó là một quy định cho phép hết sức vô lý. Nếu vẫn cứ “quyết” cho người chưa thành niên lấy chồng hay lấy vợ, thì ít nhất cũng phải kèm theo những điều kiện nhất định, như phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ chẳng hạn.

Luật Hợp tác xã năm 2003 cũng mắc một lỗi tương tự khi quy định, người từ 18 tuổi trở lên (tức là người chưa thành niên) được thành lập và tham gia hợp tác xã. Để sửa sai lầm nguy hiểm này, Nghị định số 177/2004/NĐ-CP ngày 12-10-2004 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã đã mạnh dạn sửa “từ” 18 tuổi thành “đủ” 18 tuổi cho đúng với nguyên tắc cơ bản của pháp luật.

Có thể nói, đây là một lỗi lập pháp nghiêm trọng, chỉ vì thiếu một chữ “đủ” trước con số 18 tuổi. Trong hai trường hợp trên, nếu phải lựa chọn giữa việc giải thích đúng Luật là “từ 18 tuổi” với giải thích sai Luật là phải “đủ 18 tuổi”, thì có lẽ cách giải thích sai luật lại đáng theo hơn.

Những rối rắm quy định về độ tuổi

Còn nhiều mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các độ tuổi. Chưa bàn đến toàn bộ, mà chỉ xét đến các đạo luật hiện hành đã cho thấy việc sử dụng quá nhiều từ ngữ khác nhau để quy định về mốc tuổi như: Dưới, từ, đến, đến hết, chưa đủ, đủ, từ đủ, trên,… Ví dụ:

– Quy định “dưới x tuổi” như tại khoản 1, Điều 621 của Bộ luật Dân sự năm 2005: “Người dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra”;

– Quy định “từ x tuổi” như tại khoản 1, Điều 122, Luật Doanh nghiệp năm 2005: Thành viên Ban Kiểm soát phải là người “Từ 21 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật này”;

– Quy định “đến x tuổi” như tại Điều 21, Luật Giáo dục năm 2005: “Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi.”;

– Quy định “đến hết x tuổi” như tại Điều 12, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981: “Công dân nam giới đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; lứa tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi.”;

– Quy định “chưa đủ x tuổi” như tại khoản 4, Điều 112 của Bộ luật Hình sự năm 1999: “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em”.

– Quy định “đủ x tuổi” như tại khoản 1, Điều 50, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2007: “Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi”;

– Quy định “từ đủ x tuổi trở lên” như tại Điều 2, Luật người cao tuổi năm 2009:  “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”;

– Quy định “trên x tuổi” như tại Điều 123 của Bộ luật Lao động năm 1994: “Người lao động cao tuổi là người lao động nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi”;

Trong các trường hợp trên, việc sử dụng cụm từ “dưới x tuổi”, “từ x tuổi”, “đến x tuổi” “từ x tuổi trở lên” và “trên x tuổi” là có phần thiếu chính xác, vì dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau do không được diễn đạt một cách rõ ràng về khoảng thời gian 12 tháng của chính độ tuổi lấy làm mốc. Vì vậy, nếu muốn chính xác, thì phải sử dụng các từ “chưa đủ x tuổi”, “đủ x tuổi” và “từ đủ x tuổi trở lên” hay “Đến hết x tuổi”.

Như vậy, có rất nhiều điều luật quy định về độ tuổi một cách không rõ ràng và chuẩn xác. Nhưng trong trường hợp nói trên, thì cần phải có sự lên tiền của Quốc hội, vì nó vướng vào đúng con số đủ hay không đủ 18 tuổi, là giới hạn quyết định số phận pháp lý của một con người, là ranh giới mong manh được hay chưa phép bước vào đời.

———————————————

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài đăng Tạp chí Nhà Quản lý số 81+82 tháng 4+5/2010:

Tên gốc: Cấm cần lý do, cho đừng vô cớ

(đã bị Tạp chí đổi thành cái tên ngớ ngẩn “Quản lý người chưa thành niên?”)

 

  • Đăng lại:
  1. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/07/02/4917/
  2. http://www.sunlaw.com.vn/news/quan-ly-nguoi-chua-thanh-nien.aspx

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,357