126. “Cấm” ra Toà, ngại đến Toà và sợ hầu Toà.

(ANVI) – Tham luận Hội thảo Reacom Đầm Long, Ba Vì 12-9-2010

Bình luận Dự thảo 3+4 – Luật Tố tụng hành chính đang được Quốc hội lấy ý kiến của nhân dân.

Nội dung góp ý dựa trên Dự thảo đã được trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội ngày 03-6-2010, cùng với nội dung tiếp thu, chỉnh lý theo Báo cáo số 07/BC-TANDTC ngày 24-5-2010.

  1. Về phiên toà không có người tham gia tố tụng
  • Điểm b, khoản 1, Điều 86 về “Quyết định đưa vụ án ra xét xử” của Dự thảo quy định một trong những nội dung phải có là: “Việc xét xử được tiến hành công khai hay xét xử kín với sự có mặt hay không có mặt các đương sự và những người tham gia tố tụng khác”. Cùng với nội dung ấy, điểm b, khoản 1, Điều 81 (Điều 117 Dự thảo 4) về “Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính” của Dự thảo cũng nhắc đến việc Toà án “có thể xét xử vắng mặt các đương sự” không vì lỗi của họ. Khoản 3, Điều 140 (Điều 189 Dự thảo 4) về “Sự có mặt của những người tham gia tố tụng” cũng có quy định: “Đối với các vụ án khi xét xử sơ thẩm không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không có yêu cầu tham gia phiên toà phúc thẩm thì Toà án tiến hành phiên toà phúc thẩm không cần sự có mặt của họ.” Tự quyết từ đầu việc xét xử “không có mặt các đương sự và những người tham gia tố tụng khác” là điều lạ lùng không thể chấp nhận. Điều này là trái với một loạt nguyên tắc và đòi hỏi của quá trình tố tụng, tước đoạt một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của dân quyền khởi kiện công quyền. “Con kiến” kiện “củ khoai”, mà còn không được ba mặt một lời với “củ khoai” nữa thì hoá ra là kiện vỏ khoai hay là tạo ra vụ kiện kiểu nước đổ lá khoai ư?
  • Đây là một điều luật trái với quy định tại Điều 133 Hiến pháp: “Toà án nhân dân bảo đảm cho công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc các dân tộc quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước Toà án.Đồng thời cũng trái với Điều 21 về “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính” của Dự thảo với quy định: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính là tiếng Việt” và “Người tham gia tố tụng hành chính có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Trong trường hợp này cần phải có người phiên dịch”. Nếu quy định không có mặt, thì đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ còn được sử dụng một nửa quyền là chữ viết (từ trước), mà không được quyền sử dụng tiếng nói. Phiên toà vắng mặt cả đôi bên đương sự lẫn những người liên quan thì sẽ chẳng khác gì một chiếc ti vi chỉ hiện chữ mà không có hình, chẳng có tiếng. Và luật sư tranh tụng bảo vệ quyền lợi của người khởi kiện sẽ chỉ được làm luật sư tư vấn, vì mất quyền tham dự phiên toà. Đến như phiên toà giám đốc thẩm, về nguyên tắc, không có sự tham gia của đương sự, thế nhưng khoản 1, Điều 71 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006) còn mở rộng bằng quy định: Toà án triệu tập đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị, nếu “Toà án thấy cần phải nghe ý kiến của họ trước khi quyết định”. Cũng tương tự như vậy là quy định tại khoản 2, Điều 295 về “Thủ tục phiên toà giám đốc thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
  • Những quy định nêu trên của Dự thảo sẽ vô hiệu hoá một loạt những quy định cơ bản, có tính chất quyết định đối với việc thành bại trong quá trình tố tụng dưới đây của chính Dự thảo 3:
  • Quy định tại khoản 1, Điều 89 (Điều 125 Dự thảo 4) về “Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục”: “Toà án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe lời trình bày của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Bản án chỉ được căn cứ vào kết quả tranh tụng, việc hỏi tại phiên toà và các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà.”;
  • Quy định tại Điều 92 (Điều 128 Dự thảo 4) về “Sự có mặt của người khởi kiện”; Điều 93 (Điều 129 Dự thảo 4) về “Sự có mặt của người bị kiện”; Điều 94 (Điều 130 Dự thảo 4) về “Sự có mặt của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”; Điều 96 (Điều 132 Dự thảo 4) về “Sự có mặt của người làm chứng”; Điều 97 (Điều 133 Dự thảo 4) về “Sự có mặt của người giám định”; Điều 98 (Điều 134 Dự thảo 4) về “Sự có mặt của người phiên dịch”. Theo đó những người này “phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án” hoặc “có nghĩa vụ tham gia phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án. Và hầu hết các trường hợp nếu họ vắng mặt lần thứ nhất (có lý do chính đáng) thì phải hoãn phiên toà,…;
  • Một loạt quy định khác như về việc chuẩn bị xét xử, về việc mở phiên toà, về thủ tục tố tụng tại phiên toà,… cũng sẽ trở thành vô nghĩa.
  • Quy định “xét xử sơ thẩm không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng” tại Điều 140 (Điều 189 Dự thảo 4) của Dự thảo là một bước thụt lùi ghê gớm về mặt pháp lý so với quy định hiện hành tại đoạn 2, Điều 7 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996: “Đối với các vụ án hành chính mà nội dung đã rõ ràng, có đủ chứng cứ được các bên thừa nhận và không có yêu cầu tham gia phiên toà, thì Toà án xét xử mà không cần sự có mặt của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác.” Quy định này của Pháp lệnh là hợp lý, vì một khi đương sự đã tự nguyện rút lui khỏi phiên toà, thì không có lý gì mà pháp luật lại bắt họ phải hầu toà. Nhưng Dự thảo thì lại đặt ra một nghịch lý: Vắng mặt đương sự trái ngược 180o với ý chí của họ. Những nội dung ngăn cản đương sự đến phiên toà nói trên không được quy định thành một điều khoản trực tiếp, rõ ràng, mà chỉ được nêu một cách khôn khéo, ẩn khuất ở trong các điều khoản liên quan. Nhưng nếu Quốc hội thông qua những nội dung ấy, thì sẽ lập tức có một Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về những trường hợp Toà án được tự quyết định loại trừ sự có mặt của đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Đặc biệt theo những quy định trên, nếu sơ thẩm đã bị “cấm cãi”, thì tiếp theo phúc thẩm cũng sẽ bị cấm dự phiên toà.
  • Vì vậy đề nghị phải bỏ hẳn tất cả những nội dung liên quan đến việc xét xử không cần “có mặt các đương sự và những người tham gia tố tụng khác”. Nếu còn duy trì quy định này, là còn phủ nhận cả yêu cầu tranh tụng được nêu ra Nghị quyết số 49-NQ-TƯ ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp, là đóng cửa xét xử. Quy định này có thể là “tốt” với người bị kiện hành chính vì các quan chức Nhà nước không phải hầu toà để “phục vụ” các đối tượng bị mình quản lý, áp đặt. Nhưng nó sẽ quá “xấu” với người khởi kiện vụ án hành chính. Không thể vì thực tế gần như tất cả các quan chức nhận được trát toà đều không muốn ra toà, thì người dân cũng đành cam chịu bị “cấm” ra Toà. Như vậy sẽ dễ dẫn đến nguy cơ “xử kiểu gì cũng được”.
  1. Về thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính của Toà án
  • Điều 25 (Điều 27 Dự thảo 4) về “Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án” của Dự thảo đưa ra 5 loại khiếu kiện, trong đó loại thứ 5 là “khiếu kiện khác” chưa được xác định rõ. Như vậy, dự thảo thể hiện theo phương pháp liệt kê. Bên cạnh đó có nhiều ý kiến đề nghị thể hiện theo phương pháp loại trừ, trong đó có ý kiến của Uỷ ban Tư pháp tại Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tố tụng hành chính số 3848/BC-UBTP12 ngày 14-5-2010.
  • Theo tôi, cả 2 phương pháp trên đều bất cập. Theo phương pháp liệt kê thì dễ dẫn tới việc trói chân trói tay, tước đoạt quyền “tự vệ” chính đáng của người bị quyết định hành chính xâm hại. Còn theo phương pháp loại trừ thì Toà cũng lúng túng, người dân càng không biết đằng nào mà lần. Vì vậy, cần kết hợp cả 2 phương pháp đó như sau: Thiết kế khoản 1 là nội dung loại trừ và thiết kế khoản 2 là liệt kê các vụ việc thuộc thẩm quyền, trong đó điểm cuối cùng phải có một câu quét là: Những vụ việc khác không thuộc trường hợp loại trừ tại khoản 1. Chỉ có như vậy mới đáp ứng được trọn vẹn vấn đề và luật mới thật sự cụ thể, rõ ràng và hữu ích. Yêu cầu việc loại trừ phải được quy định một cách cụ thể, cái gì chưa rõ thì mới giao cho Chính phủ, chứ không phải giao toàn quyền cho Chính phủ để cho lập pháp và tư pháp chạy theo hành pháp. Tương tự, việc liệt kê cũng càng cụ thể cảng tốt (tương tự như quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành). Liệt kê trong trường hợp này vẫn không sợ mắc phải lỗi bỏ sót, cũng như không sợ mất đi tính ổn định của Luật.
  • Một trong những đối tượng cần được đưa vào khởi kiện là văn bản quy phạm pháp luật xâm phạm đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức. Trước mắt, có thể chưa cho phép khởi kiện luật trái Hiến pháp, nghị định trái luật, nhưng không thể cấm việc khởi kiện các thông tư của bộ và các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương trái luật và nghị định. Nếu không thì mãi mãi, không bao giờ thực thi được một nền hành chính chuyên nghiệp, công bằng.
  • Lo ngại việc Toà án bị quá tải có phần đúng, nhưng không thể giảm tải bằng cách thô thiển là giảm quyền của dân, tức là ngăn cản con đường đi tìm công lý. Còn xét trên bình diện chung, so với các Toà khác, Toà Hành chính vẫn ngồi chơi, xơi nước, đi “đánh thuê” hình sự, dân sự, lao động trong mười mấy năm nay, thì không phải quá lo đến việc quá tải. Theo Báo cáo tổng kết của TAND Tối cao, tổng cộng suốt lịch sử 12 năm hoạt động của Toà hành chính, từ 1996 đến 2008, đã thụ lý 12.222 vụ, xét xử 10.132 vụ. Như vậy, tính bình quân toàn Ngành, thì mỗi Toà Hành chính chỉ thụ lý được 1,3 vụ/tháng và xét xử 1,1/tháng. Và cứ mỗi năm chừng 84.000 dân mới khởi kiện 1 vụ án hành chính ra Toà. Như vậy, nền hành chính của ta thuộc loại tốt nhất thế giới, vì rất ít vụ kiện hay là loại tồi nhất thế giới vì người ta không dám kiện, không muốn kiện và không thể kiện. Tôi cho rằng lý do nằm ở vế thứ hai.

Tuy nhiên số vụ kiện nhiều hay ít không quan trọng bằng kiện về những việc gì và tỷ lệ thắng kiện là bao nhiêu. Đáng tiếc là không thấy có thông tin gì về vấn đề này. Kiện khó, kiện thua hoặc chỉ thắng trên giấy mà vẫn bại trên thực tế, thì mấy ai muốn kiện? Theo số liệu thống kê, thì những năm đầu, án hành chính còn tăng lên đáng kể, còn suốt 7 năm gần đây vẫn chỉ loanh quanh con số 1.300 đến 1.700 vụ/năm. Vậy thì, phải thiết kế thế nào để mong cho dân thấy thuận tiện, thấy tin vào Toà mà kiện thật nhiều, chứ sinh ra toà để xử kiện thì sao lại sợ “tranh” việc với người khác, mà việc lại đáng là của mình?

  1. Về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính
  • Điều 67 (Điều 102 Dự thảo 4) về “Điều kiện khởi kiện vụ án hành chính” của Dự thảo đang thiết kế theo phương án, một số loại việc phải bắt buộc thông qua thủ tục giải quyết khiếu nại trước khi khởi kiện ra Toà án. Tờ trình Quốc hội số 46/TTr-TANDTC ngày 19-4-2010 của TAND Tối cao phân tích: “đối với một số loại việc có tính chuyên môn cao (như: các quyết định hành chính trong lĩnh vực về thuế, sở hữu trí tuệ, quản lý đất đai và các lĩnh vực khác được luật chuyên ngành quy định) thì nên để các cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại trước khi cho phép khởi kiện ra Toà án. Bên cạnh đó, khiếu kiện đối với hành vi hành chính ở bất cứ lĩnh vực nào thì cũng cần qua thủ tục khiếu nại trước, vì việc thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nên để cơ quan hành chính đó xem xét trước, tránh việc khiếu kiện tràn lan và việc để cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính trước khi cho phép khởi kiện ra Toà án sẽ tạo điều kiện cho các đương sự có thêm chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; bởi lẽ, theo định nghĩa tại Điều 2 của Dự thảo Luật thì hành vi hành chính có thể là hành động hoặc không hành động và như vậy, khi Toà án thụ lý giải quyết vụ án thì sẽ gặp khó khăn không chỉ ở việc xác định hành vi bị khiếu kiện có phải hành vi hành chính hay không mà còn khó khăn trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ.” Điều này là hoàn toàn bất hợp lý. Toà án mà còn sợ “khó khăn trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ”, thì người dân thấp cổ bé họng chỉ còn nước “gãi ghẻ” các cơ quan nhà nước. Khiếu nại với cơ quan ra quyết định hành chính thì khác nào “đấm bị bông”. Ngay cả việc có quy định thủ tục thoả thuận trong tố tụng hành chính là bắt buộc hay không, cũng còn nhiều quan điểm, trong đó Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho là không nên bắt buộc, vì không phù hợp với quan hệ trong lĩnh vực hành chính. Vậy thì khiếu nại tiền tố tụng hành chính cũng chỉ nên là một sự lựa chọn thêm, chứ đừng ép buộc. Không những thế, việc càng khó, càng phức tạp thì càng cần Toà án sớm vào cuộc, dùng uy quyền của cơ quan tư pháp để xử lý quyền lực hành chính. Cơ quan nhà nước muốn bảo vệ lẽ phải của mình thì nhanh chóng ra Toà, chứ không phải là tự cho mình là phải. Trước khi ra toà, họ còn được quyền và có trách nhiệm “nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có” trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về đơn khởi kiện (Điều 78 (Điều 114 Dự thảo 4) về “Quyền, nghĩa vụ của người được thông báo”). Ngoài ra, có dành thời gian cho họ tự “xử”, thì cũng rất khó thực thi được cơ chế văn minh nhưng lại quá phũ phàng, đó là tự mình phủ nhận mình. Khác với Toà án, dù chỉ là khẩu hiệu thì vẫn hơn hẳn cơ quan khác ở một nguyên tắc hành xử hiến định là xét xử “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
  • Từ cổ chí kim, ở nước ta mọi người đều truyền nhau và tự răn mình, vô phúc mới phải đến toà, nhất là các vụ kiện hành chính. Chẳng người dân nào, tổ chức nào mong muốn đến toà. Hiếm người tin lắm, ít người nghĩ sẽ thắng “trận” khi khởi kiện vụ án hành chính. Chẳng qua là bước đường cùng thì phải luỵ Toà mà thôi. Vậy thì còn hẹp hòi, lo sợ nỗi gì mà không mở lượng “hải hà” cho người ta cái quyền bất đắc dĩ ấy nữa. Vì vậy, cần phải quy định cho phép kiện thẳng tất cả các vụ, tôn trọng quyền lựa chọn của người khởi kiện, chứ không bắt buộc kéo dài chặng đường cam go, quanh co kiếm tìm công lý. Việc sớm đưa ra Toà còn có tác dụng thúc đẩy người bị kiện có trách nhiệm hơn trong việc tự xét lại, nhanh chóng hơn trong việc tự sửa sai.
  • Quy định tại khoản 1, Điều 71 (Điều 106 Dự thảo 4) về “Nhận và xem xét đơn khởi kiện” của Dự thảo rất rõ ràng và đơn giản: “Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.” Và khoản 2, Điều 70 (Điều 105 Dự thảo 4) về “Gửi đơn khởi kiện đến Toà án” quy định có thể nộp đơn khởi kiện bằng cách gửi qua đường bưu điện. Theo đó “ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.” Tuy nhiên, điều trớ trêu nhất là, người nộp đơn khởi kiện hoàn toàn không thể biết rằng đơn của mình có được “ghi vào sổ nhận đơn hay không”. Do đó, cần phải có quy định để loại trừ tình trạng: Chính Toà án rất sợ việc người nộp đơn sẽ “kiện” lại Toà về lý do bị trả lại đơn khởi kiện.
  • Vì vậy, nhất thiết cần phải quy định rõ tại Điều này một nội dung cụ thể như sau: Toà án phải giao cho người nộp đơn giấy biên nhận hoặc văn bản thông báo tiếp nhận đơn, nhất là việc tiếp nhận đơn qua đường bưu điện (Điều 70 – (Điều 105 Dự thảo 4) ). Chỉ có như vậy mới tránh được thảm trạng không khác gì khởi kiện dân sự, người nộp đơn phải đi lại năm lần bảy lượt, bị vặn vẹo, bắt bẻ, đòi hỏi đủ điều mà không nộp được đơn. Và nộp hay không nộp được đơn, cũng không hề có được bất kỳ bằng chứng nào trong tay. Quy định này nhằm tránh Toà lách luật bằng cách nhận đơn nhưng chưa “ghi vào sổ nhận đơn”, nên cũng chưa phát sinh trách nhiệm gì. Thậm chí, khi trả lại đơn cũng không cần “có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện” như quy định tại khoản 2, Điều 72 (Điều 107 Dự thảo 4) về “Trả lại đơn khởi kiện” của Dự thảo, vì đơn kiện có thể vẫn trôi nổi ngoài vòng tố tụng. Quy định này còn có tác dụng đặc biệt quan trọng để hạn chế việc Toà án cứ câu dầm, dền dứ không nhận đơn, vô hiệu quá quy định tại khoản 2, Điều 57 (Điều xxx Dự thảo 4) về “Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Dự thảo như sau: “Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 59 (Điều xxx Dự thảo 4) của Luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Toà án đó”.
  1. Về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính
  • Khoản 2, Điều 68 (Điều 103 Dự thảo 4) về “Thời hiệu khởi kiện” của Dự thảo quy định thời hiệu khởi kiện tuỳ theo loại vụ việc là 30, 45 hoặc 90 ngày hoặc 6 tháng (30 ngày, 6 tháng, 1 năm) và một thời hiệu dành riêng cho khiếu nại danh sách cử tri là trừ lùi 5 ngày kể từ ngày bầu cử . Quy định tới 5 thời hạn khác nhau là quá phức tạp, quá rắc rối, không cần thiết, rất khó cho việc thực hiện. Chưa kể lại còn một số việc phải theo quy định khác của pháp luật về thời hiệu khởi kiện. Và cái khác này có thể dài hơn, có thể ngắn hơn, nhiều khi không thể phân biệt được đâu là thời hạn đúng, vì hàng đống văn bản rối rắm như đã từng xảy ra.
  • Nhiều quan điểm cho rằng, không thể kéo dài thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính, mà chỉ để trong khoảng 3-6 tháng. Tờ trình Quốc hội của TAND Tối cao viết: Một số quan điểm cho rằng “các khiếu kiện hành chính cần được giải quyết trong thời gian ngắn (30 ngày hoặc 45 ngày tuỳ theo từng trường hợp) để tránh những hậu quả khó khắc phục có thể xảy ra; đồng thời quy định như tại Điều 30 của Pháp lệnh hiện hành cũng phù hợp với quy định tại Điều 39 và Điều 46 của Luật khiếu nại, tố cáo”. Một số quan điểm đề nghị tăng thêm, “tuy nhiên, tăng thêm bao nhiêu thì cũng cần phải cân nhắc để tránh tình trạng vụ việc hành chính bị kéo dài dẫn đến những hậu quả khó khắc phục; đồng thời việc quy định thời hiệu cũng cần cân nhắc đối với từng loại khiếu kiện; cụ thể là những khiếu kiện ra Toà án mà không qua thủ tục khiếu nại thì nên quy định thời hiệu dài hơn vì đương sự cần có thời gian để thu thập chứng cứ, nhờ tư vấn, trợ giúp pháp lý…; những khiếu kiện đã qua thủ tục giải quyết khiếu nại lần thứ nhất hoặc lần thứ hai thì thời hiệu khởi kiện phải ngắn hơn để tránh tình trạng vụ việc bị kéo dài và cũng là hợp lý vì các đương sự đã có thời gian chuẩn bị chứng cứ, lý lẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong quá trình giải quyết khiếu nại”. Và theo Báo cáo giải trình của TAND Tối cao, nếu khởi kiện không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại, thì thời hạn khởi kiện chung là 6 tháng. Tôi phản đối tất cả các quan điểm ấy. Quy định của pháp luật tố tụng hành chính hiện hành là không thể chấp nhận được. Không thể đi tìm sự phù hợp với Luật khiếu nại, tố cáo ở những quy định bất cập, nhức nhối suốt hàng chục năm nay. Như vậy vẫn là tư duy lo cho người bị kiện là Nhà nước, mà bỏ phía đáng phải lo thực sự là những người bị hại.
  • “Để tránh tình trạng vụ việc hành chính bị kéo dài dẫn đến những hậu quả khó khắc phục” thì phụ thuộc vào nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là ý chí của người khởi kiện chứ không phải là của người bị kiện. Thời hiệu càng ngắn, thì người có quyền càng dễ mất quyền, đối tượng bị khởi kiện là cơ quan nhà nước càng nhanh chóng được giải thoát nghĩa vụ. Thời hiệu dài hơn không hề ngăn cản người khởi kiện muốn dứt điểm sớm. Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, khi đã khởi kiện, tức là đã đến hồi đối kháng gay cấn, thì mới cần Toà án giải quyết nhanh chóng. Kéo dài vụ án mới thật sự là nỗi kinh hoàng của các đương sự. Không thể chấp nhận lý giải, vụ việc hành chính thì hậu quả khó khắc phục hơn vụ án dân sự, rồi từ đó tính toán so đo hơn kém từng ngày với lý do thời hiệu này dài hơn thời hiệu kia một chút “vì đương sự cần có thời gian để thu thập chứng cứ, nhờ tư vấn, trợ giúp pháp lý”…. Vậy tại sao lại không nới lỏng một cách hợp lý, thoải mái hơn với tất cả các trường hợp?
  • Khoản 3, Điều 159 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm” và “Thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm”. Còn theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2004, thì Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” do “vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội” và do “giả tạo” không bị hạn chế (khoản 2, Điều 136); “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu” trong các trường hợp còn lại và “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự” đều là hai năm” (khoản 2, Điều 136 và Điều 427). Không có căn cứ nào cho rằng vụ việc hành chính có hậu quả khó khắc phục hơn giao dịch dân sự vô hiệu. Hẳn là có lý khi khoản 3, Điều 167 của Bộ luật Lao động năm 1994 khi chưa được sửa đổi, bổ sung, chỉ quy định thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động không quá 1 năm, nhưng sau đó lại phải tăng thời hiệu tranh chấp về bảo hiểm xã hội lên 3 năm? Chắc chắn có lý hơn khi thời hiệu khởi kiện vụ án kinh tế trước đây là 6 tháng, nay đều thống nhất là 2 năm. Thậm chí trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự đang diễn ra, TAND Tối cao còn đề nghị bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện tại Điều 159 của Bộ luật Tố tụng dân sự nói trên, với lý do thời hiệu khởi kiện Hợp đồng dân sự thì theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật Dân sự là 2 năm, còn thời hiệu khởi kiện khác thì không có thời hạn. Một điều hết sức quan trọng không thể bỏ qua là, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là giới hạn cuối cùng bị chốt cứng, trong khi vụ án dân sự còn được nhân lên theo quy định tại Điều 162 về “Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự” của Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau:

“1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

  1. a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
  2. b) Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
  3. c) Các bên đã tự hoà giải với nhau.
  4. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.”
  • Không có lý nào lại quy định thời hiệu khởi hiện còn ngắn hơn cả thời hạn xét xử một vụ án hành chính. Theo Dự thảo, thời hạn từ lúc nộp đơn cho đến lúc xét xử mất khoảng 6 tháng trở lên. Quy định ngắn hạn là hại người bị hại, là tước bớt quyền cơ bản của công dân. Thực tế đa số các vụ án đều phải qua 2 cấp xét xử và bị kéo dài hàng năm trở lên, vì ngoài các thời hạn luật định còn vô vàn khoảng thời gian đệm, dôi dư, trống và bị kéo dài với đủ mọi thứ lý do khác nhau như phải gia hạn hay Toà án còn phải đợi kết quả giám định, kết quả trả lời của các cơ quan khác,… Chính vì thế mà ông Vũ Mạnh Hồng, Chánh Toà Kinh tế, TAND Tối cao đã từng kêu trời trên Báo Kinh doanh và Pháp luật ngày 06-5-1999: “Theo luật, một vụ tranh chấp có thể phải xử ở nhiều cấp toà. Khoảng thời gian tố tụng và thời gian dôi dư ở mỗi cấp là vô hạn định. Dù có chủ ý hay không thì cũng không có ai từ phía toà án phải chịu trách nhiệm.”
  • Vì vậy, đề nghị quy định thống nhất thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 2 năm. Ngoại trừ duy nhất về khiếu nại danh sách cử tri. Thậm chí kể cả trường hợp này, cũng cần phải xem lại. Vì nếu cuộc bầu cử phải bầu lại hay bầu bổ sung, thì dù quá thời hiệu ban đầu mà Dự thảo đặt ra thì vẫn cần phải thụ lý. Đấy là chưa bàn đến chuyện, không biết đã có mấy vụ kiện về danh sách cử tri? Hay cứ mất quá nhiều thời gian để bàn về cái việc bảo vệ quyền lợi của dân mà chẳng người dân nào quan tâm. Liệu có bao nhiêu phần trăm “đại cư tri” chuyên đi bầu hộ? Có bao nhiêu cử tri chỉ mong muốn “nhường” quyền lợi bỏ phiếu của mình cho người khác?

Khác với tranh chấp dân sự, vụ án hành chính luôn có dáng dấp của việc lạm quyền, o bế, ép buộc công dân, bên yếu thế và bất bình đẳng hơn hẳn trong quan hệ nhà nước – công dân. Rút ngắn thời hạn khởi kiện so với án dân sự là tự dành lợi thế cho Nhà nước một lần nữa và hạn chế, trói dân một lần nữa.

  1. Một số vấn đề khác
  • Đề nghị thay thế từ “khiếu kiện” bằng các từ khác thích hợp trong từng ngữ cảnh. Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh” của Dự thảo quy định rõ: Luật này quy định “trình tự, thủ tục khởi kiện và giải quyết các vụ án hành chính”. Thế nhưng toàn bộ Dự thảo lại không dùng từ “kiện” mà lại có tới 27 lần dùng từ “khiếu kiện” tức là khiếu nại và kiện để chỉ việc kiện. Từ “khiếu kiện” ở đây cũng tương tự với cách ghép từ “khiếu tố” trước đây, nay đã được pháp luật phân biệt rạch ròi thành “khiếu nại” và “tố cáo”.
  • Tại sao phải thay những từ có sẵn chuẩn, đúng về nội dung, quen về hình thức, thuận về tổng thể bằng những từ na ná như thế, nhưng lại không chính xác hơn, không hay hơn, không để làm gì cả như thay “hoà giải” bằng “thoả thuận”, thay “nguyên đơn” bằng “người khởi kiện”, thay “bị đơn” bằng “người bị kiện”,… Xin đừng tự gây thêm sự rắc rối, phức tạp về hệ thống các thuật ngữ pháp lý một cách vô nghĩa, vô lý, vô bổ.
  • Đề nghị xem lại rất nhiều điều luật có bố cục “vượt” ra ngoài chuẩn lô-gic thông thường cũng như quy định tại khoản 3, Điều 5 về “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật” của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “Văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng thì tùy theo nội dung có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; đối với văn bản có phạm vi điều chỉnh hẹp thì bố cục theo các điều, khoản, điểm”. Đó là những điều của Dự thảo thừa ra những đoạn văn hoàn toàn không nằm trong bất kỳ khoản, điểm nào trong bố cục điều, như các điều 26, 27, 37, 38, 39,…. (28, 29, 39, 40, 41, 42, 43, 48, 49, 50,… Dự thảo 4) Đây là một lỗi chung đáng báo động về kỹ thuật soạn thảo của gần như tất cả các văn bản quy phạm pháp luật.
  • Với đặc điểm của Dự thảo lên đến 163 điều, bao quát toàn bộ vấn đề tố tụng hành chính, hoàn toàn tương đương với Bộ luật Tố tụng dân sự, do vậy cần phải được gọi đúng tên là Bộ luật Tố tụng hành chính.

————————————–

Địa chỉ liên hệ:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại...

(VNB) Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại VNG có bất thường? (VNB) -...

Trích dẫn 

3.855. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Cần...

3.855. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Cần hài hòa lợi ích để phát...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,118