126. Luật hết giá trị nhưng hệ luỵ vẫn còn

Luật hết giá trị nhưng hệ luỵ vẫn còn

(NQL) – Hàng ngàn công ty nhà nước lưu luyến giã từ Luật Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau khi nó chấm dứt hiệu lực vào ngày 01-7-2010. Đây là một sự kiện pháp lý quan trọng, đánh dấu một chặng đường hội nhập thị trường của công ty nhà nước.  Nhưng thay vì một bước ngoặt cải cách, việc chuyển đổi này mới chỉ là hình thức, với những sự thay đổi thật khó nhận biết.
Biến hình – nguyên trạng

Điều 1 của Luật DNNN định nghĩa: “Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH.” Cũng theo Luật này, thì công ty cổ phần và công ty TNHH nhà nước đã được xác định rõ là hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Vậy là chỉ còn lại duy nhất “công ty nhà nước” là hoạt động theo Luật DNNN và phải chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp từ năm 2010. Nhưng đã là công ty nhà nước 100% vốn nhà nước, thì thực chất nó cũng chẳng khác gì so với công ty TNHH một thành viên là tổ chức, mà chủ sở hữu chính là Nhà nước. Bằng chứng là cách đây 5 năm đã có những công ty có tên gọi kiểu “Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Thống Nhất”.

Vì bản chất không có sự khác biệt, nên việc chuyển đổi từ ngày 01-7-2010 dường như chỉ là một động tác kỹ thuật, hành chính giản đơn. Về hình thức thì có “chỉnh đốn” một chút xíu, nhưng bên trong thì vẫn là nguyên thể trạng. Đó là sự chuyển đổi cho xong việc, chứ không mang lại kết quả gì. Chủ sở hữu trước đây hoàn toàn là nhà nước, thì nay chủ sở hữu vẫn 100% nhà nước. Có chăng chỉ khác ở chỗ, hoán vị cho bộ này hay uỷ ban kia trực tiếp đóng vai của chủ sở hữu. Chưa nói là, nhiều trường hợp chủ sở hữu là ai vẫn còn mơ hồ hoặc nếu đã rõ, thì việc quản lý công ty của chủ sở hữu nhà nước cũng chỉ là một vai phụ trong khi lại phải diễn bao nhiêu vai chính đều chưa mấy thuần thục.

Ngay đến bề ngoài của việc đổi thay, là cái danh xưng của doanh nghiệp cũng đã lạ thường. Chẳng hạn, tên gọi đầy đủ của một công ty nhà nước “Tổng công ty Hàng không Việt Nam”, trước và sau khi chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên vẫn nguyên si là “Tổng công ty Hàng không Việt Nam”. Tương tự là  “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” hay “Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam”. Hoặc đổi mới hình hài bắng cách đặt tên kiểu như “Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Tổng Công ty Đóng tàu Bạch Đằng” thì đã đến mức lạ kỳ. Theo cách hiểu của những ai có đầu óc bình thường, thì chỉ có thể xuất hiện một trong hai cụm từ “Công ty” hoặc “Tổng công ty” trong tên gọi chính thức này. Những từ “Nhà nước” hay đặc điểm khác chỉ nên diễn giải trong quyết định thành lập hay trong Điều lệ mà thôi. Được như thế thì nó sẽ đơn giản, ngắn gọn và cho nó bình đẳng với các công ty khác, khi đã cùng chung một luật – một “sân chơi”.

 Một loạt vấn đề trái luật

Trước đây công ty nhà nước hoạt động theo Luật DNNN thì việc có gì đó trái với Luật Doanh nghiệp là điều bình thường và là hợp pháp. Tuy nhiên, từ tháng 7-2010 trở đi, toàn bộ cơ sở pháp lý làm nền tảng cho hoạt động của công ty Nhà nước đều chỉ còn dựa vào Luật Doanh nghiệp. Vậy, những câu chữ nào không “hợp” với Luật Doanh nghiệp thì cần phải được khai tử, những vấn đề nào trái ngược với Luật Doanh nghiệp thì cần phải bị bãi bỏ.

Trước đây tên gọi của các công ty sinh ra theo Luật DNNN cũng khác với hình thành theo Luật Doanh nghiệp. Nay đã chung một luật, nếu công ty nhà nước chèn thêm chữ “nhà nước” hay chữ “tổng công ty”, thì không có lý do gì hạn chế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho thêm chữ “nước ngoài” hay các công tư tư nhân cũng sẽ tự nâng mình thành “tổng công ty”.

Hầu hết các công ty được chuyển đổi cận ngày chấm dứt sứ mệnh của Luật DNNN và chưa được chuyển đổi về hình thức cơ cấu tổ chức nội bộ doanh nghiệp để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Như vậy, các Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty TNHH Nhà nước một thành viên sẽ là bất hợp pháp trong thời gian chưa chuyển hoá thành Hội đồng thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Hay, các Ban kiểm soát cũ của nó cũng là bất hợp pháp, vì theo Luật DNNN là do HĐQT thành lập và giao nhiệm vụ, còn theo Luật Doanh nghiệp thì lại thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu.

Một số công ty nhà nước chưa được chuyển đổi như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chẳng hạn, cũng đang bị chơi vơi về cơ sở pháp lý. Vì nó không còn được phép hoạt động theo Luật DNNN nữa, nhưng cũng chưa có văn bản nào bắt nó về hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Những “cây gậy” pháp lý cơ bản của Ngân hàng này là Điều lệ, vẫn đang bám sát Luật DNNN và con dấu thì vẫn cứ giữ nguyên dấu ấn “DNNN”.

Dựa trên cơ sở quy định của Luật DNNN, Chính phủ đã ban hành một loạt Nghị định áp dụng riêng cho Công ty Nhà nước. Nay những quy định liên quan của Luật DNNN đều đã hết hiệu lực, thì sẽ có nhiều quy định đương nhiên trật chìa về cơ sở pháp lý. Một trong những ví dụ điển hình là, Chính phủ quy định và thành lập các Tập đoàn kinh tế thoát ly khỏi Luật Doanh nghiệp. Nay phải dựa vào Luật Doanh nghiệp, thì hình thức pháp lý của các tập đoàn kinh tế nhà nước (có tư cách pháp nhân và được thành lập theo mệnh lệnh hành chính) sẽ trở nên trái với quy định tại Điều 149 của Luật Doanh nghiệp cũng như Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05-9-2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Thậm chí, nếu cứ chiểu theo đúng nguyên tắc pháp lý, thì còn phải xem lại cả tính hợp pháp của “Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước” – SCIC. Vì nó được hình thành trên cơ sở pháp lý là quy định tại các Điều 21, 47, 60 và 61 của Luật DNNN đã hết hiệu lực.

Mèo vẫn hoàn mèo

Việc chuyển đổi công ty nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là nhằm bớt đi một hệ thống văn bản lằng nhằng ràng buộc doanh nghiệp và thị trường. Nhưng rồi, sau khi bãi bỏ Luật DNNN mà vẫn phải thừa nhận hàng chục Nghị định điều chỉnh thêm đối với công ty nhà nước, thì lại vẫn là cơ chế hai “luật chơi” trong một “sân chơi”.

Khoản 1, Điều 64 của Luật Doanh nghiệp quy định, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên là tổ chức có 13 quyền cụ thể và các quyền khác “theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty”. Tuy nhiên, đối với công ty Nhà nước, thì chủ sở hữu sẽ chẳng có được những quyền ấy theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ, vì chắc chắn sẽ phải tuân theo rất nhiều quy định khác trong các nghị định và thông tư liên quan.

Ngoài việc tuân thủ Luật Doanh nghiệp, chắc chắn các công ty nhà nước cũng phải chấp hành thêm một loạt quy định khác do Nhà nước (với tư cách là chủ sở hữu) nghĩ ra để “rào rậu” túi tiền của mình khi đẩy công ty vào thương trường.

Công cuộc chuyển đổi vừa qua mới chỉ như việc đẩy những chiếc xe đang đỗ ở bãi tả dồn sang bãi hữu, chỉ xê dịch một quãng đường ngắn ngủi. Những cỗ xe đã chạy về đích trong khi động cơ vẫn còn nguội, thậm chí nó chuyển động mà không phải chở hàng, không có đăng kiểm, không cần tài xế và không tốn xăng dầu.

Để thay đổi về bản chất doanh nghiệp, thì cần phải tiếp tục thực hiện hành trình thoát xác khỏi doanh nghiệp nhà nước, tức là Nhà nước chỉ nên sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong một vài chục doanh nghiệp thật sự cần thiết. Tránh tình trạng như đối với Vietcomban, vốn là một ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng sau khi cổ phần hoá rầm rộ, nó vẫn giữ nguyên là một ngân hàng thương mại nhà nước. Câu chuyện từ ngữ lắt léo này hoàn toàn đúng với định nghĩa “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” tại khoản 22, Điều 8, Luật Doanh nghiệp năm 2005. Tức là rất nhiều doanh nghiệp, trước và sau khi cổ phần hoá vẫn chính là một doanh nghiệp nhà nước.

Nhìn về mặt tổng thế, việc chuyển đổi công ty nhà nước vẫn chưa rời xa vạch xuất phát, trừ các công ty đã thật sự tư nhân hoá và cổ phần hoá, với trạng thái vốn nhà nước không còn chiếm vai trò chi phối. Nếu không thay đổi triệt để và rứt khoát, thì xem ra công cuộc từ bỏ Luật DNNN để về với một Luật Doanh nghiệp cũng không khác lắm với những công trình chạy đua đến hạn lễ lạt, chưa xong cũng chào mừng, chưa hoạt động cũng cắt băng khánh thành.

Nếu chỉ thay đổi những cái tên (thậm chí là giữ nguyên tên gọi, chỉ đổi tờ giấy quyết định), thì sẽ không có tác dụng nâng cao hiệu quả hay sức sống cho các công ty nhà nước.


Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng Tạp chí Nhà quản lý số 84 tháng 7-2010:

  • Đăng lại:
  1. http://thanhtra.mt.gov.vn/PrintView.aspx?ArticleID=5336

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

435. Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng.

Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng. (Phát biểu tại Hội thảo...

Phỏng vấn 

4.403. Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao?

Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao? (HTV) - Theo thông báo từ Temu,...

Trích dẫn 

3.949. ‘Bù nhìn’ trong ngân hàng.

‘Bù nhìn’ trong ngân hàng. (NQT) - Thành viên hội đồng quản trị độc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,008