136. Cà phê cuối tuần: “Vụ Tiên Lãng là giọt nước tràn ly”.

(KTVN) – Luật sư Trương Thanh Đức: “Tôi cho rằng, hiện đang là thời kỳ đỉnh điểm của tiêu cực trong quản lý đất đai từ trước tới nay” – Ảnh: Từ Nguyên.

Những gì đã xảy ra trong hơn một tháng qua tại Tiên Lãng đã vượt xa khỏi phạm vi của một vụ cưỡng chế đơn thuần.

Không chỉ phản ánh những bất hợp lý trong chính sách đất đai đã gián tiếp dẫn đến tranh chấp lợi ích, hàng loạt hành xử sai trái từ những công bộc của dân trong và sau vụ việc có lẽ sẽ khiến không ít quan chức địa phương khác phải “chột dạ” ngoái đầu xem lại mình.

Sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của công luận, các cơ quan báo chí rồi kế đó là của các bộ, ngành và cả người đứng đầu Chính phủ, nhiều người đang hồi hộp ngóng chờ một đoạn kết có hậu và công bằng.

“Cà phê cuối tuần” kỳ này, VnEconomy xin chia sẻ cùng độc giả góc nhìn của một chuyên gia về Luật Đất đai – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng.

Sai từ gốc

Ông có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về vụ cưỡng chế đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn của chính quyền huyện Tiên Lãng?

Về mặt pháp lý, đến thời điểm này, nếu muốn nhận xét đầy đủ về vụ việc thì phải có những thông tin chuẩn xác từ hồ sơ vụ án, từ đó mới đưa ra những kết luận chính xác, cụ thể.

Tuy nhiên, qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, báo chí trong thời gian qua, tôi vẫn có những cảm nhận rõ rệt đối với những sai lầm của chính quyền huyện Tiên Lãng về mặt pháp lý, cách ứng xử với nhân dân và sau đó là những sai lầm nối tiếp nhau trong quá trình xử lý vụ việc cũng như cách khắc phục.

Tôi cho rằng, chính những sai lầm sau đó của chính quyền xã, huyện đã tạo ra những căng thẳng trong vụ việc.

Trong quan hệ giữa nhà nước với nhân dân thì nhà nước luôn phải có trách nhiệm phục vụ, bảo vệ người dân. Thế nhưng trong vụ Tiên Lãng, nguyên lý đó không được thực hiện. Lãnh đạo chính quyền địa phương không những bất chấp pháp lý mà còn chà đạp lên công lý, không tôn trọng quyền lợi, lợi ích của dân. Dưới con mắt của họ, dường như không có người dân.

Ở góc độ của một người làm luật, nghiên cứu luật, theo ông đâu là nguyên nhân trực tiếp, đâu là nguyên nhân sâu xa của vụ việc?

Lý do trực tiếp là cán bộ có quá nhiều sai lầm ngay từ ban đầu, cũng là sai từ gốc. Mọi đối xử của chính quyền Tiên Lãng đều chèn ép, bất hợp lý quá mức với người dân, cụ thể là gia đình ông Vươn.

Còn rộng hơn, nguyên nhân dẫn đến những đáng tiếc vừa qua là do những bất hợp lý trong chính sách đất đai. Đến nay, đã có tiếng nói mạnh mẽ từ cộng đồng, nhiều thành phần, cá nhân, tổ chức kiến nghị nên đa dạng hóa sở hữu đất đai, trong đó có tư hữu đất đai. Tôi cho rằng, nếu không chấp nhận điều này thì những mâu thuẫn, bất cập trong quản lý đất đai khó mà giải quyết được.

Vừa qua, báo chí có đưa tin, ở một tỉnh miền Nam, có cá nhân quản lý đến 300 ha đất nhưng phải nhờ người khác đứng tên. Nếu về lý, nhà nước có thể thu ngay, song trên thực tế, muốn làm ăn, sản xuất đầu tư lớn, bắt buộc người ta phải tích tụ ruộng đất.

Nhà nước không nên lo người dân mất đất vì xã hội tự điều tiết được hết. Nhà nước phải tạo ra được cơ chế để làm sao những người chủ, người làm thuê đều công bằng, hiệu quả.

Chính quyền Tiên Lãng cho rằng, khi họ giao đất cho ông Đoàn Văn Vươn là căn cứ vào Luật Đất đai 1987, trong đó không quy định thời hạn giao đất là 20 năm?

Đúng là Luật Đất đai năm 1987 không quy định thời hạn giao đất. Tuy nhiên, sau này mọi hoạt động phải tuân thủ luật mới. Luật Đất đai 1993 quy định thời hạn 20 năm thì tất cả đều phải chấp hành.

Ngay cả việc quy định thời hạn cũng chỉ là mang tính hình thức bởi trên thực tế, tinh thần giao đất cho dân là liên tục, trừ khi nhà nước thu hồi cho mục đích mới hoặc cá nhân đó vi phạm mới phải thu hồi, xử lý.

Vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn chỉ là giọt nước tràn ly chứ không có gì là bất ngờ, bởi những bức xúc của người dân trong lĩnh vực đất đai hiện nay là quá nhiều.

Chính quyền địa phương cũng dùng việc ông Vươn mang một phần đất được giao đem cho thuê lại như một trong những lý do thu hồi. Điều này có hợp lý không, thưa ông?

Liệu Hải Phòng có thể đuổi hết người Nhật tại khu công nghiệp Normura vì họ cho thuê lại đất ở đây với giá khá cao?

Với ông Vươn, ngay cả khi đất của ông là đất thuê, thì ông vẫn có quyền được cho thuê lại một cách hợp pháp, huống gì đây lại là đất được giao. Luật pháp quy định, người được giao đất có quyền làm bất cứ việc gì trên đám đất đó để có hiệu quả cao nhất một cách hợp pháp. Hiện nay Nhà nước vẫn đang khuyến khích điều đó.

Còn nếu huyện Tiên Lãng vin vào cớ ông Vươn không phải người dân ở đó, lại có quá nhiều đất trong khi dân trong vùng đang thiếu đất thì Hải Phòng chắc phải đuổi hết các nhà đầu tư không phải người bản địa. Hơn nữa, tại sao lúc đầu huyện lại còn giao đất cho ông Vươn?

Luật quy định, nếu ông Vươn chỉ là một người thuê đất bình thường thì Tiên Lãng vẫn phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ông. Chính quyền không thể phủ nhận công lao của ông Vươn trong việc biến một vùng đất hoang hóa, bãi bồi thành một vùng đất sinh lời.

Đến thời điểm này, lãnh đạo Hải Phòng đã bước đầu thừa nhận sai sót và có một số động thái xử lý vụ việc. Theo ông, điều này nói lên điều gì?

Vấn đề là do sức ép của công luận quá lớn. Lãnh đạo Hải Phòng thống kê được có đến hàng trăm bài báo chính thống viết về vụ việc, và họ cũng biết rằng trong đó có đến hơn 90% bài phản đối chính quyền Tiên Lãng, ủng hộ cá nhân ông Vươn. Điều này cho thấy, lòng dân rất quan trọng.

Quan điểm của tôi là ngay cả khi Hải Phòng đúng thì cũng phải xử lý nhẹ nhàng để lấy lòng dân. Thế nhưng, đến thời điểm này, Hải Phòng vẫn không thừa nhận mình sai từ gốc mà chỉ cho rằng, chỉ là sai sót trong quá trình tổ chức cưỡng chế. Động thái vào cuộc của Hải Phòng, theo tôi, cũng là do sức ép của Thủ tướng và dư luận. Ngay cả việc công bố đình chỉ công tác một số cán bộ xã, huyện thì đó cũng mới chỉ là bao biện, xoa dịu…

Tiêu cực đất đai đang ở đỉnh điểm

Ông có cho rằng, có dấu hiệu tư lợi trong vụ cưỡng chế?

Tôi nghĩ là có. Thông thường trong một số vụ việc trước đây, khi quan chức chính quyền có tiêu cực, cách làm truyền thống của họ là thường núp bóng người thân, họ hàng để trục lợi. Đó là những vụ tiêu cực trắng trợn. Còn trong vụ Tiên Lãng, hiện dân ở đó vẫn đang đồn rằng, quan chức chính quyền không áp dụng phương thức đó mà nhờ cậy đội quân chân tay bên ngoài để trục lợi, như vậy thì sẽ khó lần ra được.

Theo luật, khu đất của gia đình ông Vươn có được xếp vào đất nông nghiệp không, khi chính quyền huyện Tiên Lãng cho rằng, đất đó không phải là đất nông nghiệp?

Đương nhiên phải là đất nông nghiệp rồi, vì nó phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Nếu khu đất đó không ai khai thác, không nuôi trồng gì thì không xếp vào đất nông nghiệp. Còn nếu chỉ cần cắm một cây lúa xuống hay thả nuôi một ít tôm cá, thì được quy vào đất nông nghiệp.

Hơn nữa, khi giao đất thì mục đích đương nhiên là để phát triển nông nghiệp, bởi hiện nay luật chỉ phân thành hai loại đất, nếu không là đất nông nghiệp thì phải là đất phi nông nghiệp.

Theo ông, việc Luật Đất đai quy định thời hạn giao đất nông nghiệp là 20 năm có hợp lý?

Theo tôi thì chẳng có lý do gì để đặt ra thời hạn 20 năm khi giao đất. Nó chỉ hợp lý khi nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng, tức là sau đó tiếp tục giao đất và người được giao không vi phạm gì. Tốt nhất là sau năm 2013, những ai đang được giao đất thì tiếp tục được quản lý diện tích đất đó.

Ông nhìn nhận thế nào về những tiêu cực trong quản lý đất đai trên cả nước hiện nay?

Tôi cho rằng, hiện đang là thời kỳ đỉnh điểm của tiêu cực trong quản lý đất đai từ trước tới nay. Xã hội hiện nay, một mặt chịu ảnh hưởng của kinh tế thị trường, một mặt do chính bản thân cơ chế quản lý bất cập, bất nhất đã khiến cho tiêu cực càng sinh sôi nảy nở.

Vụ việc ở Tiên Lãng như tôi đã nói chỉ là giọt nước làm tràn ly, bởi những tiêu cực trong quản lý đất đai hiện quá nhiều. Nó cũng là một tiếng chuông cảnh báo cho những nhức nhối về đất đai cũng như ứng xử của chính quyền với người dân nói chung.

Cần đa dạng hóa sở hữu đất đai

Vậy theo ông, cần phải làm gì để không xảy ra những vụ Tiên Lãng khác?

Theo tôi, luật cần sửa đổi theo hướng đa dạng hóa sở hữu, trong đó thừa nhận tư nhân hóa đất đai. Hai là phải bỏ hạn mức khi giao đất.

Bởi, quyền sở hữu là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Nó cũng là động lực phát triển của xã hội. Hiện nay chúng ta đang cho rằng, đất đai không cần phải công nhận sở hữu bởi thực tế cũng như là đã được sở hữu rồi. Nói như vậy chỉ là ngụy biện, vì nếu như thế thì không có lý gì lại trì hoãn việc công nhân sở hữu của người dân.

Hơn nữa, việc sở hữu hay không sở hữu nó cực kỳ quan trọng, đặc biệt là khi có biến động, xung đột lợi ích thì nó mới thể hiện và quyết định vấn đề.

Cũng có ý kiến cho rằng, luật của chúng ta đã khá nhiều, thậm chí là đầy đủ, nhưng để xảy ra những bất cập, tiêu cực là do người thực hiện?

Đúng là thế, bởi con người là quan trọng nhất, nhưng cũng nguy hiểm nhất. Một lãnh đạo cao nhất của ngành tòa án trước đây đã từng nói “đất đai thì xử kiểu gì cũng được”. Bởi, luật như thế nhưng người xét xử chỉ cần một vài động tác là đã sai lệch toàn bộ vụ việc.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của chúng ta hiện vẫn còn quá nhiều bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn…, đó là hệ quả tất yếu của trình độ và cơ chế làm luật tạo nên.

Ông có nghĩ đây là bài học đắt giá trong công tác quản lý đất đai hiện nay?

Không chỉ là đắt giá mà còn trên mức đó nhiều. Nó là bài học xương máu cho nhà nước, cả ở cấp Trung ương chứ không chỉ là chính quyền cơ sở.

Hơn nữa, trong quan hệ nhà nước – người dân thì không phải lúc nào cũng nên đặt lý lên trên hết, vì nhà nước là người cầm trịch. Để xã hội chấp nhận, tâm phục khẩu phục thì cái cần thiết vẫn là cái tình, dù nó chỉ là nhỏ thôi. Có như vậy, cái lý dù lớn mấy cũng đạt được.

Trong vụ Tiên Lãng, ngoài vấn đề luật pháp, việc ứng xử thiếu tôn trọng dân là gốc của mọi việc. Nếu chỉ một mình ông Vươn phản đối thì còn có thể cho rằng ông không ra gì, nhưng một khi người người cùng phản đối thì sự không đồng thuận với chính quyền địa phương đã quá rõ.

Vụ Tiên Lãng giờ không còn là câu chuyện cưỡng chế của một xã mà đã là vấn đề quốc gia, nó đã thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều bộ, ngành, của hàng triệu người dân trên cả nước.

TỪ NGUYÊN

Thời báo Kinh tế Việt Nam (Tiêu điểm) 10/02/2012:

https://vneconomy.vn/ca-phe-cuoi-tuan-vu-tien-lang-la-giot-nuoc-tran-ly.htm

(2.307/2.307) #doanvanvuon #tienglang

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,356