129. Góp ý chi tiết chính lý Dự thảo Luật Tố tụng hành chính.

(ANVI) – Toạ đàm về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính – Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Hà Nội 30-10-2010

(Dự thảo trình Quốc hội 10-2010)

1. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Đề nghị bỏ từ “cơ bản” trong câu “Luật này quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính;…”, chỉ cần quy định “những nguyên tắc” là đủ.

Luật này chỉ nhắc đến duy nhất một lần từ “nguyên tắc” tại Điều này, khác với Bộ luật Dân sự sử dụng cụm từ “Những nguyên tắc cơ bản”, trong đó ngoài các điều quy định về những nguyên tắc chung, còn nhắc đến một số nguyên tắc khác được áp dụng trong các điều luật và trường hợp cụ thể.

2. Điều 2. Hiệu lực của Luật tố tụng hành chính

Đề nghị thống nhất viết hoa chữ “tố” trong “Luật Tố tụng hành chính”. Quốc hội không có quy định về việc việc hoa này nhưng trong suốt nhiều năm trước đây, các văn bản quy phạm pháp luật tương đối thống nhất trong việc việc hoa các chữ tiếp sau “bộ luật”, “luật”,… nhưng gần đây lại bỏ đi.

Đề nghị viết hoa tương tự như vậy đối với các chữ trong tên các văn bản Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý trong Dự thảo.

3. Điều 3. Giải thích từ ngữ

Đề nghị bỏ câu dẫn dắt không thuộc tên điều luật cũng không thuộc bất cứ khoản nào của điều luật “Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:”. Câu này còn không hợp lý về tính chất pháp lý, vì các từ ngữ nói chung, từ ngữ pháp lý nói riêng, ngoài việc được hiểu theo “Luật này” đương nhiên còn được sử dụng cho tất cả các văn bản quy phạm pháp luật khác, trừ trường hợp có giải thích khác hoặc có sự ưu tiên khác về việc áp dụng pháp luật.

Đề nghị thay thế cụm từ “người khởi kiện” và “người bị kiện” tại 2 khoản 6 và 7 bằng cụm từ “nguyên đơn hành chính” và “bị đơn hành chính” tương tự với từ ngữ quen thuộc trong tố tụng dân sự “nguyên đơn dân sự” và “bị đơn dân sự”. Việc này giúp cho hệ thống thuật ngữ pháp lý thống nhất, đỡ phức tạp, nhất là Dự thảo cũng đang sử dụng một số từ ngữ khác giống như tố tụng dân sự như “đương sự”, “khởi kiện vụ án” hay “người có quyền lợi, nghĩa bị liên quan”,…

4. Điều 6. Giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

5. Điều 10. Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính

Đề nghị bố cục 3 đoạn của Điều này thành 3 khoản 1, 2 và 3.

6. Điều 12. Đối thoại trong tố tụng hành chính

Đề nghị bỏ từ “với nhau” trong câu: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Toà án tạo điều kiện để các bên đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án.”, vì nghĩa của đối thoại đã bao hàm “với nhau”. Vì Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam năm 2002 giải nghĩa, đối thoại là “Bàn bạc, thương lượng trực tiếp với nhau giữa hai hay nhiều bên để giải quyết các vấn đề tranh chấp”.

7. Điều 14. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

8. Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hành chính

Đề nghị bổ sung cụm từ “xử phạt hành chính” vào sau cụm từ “xử lý kỷ luật”, trong đoạn sau tại khoản 2 như sau: “Trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”

9. Điều 19. Thực hiện chế độ hai cấp xét xử

Đề nghị thay thế từ “kháng cáo” (sử dụng 136 lượt trong Dự thảo) bằng từ “chống án” khi đề cập đến việc chống án lên Toà án cấp  trên đề nghị xét xử lại. Mặc dù từ “Kháng cáo” đang được sử dụng trong tố tụng dân sự, nhưng lại là từ ngữ gắn liền với “bị cáo” trong tố tụng hình sự, là dạng rút gọn của cụm từ Kháng án của người bị tố cáo (bị cáo).

10. Điều 20. Giám đốc việc xét xử

Đề nghị thống nhất viết hoa các chữ “Nhân dân” và “Tối cao” trong cụm từ tên gọi cơ quan Toà án Nhân dân Tối cao tại Điều này cũng như trong toàn bộ Dự luật cho thống nhất với quy tắc viết hoa phổ biến đã được một số văn bản quy phạm pháp luật[1] và thực tế thừa nhận rộng rãi trong việc viết hoa tên cơ quan, tổ chức (như viết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp). Tương tự là đề nghị viết hoa tên cơ quan khác trong Dự thảo như Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

11. Điều 21. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

12. Điều 22. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

13. Điều 23. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính

Đề nghị sửa từ “Ủy ban” (bỏ dấu hỏi ở chữ u) thành “Uỷ ban” (bỏ dấu hỏi ở chữ y) tại khoản 3 cho đúng với quy tắc chính tả và thống nhất với cách viết từ này ở 28 điều khác, đồng thời để thuận tiện cho việc sử dụng máy tính tra cứu tìm từ ngữ. Ngoài ra trong dự thảo còn có 3 chỗ khác viết từ “Ủy ban”.

14. Điều 26. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

15. Điều 29. Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án

Đề nghị thay thế từ “khiếu kiện” bằng các từ khác thích hợp trong từng ngữ cảnh như “khiếu nại” và “khởi kiện” hay “kiện”, ví dụ như Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh” của Dự thảo quy định rõ: Luật này quy định “trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết các vụ án hành chính”. Toàn bộ Dự thảo có tới 31 lần dùng từ “khiếu kiện” tức là gồm hai hành động khác nhau là “khiếu nại” và “kiện” để chỉ việc kiện hành chính.

Đề nghị sửa các dấu chấm phẩy ở cuối các khoản 1, 2 và 3 thành dấu chấm. Đồng thời đề nghị rà soát các trường hợp tương tự ở rất nhiều điều khác (nhất là sau khi sửa lại bố cục theo đề nghị tại Bản góp ý này).

16. Điều 30. Thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Đề nghị bỏ câu dẫn dắt ngay dưới tên Điều này, vì nó không thuộc tên điều luật cũng không thuộc bất cứ khoản nào trong một điều luật được phân chia thành các khoản rất rõ ràng. Viết như vậy là tạo ra sự phi lô gic, có phần trái với quy định tại khoản 3, Điều 5 về “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật” của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “Văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng thì tùy theo nội dung có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm; đối với văn bản có phạm vi điều chỉnh hẹp thì bố cục theo các điều, khoản, điểm”. Do vậy, đề nghị sau tên điều luật, cần phải đến thẳng bố cục khoản đối với các điều luật có bố cục điều – khoản. Vì vậy cần phải bỏ đi tất cả các đoạn văn ở ngay sau tên điều luật nhưng lại không thuộc bố cục của bất cứ khoản nào. Kiến nghị này được nêu ra với Điều này nói riêng và với nhiều điều luật khác trong Dự thảo.

Đề nghị bỏ đoạn dẫn dắt và sửa bố cục của Điều này theo một số cách, trong đó cách đơn giản nhất là như sau:

“Điều 30. Thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

1. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này

2. Những vụ kiện do Toà án nhân dân cấp huyện giải quyết bao gồm:

a) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính…”.

Điều 31. Thẩm quyền của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Đề nghị bỏ đoạn dẫn dắt ngay sau tiên Điều, đồng thời sửa bố cục của Điều này thành 2 khoản như sau:

“Điều 31. Thẩm quyền của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án cấp tỉnh) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ kiện sau đây:

a) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ,…

….

2. Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành quy định tại Điều này”.

Nếu để khoản 8 hiện nay là một trong những khoản được liệt kê sau đoạn mào đầu: “Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án cấp tỉnh) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:” là rất thiếu lô-gic.

Đề nghị sửa chữ “Tòa án” (bỏ dấu huyền ở chữ o) thành “Toà án” (bỏ dấu huyền ở chữ a) tại khoản 4 cho đúng với quy tắc chính tả và thống nhất với cách viết các chữ này ở điều khác, đồng thời thuận tiện cho việc sử dụng máy tính tra cứu từ ngữ. Ngoài ra trong dự thảo còn có 19 chỗ khác viết chữ “Tòa án” bên cạnh 624 chữ viết là “Toà án”.

18. Điều 36. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Toà án

Đề nghị chuyển đoạn cuối cùng thành khoản 3, để tránh tình trạng phi lô gic, vì sẽ bị hiểu đoạn này là một phần thuộc khoản 2.

19. Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán

Đề nghị thay các dấu chấm phẩy ở cuối các khoản 1-7 bằng dấu chấm.

20. Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân

Đề nghị thay các dấu chấm phẩy ở cuối các khoản 1-3 bằng dấu chấm.

21. Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Toà án

Đề nghị thay các dấu chấm phẩy ở cuối các khoản 1-4 bằng dấu chấm.

22. Điều 41. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên

Đề nghị sửa lại, không để đoạn dẫn dắt không thuộc bố cục khoản nào trong điều luật có cố cục thành các khoản.[2]

23. Điều 42. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng

Đề nghị bỏ đoạn dẫn dắt dưới tên Điều.[3]

24. Điều 43. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân

Đề nghị bỏ đoạn dẫn dắt dưới tên Điều.[4]

25. Điều 44. Thay đổi Kiểm sát viên

Đề nghị bỏ đoạn dẫn dắt dưới tên Điều.[5]

26. Điều 45. Thay đổi Thư ký Toà án

Đề nghị bỏ đoạn dẫn dắt dưới tên Điều.[6]

27. Điều 50. Quyền, nghĩa vụ của đương sự

Đề nghị bỏ đoạn dẫn dắt “Khi tham gia tố tụng đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:” và sửa tên Điều thành “Quyền, nghĩa vụ của đương sự khi tham gia tố tụng”.

Như vậy cần thay các dấu chấm phẩy bằng dấu chấm ở cuối tất cả các khoản.

Đề nghị sửa “Đối thoại với nhau trong quá trình Toà án giải quyết vụ án” tại khoản 9 thành “Đối thoại với các đương sự khác trong quá trình Toà án giải quyết vụ án”.

Đề nghị sửa “Các quyền, nghĩa vụ khác…” tại khoản 21 thành “Có các quyền và nghĩa vụ khác…” cho thống nhất với hành văn ở 20 khoản trên, đều bắt đầu bằng động từ. Đề nghị ra soát rất nhiều điều khác cũng đang ở trong tình trạng thiếu thống nhất như trường hợp này.

28. Điều 51. Quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện

Đề nghị bỏ đoạn dẫn dắt ở dưới tên Điều này không thuộc bố cục của khoản nào trong điều. Việc này không làm ảnh hưởng gì đến nội dung của điều luật.

29. Điều 52. Quyền, nghĩa vụ của người bị kiện

Đề nghị bỏ đoạn dẫn dắt ở dưới tên Điều này không thuộc bố cục của khoản nào trong điều. Việc này không làm ảnh hưởng gì đến nội dung của điều luật.

30. Điều 54. Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính

Đề nghị bổ sung thêm từ “hợp nhất” vào đoạn sau“Nếu đương sự là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, phân chia, giải thể thì cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ…” tại khoản 2 để bảo đảm đầy đủ các tình huống thay đổi tư cách pháp lý của cơ quan, tổ chức (ví dụ trường hợp Quốc hội ban hành Nghị quyết hợp nhất Hà Nội và Hà Tây năm 2008).

31. Điều 56. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Đề nghị thêm dấu phẩy vào sau cụm từ ‘xoá án tích” tại điểm d, khoản 2: “d)  Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có kiến thức pháp lý, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh,…”.

Đề nghị xác định rõ đâu là “quyền”, đâu là “nghĩa vụ” và đâu vừa là “quyền” vừa là “nghĩa vụ” của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại khoản 4. Chẳng hạn quy định tại điểm a “Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng” hay điểm b “Xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho Toà án, nghiên cứu hồ sơ vụ án…” thì việc “tham gia tố tụng từ khi khởi kiện…” hay “Xác minh, thu thập chứng cứ” là quyền hay nghĩa vụ hay vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ thì đều chưa rõ.

Đề nghị tương tự như vậy đối với quyền và nghĩa vụ của một số chủ thể khác tại các Điều tử 50-53 và từ 56-59.

Đề nghị bỏ chữ “hoặc” tại điểm c, khoản 4 khi đề cập đến quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự “Tham gia phiên toà hoặc có văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Vì viết như vậy sẽ bị hiểu hoặc là “tham gia phiên toà” hoặc là “có văn bản bảo vệ”, chứ không được đồng thời thực hiện cả 2 việc đó.

32. Điều 57. Người làm chứng

Đề nghị bổ sung chữ “hoặc làm việc cho người thuê lao động là cá nhân” vào cuối điểm g, khoản 2 về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng như sau: “Được nghỉ việc trong thời gian Toà án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức hoặc làm việc cho người thuê lao động là cá nhân”.

33. Điều 63. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Đề nghị thay các dấu chẩm phẩy bằng dấu chấm tại cuối khoản 1 và 2.

34. Điều 68. Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Đề nghị bố cục đoạn sau điểm e, khoản 1 “Tuỳ theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Toà án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.” thành khoản 2 để bảo đảm tính lô gic, vì nó không thuộc nội dung của điểm e nói riêng, của khoản 1 nói chung; đồng thời sửa các khoản 2 và 3 hiện nay thành khoản 3 và 4.

Đề nghị sử dụng thống nhất đơn vị tính thời gian trong các trường hợp chẵn ngày. Nếu khoản 2 quy định “trong thời hạn 03 ngày”, thì khoản 3 cũng cần quy định “trong thời hạn 02 ngày”, chứ không nên quy định là “trong thời hạn 48 giờ”, nhất là tất cả các Điều khác đều tính theo ngày.

35. Điều 76. Nguồn chứng cứ

Đề nghị đổi tên Điều thành “Các nguồn chứng cứ” và bỏ đoạn dẫn dắt sau ở dưới tên Điều “Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:”.

36. Điều 77. Xác định chứng cứ

Đề nghị bổ sung từ “bản gốc” trước từ “bản chính” và bỏ “công chứng” trước “chứng thực” tại khoản 1 như sau “Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản gốc, bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp …” vì 2 lý do như sau:

–     Khoản 2 và 3, Điều 2, Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08-4-2004 của Chính phủ về Công tác văn thư lưu trữ, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08-02-2010 giải thích: “”Bản gốc văn bản” là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản được cơ quan tổ chức ban hành và có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền.” (khác hẳn với khái niệm “Bản gốc văn bản” trước khi được sửa đổi “là bản thảo cuối cùng được người có thẩm quyền duyệt.” và “”Bản chính văn bản” là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản và được cơ quan, tổ chức ban hành”;

–     Theo quy định tại Điều 2 của Luật Công chứng năm 2006 thì “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.” Còn việc dịch văn bản thì chỉ liên quan đến việc chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định tại Điều 5 và Điều 18 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 của Chỉnh phủ về Cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

37. Điều 78. Giao nộp chứng cứ

Đề nghị bổ sung chữ “đóng” vào trước “dấu của Toà án” trong đoạn “Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi,… chữ ký của người nhận và đóng dấu của Toà án” để rõ nghĩa và thống nhất với quy định tương tự trong một câu tại khoản 2, Điều 80 “Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Toà án”.

Đề nghị bỏ từ “công chứng” tại khoản 3 “Đương sự giao nộp cho Toà án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

38. Điều 96. Các phương thức cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

Đề nghị bỏ đoạn dẫn dắt ở dưới tên Điều “Việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các phương thức sau đây”.[7]

39. Điều 97. Tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng

Đề nghị bố cục lại đoạn cuối của Điều này vì không phù hợp với tên Điều và có thể xử lý theo một trong 2 cách sau:

–     Tách đoạn này thành Điều 103a về “Nghĩa vụ thi hành các văn bản tố tụng”;

–     Bố cục đoạn này thành khoản 3 và sửa tên điều thành “Tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng và nghĩa vụ thi hành các văn bản tố tụng.

40. Điều 99. Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cá nhân

Đề nghị bổ sung 1 đoạn “trừ trường hợp có bằng chứng xác thực về việc nhận được văn bản tố tụng vào ngày khác” vào câu cuối của khoản 2 “Ngày ký nhận của người thân thích cùng cư trú được coi là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo.” Việc này nhằm hạn chế tối đa mâu thuẫn với quy định tại Điều 98 “Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng”, đồng thời tránh các trường hợp trên thực tế mặc dù có đủ bằng chứng chăc chắn khẳng định người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng không nhận được hoặc nhận muộn hơn nhưng vì Luật không có quy định loại trừ, nên vẫn phải tính thời điểm phát sinh nghĩa vụ một cách không hợp lý.

Đề nghị bỏ đoạn “(sau đây gọi chung là tổ trưởng tổ dân phố)” ở sau đoạn “tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc” vì 2 lý do như sau;

–     Cụm từ viết tắt trong trường hợp này không điển hình, không phải là đối tượng chiếm đa số trong nhóm liệt kê;

–     Tác dụng của việc rút gọn bằng cụm từ viết tắt này không đáng kể, vì chỉ được sử dụng lại một lần nữa tại ngay khoản 6 cùng Điều này.

41. Điều 100. Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức

Đề nghị tách nội dung Điều này thành 3 khoản và bổ sung đoạn “Nếu người đại diện tham gia tố tụng hoặc người đại diện nhận văn bản tố tụng vắng mặt tại tổ chức hoặc không ký nhận, thì việc giao văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này” vào cuối khoản 2 như sau:

“1. Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận.

2. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo có người đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì những người này ký nhận văn bản tố tụng đó. Nếu người đại diện tham gia tố tụng hoặc người đại diện nhận văn bản tố tụng vắng mặt tại tổ chức hoặc không ký nhận, thì việc giao văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Ngày ký nhận là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo.”

Việc này nhằm để tránh bế tắc trên thực tế, trong các trường hợp người tham gia tố tụng hay người đại diện nhận văn bản tố tụng đi công tác dài ngày hoặc vì lý do nào đó không ký nhận văn bản tố tụng, thì sẽ dẫn đến việc không gửi được hoặc phải làm thủ tục niêm yết công khai một cách bất hợp lý.

42. Điều 101. Thủ tục niêm yết công khai

Đề nghị sửa từ “thời gian” thành “thời hạn” tại khoản 3: “Thời gian niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

43. Điều 102. Thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Đề nghị bổ sung cụm từ “trong trường hợp này” vào trước cụm từ “do đương sự có yêu cầu” tại khoản 3: “Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp này do đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu.”

Đề nghị sửa từ “hàng ngày” thành “hằng ngày” tại khoản 3: “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương 03 lần trong 03 ngày liên tiếp.” Lỗi sai chính tả này đang rất phổ biến trong các văn bản quy phạm pháp luật nói riêng và trong các văn bản nói chung.

44. Điều 105. Thời hiệu khởi kiện[8]

Về thời hiệu: Trừ khởi kiện về danh sách cử tri, còn lại là quy định 3 thời hạn khởi kiện khác nhau, từ 30 ngày đến 1 năm là quá phức tạp, quá rắc rối, không cần thiết, rất khó cho việc thực thi.

Thời hiệu khởi kiện này là quá ngắn, là tư duy lo cho người bị kiện là Nhà nước, mà bỏ phía đáng phải lo thực sự là những người “bị hại”. Việc này làm cho công dân càng dễ mất quyền, đối tượng bị khởi kiện là quan chức nhà nước càng nhanh chóng được giải thoát nghĩa vụ.

Vì vậy, đề nghị quy định thống nhất thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 2 năm, giống như việc khởi kiện dân sự, ngoại trừ duy nhất về thời hạn khiếu nại danh sách cử tri.

Khác với tranh chấp dân sự, vụ án hành chính luôn có dáng dấp của việc lạm quyền, o bế, ép buộc từ phía Nhà nước. Người dân là bên yếu thế và bất bình đẳng hơn hẳn trong quan hệ Nhà nước – Công dân. Rút ngắn thời hạn khởi kiện so với án dân sự là tự dành lợi thế cho Nhà nước một lần nữa và hạn chế, trói dân một lần nữa, là hại người bị hại, là tước bớt quyền cơ bản của công dân.

Về tính lại thời hiệu: Đề nghị bổ sung nội dung “Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện” vào khoản khoản 4: “Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu, về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện cũng được áp dụng trong tố tụng hành chính.”. Tuy nhiên, để làm rõ điều này thì cần quy định cụ thể chế định “Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự” để tránh sự mâu thuẫn trong việc sử dụng khái niệm “hoà giải” và “đối thoại”.

Về bố cục: Đề nghị bố cục đoạn cuối cùng của Điều này thành khoản 5 để bảo đảm tính lô-gic.

45. Điều 108. Nhận và xem xét đơn khởi kiện

Đề nghị giữ nguyên quy định việc Toà án “cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự”. Đây là nội dung mới được bổ sung vào cuối khoản 1 mà chúng tôi đã góp ý trước đây, tưởng chừng rất bình thường, đơn giản, nhưng lại là một yêu cầu vô cùng quan trọng để ràng buộc trách nhiệm thụ lý đơn khởi kiện của Toà án, hiện thực hoá quyền khởi kiện của công dân và làm căn cứ tính thời hạn giải quyết vụ án.

46. Điều 112. Thụ lý vụ án

Đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc chứng từ khác” sau đoạn “biên lai nộp tiền tạm ứng án phí” trong câu sau tại khoản 2: “Toà án thụ lý vụ án vào ngày người khởi kiện xuất trình biên lai hoặc chứng từ khác nộp tiền tạm ứng án phí” để tránh cho loại chứng từ này bị lỗi thời sau này việc nộp án phí có thể thông qua chuyển khoản hoặc giao dịch điện tử khác, mà không bắt buộc phải xuất trình “biên lai nộp tiền”.

47. Điều 118. Thời hạn chuẩn bị xét xử

Đề nghị bố cục đoạn cuối của khoản 1 thành khoản 2 để bảo đảm tính lô gic, vì đoạn này đặt sau điểm b, khoản 1, nhưng nội dung thì lại giải quyết vấn đề đối với cả 2 điểm a và b của khoản 1.

48. Điều 127. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục

Đề nghị sửa chữ “năm ngày” thành “05 ngày” trong câu “Trong trường hợp đặc biệt thì việc xét xử có thể tạm ngừng không quá năm ngày làm việc” tại đoạn 2, khoản 2 cho thống nhất với các điều khác.

Đề nghị bố cục đoạn cuối cùng của Điều này thành khoản 3 để bảo đảm tính lô-gic.

49. Điều 128. Nội quy phiên toà

Đề nghị sửa “mười sáu tuổi” thành “16 tuổi” tại khoản “Những người dưới mười sáu tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Toà án triệu tập tham gia phiên toà.” cho thống nhất với các điều khác (ví dụ như quy định tại khoản 3, Điều 49 “Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên”).

Đề nghị bổ sung cụm từ “trừ đối với Kiểm sát viên và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc” vào sau cụm từ “phải đứng dậy” tại đoạn 3, khoản 1 như sau: “1. Chỉ những người được Hội đồng xét xử cho phép mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu. Người hỏi, trả lời hoặc phát biểu phải đứng dậy, trừ đối với Kiểm sát viên và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc trường hợp vì lý do sức khoẻ được chủ toạ phiên toà cho phép ngồi để hỏi, trả lời hoặc phát biểu.”

50. Điều 129. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm

Đề nghị bố cục đoạn cuối cùng của Điều này thành khoản 2 để bảo đảm tính lô-gic, đồng thời thống nhất với bố cục của một số điều tương tự khác như các điều 32, 128 và 171.

51. Điều 131. Sự có mặt của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Đề nghị quy định thế nào là “bất khả kháng” và “trở ngại khách quan” tại khoản 2. Vì hiện nay những khái niệm này chỉ được giải thích tại khoản 1, Điều 161 của Bộ luật Dân sự. Nhưng việc giải thích tại Điều luật này theo chính tên gọi và nội dung điều luật thì chỉ có giá trị áp dụng để xác định “Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự”, chứ không phải để áp dụng chung cho các trường hợp, giao dịch khác.

Đề nghị bỏ dấu phẩy trong đoạn “người có quyền lợi và, nghĩa vụ liên quan” tại điểm b, khoản 2.

52. Điều 132. Xét xử trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên toà

Đề nghị bỏ câu dẫn dắt “Toà án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:”, đồng thời sửa tên Điều thành “Các trường hợp xét xử vắng mặt đương sự tại phiên toà”.

53. Điều 137. Hoãn phiên toà

Đề nghị bỏ câu dẫn dắt “Hội đồng xét xử hoãn phiên toà trong các trường hợp sau đây:”, đồng thời sửa tên Điều luật thành “Các trường hợp hoãn phiên toà”.

54. Điều 141. Biên bản phiên toà

Đề nghị bổ sung từ “cơ bản” vào sau “mọi diễn biến” tại điểm b, khoản 1 như sau: “Mọi diễn biến cơ bản tại phiên toà từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên toà”. Quy định Biên bản phải ghi mọi diễn biến tại phiên toà (giống như Bộ luật Tố tụng dân sự) là đòi hỏi khó, không sát thực, vì có những diễn biến ngoài lề, không có ý nghĩa, không cần và không thể ghi hết vào biên bản phiên toà.

Đề nghị bổ sung từ “tóm tắt” vào đầu điểm c, khoản 1 như sau: “Tóm tắt các câu hỏi, câu trả lời và phát biểu tại phiên toà”. Quy định của ngành Toà án về việc ghi Biên bản phiên toà cũng chỉ yêu cầu: “Ghi tóm tắt các ý kiến phát biểu và đối đáp, ghi ý kiến của Viện kiểm sát (nếu có).[9]

55. Điều 142. Chuẩn bị khai mạc phiên toà

Đề nghị sửa bố cục của Điều này như sau để loại bỏ đoạn dẫn dắt không thuộc bố cục nào của Điều:

“1. Trước khi khai mạc phiên toà, Thư ký Toà án phải tiến hành các công việc theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các công việc phải tiến hành trước khi khai mại phiên toà:

a) Phổ biến nội quy phiên toà;

….

d) Yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy…”.

56. Điều 146. Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu

Đề nghị sửa bố cục của Điều này như sau:

“1. Chủ toạ phiên toà hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu.

2. Trình tự hỏi được quy định như sau:

a)  Hỏi người khởi kiện về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện;

b) Hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập.”

57. Điều 156. Xem xét vật chứng

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

58. Điều 160. Phát biểu khi tranh luận và đối đáp

Đề nghị bố cục nội dung của Điều này thành 2 khoản, trong đó khoản 2 bắt đầu từ “Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận,…

59. Điều 161. Phát biểu của Kiểm sát viên

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

60. Điều 164. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử

Đề nghị bổ sung cụm từ “cơ quan khác của Nhà nước” vào sau “cơ quan hành chính nhà nước…” tại các điểm đ, e và g, khoản 2.

Đề nghị bố cục đoạn cuối cùng của Điều này thành khoản 3 để bảo đảm tính lô-gic.

61. Điều 165. Bản án sơ thẩm

Đề nghị xem lại quy định tại khoản 2: “Bản án gồm có phần mở đầu, phần nội dung vụ án và nhận định của Toà án, phần quyết định.”. Liên quan đến quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 175, yêu cầu Đơn kháng cáo phải có nội dung là “Kháng cáo phần nào của bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm…”. Tron khi các phần trong bản án của ngành Toà án từ trước đến nay lại không thể hiện theo đúng những phần quy định tại khoản 2, Điều 165, mà trình bày Bản án thành các phần như sau: Phần mở đầu (không ghi rõ câu chữ, nhưng có thể nhận biết được), phần “Nhận thấy”, phần “Xét thấy” và phần “Quyết định”. Như vậy, là có sự không thống nhất, gây khó khăn cho việc thực hiện, nhất là bắt người kháng cáo phải phân biệt được giữa các phần “Nội dung” và “Nhận định”.[10] Và theo quy định tại Điều 177, nếu đơn kháng cáo không làm đúng quy định tại khoản 1, Điều 175 thì bị Toà án yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

62. Điều 166. Tuyên án

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

63. Điều 177. Kiểm tra đơn kháng cáo

Đề nghị bố cục đoạn cuối cùng của Điều này thành khoản 3.

64. Điều 186. Gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị

Đề nghị bố cục lại Điều này như sau:

“1. Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Toà án cấp phúc thẩm.

2. Việc gửi hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này là 05 ngày làm việc, kể từ ngày:

a) Hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, nếu người kháng cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm;

b) Người kháng cáo nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.”

65. Điều 188. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị

Đề nghị bố cục đoạn cuối cùng của Điều này thành khoản 4.

66. Điều 191. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

Đề nghị bố cục đoạn cuối khoản 1 thành khoản 2, đồng thời chuyển khoản 2 và 3 hiện nay thành khoản 3 và 4.

67. Điều 193. Các trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên toà”

Đề nghị bỏ đoạn mào đầu “Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên toà, không phải triệu tập các đương sự trong các trường hợp sau đây”, đồng thời sửa tên Điều thành “Các trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm không phải mở phiên toà, không phải triệu tập các đương sự”.

68. Điều 197. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu

Đề nghị bố cục 2 cầu trong 1 đoạn của Điều này thành 2 khoản

69. Điều 198. Sự có mặt của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:

Đề nghị xem lại quy định tại khoản 4 “Đối với các vụ án khi xét xử sơ thẩm không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không có yêu cầu tham gia phiên toà phúc thẩm thì Toà án tiến hành phiên toà phúc thẩm không cần sự có mặt của họ.” vì các lý do sau:

–     Theo quy định thì không có trường hợp nào “khi xét xử sơ thẩm không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng”. Đặc biệt nếu là người khởi kiện mà lại không cần sự có mặt tham gia tố tụng tại phiên toà sơ thẩm, là điều kỳ lạ, không thể chấp nhận được. Điều này là trái với một loạt nguyên tắc và đòi hỏi của quá trình tố tụng, tước đoạt một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của dân quyền khởi kiện công quyền. “Con kiến” kiện “củ khoai”, mà còn không được ba mặt một lời với “củ khoai” nữa thì hoá ra là kiện vỏ khoai hay là chấp nhận vụ kiện kiểu nước đổ lá khoai ư?;

–     Nếu có trường hợp không cần sự có mặt của người tham gia tố tụng tại phiên toà sơ thẩm, thì cũng không đồng nghĩa với việc không cần sự có mặt của họ tại phiên toà phúc thẩm. Vì như vậy, thì tính độc lập của quá trình xét xử phúc thẩm sẽ bị ảnh hưởng từ quá trình xét xử sơ thẩm, vì khác nào phiên toà phúc thẩm chỉ “ăn các món” đã dọn sẵn, theo “khẩu vị” của phiên toà sơ thẩm;

–     Nếu người tham gia tố tụng không có yêu cầu, không có nghĩa là Toà án cứ tiến hành phiên toà phúc thẩm mà không cần sự có mặt của họ. Điều này chỉ hợp lý đối với đương sự đề nghị không tham gia phiên toà, thì cần phải tôn trọng quyết định của họ. Còn không thì hoặc sẽ đương nhiên được quyền tham gia phiên toà, Điều này khác với việc họ lại phải có yêu cầu thì mới được tham gia phiên toà. Điều này cũng có thể là rất bất hợp lý đối với một số người liên quan như người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Đối với những người này, toà án phải xem xét triệu tập họ để làm sáng tỏ vụ án, chứ không thể nào phụ thuộc vào việc yêu cầu theo ý thích của họ là muốn hay không muốn tham gia. Riêng ý này, cần phải sửa đoạn “người tham gia tố tụng không có yêu cầu tham gia phiên toà phúc thẩm” thành “người tham gia tố tụng có yêu cầu không tham gia phiên toà phúc thẩm”.

–     Quy định nêu trên của Dự thảo sẽ vô hiệu hoá một loạt những quy định cơ bản, có tính chất quyết định đối với việc thành bại trong quá trình tố tụng của chính Dự thảo như dưới đây:

70. Điều 199. Hoãn phiên toà phúc thẩm

Đề nghị sửa Điều này theo 1 trong 2 cách sau:

–     Cách thứ nhất là  phải sửa các khoản 1, 4 và 5 để phù hợp với lô-gic diễn đạt về việc hoãn phiên toà;

–     Cách thức hai là bố cục thành 3 khoản như sau:

“1. Các trường hợp hoãn phiên toà:

a) Kiểm sát viên tham gia phiên toà vắng mặt;

b) Những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 198 của Luật này;

c) Thành viên của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án, người giám định, người phiên dịch bị thay đổi mà không có người thay thế ngay.

d) Cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung.

2. Người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà thì việc hoãn phiên toà hay vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các Điều 133, 134 và 135 của Luật này.

3. Thời hạn hoãn phiên toà và quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 138 của Luật này.”

71. Điều 201. Thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm

Đề nghị thay các dấu chấm phẩy ở cuối tất cả các khoản thành dấu chấm.

72. Điều 202. Bản án phúc thẩm

Đề nghị xem lại quy định tại khoản 2 với lý do tương tự như điểm 61 của Bản góp ý này.[11]

Đề nghị trình bày thống nhất với bố cục như khoản 2, Điều 165 về Bản án sơ thẩm (đều chia hoặc đều không phân chia thành các điểm).

73. Điều 206. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Đề nghị bố cục lại Điều này như sau:

“Điều 206. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này.2. Các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

a) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;

c) Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.”

74. Điều 210. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm

Đề nghị bỏ câu dẫn dắt dưới tên Điều, đồng thời sửa tên Điều này như sau: “Các nội dung phải có của Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm”. Theo đó cần sửa các dấu chấm phẩy ở cuối các khoản thành các dấu chấm.

75. Điều 221. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm

Đề nghị sửa các dấu chấm phẩy ở cuối tất cả các khoản thành dấu chấm.

76. Điều 223. Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại

Đề nghị bố cục lại Điều này như sau:

“Điều 223. Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại

1. Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các trường hợp huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật:

a) Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không theo đúng quy định tại Chương VI của Luật này;

c) Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm không đúng quy định của Luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.”

77. Điều 227. Gửi quyết định giám đốc thẩm

Đề nghị bố cục lại Điều này như sau:

“Điều 227. Gửi quyết định giám đốc thẩm

1. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.2. Các đối tượng được nhận quyết định giám đốc thẩm:

a) Đương sự;

đ) Cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị khởi kiện.”

78. Điều 231. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Đề nghị bố cục lại Điều này như sau:

“Điều 231. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

1. Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Những căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm:

a) Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà Toà án, các đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;

d) Bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị huỷ bỏ.”

79. Điều 235. Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm

Đề nghị sửa các dấu chấm phẩy ở cuối tất cả các khoản thành dấu chấm.

80. Điều 242. Yêu cầu thi hành án hành chính

Đề nghị bỏ chữ “của” trong cụm từ “quy định tại khoản 1 của Điều này” tại khoản 2 để bảo đảm thống nhất với cách viết của tất cả các điều khác.

81. Điều 243. Trách nhiệm thực hiện yêu cầu thi hành án dân sự

Đề nghị bỏ chữ “của” trong cụm từ “quy định tại khoản 1 của Điều này” tại khoản 2 để bảo đảm thống nhất với cách viết của tất cả các điều khác.

82. Điều 244. Quản lý nhà nước về thi hành án hành chính

Đề nghị sửa từ “hàng năm” thành “hằng năm” tại đoạn cuối của khoản 3 “định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án hành chính”.

83. Điều 246. Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Toà án

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

84. Điều 250. Thời hiệu khiếu nại

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

95. Điều 251. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện kiểm sát

Đề nghị bố cục 2 đoạn của Điều này thành 2 khoản 1 và 2.

86. Điều 252. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Thư ký Toà án, Hội thẩm nhân dân, Thẩm phán, Phó Chánh án và Chánh án Toà án

Đề nghị bố cục 3 đoạn của Điều này thành 3 khoản 1, 2 và 3.

87. Điều 262. Sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật đất đai

Đề nghị xem lại tính hợp lý của Điều này. Nhìn vào cụ thể thì là một sự đổi mới, rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên nhìn trên tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì lại là một sự kỳ cục, tù mù, đánh đố.

Đây không phải là trường hợp dùng 1 luật sửa nhiều luật. Nếu cần thiết thì trình Quốc hội ban hành 1 Nghị quyết sửa đổi, chứ không nên sử dụng Luật tố tụng hành chính để sửa đổi Luật Đất đai.

————————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

[1] Quy tắc viết hoa này đã được quy định trong “Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ”, ban hành kèm theo Quyết định số 09/1998/QĐ-VPCP ngày 25-11-1998 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và “Quy định tạm thời về viết hoá tên riêng trong sách giáo khoa”, ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13-3-2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[2] Xem lý giải tại điểm 16 của Bản góp ý này.

[3] Xem lý giải tại điểm 16 của Bản góp ý này.

[4] Xem lý giải tại điểm 16 của Bản góp ý này.

[5] Xem lý giải tại điểm 16 của Bản góp ý này.

[6] Xem lý giải tại điểm 16 của Bản góp ý này.

[7] Xem lý giải tại điểm 16 của Bản góp ý này.

[8] Xem Luật sư Trương Thanh Đức “Luật tốt, dân không ngại đến Toà” đăng trên http://www.nclp.org.vn/ban_ve_du_an_luat/hanh-chinh-hinh-su-tu-phap/gop-y-du-thao-luat-to-tung-hanh-chinh-luat-tot-dan-khong-ngai-111en-toa-1.

[9] Chú thích số 23 về Phần Thủ tục hỏi tại phiên toà, Mẫu biên biên bản phiên toà dân sự sơ thẩm số 13, ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC Hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai ‘Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[10] Ví dụ: Mẫu Bản án sơ thẩm, ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày
31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.

[11] Mẫu số 21 Bản án phúc thẩm, ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04-8-2006
của Hội đồng Thẩm phán TAND TC cũng tương tự như mẫu bản án sơ thẩm.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.806. Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với...

(DĐDN) – “Việc áp thuế TTĐB đối với xăng để hạn chế ô nhiễm môi...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,938