Luật giật thon thót
(ANVI) – Đã qua rồi cái thời: Làm theo chỉ đạo, công văn, xử theo pháp luật lăn tăn cả đời.
Nhưng toàn pháp luật với nhau, vẫn chưa hết đau diều doanh nghiệp, doanh nhân. Vẫn cứ băn khoăn giữa chuyện phải tuân theo luật, nghị định hay thông tư? Dẫu rằng, luật đã minh định: Cứ bám từ trên xuống dưới, từ to đến bé, khoẻ nhất là theo Quốc hội, tội nhất là theo bộ ngành. Nguyên tắc đã rõ, nhưng chớ có dại dột theo ngay, mà nên loay hoay đối phó cho nó phải đạo. Nó mà quy định ngang trái thì củ cải có thể nghe hoặc không nghe, còn tuỳ theo thể trạng yếu hay khoẻ.
Ví thử như muốn thực hiện Bộ luật Lao động, thì phải kèm theo một đống “luật con” rồi còn bao nhiêu nghị định, thông tư. Chỉ 1 điểm rõ nhỏ bé, tầm thường là thời điểm trả lương, Bộ luật chẳng ho he gì. Nghị định cũng chỉ dám à ơi: “Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng”. Thế mà Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH dồn toa chốt hạ: Lương tháng “được trả ngay trong tháng”.
Công ty dăm người thì mất vài phút cộng sổ, đổ lương đúng ngày cùng tháng tận. Nhưng nếu trăm nghìn vạn mống, thì chấm xong tiền công, cộng xong tiền lương có khi cả tuần. Đành phải phạm luật, lách luật hay bế tắc mặc xác luật.
May thay, chỉ 5 tháng sau, bộ lao thương xã nhà ta đã ra tiếp Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH sửa sai bằng cách sổ toẹt cái quy định lẩn thẩn nói trên.
Doanh nghiệp thở phào để chìm vào vụ tăng nộp bảo hiểm xã hội giật mình, đóng đinh trong luật. Rõ khổ thân các bác phải chống chọi với đủ loại luật pháp dư lày.
Ngày 30-12-2015