130. Các doanh nghiệp có cơ sở để hy vọng vào Trọng tài

(DC&PL) – Nếu tính “tuổi” hình thành và phát triển, thì Trọng tài thương mại ở Việt Nam cũng có bề dày lịch sử một nửa thế kỷ. Nhưng “ngôi nhà” Trọng tài mới chỉ có tường ngoài rêu phong, còn bên trong thì dường như là trống rỗng. Vì vậy, lâu nay các doanh nghiệp chỉ chiêm ngưỡng bề ngoài “ngôi nhà”, mà vẫn chưa bước vào giao dịch, dù cho những cánh cửa luôn rộng mở.

Cũ nhưng vẫn lạ

Mặc dù, giải quyết tranh chấp bằng phương thức Trọng tài tại Việt Nam đã có từ nửa thế kỷ nay. Trước đây, Trọng tài kinh tế Nhà nước thì đảm nhận vai trò của một cơ quan quản lý kinh tế của nhà nước kiêm giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế. Vì vậy, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài này cũng không khác mấy việc xét xử của Toà án. Và từ năm 1994, chức năng này đã được chuyển toàn bộ sang Toà án.

Cũng trong suốt mấy chục năm, cơ chế trọng tài thực chất gần như chỉ có duy nhất Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), chuyên giải quyết các tranh chấp về thương mại quốc tế. Chỉ từ năm 1996 trở đi, Trung tâm Trọng tài này mới được mở rộng thầm quyền giải quyết các tranh chấp kinh tế trong nước. Mỗi năm, Trung tâm này giải quyết được nhiều thì vài chục vụ, còn ít thì chỉ vài vụ việc.

Ngoại trừ Trung tâm Trọng tài Quốc tế xuất phát từ yêu cầu tất yếu phục vụ “đối ngoại” nói trên, thì phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế bằng Trọng tài mới chỉ được thừa nhận rộng rãi sau khi có Nghị định số 116/CP ngày 05-9-1994 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế, nay là Trọng tài thương mại.

Chỉ tính theo mốc thứ hai, thì Trọng tài thương mại cũng đã xuất hiện được trên 15 năm, với đủ cả hình thức văn bản nghị định, pháp lệnh và luật điều chỉnh. Nhưng trên thực tế, vẫn còn rất nhiều doanh nhân và doanh nghiệp chưa quan tâm đến cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài cũng như sự hiện hữu của các Trung tâm Trọng tài thương mại. Như vậy, Trọng tài thương mại hoàn toàn không phải là điều mới mẻ, nhưng lại vẫn còn quá lạ lẫm, mờ nhạt trên thị trường.

Hiệu lực thấp kém

Trong khi Toà án là cơ quan nhà nước, hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý là mấy bộ luật và đạo luật, thì hoạt động của Trọng tài kinh tế chỉ dựa vào văn bản pháp lý có giá trị thấp là Nghị định. Đến tháng 7-2003 mới được nâng lên pháp lệnh.

Điều 5 của Nghị định số 116/CP quy định: Quyết định giải quyết tranh chấp của Trung tâm Trọng tài kinh tế “có hiệu lực thi hành, không bị kháng cáo”. Đây là đặc điểm khác biệt nhất giữa phán quyết của Trung tâm Trọng tài kinh tế so với phán quyết của Toà án được giải quyết qua hai cấp xét xử. Nhưng ngay sau đó đặc trưng này lại bị phủ nhận hoàn toàn bằng một quy định tại Điều 31: “Trong trường hợp quyết định Trọng tài không được một bên chấp hành thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án nhân dân có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế”.

Như vậy, phán quyết của Trọng tài gần như chẳng có giá trị pháp lý, không bào đảm tính hiệu lực mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác của các bên. Đưa ra Trọng tài giải quyết là đồng nghĩa với nguy cơ mất công giải quyết tranh chấp hai lần, với hai lần tốn kém, hai lần mất thời gian, hai lần lo lắng mệt mỏi. Đằng nào cũng tới cửa Toà án, vậy thì tội gì mất công mất của với Trọng tài, để rồi phải tham gia 3 vòng xét xử.

Đặc biệt, trước khi có Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, phán quyết của Trọng tài còn phải được Toà án công nhận thì mới có giá trị cưỡng chế thi hành. Như vậy, phán quyết của Trọng tài chỉ có ý nghĩa trong trường hợp các bên tranh chấp hoàn toàn tự nguyện từ giờ đầu tiên cho đến phút cuối cùng, khi đã thi hành xong phán quyết trọng tài. Còn bằng không, chỉ cần bất kỳ bên nào thay lòng, đổi ý, thì lại phải quay về “hầu” toà. Đây chính là tiền lệ rất rất xấu “chống lại” Trọng tài trong nhiều năm trời.

Có thể nói, Nghị định 116/NĐ-CP dường như chỉ làm được một việc là cho ra “lò” được 6 Trung tâm Trọng tài kinh tế, chứ không tạo được hành lang pháp lý cần thiết cho Trọng tài hoạt động. Còn Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 thì dường như không mang lại một kết quả nào rõ rệt, ngoại trừ việc đã giải toả được sự bất cập lớn nhất là: Toà án không còn xét lại phán quyết của Trọng tài về mặt nội dung, mà chỉ còn “tái thẩm” về mặt thủ tục. Đến Luật Trọng tài thương mại mới, mặc dù đã thiết kế theo hướng hạn chế nguy cơ phán quyết Trọng tài bị tòa án hủy bỏ, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn ít nhiều lo ngại với quy định tại Điều 68 là, Toà án vẫn được phép huỷ phán quyết của Trọng tài nếu thuộc một trong 6 trường hợp sau đây:

– Không có thoả thuận Trọng tài hoặc thỏa thuận Trọng tài vô hiệu;

– Thành phần Hội đồng Trọng tài, thủ tục tố tụng Trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại;

– Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài;

–  Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng Trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo;

– Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết Trọng tài;

– Phán quyết Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

 

Trong khi doanh nghiệp thấy rất cần có Trọng tài để thay cho Toà án, nhưng rồi lại không sử dụng Trọng tài. Như vậy là Trọng tài, mà trước hết là pháp luật về Trọng tài chưa thể hiện được vai trò và hiệu lực của nó.

Cần nhưng không thiết

Trong hoạt động kinh doanh, biết bao nhiêu vấn đề tranh chấp nảy sinh. Vô vàn vụ việc mâu thuẫn giữa các bên cần phải có cơ quan tài phán giải quyết. Trọng tài là cơ chế thích hợp nhất để làm việc đó, vì nó nhanh chóng, bí mật, linh hoạt, ít tốn kém,… Thế nhưng, trong khi phía Toà án luôn quá tải về xử án kinh doanh, thương mại, thì bên Trọng tài lại hầu như ngồi chơi xơi nước nhiều năm nay.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc doanh nghiệp chưa đặt lòng tin vào Trọng tài là do chính pháp luật chưa tin Trọng tài, mà biểu hiện rõ nhất là pháp luật về Trọng tài chậm tiến và quá thận trọng trong những năm qua.

Nguyên nhân quan trọng khác là, doanh nghiệp chưa có thói quen chấp nhận Trung tâm Trọng tài phân xử tranh chấp, việc mà trước đây chỉ thuộc về quyền uy của Nhà nước. Trung tâm Trọng tài chỉ là một định chế phi chính phủ, là một cơ chế xã hội hoá, cần có nhiều thời gian để xã hội “thẩm thấu” và thừa nhận vai trò phán xử thay cho Nhà nước.

Bao nhiêu năm trời, nền kinh tế vận hành theo kiểu xin cho, dẫn đến mọi thứ đều phải bám chặt vào Nhà nước, làm gì cũng theo chỉ lệnh của Nhà nước, hay dở cũng phó thác cho Nhà nước “đạo diễn”. Vì thế, không dễ gì vượt qua rào cản tâm lý để chấp nhận việc một tổ chức phi chính phủ đứng ra phân xử đúng sai, phải trái, để rồi được, mất tiền triệu, tiền tỷ. Doanh nghiệp cần giải quyết tranh chấp, nhưng lại ngại chấp nhận những người “cầm cân nảy mực” không được Nhà nước bổ nhiệm hay “bảo lãnh” và không nằm trong các cơ quan do Nhà nước thành lập hay chỉ đạo.

Cũng từ yếu tố tâm lý, dẫn đến việc doanh nghiệp còn e ngại đối với ngay cả những điểm ưu việt của cơ chế Trọng tài là nhanh gọn và phán quyết là chung thẩm. Họ lo lắng rằng, việc chỉ giải quyết một lần, thì sẽ không còn cơ hội để sửa sai. Với phán quyết có hiệu lực ngay, đòi hỏi Trọng tài phải thực sự chính xác, khách quan, công bằng. Nhưng còn quá ít tiền lệ thực tế để doanh nghiệp có thể tin vào những điều tốt đẹp đó. Đến một ưu điểm hay được nhắc đến là, chi phí Trọng tài rẻ hơn, nhưng thực tế cũng không rẻ so với chi phí tố tụng tại Toà án.

Những lý do đủ nói trên đã dẫn đến tình trạng, các Trung tâm Trọng tài hầu như không có khách hàng. Tác giả bài viết này, là một trong số 100 người đầu tiên được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Thẻ Trọng tài viên vào năm 1998, nhưng đến nay vẫn chưa tham gia một vụ giải quyết tranh chấp nào với tư cách Trọng tài viên. Và đa số các Trọng tài viên cũng đều rơi vào tình trạng hữu danh vô thực như thế.

Kết cục là Trọng tài thì thất nghiệp còn doanh nghiệp thì “chê” Trọng tài. Tuy rất “sợ” gặp Toà án, nhưng vẫn phải đến toà, vì đó là sự lựa chọn cuối cùng. Còn đã “ngán” Trọng tài rồi thì tất nhiên là ít quan tâm và không muốn tìm đến. Ngay chính bản thân tôi, với tư cách là một luật sư, một Trọng tài viên, thừa hiểu về cái hay, cái lợi của Trọng tài, thế mà cũng không “dùng” Trọng tài. Trong hơn hai chục năm qua, tôi đã soạn thảo và tư vấn hàng nghìn bản hợp đồng thương mại, nhưng hầu như đã không chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.

Cơ sở hy vọng

Giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài ngày càng trở lên phổ biến ở các nước, nhất là đối với các tranh chấp thương mại quốc tế. Sau khi có Luật Trọng tài thương mại mới, niềm tin vào xu thế này càng được củng cố và có nhiều cơ sở hơn.

Luật Trọng tài thương mại đã mở rộng và xác định rõ phạm vi thẩm quyền của Trọng tài trong nhiều loại tranh chấp liên quan đến kinh doanh (gồm tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài).

Nhà nước đã chính thức “uỷ thác” cho Trọng tài đảm nhiệm chức năng giải quyết các tranh chấp kinh doanh bằng một văn bản pháp lý cao nhất, với những quy định thực tế, khả thi. Vậy, thì không còn lý do gì để các doanh nghiệp và những chủ thể kinh doanh khác không lựa chọn Trọng tài để khai thông hoạt động kinh doanh của mình.

Các Trung tâm Trọng tài thương mại không chỉ giúp các doanh nghiệp, mà còn giúp Nhà nước trong việc vận hành có hiệu quả nền kinh tế. Luật Trọng tài thương mại đã có khá nhiều quy định nhằm tạo điều kiện cho Trọng tài hoạt động, nhưng vẫn còn mang tính nguyên tắc chung chung. Điều cần thiết là phải được chi tiết hoá bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực như về đào tạo, trụ sở, trang thiết bị, thuế khoá,… Nếu cứ để các Trung tâm Trọng tài tự gây dựng từ con số không, thì vài chục năm nữa vẫn chưa chia sẻ được gánh nặng với Toà án trong việc giải quyết tranh chấp thương mại. Nếu Trọng tài viên vẫn cứ chưa được đào tạo và vẫn không có cơ hội hành nghề như những năm qua, thì Luật Trọng tài cũng vẫn khó thúc đẩy đời sống kinh doanh.

Cuối cùng, vấn đề chìa khoá cần phải giải quyết trong bối cảnh Trọng tài còn đang trong thời kỳ manh nha như hiện nay là, Trung tâm Trọng tài và doanh nghiệp, ai là người phải “tiến” trước, bên nào sẽ là người chủ động đến với bên kia? Thiết nghĩ, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05-5-2010, với tổng kinh phí 190 tỷ đồng, cần dành một phần cho việc hỗ trợ này. Với cùng một kết quả, nhưng việc hỗ trợ thành lập thêm và “chào bán” dịch vụ của mấy chục Trung tâm Trọng tài thương mại sẽ đơn giản và hữu hiệu hơn hẳn việc trợ giúp mấy trăm ngàn doanh nghiệp “đặt mua” dịch vụ Trọng tài.

———————————————

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 10 (223)-2010

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.277. Tìm hiểu kỹ về hợp đồng tín dụng

(FE) - Livetream: Finace explorers – Hiểu tiền bớt phiềnTập 6: Những...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,272