133. Phi pháp và hợp pháp!

(TCKD) – Hay dở, xấu tốt của việc đánh bạc thì xưa nay vẫn thế. Nhưng từ chỗ nghiêm cấm việc đánh bạc dưới mọi hình thức, dần dần pháp luật đã cho phép kinh doanh một số trò chơi có thưởng, mà gọi thẳng ra là đánh bạc. Nghị định về Quản lý hoạt động kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng đang được Bộ Tài chính soạn thảo để tiếp tục hợp pháp hoá hoạt động này.

Trong nhiều năm, dù chưa hề có quy định nào của pháp luật cho phép, nhưng vẫn có một số sòng bạc được phép ra đời và hoạt động công khai. Đến năm 2003, bằng Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg ngày 27-02-2003 của Thủ tướng Chính phủ mới có Quy chế về Hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Cho đến thời điểm này, chỉ người nước ngoài mới được phép tham gia trò chơi điện tử ăn tiền và không nhiều cơ sở được phép hoạt động sòng bạc nói chung, kinh doanh casino nói riêng. Hoạt động này mới chỉ được phép tại một số khách sạn, khu giải trí cao cấp chủ yếu phục vụ khách nước ngoài.

Hợp pháp và phi pháp 

Hoạt động đánh bạc có nhiều dạng khác nhau, nhưng Dự thảo Nghị định mới chỉ điều chỉnh hoạt động kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng. Hoạt động kinh doanh xổ số thì đã có Nghị định số 30/2007/NĐ-CP ngày 01-3-2007. Hoạt động tham gia dự thưởng có tính chất may rủi gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ thuộc các hình thức khuyến mại thì thực hiện theo quy định của Luật Thương mại. Như vậy, còn một số hoạt động cờ bạc khác như “đặt cược” vẫn chưa có cơ sở pháp lý. Ví dụ, hoạt động cá cược đua ngựa ở TP HCM hay đua chó ở Vũng Tàu đang được thí điểm nhưng không dựa trên văn bản quy phạm pháp luật nào. Còn lại hầu hết các hoạt động đánh bạc khác sẽ vẫn tiếp tục bị coi là bất hợp pháp, kể cả trò chơi có thưởng, nhưng lại không phải là “trò chơi điện tử”.

Như vậy, bên cạnh việc đánh bạc phi pháp, đã thừa nhận việc đánh bạc hợp pháp, tuy mới chỉ ở trong một phạm vi rất hạn hẹp. Về cơ bản, hầu hết các hoạt động đánh bạc đang diễn ra ngày đêm dưới đủ mọi hình thức đều là trái luật. Các hành vi liên quan đến việc đánh bạc chui ấy, nếu như ở mức độ nặng, thì sẽ bị phạt tù về “Tội đánh bạc” hay “Tội tổ chức đánh bạc, gá bạc” theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999. Còn nếu như ở mức độ nhẹ hơn, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ bị tịch thu tiền bạc liên quan và bị phạt từ 200.000 đồng cho đến 20 triệu đồng tuỳ thuộc vào các hành vi sau: Mua, làm chủ, bán lô, đề; đánh xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế; đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử; cá cược, cá độ, tổ chức cá cược; làm, bán thơ đề; bán số lô, số đề; nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc; bảo vệ, che dấu việc đánh bạc; rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc; chứa bạc, gá bạc;… Điều này được nêu tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Hoạt động kinh doanh sòng bạc là một lĩnh vực siêu lợi nhuận, chịu thuế suất cao và mang lại một nguồn thu lớn cho ngân sách. Lý do thuyết phục nhất để bênh vực cho xổ số, thì cũng giống như cho phép mở sòng bạc, chỉ vì lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Báo Đầu tư số ra ngày 28-2-2000 cho biết, số thu từ xổ số kiến thiết năm 1999 chiếm tới 20-30% tổng thu ngân sách của một số địa phương phía Nam như Lâm Đồng, Bình Thuận, Vĩnh Long,…[1]

Mặt phải và mặt trái

Nếu cho rằng, đặc điểm song hành của trò chơi đỏ đen là “cờ gian, bạc bịp” thì cũng phần nào có lý. Nhưng chính vì thế, mới cần phải quản lý khoa học, chặt chẽ, thay vì càng cấm thì những trò gian lận lại càng phát tác tung hoành. Công nhận đánh bạc chẳng qua là để hợp pháp hoá một hiện tượng đã ăn sâu, gắn chặt với thực tế, là để thu hút ngoại tệ về nước, đồng thời để hạn chế tình trạng chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài bằng cách “tái xuất” sang đánh bạc tại Cam-pu-chia, Malaysia, Macao, Singapore, Hồng Kông,…

Nếu cấm việc đánh bạc, thì cũng chẳng thể giải thích thuyết phục cho hoạt động kinh doanh xổ số. Mặc dù xổ số được cổ vũ là ích nước, lợi nhà, là góp phần xây dựng đất nước, nhưng cũng có thể kể ra không ít “tội lỗi” của nó. Xổ số hằng ngày, xổ số đặc biệt, xổ số liên tỉnh, xổ số cào, xổ số bóc, xổ số lô tô, xổ số điện toán,… với đủ hình thức và mật độ quá dày đặc, từ quy mô xã phường cho đến khắp các vùng miền, dường như đã trở thành “cỗ máy đánh bạc” khổng lồ trong xã hội và là cha đẻ của số đề. Người say mê xổ số cũng như kẻ “nghiện” số đề, đều phải trả giá đắt. Nó phá huỷ hạnh phúc của bao nhiêu gia đình, cướp đi miếng cơm, manh áo của nhiều hộ vốn đã đói nghèo lại càng khốn khổ, làm tan nát tinh thần và huỷ hoại sức khoẻ của bao kiếp người.[2] Ngày nay, có còn mấy ai mua xổ số với mong muốn “kiến thiết đất nước” và “giải trí lành mạnh” hay là chỉ vì máu mê cờ bạc, cay cú ăn thua? Tác giả Hữu Hạnh, trong bài “Đánh đề và xổ số lô tô” đăng trên mục “Diễn đàn” của Báo Nhân Dân số ra ngày 03-11-1995 đã đề nghị bỏ xổ số lô tô vì “bản chất của nó là đánh đề, đánh bạc”. Còn tác giả Lý Sinh Sự thì viết trong chuyên mục “Nói hay đừng” của Báo Lao động ngày 12-5-2000 rằng, những người say mê xổ số là “tham gia đánh bạc hợp pháp, bạc quốc doanh” và viết trên Báo Lao động ngày 26-01-2003 rằng “đề đóm là một… “tổ chức” tư nhân đánh bạc trên nền quốc doanh”.[3]

Ranh giới mong manh

Như vậy, chấp nhận cái gì thì cũng phải thừa nhận cả mặt trái của nó. Nếu lên án cờ bạc là “bác thằng bần”, là “cửa nhà bán hết”, “ra đê mà ở” thì cũng không sai. Nhưng vì nó là một tồn tại tất yếu của cuộc sống, nên cần được quản lý thay vì cố tình tảng lờ, để rồi cuối cùng cái gì phải xảy ra thì vẫn diễn ra. Vậy thì tốt nhất là đặt ra hàng rào pháp lý để “trị” nó, có như vậy mới thoát khỏi tiếng xấu, quản kém, cấm tài.

Bản chất của việc đánh bạc không xấu, vì mọi người đều có quyền tự do tiêu xài những đồng tiền thu nhập hợp pháp của họ. Nó chỉ xấu khi vi phạm luật chơi, phạm vào những điều cấm do pháp luật vạch ra.

Cho phép hay không cho phép đánh bạc, dù dưới hình thức nào, thì cũng là một vấn đề rất quan trọng và nhạy cảm. Ranh giới đúng sai, hay dở là khá mong manh. Đến nỗi, trong các văn bản pháp quy cũng phải “chơi chữ”, khi từ “chơi” hoặc “trò chơi” luôn được đi cùng với hoạt động giải trí hợp pháp, còn các từ “đánh” hoặc “đánh bạc” thì vẫn bị gắn liền với các vi phạm, ngăn cấm, xử phạt.

Mặc dù đã có đủ quy định, nhưng thật khó tìm thấy cơ sở thuyết phục trong việc phân định hợp lý, rạch ròi giữa đánh bạc phạm tội lỗi với đánh bạc hợp pháp, giữa xử lý rất nghiêm khắc hành vi đánh bạc trái phép với việc “khuyến khích” cơ sở kinh doanh tăng thu và nộp thuế cũng từ hoạt động đánh bạc. Nguyên tắc không phân biệt đối xử ít nhiều bị lung lay khi cho đối tượng này đồng thời với việc cấm đối tượng khác đánh bạc. Cùng một luật, nhưng người Việt Nam thì không được đánh bạc, còn người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước, thì lại được phép đánh bạc vô tư? Diễn đàn Quốc hội cũng đã từng bức xúc trước hướng dẫn của ngành Toà án, có thể bỏ tù tất cả những ai mua chỉ một vài chục nghìn đồng lô để.

Việc Dự thảo Nghị định giao trách nhiệm cho Bộ Công an “ngăn chặn người Việt Nam ở trong nước ra nước ngoài để đánh bạc” là không khả thi và có phần không hợp lý. Nếu việc công dân Việt Nam xuất cảnh hợp pháp, thì việc họ đánh bạc ở đó cũng là hợp pháp. Khi ấy họ làm đúng theo quy định của pháp luật của nước sở tại, cũng giống như việc nước ta cho phép người nước ngoài và Việt kiều vào Việt Nam đánh bạc.

Nếu trước năm 2009, tội đánh bạc được định nghĩa là hành vi “đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật…”, thì nay đã được “mềm hoá” bằng việc nêu rõ là chỉ cấm đối với hoạt động “đánh bạc trái phép”. Đã có nhiều người lên tiếng ủng hộ đề án cho phép cá cược bóng đá. Cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị phi hình sự hoá tội đánh bạc trong Bộ luật Hình sự. Đã đến lúc cần xem xét lại ranh giới giữa hợp pháp và phi pháp này, với khu vực cấm đang chiếm ưu thế tuyệt đối.

———————

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh doanh ngày 01-11-2010:


 

[1] Đoạn đỏ Toà soạn cắt bỏ.

[2] Đoạn đỏ Toà soạn cắt bỏ.

[3] Đoạn đỏ Toà soạn cắt bỏ.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,383