141. Doanh nghiệp mong gì từ hỗ trợ pháp lý?

(DC&PL) – Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là một “món quà” của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp trên cơ sở những ý tưởng pháp lý tốt đẹp và sự đòi hỏi thực tế. Tuy nhiên, dù đã hơn hai năm trôi qua, dường như bên hỗ trợ vẫn chưa sẵn sàng “trao quà” và bên tiếp nhận thì vẫn còn đang mong chờ “tặng phẩm”.

Thực trạng hỗ trợ pháp lý

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài. Về lý thuyết, các doanh nghiệp được hỗ trợ một cách hoàn toàn công bằng, không phân biệt đối xử. Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28-05-2008 của Chính phủ về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đưa ra nguyên tắc đối với hoạt động hỗ trợ pháp lý là được thực hiện bằng các hình thức phù hợp và các chương trình theo nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ.

Bên hỗ trợ là các cơ quan Nhà nước, đóng vai của người cho; còn bên nhận sự hỗ trợ là các doanh nghiệp, giữ vai của kẻ nhận. Tuy nhiên, hỗ trợ pháp lý, giống như cho – nhận cái “cần câu”, chứ không phải là cho – nhận “con cá” như hỗ trợ lãi suất, miễn giảm tiền thuế hay ưu đãi về tiền thuê nhà đất.

Theo quy định, thì doanh nghiệp nhận được rất nhiều sự hỗ trợ pháp lý, có rất nhiều quyền, được hưởng rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, trên thực tế, dường như không có sự thay đổi đáng kể nào giữa trước và sau 2 năm thực hiện Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Các nội dung được hỗ trợ của doanh nghiệp gồm: Được khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật; được giới thiệu, cung cấp, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; được giải đáp pháp luật. Trong đó, riêng việc giải đáp pháp luật cũng đã được thực hiện thông qua nhiều hình thức: Giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và giải đáp thông qua các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số lượng vấn đề giải đáp mấy năm qua cũng vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Bộ nào đã giải đáp nhiều thì vẫn tiếp tục trả lời nhiều, bộ nào vốn ít giải đáp thì doanh nghiệp vẫn mỏi cổ trông chờ. Ví dụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có vài trăm công văn mỗi năm, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chỉ có trên dưới chục công văn mỗi năm.

Các Bộ có trách nhiệm “tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ[1]. Việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật là trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý, chứ không phải phục vụ riêng gì doanh nghiệp. Có hay không có quy định này, trước đòi hỏi của việc xây dựng Chính phủ điện tử, thì các cơ quan Nhà nước cũng vẫn phải có hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật của cơ quan mình. Tuy nhiên, sau 2 năm rồi, trang web của các bộ nhìn chung vẫn còn thiếu nhiều văn bản và những văn bản đã có thì cũng khó tra cứu. Đặc biệt vô lý khi mà các trang web của bộ thì thiếu rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản giải đáp của chính bộ mình, trong khi một số trang web kinh doanh thì lại có khá đầy đủ văn bản giải đáp của các bộ. Thông qua việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước cũng được lợi, chứ không chỉ có doanh nghiệp. Các bộ sẽ có thêm điều kiện để hoàn thành vai trò quản lý nhà nước của mình, đó đưa được pháp luật vào cuộc sống khi triển khai thực hiện, đồng thời cũng đưa được thực tế cuộc sống vào pháp luật trong quá trình xây dựng. Như vậy các cơ quan nhà nước cũng cần đến doanh nghiệp và mới gọi là hỗ trợ pháp lý, chứ nếu không thì chỉ còn là trợ giúp pháp lý.

Người cho cũng vướng

Trong những quyền lợi nói trên của doanh nghiệp, có lẽ cần thiết nhất là “Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp”.[2] Mà trong việc giải đáp pháp luật, thì việc giải đáp thắc mắc về các vụ việc cụ thể mới là điều các doanh nghiệp cần và mới thực sự có ý nghĩa, tác dụng. Thậm chí nhiều trường hợp, thông tư hướng dẫn cũng phải kèm theo các ví dụ cụ thể thì mới bảo đảm hiểu chính xác quy định. Tuy nhiên, những trường hợp này lại  thuộc diện được loại trừ trách nhiệm giải đáp theo quy định: “Việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.[3]

Trên thực tế, đa số các văn bản giải đáp của các bộ, trong đó có một số bộ giải đáp nhiều nhất (đưa thông tin lên mạng) như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thì lại là giải đáp về những tình huống cụ thể của doanh nghiệp. Như vậy, nếu cứ bám sát câu chữ, thì việc các Bộ đã và đang tích cực giải đáp pháp luật là đã làm quá yêu cầu của quy định hiện hành. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự giải đáp chung chung mà không giải quyết các tình huống cụ thể, thì mục tiêu nhằm hỗ trợ tốt hơn thành ra lại hạn chế hơn thực tế đang diễn ra. Chưa nói cùng một vấn đề, thường ý kiến tư vấn pháp luật của luật sư rất khó được các cơ quan thừa hành công nhận, trong khi giải đáp của cơ quan nhà nước thì lại được mặc nhiên coi trọng như văn bản pháp quy.

Có một thực tế là, ngay nhiều công việc rõ ràng là thuộc trách nhiệm giải quyết của bộ, đã có những quy định cụ thể về thủ tục và thời hạn, mà còn thường xuyên bị treo trễ, gây khó dễ, thì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp lại càng khó được bảo đảm. Thử “thị trường hoá” mối quan hệ quản lý nền kinh tế, thì bên cơ quan quản lý là người bán hàng và doanh nghiệp là người mua hàng. Còn hỗ trợ pháp lý thì cũng như là việc khuyến mại cho khách hàng, chỉ là trách nhiệm phụ. Thậm chí, nếu bán hàng theo cách phân phối, ban phát, thì chẳng cần quan tâm đến khuyến mại. Do vậy, nếu các cơ quan Nhà nước không làm tròn bổn phận hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì cũng “vô can”.

In ấn tài liệu nói chung, tuyên truyền tập huấn, đào tạo nói chung, thì là cả một quá trình lâu dài, và là công việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, phải làm mọi lúc, mọi nơi, bền bỉ, lâu dài, cho mọi đối tượng tự nguyện cũng như bắt buộc. Thật khó có thể đẩy mạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp, khi mà kinh phí thì eo hẹp, nhân lực thì thiếu thốn, thời gian thì hạn chế, kinh nghiệm thì ít ỏi. Với nguồn kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là 190 tỷ đồng trong 4 năm 2010-2014 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05-5-2010, thì tính ra mỗi năm một doanh nghiệp cũng chỉ được số tiền tương đương 1 cuốn sách. Vì vậy, không nên xác định tất cả các khoản chi liên quan đến doanh nghiệp là chi phục vụ doanh nghiệp,[4] mà cần xác định chủ yếu được tính vào khoản ngân sách thường xuyên chi cho hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ví dụ “Chi xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp” thì có thể dựa gần như hoàn toàn vào cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ cho nhu cầu chung.

Kẻ nhận ngại ngần

Điều cần nhất trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp, không phải là được tuyên truyền, đào tạo, phổ biến pháp luật, mà là ở chỗ, không biết phải ứng xử với pháp luật thế nào trước những vướng mắc thực tế. Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật quá phức tạp, rối rắm và việc thực thi pháp luật quá tuỳ tiện, lắt léo. Có một nghịch lý dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trở thành phổ biến, nhức nhối là vì cái giá phải trả cho việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nhiều khi “đắt” hơn so với việc vi phạm pháp luật.

Cái khó nhất đối với doanh nghiệp, không phải là tìm văn bản hay quy định trong văn bản, mà là những vấn đề mập mờ, khó hiểu và chồng chéo, mâu thuẫn nhau giữa các văn bản pháp luật. Về nguyên tắc, khi cùng một vấn đề có những quy định khác nhau thì ưu tiên quy định của văn bản có hiệu lực cao hơn. Nhưng cứ hành động như thế, thì lại là mạo hiểm, vì sẽ khó được cơ quan công quyền giải quyết công việc, thậm chí không bao giờ được chấp nhận. Đó là chưa kể, nguy cơ rất cao dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy tố phạm tội hình sự. Thế là, muốn an toàn và được việc, doanh nghiệp phải tự ép mình thực hiện theo những quy định nào chặt nhất, trói buộc nhất trong số những quy định ấy.

Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, sau khi đã đọc hết chữ trong các văn bản rồi, doanh nghiệp cũng như luật sư vẫn không biết phải hành xử thế nào. Khi ấy mới thật sự cần đến sự giải đáp của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng nhiều khi được giải đáp xong, doanh nghiệp lại càng hoang mang. Xin lấy ví dụ về việc nộp thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động bán tài sản bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng. Ngày 18-3-2010, Bộ tài chính đã có Công văn số 3316/BTC-CST gửi Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trả lời rõ, việc bán tài sản để thu hồi nợ không chịu thuế giá trị gia tăng. Công văn này căn cứ vào các Luật, Nghị định, Thông tư hiện hành và có tham khảo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. Ngày 06-9-2010, Bộ tài chính tiếp tục ra Công văn số 11754/2010/BTC-CST về thuế Giá trị gia tăng đối với các khoản thu cấp dịch vụ, bảo lãnh, tiếp tục dẫn chiếu nội dung trong Công văn 3316/BTC-CST nêu rõ việc bán tài sản để thu hồi nợ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Nhưng 21 ngày sau, Tổng Cục thuế lại có Công văn số 3755/TCT-CS ngày 27-9-2010 về việc trả lời câu hỏi tại Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp, lại phủ nhận nội dung Công văn nêu trên của Bộ tài chính. Theo đó từ ngày 01-01-2009, hoạt động “bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ” của tổ chức tín dụng thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Công văn này đã nói rõ là Luật thuế Giá trị gia tăng 2008 và Nghị định số 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ không quy định việc bán tài sản bảo đảm thuộc diện miễn thuế giá trị gia tăng.

Như vậy, là cùng căn cứ vào các luật và nghị định như nhau, nhưng lại cho ra hai kết quả trái ngược. Có một thực tế là, các Luật Thuế giá trị gia tăng cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành từ năm 1997 đến nay đều không có văn bản nào nhắc đến hoạt động bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ thuộc diện phải hay không phải nộp thuế giá trị gia tăng. Thế nhưng, trong nhiều năm việc bán tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng đã không phải nộp thuế giá trị gia tăng. Và việc đó cũng chỉ xuất phát từ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Như vậy, đến nay không thể kết luận được rằng hoạt động bán tài sản bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng không phải nộp thuế giá trị gia tăng theo ý kiến của Bộ Tài chính hay là buộc phải nộp theo quan điểm của Tổng cục Thuế, vì vấn đề đang bị bỏ ngỏ trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Mong muốn từ doanh nghiệp

Nếu đòi hỏi cơ quan nhà nước hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung thì quá mênh mông, với phạm vi quá rộng, vượt quá khả năng, khó mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực. Vì vậy, để làm được việc đó, cần tập trung vào một số đối tượng cụ thể trong doanh nghiệp như hỗ trợ đối tượng là người quản trị hay người điều hành hay là lực lượng chuyên môn, nghiệp vụ của doanh nghiệp. Và điều cơ bản là muốn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì phải thông qua các “kênh” dẫn pháp luật thâm nhập vào doanh nghiệp. Những kênh quan trọng nhất là các tổ chức tư vấn, dịch vụ pháp lý và lực lượng pháp chế doanh nghiệp. Cần dành một nguồn lực đáng kể nhằm phát triển năng lực luật sư nội bộ doanh nghiệp để hỗ trợ cho chính doanh nghiệp, tiếp theo là phát triển năng lực của các công ty, văn phòng luật sư, thông qua đó để hỗ trợ pháp lý cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Nghị định về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có lý khi xác định các doanh nghiệp có trách nhiệm “Chủ động tìm hiểu pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp hoặc thuê luật sư tư vấn để giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật.[5] Nhưng, có một điều thực tế là, đội ngũ luật sư tư vấn doanh nghiệp còn rất yếu và thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần quan tâm đến việc xây dựng và phát triển lực lượng đóng vai trò then chốt, làm cầu nối thông suốt giữa kinh doanh và pháp luật.

Và các kênh luật sư, pháp chế doanh nghiệp nói trên cần phải dựa vào những đầu mối hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đó là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), là Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp do Bộ Tư pháp bảo trợ và đặc biệt là các đầu mối trong từng lĩnh vực, ngành nghề là các vụ pháp chế của các bộ, các phòng pháp chế của các sở.[6] Tuy nhiên, muốn thật sự có hiệu quả, thì nhất thiết cần phải bố trí một bộ phận chuyên trách thuộc các vụ và phòng pháp chế của các sở. Và đến lượt các đầu mối này cũng cần có một đầu mối chung để chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đó có thể là Vụ Pháp chế Doanh nghiệp hay một đơn vị tương tự thuộc Bộ Tư pháp hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc VCCI. Đầu mối này cần được giao trách nhiệm và kinh phí để xây dựng và duy trì một trang web, trong đó gồm có các phần chính như: Tổng hợp tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; tổng hợp tất cả các công văn có nội dung quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; tổng hợp tất cả các nội dung giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và là một diễn đàn trao đổi về pháp lý kinh doanh cho doanh nghiệp.

Nếu tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm đó, thì tin rằng việc hỗ trợ pháp lý sẽ mang lại hiệu quả tốt cho doanh nghiệp, tránh tình trạng hỗ trợ pháp lý mà người cho thì vướng, kẻ nhận ngại ngần.

———————

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 


Bài viết đăng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 12 (225) tháng 12-2010

(số chuyên đề về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp):

 

1/3 bài (trong tổng số 8) được giới thiệu trên Bìa 1.

[1] Điều 7 về “Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp” của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

[2] Khoản 1, Điều 10 về “Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp” của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

[3] Khoản 6, Điều 10 về “Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp” của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

[4] Khoản 1, Điều 2 về “Nội dung chi đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” của Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12-10-2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, được và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

[5] Khoản 2, Điều 6 về “Trách nhiệm của doanh nghiệp” của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

[6] Khoản 1, Điều 15 về “Bảo đảm về tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ pháp chế của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh” của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,921