145. 5 điều không của một Dự thảo Nghị định: Không cần thiết, không thống nhất, không rõ ràng, không thực chất và không đúng thể thức

(ANVI) – Góp ý Dự thảo Nghị định về Chế độ                                  Hà Nội 09-10-2011

tài chính đối với các TCTD

 

Theo đề nghị của Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, tôi xin góp ý vào Dự thảo Nghị định về Chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Bộ Tài chính trình Chính phủ, với 5 điều không như sau: Không cần thiết, không thống nhất, không rõ ràng, không thực chất và không đúng thể thức, như sau:

  1. Không cần thiết:
  • Toàn bộ Dự thảo hầu như không có nội dung mới hay thay đổi đáng kể so với Nghị định số 146/2005/NĐ-CP ngày 23-11-2005 về Chế độ tài chính đối với các TCTD.
  • Điều 22 về “Phân phối lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu”: Khoản 3 quy định “Trích 5% vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, mức tối đa của quỹ này không vượt quá mức vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng”. Đề nghị bỏ đoạn “mức tối đa của quỹ này không vượt quá mức vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng” hoặc giảm tỷ lệ này xuống một mức hợp lý hơn. Vì quy định như vậy, thì có thể hiểu là, nếu không muốn tiếp tục trích quỹ này, thì cứ phải đạt giữ mãi quỹ bằng 100% vốn điều lệ. Trong khi đó, mục đích của quỹ này là để tăng vốn điều lệ, như vậy thì việc duy trì quỹ đến mức bằng vốn điều lệ mà lại không chuyển thành vốn điều lệ là điều không hợp lý. Ngược lại, nếu muốn trích tiếp quỹ này, thì việc chuyển quỹ này thành vốn điều lệ là việc làm đương nhiên, quá đơn giản để giảm quỹ, do đó, giới hạn này sẽ không có ý nghĩa.
  1. Không thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:
  • Chỉ có người điều hành, không có “Ban điều hành” (Điều 5) hay “Ban quản lý điều hành” (khoản 5, Điều 22 và khoản 4, Điều 24) trong cơ cấu tổ chức chính thức của các TCTD. Vì vậy, cần sửa thống nhất với Luật doanh nghiệp và Luật Các TCTD là Quỹ thưởng cho Người quản lý và điều hành. Tương tự là không có “Ban giám đốc” (khoản 4, Điều 24), mà xét theo khía cạnh pháp lý, thì chỉ có các Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc tham mưu, giúp việc cho Tổng giám đốc hoặc Giám đốc theo cơ chế một thủ trưởng.
  • Điều 8 về “Bảo đảm an toàn vốn”: Khoản 4 quy định TCTD có trách nhiệm “Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở và chi nhánh”. Đoạn “và công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở và chi nhánh”mới được bổ sung so với Nghị định hiện hành vừa thừa vừa không chính xác. Thừa, vì chỉ cần quy định “theo quy định của pháp luật” là đủ, tránh trùng lặp với quy định khác. Không chính xác, vì theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 của Chính phủ về Bảo hiểm tiền gửi, thì “Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải niêm yết công khai về việc tham gia bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở và các địa điểm giao dịch.”, chứ không chỉ tại trụ sở và chi nhánh.
  • Điều 9 về “Kiểm kê, đánh giá lại tài sản”: Điểm a, khoản 2 quy định trường hợp: “Thực hiện chuyển đổi sở hữu, đa dạng hoá hình thức sở hữu;” là không thống nhất cách giải thích từ ngữ “Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi doanh nghiệp” được quy định tại khoản 16, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” và Điều 154 về “Chuyển đổi công ty” của Luật Doanh nghiệp.
  • Điều 12 về “Cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản”: Điều này “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cho thuê, thế chấp, cầm cố các tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của tổ chức tín dụng,…”. Quy định như vậy là không cho phép TCTD được quyền ký quỹ, đặt cọc, ký cược tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Và việc cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản không thuộc quyền sở hữu là không đúng pháp luật (trừ đối với TCTD thuộc sở hữu nhà nước và tài sản là quyền sử dụng đất và).
  • Điều 14 về “Thanh lý tài sản”: Khoản 2 quy định “Đối với những tài sản pháp luật quy định phải bán đấu giá, khi thanh lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật” là không phù hợp với quy định tại Điều 14 về “Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp”, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày  04-3-2010 của Chính phủ về Bán đấu giá tài sản. Theo Nghị định này, thì các TCTD không được bán đấu giá, mà chỉ có tổ chức kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản mới được phép bán đấu giá.
  • Điều 15 về “Doanh thu”: Điểm a, khoản 1 Điều này liệt kê “Thu từ hoạt động tín dụng: thu lãi tiền gửi, thu lãi cho vay, thu lãi cho thuê tài chính, thu khác từ hoạt động tín dụng;” thiếu chi tiết và không thống nhất với quy định của Luật Các TCTD. Chẳng hạn, chỉ “hoạt động tín dụng” được gọi là “cấp tín dụng” tại khoản 14, Điều 14 về “Giải thích từ ngữ” của Luật Các TCTD như sau: “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.” Tương tự là quy định tại Điều 16 về “Chi phí” của dự thảo.
  • Điều 22 về “Phân phối lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu”: Khoản 1 quy định “Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có)”. Cụm từ “góp vốn liên kết” không có trong Luật Các TCTD, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại. Đề nghị sử dụng thuật ngữ “hợp tác kinh doanh” trong Luật Thương mại. Tương tự là quy định tại khoản 1, Điều 23.
  • Điều 24 về “Nguyên tắc sử dụng các quỹ”: Điểm c, khoản 6 quy định: “Chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho cán bộ, nhân viên kể cả các cán bộ, nhân viên đã về hưu, mất sức của tổ chức tín dụng;” Sử dụng từ “về hưu, mất sức” là không đúng với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, cần sửa lại là “nghỉ hưu, mất sức”.
  • Điều 30 về “Kế hoạch tài chính”: Khoản 1 quy định: “Tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ phải lập kế hoạch tài chính hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”. Cần sử dụng cụm từ “Ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước” thay cho cụm từ này để bảo đảm sự ngắn gọn và thống nhất với thích tại khoản 22, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” của Luật Doanh nghiệp: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.” Tương tự là quy định tại Điều 34 về “Trách nhiệm của Bộ Tài chính”.
  1. Không thống nhất trong Dự thảo:
  • Điều 5 viết “Quỹ thưởng Ban điều hành” không thống nhất với khoản 5, Điều 22 và khoản 4, Điều 24 viết “Quỹ thưởng Ban quản lý điều hành”.
  • Điều 7 về “Góp vốn, mua cổ phần” nhắc đến thẩm quyền của các cấp, không có Tổng Giám đốc, nhưng Điều 32 về “Trách nhiệm của Tổng giám đốc” thì lại nhắc đến có thẩm quyền của Tổng Giám đốc.
  • Nội dung khoản 2, Điều 7 về “Góp vốn, mua cổ phần” trùng lặp với nội dung khoản 3, Điều 31 về “Trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng” trách nhiệm trong việc góp gốn, mua cổ phần.
  • Điều 26 về “Báo cáo tài chính”, khoản 6, Điều 31 về “Trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng” và khoản 5, Điều 32 về “Trách nhiệm của Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng” không thống nhất về trách nhiệm đối với tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính. Cụ thể Điều 26 thì quy định Chủ tịch hoặc Tổng giám đốc chịu trách nhiệm, Điều 31 thì quy định Hội đồng chịu trách nhiệm và Điều 32 thì Tổng giám đốc chịu, trong đó quy định 1 trong 2-3 đối tượng chịu trách nhiệm và cả 3-4 đối tượng khác nhau cùng chịu. Và cuối cùng thì không thể xác định được là trách nhiệm của ai hay của tất cả và trách nhiệm đến đâu.
  • Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm này. Tên chương VI viết “Tổng Giám đốc, Giám đốc” của TCTD, trong khi các chỗ khác viết “Tổng Giám đốc (Giám đốc)”.
  1. Không rõ ràng:
  • Điều 3: Quy định “Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý Nhà nước về việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.” Như vậy, không rõ Chủ tịch hay Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…
  • Điều 24 về “Nguyên tắc sử dụng các quỹ”:
  • Điều này quy định cụ thể mục đích sử dụng của từng quỹ là đúng với TCTD là công ty nhà nước. Còn đối với các TCTD khác là không rõ ràng. Nếu các TCTD khác cũng trích lập các quỹ tương tự, thì có phải sử dụng theo “nguyên tắc sử dụng các quỹ hay không? Chẳng hạn Quỹ phúc lợi không bắt buộc phải có đối với ngân hàng cổ phần, nhưng nếu có lập quỹ này, thì khi sử dụng có bắt buộc phải “phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn của tổ chức tín dụng quản lý, sử dụng quỹ này” hay không? Vì vậy, cần phải xác định rõ điều này.
  • Điểm b và c, khoản 5 quy định: “Mức thưởng do Hội đồng thành viên  của tổ chức tín dụng quyết định” là không hợp lý, vì theo cơ chế phân cấp quản lý được phép thì mức thưởng hoàn toàn có thể do Tổng giám đốc và Giám đốc chi nhánh quyết định trên cơ sở quy định của Hội đồng thành viên.
  • Điều 26 về “Báo cáo tài chính”: Quy định “Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo này.”. Như vậy, không thể xác định được lả Chủ tịch hay Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm.
  • Điều 32 về “Trách nhiệm của Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng”: Khoản 5 quy định Tổng giám đốc có trách nhiệm “Xây dựng các định mức chi phí phù hợp với điều kiện kinh doanh của tổ chức tín dụng”. Việc quy định trách nhiệm xây dựng là làm thay công việc nội bộ của TCTD, là không cần thiết, trong khi đó trách nhiệm (thẩm quyền) quyết định (thông qua) các định mức này thì không rõ thuộc về cấp nào.
  1. Không có nội dung thực chất:
  • 2/3 số điều của dự thảo không đưa ra quy định nào cụ thể hoặc chỉ nhắc lại những điều đương nhiên về chế độ tài chính của các doanh nghiệp, đã được quy định trong Luật Các TCTD, Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, kế toán, tài chính:
  • Điều 2. Nguyên tắc quản lý tài chính;
  • Điều 6. Sử dụng vốn, tài sản;
  • Điều 7. Góp vốn, mua cổ phần;…
  • Vì vậy, là không cần thiết, đề nghị xem xét bỏ bớt, đồng thời tập trung vào việc quy định cụ thể những vấn đề đặc thù, khác biệt của các TCTD.
  1. Không đúng về thể thức, kỹ thuật soạn thảo:
  • Có 5/37 điều không có tên gọi (các điều 3, 5, 19, 36 và 37) là không hợp lý, cần được đặt tên cụ thể, rõ ràng.
  • Điều 4: Tên điều là “Vốn hoạt động của tổ chức tín dụng”, nhưng nội dung lại nhắc đến cả “chi nhánh ngân hàng nước ngoài”. Do vậy hoặc phải bỏ cụm từ “của tổ chức tín dụng” hoặc thêm cụm từ “chi nhánh ngân hàng nước ngoài” trong tên Điều.
  • Điều 8 về “Bảo đảm an toàn vốn”:
  • Đoạn “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động như sau” không thuộc khoản nào trong một điều được bố cục thành các khoản. Vì vậy cần bỏ đoạn này và sửa tên Điều thành “Trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
  • Tương tự như trên là Điều 11 về “Xử lý tổn thất về tài sản”, Điều 17 về “Các khoản không được hạch toán vào chi phí”.
  • Điều 9 về “Kiểm kê, đánh giá lại tài sản”:
  • Điều này được chia thành 2 khoản hoàn toàn không có sự liên quan đến nhau. Như vậy, cần tách thành 2 điều riêng là “Kiểm kê tài sản” và “Đánh giá lại tài sản”;
  • Bố cục điểm a và b, khoản 1 của Dự thảo là thiếu lô-gic (khoản b chỉ là một tiết của điểm a);
  • Điều 10 về “Khấu hao tài sản cố định”: Cần phân thành 2 khoản, vì nội dung gồm 2 vần đề riêng.
  • Điều 14 về “Thanh lý tài sản”: Khoản 1 có quy định “tài sản đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng” cần sửa từ “thời gian” thành “thời hạn” để bảo đảm sự chính xác.
  • Điều 22 về “Phân phối lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu”: Điểm c, khoản 5 viết “Trích tối đa không quá ba tháng lương”, là thừa 1 trong 2 từ “tối đa” hoặc “không quá”.
  • Điều 30 về “Kế hoạch tài chính”: Sau điểm c, khoản 1 quy định một đoạn “Các kế hoạch nêu trên phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của TCTD phê duyệt…”. Đoạn văn này gắn liền với nội dung của khoản 1, nhưng không thể để ở cuối khoản, đồng thời lẫn với điểm c như hiện nay, không bảo đảm sự lô-gic tối thiểu. Vì vậy cần tách thành một khoản riêng.
  • Dấu cuối câu không chính xác (không có dấu chấm câu, dấu chấm thành chấm phảy và ngược lại).
  • Các từ “hàng ngày”, “hàng quý” và “hàng năm” (trong nhiều điều), cần phải sửa thành “hằng ngày”, “hằng quý” và “hằng năm” cho đúng với Luật Các TCTD cũng như chính tả.

 

Trân trọng tham gia!

———————————————

Địa chỉ liên hệ:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.359. Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại...

Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại lo siết (TN) - Bộ Tài...

Trích dẫn 

3.844. Làm thế nào để nhận bồi thường bảo...

(NĐT) Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi? (NĐT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 222,661