146. Xác định hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trái luật và yêu cầu đăng ký dịch vụ thẻ không hợp lý.

(ANVI) – Hội thảo về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng:                    Hà Nội 10-2011

về đăng ký hợp đồng theo mẫu

 

Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại văn bản số 2595/PTM-CN ngày 13-10-2011, tôi xin tham gia ý kiến về 2 vấn đề về xác định danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và yêu cầu đăng ký hợp đồng dịch vụ thẻ trong Dự thảo Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, như sau:

  1. Xác định danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trái luật:

Khoản 1, Điều 19 về “Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cả Luật, Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, đều không giải thích thế nào là hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Vì vậy, đành phải hiểu hàng hoá, dịch vụ thiết yếu thông qua một loạt văn bản sau đây:

  • 6 mặt hàng thiết yếu trong những năm 1980, gồm: Lương thực, chất đốt, nước mắm, xà phòng, thịt, đường, theo Quyết định số 122-HĐBT ngày 04-10-1986 của Hội đồng Bộ trưởng về việc bán cho công nhân, viên chức một số mặt hàng thiết yếu theo định lượng với giá ổn định của Nhà nước và tăng phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt cho công nhân, viên chức;
  • 9 mặt hàng thiết yếu trong những năm 1990, gồm: Muối i-ốt, giống cây trồng, dầu hỏa thắp sáng, giấy viết học sinh, sách, thuốc chữa bệnh, phân bón, thuốc trừ sâu và than mỏ, theo Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31-3-1998 của chính phủ về Phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc;
  • 7 nhóm hàng hoá thiết yếu trong những năm 2000, gồm: Lương thực, xi măng, xăng dầu, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh (ngoài ra còn hàng hoá thiết yếu khác nhưng không được liệt kê), theo Công điện số 1063 ngày 08-7-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu các ngành, các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá, bán hàng theo đúng giá niêm yết;
  • 7 hàng hoá thiết yếu trong năm 2011, gồm: Thép xây dựng, xi măng, khí hóa lỏng, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, đường ăn, phân bón hóa học và thức ăn chăn nuôi gia súc theo Quyết định số 779/QĐ-BTC ngày 01-4-2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và thuế đối với một số hàng hoá thiết yếu;
  • 10 mặt hàng thiết yếu trong năm 2011, gồm: Gạo tẻ; thịt lợn; thịt gà, vịt; trứng gà, vịt; thủy, hải sản tươi, đông lạnh; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, cá; dầu ăn; đường RE; rau, củ tươi; giấy vở học sinh, theo Quyết định số 1907/QĐ-UBND ngày 26-4-2011 của UBND thành phố Hà Nội về việc Phê duyệt “Phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2011;
  • 9 mặt hàng thiết yếu trong năm 2011-2012, gồm: Thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, gạo trắng, đường, dầu ăn, rau củ quả, theo Quyết định số 3611/QĐ-UBND ngày 26-7-2011 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về điều chỉnh lượng hàng hoá giữa các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP HCM năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012.

Còn theo cách hiểu thông thường, như đã được giải thích trong Từ điển tiếng Việt năm 1992 của Viện ngôn ngữ học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, thì: “Thiết yếu là rất cần thiết, không thể thiếu được”. Điều đó, có nghĩa là hàng hoá, dịch vụ thiết yếu là loại hàng hoá, dịch vụ cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống bình thường của đại đa số người tiêu dùng. Và hàng hoá, dịch vụ thiết yếu bao gồm những loại sau: Ăn uống (bình dân), đào tạo (phổ thông và nghề nghiệp), gửi giữ xe (xe đạp, xe máy), khám chữa bệnh, lương thực (gạo), lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn bình dân), năng lượng (điện, ga, xăng, dầu, than), sách vở học sinh, thông tin (bưu chính, điện thoại cố định, điện thoại di động trả trước, phát thanh, truyền hình miễn phí), nước sinh hoạt, thực phẩm (thịt, cá, rau, mắm muối thông thường), vận chuyển hành khách (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ),…

Như vậy, nếu không có quy định, thì hàng hoá, dịch vụ thiết yếu chỉ là 3-4 trong số 13 loại hàng hoá, dịch vụ đã được nêu trong Dự thảo, đó là:

  • Dịch vụ cung cấp điện sinh hoạt;
  • Dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt;
  • Dịch vụ thuê bao điện thoại cố định.

Và hàng hoá, dịch vụ thiết yếu hầu như không “dính dáng” gì đến đa số hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đó là:

  • Mua, bán ô tô mới;
  • Góp vốn đầu tư hoặc mua bán nhà, căn hộ mới;
  • Dịch vụ truyền hình trả tiền;
  • Dịch vụ thẻ sử dụng máy rút tiền tự động (ATM);
  • Dịch vụ thẻ tín dụng (Credit Card);
  • Dịch vụ bảo hiểm nhân thọ;
  • Dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ;
  • Dịch vụ thuê bao điện thoại di động trả sau;
  • Dịch vụ sử dụng internet;
  • Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không.

Như vậy nhiều hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung nêu trong Dự thảo là trái luật, vì thuộc loại hàng hoá, dịch vụ cao cấp, nâng cao giá trị cuộc sống cá nhân, chứ không phải là loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, không có không được đối với đa số người tiêu dùng là cá nhân. Thậm chí, Quyết định số 1899/QĐ-BCT ngày 16-4-2010 của Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, đã chỉ rõ các loại xe ô tô thông thường là thuộc vào mặt hàng không thiết yếu.

Dự thảo nói trên dường như mới chỉ nhằm “nắm kẻ có tóc”, chứ chưa nhằm vào mục tiêu thật sự là phải quản lý những hợp đồng, giao dịch hàng hoá, dịch vụ thiết yếu theo quy định của Luật. Ví dụ, chỉ yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện chung đối với mua bán ô tô mới, là mặt hàng dành cho số ít cá nhân khá giả, trong khi đó không yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện chung đối với mua bán mô tô, xe máy, là mặt hàng thiết yếu đối với đông đảo người tiêu dùng cá nhân. Như vậy, cơ chế này chưa bảo vệ được ngưởi tiêu dùng thật sự.

Trong trường hợp muốn mở rộng phạm vi đăng ký như Dự thảo, thì phải sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc ít nhất là cũng cần hợp pháp hoá trong Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

 

  1. Yêu cầu đăng ký hợp đồng dịch vụ thẻ không hợp lý:

Dự thảo đưa 2 loại dịch vụ thẻ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu là “Dịch vụ thẻ sử dụng máy rút tiền tự động (ATM)” và “Dịch vụ thẻ tín dụng (Credit Card)” là không hợp lý, vì:

  • Trái với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do không thuộc loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu như phân tích ở trên;
  • ATM là máy giao dịch tự động (Automated Teller Machine – ATM), chứ không phải là “máy rút tiền tự động (ATM)”;
  • Cả 2 loại thẻ trên đều có thể sử dụng để rút tiền tại máy giao dịch tự động, chứ không chỉ có thẻ ATM để rút tiền.

Việc phân chia thành 2 loại thẻ như Dự thảo là nửa nọ, nửa kia, không dựa trên cùng một tiêu chí. Theo Điều 2 về “Giải thích từ ngữ”, Quy chế Phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 20/2007/QĐ-NHNN ngày 15-5-2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì thẻ ngân hàng được phân loại như sau:

  • Nếu phân loại theo phạm vi lãnh thổ sử dụng thẻ, thì bao gồm: Thẻ nội địa và thẻ quốc tế;
  • Nếu phân loại theo nguồn tài chính bảo đảm cho việc sử dụng thẻ, thì bao gồm: Thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, thì phát hành thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng. Khoản 7, Điều 16 về “Phương thức cho vay”, Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03-2-2005 và Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31-5-2005) đã quy định rõ: “Cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng: Tổ chức tín dụng chấp thuận cho khách hàng được sử dụng số vốn vay trong phạm vi hạn mức tín dụng để thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ và rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động hoặc điểm ứng tiền mặt là đại lý của tổ chức tín dụng. Khi cho vay phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, tổ chức tín dụng và khách hàng phải tuân theo các quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.”

Thẻ ngân hàng cũng là một trong những phương tiện thanh toán, theo quy định tại Điều 12 về “Phương tiện thanh toán”, Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20-9- 2001 của Chính phủ về Hoạt động thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Như vậy, “Dịch vụ thẻ sử dụng máy rút tiền tự động” chỉ là biểu hiện bên ngoài của dịch vụ thanh toán; còn “Dịch vụ thẻ tín dụng” chỉ là biểu hiện bên ngoài của nghiệp vụ cho vay kèm theo dịch vụ thanh toán.

Vì vậy, cần xem lại cơ sở pháp lý và lô gíc của việc quy định phải đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với 2 loại dịch vụ thẻ nói trên. Nếu vẫn yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu thì chỉ đăng ký 1 “Hợp đồng sử dụng thẻ”, theo quy định tại khoản 25, Điều 2 về “Giải thích từ ngữ”, Quy chế Phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 20/2007/QĐ-NHNN ngày 15-5-2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nếu liệt kê tên các loại thẻ, thì phải theo pháp luật chuyên ngành nói trên. Nhưng như thế cũng khó bảo đảm bao quát được tất cả các loại hợp đồng sử dụng thẻ. Chẳng hạn cùng là thẻ tín dụng, nhưng các ngân hàng thường có 2 mẫu hợp đồng sử dụng thẻ khác nhau đối với thẻ tín dụng trong nước và thẻ tín dụng quốc tế. Hay tuy chỉ là thẻ thanh toán, nhưng lại có loại được phép thấu chi, tức là có sự kết hợp giữa thẻ thanh toán và thẻ tín dụng.

 

Trân trọng tham gia!

———————————————

Địa chỉ liên hệ:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,626