148. Tăng trưởng tín dụng dưới 20%: Công cụ thị trường hay biện pháp hành chính?

Tăng trưởng tín dụng dưới 20%: Công cụ thị trường hay biện pháp hành chính?

(DNSG) – Hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2011 xuống dưới 20% phải mạnh dạn chấp nhận tăng lãi suất và sử dụng các công cụ thị trường.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 từ 23% xuống dưới 20%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Tăng trưởng tín dụng dưới 20%

Với mức tăng trưởng dưới 20%, nợ xấu sẽ rất lớn vào năm sau – Ảnh: Quý Hoà

Điều chỉnh tăng trưởng tín dụng (TTTD), kiềm chế lạm phát là cần thiết, nhưng giảm theo cách cào bằng các ngân hàng (NH) không chỉ gây bất lợi cho ngành NH mà còn cho nền kinh tế, nếu chỉ khống chế bằng con số mà không hướng tới hiệu quả dịch chuyển của đồng tiền cũng như tăng chất lượng tín dụng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc giảm TTTD là khó với các NH, bởi sức ép về yêu cầu tăng trưởng, tỷ lệ cổ tức tính trên số vốn điều lệ (số vốn này đã tăng rất lớn trong thời gian qua).

Về phía DN, nhu cầu vốn vay ngày càng lớn và phần lớn vốn kinh doanh dựa vào NH. Vì vậy, các NH đã chạy đua mở chi nhánh, cạnh tranh không lành mạnh, đẩy lãi suất cao thêm, trong khi chất lượng tín dụng không bảo đảm.

Tình trạng hiện nay là do dồn nén bất cập trong nhiều năm như thiếu định hướng chuẩn, cơ chế không dứt khoát, quá nhiều chỉ đạo hành chính thay cho công cụ thị trường… tạo thành.

Muốn giảm TTTD, phải mạnh dạn chấp nhận tăng lãi suất chứ không thể đồng thời giảm lạm phát và giảm lãi suất. Tín dụng NH là hoạt động kinh tế thị trường điển hình.

Vì vậy, muốn điều chỉnh nó, phải ưu tiên sử dụng các công cụ kinh tế chứ không nên khống chế cụ thể con số tăng trưởng, lãi suất huy động và cho vay. Nguyên lý như thế, nhưng đi vào cụ thể, còn nhiều quan điểm, chính sách trái ngược nhau.

Cùng nhằm mục tiêu hạn chế TTTD, giảm lạm phát, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã 5 lần nâng dự trữ bắt buộc, mức cao nhất lên tới 21% từ 18/5, nhưng ở ta, vẫn giữ ở mức cao nhất là 6% đối với ngoại tệ và 11% đối với đồng Việt Nam.

Việc giảm TTTD liên quan đến lãi suất, chất lượng tín dụng. Một mặt, lãi suất cao sẽ loại bớt các phương án kinh doanh hiệu quả thấp, cho vay ít hơn, điều kiện quản lý khoản vay cũng tốt hơn. Nhưng mặt khác, giảm dư nợ sẽ lập tức làm tăng nợ quá hạn, nợ xấu.

Thông tin từ NHNN cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, cơ quan này đã mua vào 1 tỷ USD với mức giá dao động từ 20.600 – 20.700 đồng/USD. Quyết định trên xuất phát từ nguồn cung ngoại tệ trên thị trường thuận lợi, được xem là một cơ hội để cải thiện trạng thái dự trữ ngoại hối vốn đã suy giảm nhanh trong những năm gần đây.

Tăng trưởng trước đây là 40%, bây giờ là dưới 20%, mức nợ xấu sẽ rất lớn vào năm sau, bởi độ trễ từ 6 tháng đến một vài năm so với dư nợ. Nợ xấu tăng, đương nhiên NH bị ảnh hưởng, nguy cơ doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản cao, nền kinh tế phải gánh hậu quả.

Những biện pháp NHNN đưa ra là cần nhưng chưa đủ để kiểm soát chặt chẽ quy mô, chất lượng và cơ cấu tín dụng. Trong cơ chế, thị trường khó khăn hiện nay, rất khó nói kiểm soát chất lượng tín dụng thế nào sẽ tốt hơn.

Với các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ gần như ngay lập tức có thể biết chất lượng hàng hoá, dịch vụ. Nhưng với NH lại khác, nhanh thì 6 tháng, chậm thì phải 3-5 năm sau mới biết chất lượng tín dụng thật sự.

Đánh giá chất lượng tín dụng thực chất lại càng khó hơn, dù đã có quy định về phân loại nợ, bởi nó phụ thuộc vào quan điểm quản trị rủi ro của từng NH.

Nếu đánh giá khoản nợ trên cơ sở “nguyên bản” thì tương đối chính xác, nhưng nếu đã bị chuyển hóa qua đảo nợ hay xử lý bằng nhiều “nghệ thuật” khác, thì quả là rất khó nói. Đối với loại thứ hai, các biện pháp của NHNN chưa đủ hữu hiệu, chủ yếu dựa vào chính các NH.

TTTD dưới 20% chắc chắn được tính toán một cách kỹ lưỡng, có cơ sở, song việc thực hiện được không lại là chuyện khác. Hiện nay, NH chịu sức ép rất lớn của tăng trưởng kinh tế. Con số báo cáo sẽ không khó để đạt được, nhưng con số thực chất thì có thể khác, số liệu của ta lâu nay vẫn vậy.

Đấy là kết quả khác nhau giữa các biện pháp được sử dụng. Nhưng nếu dùng các công cụ kinh tế thay cho công cụ hành chính để khống chế con số này, nhiều khả năng sẽ đạt được kết quả thật.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

(Sửa nội dung PV Hải Vân phỏng vấn và viết)

Doanh nhân Sài Gòn Thứ Sáu, 27/05/2011:

http://doanhnhansaigon.vn/online/kinh-doanh/tai-chinh-chung-khoan/2011/05/1054573/cong-cu-thi-truong-hay-bien-phap-hanh-chinh/

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.383. Cần thận trọng khi đặt hàng trên Temu.

Cần thận trọng khi đặt hàng trên Temu. (HTV1) - Chương trình có sự...

Trích dẫn 

3.903. Bộ Tài chính: Chưa thể điều chỉnh mức...

Bộ Tài chính: Chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. (MK) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,460