148A. Lãi suất 20% là cao hay thấp?

(ANVI) – Không kể một số hiện tượng ngoại lệ, nhìn chung lãi suất huy động đang tiến đến mốc 20% và lãi suất cho vay thì đương nhiên đã bỏ xa mốc đó. Tại sao lãi suất cao và vì đâu chưa hạ được những con số ngất ngưởng đó? Thêm một góc nhìn của Luật sư Trương Thanh Đức, một chuyên gia ngân hàng.

 Lạm phát 5 tháng đầu năm đã trên 12%, nhưng lãi suất huy động đồng Việt Nam vẫn giữ ở mức trần 14%/năm và đang được công bố cho gần như tất cả các kỳ hạn. Cả ngành Ngân hàng đều biết, lãi suất thật không phải như vậy, mà đã lên tới 17 – 18%, thậm chí là 22 – 23%. Như vậy, “cơn sóng” lãi suất còn lâu mới cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) trở về mốc giới cho phép. Tất nhiên, người ta phải dùng trăm phương, vạn kế, nghìn mưu để thoát khỏi cái ngưỡng “sinh tử” ấy. Trong lúc người vay tiền than trời, kêu đất vì lãi cao, thì người gửi tiền vẫn đang nuôi hy vọng sẽ được nhận lãi cao hơn nữa trong tương lai. Trong tình cảnh đó, ngân hàng đang bị giằng xé giữa hai bên, vừa lo lôi kéo được người gửi tiền với mức lãi niêm yết quá thấp, vừa lo giữ được người vay với mức lãi quá cao. Ngân hàng còn lo ngại đối phó với chính mình, đó là việc chế biến sổ sách sao cho sai mà phải đúng, là việc làm sao để cán bộ không lợi dụng tình thế hai giá mà kiếm chác. Bởi khách hàng nào biết thì mặc cả thêm một vài % lãi suất (không thể hiện trên sổ sách) tuỳ theo số tiền và kỳ hạn gửi, còn người không biết thì vẫn chỉ hưởng đúng 14% theo công bố.

Lạm phát năm nay được dự báo lạc quan nhất cũng phải trên 15%, thì lãi suất huy động cứ âm thầm tiến tới 20% là hoàn toàn có lý. Các chuyên gia đều cho rằng, muốn giảm lạm phát, thì về nguyên lý, phải tăng lãi suất huy động, ít nhất là cao hơn kỳ vọng lạm phát, tức gần với tỷ lệ 20%. Trong quá khứ, điều này đã xảy ra nhiều lần, ví dụ trần lãi suất huy động năm 1991 là 42%/năm, đặc biệt năm 1989 lên tới 144%. Đương nhiên là lãi suất huy động cao thì cho vay cũng cao, chẳng hạn năm 1991 là 72%/năm, còn năm 1987 đã lên đến 119%/năm. Khi đó, chỉ doanh nghiệp (DN) nào làm ăn thật hiệu quả, mới tiếp tục vay vốn, còn không thì buộc phải tạm thời dừng lại. Đó là quy luật tất yếu của cạnh tranh, của quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường. Nếu để thị trường tự điều chỉnh và xác định lãi suất, nó sẽ lên “hết cỡ” theo kỳ vọng lạm phát, rồi sẽ nhanh chóng quay về quanh đúng chỗ của nó. Còn nếu cứ “đè nén” nó, không để nó “thở” theo cuộc sống, thì chẳng biết nó sẽ bùng nhùng đến bao giờ nữa. Cái gì thuộc về quy luật tất yếu mà cứ bị ngăn cấm, thì nó “lách” theo con đường riêng, khó khăn hơn, tù mù hơn, khó về đích hơn. Lụt vì mưa to ào xuống, nước sẽ rút nhanh, còn lụt vì mưa dầm thì đâu còn chỗ cho nước rút.

Việc DN phàn nàn rằng lãi suất cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản là đúng. Nhưng không chỉ DN chết, còn ngân hàng lợi, mà chính ngân hàng cũng chết đúng ở chỗ lãi suất cao ấy. Mua “hàng” giá thấp, bán chạy, giá “mềm”, quay vòng nhanh, dễ thu hồi vốn chả hơn mua cao, bán ì ạch, giá cắt cổ, ứ đọng vốn, nợ khê đọng ư?

Còn việc cho rằng, DN vay của ngân hàng trên 20% nên phải có lãi tối thiểu 30% mới sống được thì lại không hẳn như vậy. DN chết là do mọi thứ “nuôi dưỡng” nó đều đắt, trong đó có một phần là lãi vay. Giá vốn vay chỉ chiếm khoảng 20% trở xuống trong tổng chi phí đầu vào của DN. Như vậy, nếu vốn đắt hơn 1,5 lần so với trước đây, thì chi phí vốn vay cũng chỉ tăng lên vài phần trăm, chứ đâu có phải đội lên 50% chi phí. DN có rất nhiều chi phí đầu vào như: Nhà xưởng, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, xăng dầu, điện nước, nhân công, thuế, lệ phí,… Chỉ DN nào có chi phí lãi vay chiếm phần lớn chi phí đầu vào thì mới chết vì lãi suất cao. Nếu sống dựa hoàn toàn vào vốn vay, không có nguồn tài sản và nguồn vốn khác, thì chuyện đóng cửa trước “cơn sóng thần” lãi suất là đương nhiên.

Nếu làm bao nhiêu lãi chỉ để nuôi ngân hàng, thì có gì “oan ức” không? Đó không phải là nghịch lý và cũng không phải lỗi của ngân hàng. Trước khi nuôi được ngân hàng thì DN đã phải nuôi được nhân viên, nuôi được nhà cung cấp, nhà phân phối và nói chung là nuôi được doanh nghiệp. Còn ngân hàng cũng quay trở lại nuôi DN, nuôi người gửi tiền, trong đó cũng có nhiều DN gửi tiền ngân hàng hưởng lãi cao. DN và ngân hàng như hai cơ thể cộng sinh, sống dựa vào nhau, bên này chết thì bên kia cũng khó sống. Nếu DN chết trước, thì rồi đến lượt ngân hàng sẽ chết sau, chứ đừng mong ngân hàng cùng chết. Nếu cả hai cùng chết thì sẽ là một đại hoạ, sẽ khó mong đến ngày hồi sinh.

Và DN lớn hay nhỏ cũng sẽ chịu ảnh hưởng như nhau trước việc lãi suất cao, chứ không phải chỉ chết DN nhỏ. DN nào vay nhiều thì khó khăn nhiều hơn. Trên thực tế, hầu hết DN lớn đều đi vay, trong khi đó có nhiều DN vừa và nhỏ hầu như không phải đi vay, mà chỉ kinh doanh, sản xuất trong quy mô vốn của mình. Hoặc nếu chỉ phụ thuộc ít vào vốn vay ngân hàng, thì lãi suất tăng 50%, họ cũng chỉ thu hẹp sản xuất 15-20 % chứ không phải đóng cửa. Lạm phát tăng cao thì tất cả đều phải co lại, từ người dân, DN cho đến ngân hàng, chứ không riêng gì người đi vay vốn.

Vì vậy, nếu muốn cứu DN bằng cách khống chế cả trần lãi suất cho vay thì cũng chẳng giải quyết được bài toán lãi suất một cách thực chất, mà chỉ làm rắc rối thêm vấn đề. Những chính sách như vậy, nếu có, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, trước hết cho ngành Ngân hàng, sau là méo mó cả thị trường, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,615