150. Bình luận về Dự thảo Luật công đoàn Trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ II, Khoá XIII

(ANVI) – Xin tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Công đoàn như sau:

  1. Nhận xét chung:
  • Luật này là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nhìn chung Dự thảo Luật đã nêu được những quy định cơ bản, cần thiết bảo đảm cho việc thành lập và hoạt động của Công đoàn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung chưa hợp lý, không khả thi.
  • Một trong những nội dung quan trọng cần xem lại, đó là lý do của việc có cả Công đoàn trong các cơ quan Nhà nước và việc công chức Nhà nước tham gia Công đoàn. Vì như vậy thì việc công đoàn đấu tranh với nhà nước đòi hỏi quyền lợi về việc làm, tiền lương, về các chế độ khác là không hợp lý. Và nếu Nhà nước còn vi phạm các quyền lợi của công chức, thì là điều không thể chấp nhận, như vậy thì không sẽ không đủ tư cách để yêu cầu và xử lý được các vi phạm đối với người sử dụng lao động khác. Mặt khác, một trong những quyền quan trọng nhất, là vũ khí cuối cùng của người lao động để chống lại người sử dụng lao động là quyền đình công, thì công chức lại không được “tham gia đình công” theo quy định tại khoản 1, Điều 18 về “Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ”, Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Tương tự là việc xem lại hiện nay có nhiều người chủ doanh nghiệp cũng được “mời” vào làm đoàn viên Công đoàn hay các thành viên của một tổ chức xã hội, nghề nghiệp như các Luật sư của Đoàn Luật sư cũng là đoàn viên công đoàn cũng là điều không hợp lý.
  • Luật chưa tạo ra cơ chế pháp lý cần thiết có tính chất đột phá để bảo đảm tính độc lập, không phụ thuộc của Công đoàn vào người sử dụng lao động, vì vậy, không bảo đảm địa vị pháp lý và tính hiệu quả cần thiết cho hoạt động của Công đoàn. Nếu cán bộ công đoàn phần lớn vẫn là người lao động, sử dụng thời gian của người lao động, “ăn cơm” của người sử dụng lao động để “đấu tranh” lại người sử dụng lao động, thì sẽ rất hạn chế về vai trò, tác dụng, vì đi xe của người ta thì lo cho người ta, mặc áo của người ta thì nghĩ về việc của người ta, ăn cơm của người ta thì chết vì việc của người ta.
  1. Về Địa vị pháp lý của Công đoàn (Điều 1):

Đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 1 về “Công đoàn”: “Công đoàn là tổ chức chính trị- xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động tự nguyện lập ra, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, công chức, viên chức và người lao động (gọi chung là người lao động); góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.” có mấy điểm bất hợp lý sau:

  • Tên điều luật là Công đoàn, trùng lặp với tên cả đạo luật là không hợp lý, thực chất đây chỉ là điều định nghĩa về Công đoàn;
  • Quy định Công đoàn là tổ chức “của giai cấp công nhân và của người lao động” thì đương nhiên đã phân biệt thành hai nhóm người khác nhau, trong khi “giai cấp công nhân” là một trong những cấu thành chủ yếu của “người lao động” và người lao động cũng chính là “giai cấp công nhân”;
  • Quy định Công đoàn là tổ chức “của giai cấp công nhân và của người lao động”, nhưng lại “đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, công chức, viên chức và người lao động”, vậy thì hiểu là giai cấp công nhân gồm “công nhân, công chức và viên chức” là không đúng.
  1. Về Phạm vi điều chỉnh (Điều 2):
  • Dự thảo Luật quy định Phạm vi điều chỉnh như sau: “Luật này quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động”. Nếu theo quy định này thì sẽ được hiểu là người lao động có quyền thành lập mọi tổ chức thuộc Hệ thống tổ chức Công đoàn (bao gồm cả Tổng liên đoàn lao động, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công đoàn lao động ngành,…). Tuy nhiên, thực chất thì người lao động chỉ có quyền thành lập Tổ chức Công đoàn cơ sở. Do đó, nếu quy định phạm vi điều chỉnh Luật Công đoàn bao gồm cả quyền thành lập công đoàn của người lao động là không hợp lý.
  • Vì vậy, đề nghị quy định phạm vi điều chỉnh tại Điều 2 của Dự thảo này chỉ bao gồm quyền thành lập các tổ chức Công đoàn cơ sở của người lao động.
  1. Về Bảo đảm cho cán bộ Công đoàn (Điều 26):
    1. Khoản 1 của Điều này quy định: “Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ tham gia Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nếu người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đồng ý thì được tiếp tục thực hiện hợp đồng đến hết nhiệm kỳ; nếu được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhiệm kỳ tiếp theo và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đồng ý thì được đơn vị sử dụng lao động ký kết tiếp hợp đồng không xác định thời hạn hoặc thời hạn bằng với thời hạn nhiệm kỳ của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.” Quy định này là “cái xiềng” trói buộc quyền lợi của người sử dụng lao động, đề nghị bỏ đi, bởi những lý do sau:
  • Khoản 1, Điều 8, Bộ Luật Lao động năm 1994 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007) và khoản 1, Điều 7 Dự thảo Bộ luật Lao động (cũng sẽ được Quốc hội thông qua cùng với Luật Công đoàn) về “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của người sử dụng lao động” quy định “người sử dụng lao động có quyền tuyển chọn lao động, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất kinh doanh,…”. Như vậy, nếu người sử dụng lao động không có nhu cầu sử dụng người lao động là cán bộ Công đoàn không chuyên trách nữa, thì việc họ phải ký tiếp hợp đồng lao động chỉ vì người lao động này là cán bộ Công đoàn là không hợp lý và mẫu thuẫn với quy định của Bộ luật Lao động;
  • Về nguyên tắc, Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động dựa trên nhu cầu sử dụng thực tế, khả năng tài chính của người sử dụng lao động và mong muốn làm việc của người lao động. Tuy nhiên theo quy định trên chỉ ghi nhận nguyện vọng của người lao động mà không xem xét tới nhu cầu thực tế cũng như khả năng tài chính của người sử dụng lao động. Việc này sẽ trói chân người sử dụng lao động và ảnh hưởng tới mối quan hệ lao động giữa cán bộ Công đoàn – người lao động và người sử dụng lao động. Trong khi đó, người lao động là cán bộ Công đoàn là người đại diện cho tập thể người lao động trong đơn vị trong thương lượng, phối hợp với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động trong đơn vị. Nếu mối quan hệ lao động không tốt, không thật sự xuất phát từ sự thoả thuận tự nguyện giữa hai bên, thì sẽ ảnh hưởng xấu tới khả năng đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của tập thể người lao động;
  • Nếu người lao động làm được việc, được tin dùng, người sử dụng lao động sẽ sẵn sàng ký tiếp hợp đồng lao động, bằng không dù có giữ lại làm việc thì cũng không xứng đáng làm người đại diện của của tập thể người lao động;
  • Cán bộ Công đoàn không chuyên trách không làm việc tại đơn vị nữa, thì tập thể người lao động hoàn toàn có thể bầu người lao động khác đảm nhiệm chức vụ này, mà không cần trói buộc người sử dụng lao động.
    1. Khoản 2 Điều này nên được quy định rõ hơn theo hướng chỉ rõ trường hợp xử lý kỷ luật, chuyển công tác nào áp dụng đối với cơ quan Nhà nước, trường hợp nào áp dụng đối với doanh nghiệp và tổ chức khác. Vì căn cứ khoản 2, Điều 206 của Dự thảo Bộ luật Lao động, thì chỉ phải có sự thoả thuận của Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi người sử dụng lao động quyết định sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người là uỷ viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở; còn đối với trường hợp kỷ luật lao động “chuyển làm công việc khác”, thì chỉ cần tuân theo quy định của Bộ luật Lao động mà không cần phải thỏa thuận với Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
  1. Về tài chính Công đoàn (Điều 27):
  • Cần xem lại cơ chế thu và phân bổ kinh phí đông đoàn đối với khoản thu được quy định tại khoản 2, Điều 27 của Dự thảo: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động”. Vì Công đoàn là người “đại diện chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”, ít nhiều có có xung đột lợi ích với người sử dụng lao động.
  • Vì vậy cần quy định rõ khoản kinh phí này được nộp cho Ngân sách Nhà nước hoặc Công đoàn ngành hoặc địa phương, để từ đó phân bổ lại cho Công đoàn cơ sở, tránh việc trực tiếp khi Công đoàn bảo vệ cho người lao động nhưng vẫn lấy nguồn kinh phí hoạt động từ người sử dụng lao động,
  1. Về một số nội dung khác:
    1. Đề nghị xem lại cụm từ “Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở“ tại khoản 2,3, 4 Điều 4; khoản 3,4 Điều 5; khoản 1, 2 Điều 6; khoản 3 Điều 7; khoản 3 Điều 15; khoản 2,3 Điều 18; Điều 19; khoản 2 Điều 23; khoản 1 Điều 25, tù mù, không rõ nghĩa. Nên sửa thành “Công đoàn cấp trên cơ sở“ như cách gọi theo Điều lệ Công đoàn hiện hành.
    2. Đề nghị bỏ quy định về Đại diện tập thể lao động ở cơ sở” tại khoản 7, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” vì quy định này chỉ xuất hiện tại Điều khoản này của Dự thảo.
    3. Đề nghị bỏ cụm từ “Hợp đồng làm việc“ quy định tại khoản 1 Điều 12, khoản 1, 2, 3 Điều 26. Vì Bộ luật Lao động chỉ đề cập đến Hợp đồng lao động, chứ không có quy định về Hợp đồng làm việc.

Trân trọng!

 

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.370. Vực dậy sau bão số 3: Cần quyết sách mạnh mẽ...

Cần quyết sách mạnh mẽ trong hỗ trợ vốn. (TT) -  Cơn bão Yagi đã tàn...

Trích dẫn 

3.884. Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác...

Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác dụng ngược ngay lập tức. (VNF) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 227,064