156. Bộ luật Dân sự và sự lỗi thời.

(TBNH) Đời sống của mọi DN và người dân chịu tác động rất lớn trước các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS). Tuy nhiên, hiện nay những bất cập của Bộ luật này đang khiến các NHTM không ít lần rơi vào cảnh không biết làm đúng hay sai, không ít hợp đồng kinh doanh rơi vào tình trạng rủi ro vì bị vô hiệu.

“Lỗi thời” chống lại thực tế

Sự “lỗi thời” của Bộ luật này đang khiến các ngân hàng trở thành “nạn nhân” phạm luật. Đơn cử như quy định về lãi suất cho vay, nếu cứ theo đúng quy định của BLDS (các điều 305, 404, 576, 709), thì lãi suất cho vay tối đa trong hơn 2 năm qua chỉ là 13,5%/năm, còn thấp hơn trần lãi suất huy động ngắn hạn của ngân hàng trong một số thời điểm là 14%/năm.

Thực tế hầu hết việc cho vay đều vượt xa trần lãi suất này. Đây là những quy định trái khoáy, chống lại thực tế cuộc sống, cho nên cũng bị vi phạm một cách phổ biến nhất, ngang nhiên nhất. Đối với giao dịch vay mượn ngoài ngành Ngân hàng, thì giới hạn lãi suất của BLDS còn viển vông hơn nhiều.


Luật pháp không rõ ràng đã gây ra hàng loạt vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và

người dân tại các khu chung cư

Hay hàng loạt các vụ tranh chấp liên quan đến nhà chung cư xảy ra gần đây, “thủ phạm” cũng chính là do BLDS không thật rõ, cho nên đã tạo ra cuộc chiến pháp lý dai dẳng bất phân thắng bại, gây bất lợi cho người mua nhà, đồng thời là người tiêu dùng, bên yếu thế.

Luật không rõ gây ra rủi ro pháp lý

Pháp luật định ra nguyên tắc tài sản của vợ chồng có trong thời kỳ hôn nhân là sở hữu chung, nhưng lại thiếu các quy định cụ thể về thủ tục, cách thức cần thiết để kiểm soát việc đó, dẫn đến giao dịch dân sự trên thực tế về tài sản liên quan vợ chồng gặp nhiều rắc rối, rủi ro pháp lý.

BLDS không đảm bảo được tính thống nhất đối với nhiều quy định có thể dẫn đến những tranh chấp không đáng có hoặc cách áp dụng pháp luật không nhất quán, khiến cho nhiều trường hợp quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp không được đảm bảo.

Trong một số trường hợp khác, BLDS đưa ra những căn cứ cảm tính, không phải là những dấu hiệu có thể xác định được về mặt pháp lý?

Cổ phiếu, giấy tờ có giá khác, thẻ tiết kiệm, vàng, tiền gửi,… là tài sản chung của vợ chồng, nhưng lại chỉ cần một người định đoạt. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ vô hiệu các giao dịch ký quỹ, cầm cố để bảo đảm nghĩa vụ vay vốn tại ngân hàng.

BLDS cũng quy định “Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Tức là, Bộ luật không quy định hợp đồng sẽ bị vô hiệu nếu như vi phạm về hình thức, nhưng vì quy định không rõ ràng, cho nên trên thực tế rất nhiều trường hợp đã bị Toà án tuyên vô hiệu chỉ vì vi phạm về hình thức.

Những bất cập còn tồn tại không ít trong BLDS, vô tình đã tiếp tay cho những kẻ giao dịch lật lọng, bội ước, thậm chí phạm tội, bằng quy định bắt buộc phải công chứng, bắt buộc phải đăng ký thế chấp nhà đất, nhưng lại vô giá trị pháp lý trong nhiều trường hợp. Bên cạnh đó, hầu hết đều hiểu nhầm lẫn, đã dẫn đến tuyên mọi hợp đồng thế chấp nhà đất nếu không công chứng hoặc không đăng ký thế chấp thì đều là vô hiệu, dù không hề có liên quan đến bên thứ ba.

Luật bất cập, làm đúng thành sai

Đặc biệt BLDS đã gây ra không ít rủi ro pháp lý trong việc thực hiện chế định giao dịch bảo đảm, thế chấp nhà ở và đất đai của các ngân hàng. Chẳng hạn, việc thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của người khác: Hình thức bảo đảm này được thực hiện một cách rất phổ biến và hợp pháp, hợp lý tại các ngân hàng. Tuy nhiên trên thực tế đang xảy ra mâu thuẫn và nguy cơ rất đáng lo ngại do việc hiểu sai những quy định thiếu rõ ràng trong BLDS.

Do vậy, BLDS cần phải được sửa đổi tổng thể và cơ bản, vì đã bộc lộ quá nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh và giao dịch dân sự.

BLDS đang chồng chéo, mâu thuẫn và xung đột với bộ luật và pháp luật khác như pháp luật về giao dịch bảo đảm, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Công chứng, Luật Kinh doanh bất động sản, với Luật Nhà ở, Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Nếu tiếp tục rà soát thì có thể thấy còn nhiều xung đột nữa giữa Luật Dân sự với các luật cần điều chỉnh liên quan đến lĩnh vực dân sự như văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, tài chính, thể thao, du lịch, thông tin – truyền thông… kể cả lĩnh vực hình sự, hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước, các quan hệ tố tụng, quan hệ đầu tư và hợp tác quốc tế.

PGS., TS Luật gia Chu Hồng Thanh Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Thời báo Ngân hàng 06-3-2013:

http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/1-bo-luat-dan-su-va-su-loi-thoi-7361.html

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,154