161. Con số vô hồn.

Con số vô hồn.

(KTSG) – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 18-2013 ngày 2-5-2013 có bài Ngồi trên trời xử án, trong đó có nhắc đến mức lãi suất cơ bản 9% đã khuyến khích việc chiếm dụng vốn trong bối cảnh tranh chấp về kinh doanh đang ngày càng gia tăng. Bài viết này cho thấy con số[2] lãi suất cơ bản chỉ còn là một con số vô nghĩa, không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, chẳng liên quan gì đến lãi suất huy động và cho vay trong nhiều năm qua. Nhưng nó lại có ý nghĩa pháp lý và thực tế vô cùng quan trọng, gắn liền với tất cả các giao dịch kinh tế, dân sự có liên quan đến lãi suất và thanh toán.
Giới hạn lãi suất

Điều 476 về lãi suất, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Việc quy định lãi suất vay tiền căn cứ vào lãi suất cơ bản xuất phát từ quy định tại Điều 9, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997: “Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh.”

Trong nhiều năm sau đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng được xác định xoay quanh lãi suất cơ bản. Khi đó, lãi suất cơ bản được hình thành “trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay thương mại đối với khách hàng tốt nhất của nhóm các tổ chức tín dụng được lựa chọn” (Quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN1 ngày 02-8-2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), tức là tương đương với mức lãi suất cho vay trung bình của các ngân hàng thương mại. Từ năm 2000 đến nay, lãi suất cơ bản, thấp nhất là 7% (năm 2009) và cao nhất là 14%/năm (năm 2008) tuỳ thuộc vào diễn biến của thị trường. Nhưng từ tháng 10-2010 đến nay, con số này đã bị “án binh bất động” ở mức 9%/năm. Và chính con số vô hồn này đã trở thành thủ phạm của nhiều vấn đề liên quan đến lãi suất[3].

Ngân hàng vượt giới hạn

Tuy Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01-01-2006, nhưng ngành Ngân hàng chỉ áp dụng quy định về giới hạn lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản trong một thời gian ngắn. Cụ thể là bắt đầu từ ngày 19-5-2008 (theo Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16-5-2008), sau đó “thoát” dần một số lĩnh vực kể từ ngày 01-02-2009 (theo Thông tư số 01/2009/TT-NHNN ngày 23-01-2009) và “ly khai” hẳn giới hạn này kể từ ngày 14-4-2010 (theo Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14-4-2010).

Ngoài năm lĩnh vực (phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án SXKD hàng xuất khẩu; phục vụ SXKD của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ SXKD của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), nếu như “có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.”, thì có thể được vay vốn với lãi suất ưu đãi không quá 11%/năm, còn lại các ngân hàng thương mại có thể mặc sức cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản và cao bao nhiêu cũng vẫn được phép.

Như vậy, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn chấp hành giới hạn 150% lãi suất cơ bản trong ngành Ngân hàng, thì Ngân hàng Nhà nước đã thấy quá phi thực tế, không thể chấp nhận được. Do đó, Cơ quan này đã[4] từng 4 lần đề xuất chỉnh sửa nới rộng giới hạn lãi suất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tự tìm cách thoát khỏi “vòng kim cô” này và bỏ mặc sự khó khăn “oan trái” cho các lĩnh vực khác.

Lĩnh vực khác vẫn phải theo

Ngân hàng thương mại đã không còn “dây dưa” gì với con số lãi suất cơ bản cũng như giới hạn 150%. Nhưng hàng nghìn thẩm phán Toà án, hàng vạn hợp đồng kinh doanh, thương mại, hàng triệu giao kết dân sự vẫn phải dựa vào con số vô hồn đó. Lý lẽ, phải trái, đúng sai cũng đều phải bám lấy cơ sở là con số lãi suất cơ bản.

Do lãi suất cơ bản được ấn định quá thấp, nên vay tiền ngoài ngân hàng với lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản, tức là cao hơn 13,5%/năm là bất hợp pháp, ra toà sẽ bị bác bỏ, ngành Thuế cũng không cho phép hạch toán vào chi phí hợp lệ, hợp pháp để tính thuế thu nhập. Rồi việc thoả thuận mức phạt chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán quá lãi suất cơ bản, tức là quá 9%/năm cũng là trái luật.

Doanh nghiệp, cá nhân muốn vay ngân hàng, thì thường là phải có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hoặc phục vụ đời sống an toàn, hiệu quả, khả thi, cùng với tài sản bảo đảm đầy đủ và không được phép có nợ xấu. Không đáp ứng được một trong những điều kiện đó, tức là rủi ro cao, thì nhiều khả năng là phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao hơn. Rủi ro thấp, thì lãi suất vay ngân hàng cũng phải 13,5% trở lên (trước đây còn lên đến trên 20%/năm). Trong khi đó, rủi ro cao, nhưng lãi suất vay ngoài ngân hàng, lại chỉ được phép không quá 13,5%/năm.

Hậu quả tai hại

Giới hạn lãi suất cho vay không quá 13,5%/năm và lãi suất phạt không quá 9%/năm đã dẫn đến một hệ quả tai hại là: Khuyến khích việc chây ỳ trả nợ, vì càng để lâu càng có lợi về tiền bạc, hay ít ra cũng chẳng thiệt hại gì hơn việc trả đúng hạn. Như vậy, hiển nhiên là người ta sẵn sàng chà đạp mọi cam kết, coi thường phán quyết của Toà, phớt lờ mệnh lệnh của Thi hành án và khinh nhờn pháp luật.

Trong quãng thời gian lãi suất huy động ngắn hạn dưới 12 tháng biến động từ 7,5% đến 14%/năm, nhưng lãi suất cơ bản thì vẫn cứ bất biến 9%/năm. Không thể lý giải được việc để kéo dài tình trạng lãi suất cơ bản chỉ bằng một nửa lãi suất cho vay thông thường, thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất huy động tiền gửi. Vì quy định quá ra rời thực tế, cho nên làm cho bàn dân thiên hạ trường kỳ vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự.[5]

Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc ấn định mức lãi suất cơ bản không ăn nhập với đòi hỏi chính đáng của cuộc sống. Nếu giới hạn 150% là sự vô lý, thì con số 9% lãi suất cơ bản càng vô lý hơn.

Giao dịch dưới mức lãi suất cơ bản là không phạm luật. Vay mượn vượt quá 150% lãi suất cơ bản là phạm luật.[6] Vì vậy, về lâu dài, không thể không sửa tỷ lệ 150% nói trên, nhưng trước mắt cần phải ấn định mức lãi suất cơ bản tương đương với lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại. Như vậy, lãi suất cơ bản trong năm ngoái là không thể thấp hơn 18% và hiện nay ít ra cũng phải là 12%, thay vì con số vô hồn 9%/năm. Chỉ có như vậy, thì ngành Ngân hàng mới không cứ “một mình một chiếu” và pháp luật mới không dồn người ta vào tình thế buộc phải vi phạm, không tiếp tay cho “thủ phạm” để gây hại cho “nạn nhân” trong các giao dịch dân sự cũng như kinh doanh, thương mại. [7]

———————

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng Thời báo KTSG số 19-2013 ngày 09-5-2013:                                                      

 CON SỐ VÔ HỒN[1]

[1] Bài viết thứ 17 đăng trên TBKTSG. Được giới thiệu đầu tiên trong số 6 bài trên Bìa 1.

[2] Đoạn này do Tòa soạn thêm vào và bỏ bớt đoạn “Đối với ngành Ngân hàng” trước “lãi suất cơ bản chỉ là con số…”

[3] Tòa soạn thay thế đoạn “thủ phạm chôn vùi lẽ phải, đùa cợt công lý và phủ nhận đạo lý về lãi suất” bằng đoạn “thủ phạm của nhiều vấn đề liên quan đến lãi suất”.

[4] Tòa soạn bỏ đoạn “thấy quá phi thực tế, không thể chấp nhận được. Do đó, Cơ quan này đã”.

[5] Tòa soạn bỏ câu này.

[6] Tòa soạn bỏ 2 câu này.

[7] Tòa soạn bỏ đoạn này.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.389. Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp...

Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường. (VNN)...

Trích dẫn 

3.906. Đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám: Làm rõ vấn...

Đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám: Làm rõ vấn đề chủ sở hữu hưởng lợi của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,479