162. Khuyến khích… gian lận, bội ước?

(TBNH) Nếu phủ nhận nghĩa vụ bảo đảm vì chữ bảo lãnh và thế chấp, thì chẳng khác nào pháp luật khuyến khích việc vi phạm, bội ước; bảo vệ hành vi gian lận, lừa đảo; đồng thời chặn đứng khả năng xử lý tài sản thế chấp của chủ nợ và vô hiệu hoá quyền ưu tiên cao nhất của chủ nợ có bảo đảm trên thực tế.

Khi quan tòa… “mơ ngủ”

Tiếp theo việc một số tòa án tại tỉnh Quảng Ngãi tuyên vô hiệu với hợp đồng thế chấp của bên thứ ba và đã bị Tòa án tối cao tuyên hủy với bản án này, tình trạng được giới luật sư xem là nguy hiểm này lại tiếp tục lặp lại ở một số tòa án tại TP. Hồ Chí Minh, một trung tâm lớn nhất của cả nước về kinh tế.


Quy định của luật pháp thiếu chặt chẽ khiến hoạt động của ngân hàng thêm rủi ro

Tại Bản án phúc thẩm số 105/2013/KDTM-PT ngày 18/1/2013 về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Công ty TNHH SX-TM Cao su Thành Công, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh vẫn coi một số hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) của bên thứ ba là hợp đồng bảo lãnh và tuyên xử hợp đồng thế chấp này là vô hiệu.

Điều này cho thấy một số thẩm phán, chủ tọa các phiên tòa này đã cố tình không hiểu hoặc không chịu cập nhật thông tin khi trước đó, với tính chất vụ việc tương tự với NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hồi tháng 5/2012, khi Toà án Nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã bác bỏ toàn bộ bản án sơ thẩm tuyên vô hiệu khi coi hợp đồng thế chấp của bên thứ ba là hợp đồng bảo lãnh.

Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm cho rằng, mặc dù hợp đồng sử dụng từ ngữ ở phần tiêu đề chưa được chuẩn xác, nhưng xét về nội dung, bên thứ ba đều là những người có tài sản là QSDĐ đã thỏa thuận và có nội dung cam kết rõ trong hợp đồng ủy quyền rằng: đồng ý thế chấp tài sản là QSDĐ để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho bên vay vốn tại ngân hàng không giới hạn ở nợ gốc, nợ lãi, lãi quá hạn và phí phát sinh từ khoản nợ vay hoặc liên quan đến khoản nợ vay của các hợp đồng tín dụng được ký giữa ngân hàng và DN.

Như vậy, bên thứ ba đã thể hiện rõ ý chí đồng ý dùng tài sản là QSDĐ của mình để bảo lãnh nhằm đảm bảo cho khoản vay của DN tại ngân hàng đã được lập thành văn bản và ba bên cùng ký trước công chứng Nhà nước. Án sơ thẩm xử tuyên bố vô hiệu đối với hợp đồng thế chấp cùng với lời chứng thực của công chứng viên và văn phòng đăng ký QSDĐ là không đúng pháp luật.

Hai khái niệm,  một bản chất

Hợp đồng thế chấp hay bảo lãnh đều được coi là một hợp đồng phụ của các hợp đồng chính về dân sự, kinh doanh, thương mại, nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong hoạt động cấp tín dụng. Nó cũng được quy định khác biệt so với các loại hợp đồng phụ khác ở chỗ: dù hợp đồng chính là tín dụng vô hiệu nhưng hợp đồng phụ là thế chấp vẫn có hiệu lực.

Đối với hợp đồng bảo đảm bằng QSDĐ, dù có sử dụng từ bảo lãnh hay thế chấp, thì về bản chất pháp lý cũng vẫn hoàn toàn như nhau. Đó là việc bên thế chấp hoàn toàn tự nguyện cam kết dùng QSDĐ của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của mình hoặc của người khác. Về hình thức và thủ tục thì đã được làm bằng văn bản, được công chứng xác nhận và văn phòng đăng ký QSDĐ đăng ký hợp đồng thế chấp.

Vì vậy, giả sử có sự nhầm lẫn giữa hợp đồng bảo lãnh theo quy định với hợp đồng thế chấp, thì cũng không thể chỉ vì từ ngữ khác nhau đó mà phủ nhận cam kết, bác bỏ hợp đồng, thay đổi bản chất pháp lý. Cũng tương tự như một hợp đồng không thể bị vô hiệu chỉ vì viết sai cụm từ hợp đồng dân sự thành hợp đồng kinh tế. Nếu phủ nhận nghĩa vụ bảo đảm vì chữ bảo lãnh và thế chấp, thì chẳng khác nào pháp luật khuyến khích việc vi phạm, bội ước; bảo vệ hành vi gian lận, lừa đảo; đồng thời chặn đứng khả năng xử lý tài sản thế chấp của chủ nợ và vô hiệu hoá quyền ưu tiên cao nhất của chủ nợ có bảo đảm trên thực tế.

Trên thực tế, các cơ quan công chứng và đăng ký thế chấp không chấp nhận hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản nói chung và bằng QSDĐ nói riêng. Tất cả các hợp đồng bảo đảm bằng QSDĐ hiện nay đều vẫn được ghi là hợp đồng thế chấp theo đúng bản chất giao dịch.

Tòa án hiểu sai luật?

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, cách áp dụng luật một cách máy móc trong xét xử cho thấy ngành Tòa án đang lúng túng trong cách hiểu pháp luật hiện hành cũng như hoạt động của ngành Ngân hàng. Mặc dù quy định về bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa phân biệt thật rõ giữa thế chấp và cầm cố, nhưng trong Luật Đất đai năm 2003 được ban hành trước đó đề cập đến cả việc thế chấp và bảo lãnh bằng QSDĐ.

Tuy nhiên, khoản 4, Điều 72 về “Hiệu lực thi hành”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm quy định hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự, cũng như khoản 1, Điều 31 “Quy định chi tiết về việc thực hiện quyền thế chấp, bảo lãnh bằng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất”, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, thu hồi đất, thực hiện QSDĐ, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai, đều quy định rõ: Việc bảo lãnh bằng QSDĐ theo Luật Đất đai và các Nghị định liên quan được hiểu là thế chấp bằng QSDĐ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người khác. Luật Nhà ở năm 2005 cũng như tất cả các quy định pháp luật liên quan của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính về giao dịch bảo đảm, mẫu văn bản, công chứng hợp đồng, đăng ký giao dịch bảo đảm, thu phí giao dịch… cũng chỉ đề cập đến việc thế chấp, chứ không hề nhắc đến từ bảo lãnh như trước khi có Bộ luật Dân sự năm 2005.

Sự nhầm lẫn có lẽ là do cách hiểu của một số thẩm phán, chủ tọa phiên tòa theo quy định về thế chấp và bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự cũ năm 1995, thế chấp là để bảo đảm cho nghĩa vụ của mình, bảo lãnh là để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác, đồng thời bảo lãnh thì có thể bằng tài sản hoặc không bằng tài sản cụ thể. Trong khi đó Bộ luật Dân sự hiện hành năm 2005 đã được thay đổi khác hẳn. Thế chấp là để bảo đảm cho cả nghĩa vụ của mình và cho người khác, đồng thời bảo lãnh thì không bằng tài sản cụ thể.

Dự thảo Luật Đất đai vừa trình Quốc hội cũng chỉ còn đề cập đến việc thế chấp, mà không còn nhắc đến việc bảo lãnh bằng QSDĐ. Điều này cho thấy, cách hiểu bảo lãnh bằng QSDĐ của Toà án là nhầm lẫn, không hợp lý. Các TCTD (do NHNN quản lý), các tổ chức công chứng (do Bộ Tư pháp quản lý) và các văn phòng đăng ký QSDĐ (do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý) đang hiểu và làm đúng luật. Do đó, không thể chấp nhận lý do xử vô hiệu vì nội dung hợp đồng trái pháp luật. Càng không thể chấp nhận việc tuyên vô hiệu hợp đồng căn cứ vào quy định tại Điều 134 về “giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức”.

Phán quyết của Tòa án hoàn toàn bất lợi cho các NHTM trong việc yêu cầu bên thứ ba phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình trong trường hợp bên vay không thực hiện nghĩa vụ đối với bên cho vay. Khoản vay của NHTM có nguy cơ chuyển sang khoản nợ không có bảo đảm, gây thiệt hại cho các NHTM và có thể dẫn đến bất ổn lớn trong nền kinh tế.

Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

 

Bài gốc gửi đi                                                                                                  Hà Nội 14-6-2013

 

THEO TOÀ VÔ GIÁ TRỊ, THEO BỘ VÔ HIỆU LỰC!?

 

Luật sư Trương Thanh Đức

Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

 

Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của người khác đang bị đẩy vào một cuộc tranh chấp pháp lý đặc biệt nguy hiểm: Làm đúng mọi yêu cầu pháp lý mà vẫn bị coi là trái pháp luật, phù hợp với luật định mà vẫn bị Toà án tuyên vô hiệu.

Thực trạng hết sức nguy hiểm

Hợp đồng thế chấp tài sản nói chung, quyền sử dụng đất nói riêng, để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho người khác là một việc làm khá phổ biến và hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, một số Toà án do hiểu sai pháp luật, cho rằng quan hệ này phải được gọi là hợp đồng bảo lãnh, nên đã máy móc tuyên huỷ hợp đồng thế chấp. Hàng vạn hợp đồng thế chấp nhà đất, với hàng nghìn tỷ đồng dư nợ của ngành Ngân hàng đã và đang đứng trước nguy cơ bị thất thoát do phán quyết của Toà án biến các khoản vay từ có thành không có tài sản bảo đảm.

Một số ngân hàng như Vietcombank, Eximbank, MB,… đã bị tuyên huỷ hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, mà theo Bản án là chỉ vì lý do dùng “nhầm” giữa từ bảo lãnh và thế chấp. Ví dụ như các Bản án sơ thẩm số 26/2011/KT-ST ngày 05-8-2011, ngày 22-9-2011 của TAND tỉnh Quảng Ngãi, số 49/2012/KDTM-ST ngày 24-9-2012 của TAND huyện Củ Chi; Bản án phúc thẩm số 105/2013/KDTM-PT ngày 18-01-2013 của TAND TP HCM. Một số Bản án khác của TAND cấp tỉnh cũng như TAND tối cao, tuy không huỷ hợp đồng, nhưng vẫn nhận định việc tên gọi hợp đồng thế chấp là sai pháp luật.

Bác bỏ thực tế hợp lý

Hợp đồng thế chấp hay bảo lãnh được coi là một hợp đồng phụ của các hợp đồng chính về dân sự, kinh doanh, thương mại, nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong hoạt động cấp tín dụng. Nó cũng được quy định khác biệt so với các loại hợp đồng phụ khác ở chỗ: Dù hợp đồng chính là tín dụng vô hiệu nhưng hợp đồng phụ là thế chấp vẫn có hiệu lực (khoản 2, Điều 410 về “Hợp đồng dân sự vô hiệu”, Bộ luật Dân sự năm 2005).

Đối với hợp đồng bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, dù có sử dụng từ bảo lãnh hay thế chấp, thì về bản chất pháp lý cũng vẫn hoàn toàn như nhau. Đó là việc bên thế chấp hoàn toàn tự nguyện cam kết dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của mình hoặc của người khác. Về hình thức và thủ tục thì đã được làm bằng văn bản, được công chứng xác nhận và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đăng ký hợp đồng thế chấp. Vì vậy, giả sử có sự nhầm lẫn giữa hợp đồng bảo lãnh theo quy định với hợp đồng thế chấp, thì cũng không thể chỉ vì từ ngữ khác nhau đó mà phủ nhận cam kết, bác bỏ hợp đồng, thay đổi bản chất pháp lý. Cũng tương tự như một hợp đồng không thể bị vô hiệu chỉ vì viết sai cụm từ hợp đồng dân sự thành hợp đồng kinh tế. Nếu phủ nhận nghĩa vụ bảo đảm vì chữ bảo lãnh và thế chấp, thì chẳng khác nào pháp luật khuyến khích việc vi phạm, bội ước; bảo vệ hành vi gian lận, lừa đảo; đồng thời trói chân, trói tay, thậm chí chặn đứng khả năng xử lý tài sản thế chấp của chủ nợ và vô hiệu hoá quyền ưu tiên cao nhất của chủ nợ có bảo đảm trên thực tế.

Đặc biệt, trên thực tế, các cơ quan công chứng và đăng ký thế chấp chỉ chấp nhận hợp đồng thế chấp, chứ không chấp nhận hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản nói chung và bằng quyền sử dụng đất nói riêng. Tất cả các hợp đồng bảo đảm bằng quyền sử dụng đất hiện nay đều vẫn được ghi là hợp đồng thế chấp theo đúng bản chất giao dịch.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Tổ chức Tín dụng hội viên, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đã có các công văn: số 17/CV-HHNH ngày 02/02/2012, số 44/CV-HHNH ngày 07/3/2012, số 186/ HHNH-PLNV ngày 07/6/2013  đề nghị Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử theo hướng công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba . Được biết, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có các Công văn kiến nghị Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử công nhận hợp đồng thế chấp phù hợp với thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.

 

Phủ nhận pháp luật đúng đắn

Mặc dù quy định về bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa phân biệt thật rõ giữa thế chấp và cầm cố, trong khi Luật Đất đai năm 2003 được ban hành trước đó đề cập đến cả việc thế chấp và bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khoản 4, Điều 72 về “Hiệu lực thi hành”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 về Giao dịch bảo đảm quy định hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự, cũng như khoản 1, Điều 31 về “Quy định chi tiết về việc thực hiện quyền thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai, đều quy định rõ: Việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai và các Nghị định liên quan được hiểu là thế chấp bằng quyền sử dụng đất để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người khác. Luật Nhà ở năm 2005 cũng như tất cả các quy định pháp luật liên quan của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính về giao dịch bảo đảm, mẫu văn bản, công chứng hợp đồng, đăng ký giao dịch bảo đảm, thu phí giao dịch,… cũng chỉ đề cập đến việc thế chấp, chứ không hề nhắc đến từ bảo lãnh như trước khi có Bộ luật Dân sự năm 2005.

Sở dĩ có sự nhầm lẫn là do hiểu theo quy định về thế chấp và bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự cũ năm 1995, trong khi Bộ luật Dân sự hiện hành năm 2005 đã được thay đổi khác hẳn. Theo quy định cũ, thế chấp là để bảo đảm cho nghĩa vụ của mình, bảo lãnh là để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác, đồng thời bảo lãnh thì có thể bằng tài sản hoặc không bằng tài sản cụ thể. Trong khi đó theo quy định hiện hành, thì thế chấp là để bảo đảm cho cả nghĩa vụ của mình và cho người khác, đồng thời bảo lãnh thì không bằng tài sản cụ thể.

Dự thảo Luật Đất đai đang chuẩn bị trình Quốc hội chính thức thông qua cũng chỉ còn đề cập đến việc thế chấp, mà không còn nhắc đến việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất. Điều này cho thấy, cách hiểu bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất của Toà án là nhầm lẫn, không hợp lý. Các tổ chức tín dụng (do Ngân hàng Nhà nước quản lý), các tổ chức công chứng (do Bộ Tư pháp quản lý) và các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý) đang hiểu và làm đúng luật.

Như vậy, xác định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm nghĩa vụ của người khác là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và đúng với yêu cầu của các cơ quan nhà nước. Do đó, không thể chấp nhận lý do xử vô hiệu vì nội dung hợp đồng trái pháp luật. Càng không thể chấp nhận việc tuyên vô hiệu hợp đồng căn cứ vào quy định tại Điều 134 về “Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức”.

Đòi hỏi xử lý cấp bách

Trong khi các cơ quan hành pháp chỉ chấp nhận việc công chứng và đăng ký hợp đồng thế chấp, không chấp nhận hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, thì cơ quan tư pháp lại cứ khẳng định và tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp, vì cho rằng phải là hợp đồng bảo lãnh. Hậu quả là lập hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất thì vô giá trị, vì không được công chứng và đăng ký thế chấp theo quy định, còn lập hợp đồng thế chấp thì lại bị Toà án tuyên vô hiệu. Đành rằng, Toà án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhưng giải thích của Chính phủ để thực hiện Luật Đất đai trong trường hợp này cũng là pháp luật và hoàn toàn đúng với Bộ luật Dân sự cũng như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Như vậy, vấn đề là hợp đồng bảo lãnh hay thế chấp bằng quyền sử dụng đất để bảo đảm nghĩa vụ cho người khác cho đến nay vẫn đang bế tắc và đặc biệt rủi ro về pháp lý. Tình trạng làm kiểu gì cũng vô hiệu này đã kéo dài gần 3 năm nay, cần phải được giải quyết dứt điểm để tránh nguy cơ thoát thoát lớn cho ngành Ngân hàng.

Vậy, đề nghị Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn nghiệp vụ xét xử theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, đồng thời Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao cần chỉ đạo hoặc trực tiếp kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để tuyên huỷ các bản án tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để bảo đảm nghĩa vụ cho người khác, vì đã “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” theo quy định tại khoản 3, Điều 283 về “Căn cứ để kháng nghị”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.

Nếu như Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quan điểm khác, thì đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải thích luật), cần khẩn cấp giải thích rõ quy định về bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự.

———————

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Thời báo Ngân hàng 28-6-2013:

http://thoibaonganhang.vn/index.php/tin-tuc/5-khuyen-khich-gian-lan–boi-uoc-9580.html

 

Khuyến khích… gian lận, bội ước?[1]

[1] Tên đặt: Theo Toà vô giá trị, theo Bộ vô hiệu lực.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,921