164. Đổi số, đánh đố ngân hàng.

(KTSG) – Chứng minh nhân dân là loại giấy tờ tuỳ thân quan trọng và phổ biến nhất đối với công dân, là bằng chứng pháp lý tin cậy để phân biệt người này với người khác, là yếu tố bắt buộc trong nhiều giao dịch, giấy tờ. Do đó, khi thay đổi số chứng minh nhân dân sẽ dẫn đến những nguy cơ phiền luỵ, rắc rối về mặt pháp lý.

Thay đổi phiền phức

Sau một thời gian triển khai việc cấp loại chứng minh nhân mới 12 số thay cho loại cũ 9 số, đã dẫn đến nhiều khó khăn, phiền phức cho người dân, đặc biệt là trong các giao dịch nhà đất và ngân hàng. Người có “Sổ đỏ” đã ghi nhận số chứng minh nhân dân cũ, muốn bán nhà đất, thì không được chấp nhận vì dùng số chứng minh nhân dân hoàn toàn mới. Thẻ tiết kiệm khi gửi tiền ở ngân hàng đã ghi một số chứng minh nhân dân, nay không rút được tiền vì lại xuất trình một số chứng minh nhân dân khác hẳn.

Trước tình trạng như trên, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đã gửi Công văn số 4093/TB-C61 ngày 02-11-2012 đến các cơ quan, tổ chức đề nghị “tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện các giao dịch được thuận lợi theo quy định của pháp luật”, đồng thời Lãnh đạo Tổng cục cũng đã vài lần lên tiếng yêu cầu các cơ quan hữu quan không được “hành dân”.

Một thắc mắc lớn là, tại sao việc “hành dân” lại xảy ra trong cả hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại, nơi mà lâu nay luôn phải cạnh tranh gay gắt, giành giật nhau từng khách hàng?

Hàng không đơn giản

Phát biểu trên báo chí, một lãnh đạo của Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cho rằng: Chỉ vài ngày sau khi triển khai chứng minh nhân dân mới, ngành hàng không đã thực hiện khá tốt và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Không có lý do gì ngành ngân hàng và một số nơi khác lại gây khó khăn cho người giao dịch bằng chứng minh nhân dân mới.

Như vậy, Bộ Công an mới chỉ nhìn vào yếu tố hình thức giao dịch, đó là việc khá dễ dàng mở rộng thêm khoảng trống cho 3 con số trên giấy tờ hoặc trên trường dữ liệu điện tử, mà không hề quan tâm, tháo gỡ bản chất của sự vướng mắc khi thay đổi số chứng minh nhân dân mới không kế thừa gì từ số cũ.

Khách hàng cùa ngành Hàng không cứ có vé ghi tên đúng với chứng minh nhân dân đang dùng là được bay, thì cần gì phải quan tâm đến số chứng minh nhân dân cũ hay mới và càng không cần thiết truy xuất dữ liệu quá khứ của khách hàng. Vì vậy, dù mỗi lần khách hàng đi tàu bay với một chứng minh nhân dân khác nhau thì cũng vẫn thuận lợi và rất đúng quy định. Thậm chí, nếu không có chứng minh nhân dân, thì hành khách có thể sử dụng tới 9 loại giấy tờ khác nhau (như thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe ô tô, mô tô,…) để thay thế theo Quyết định số 20/2004/QĐ-BGTVT ngày 28-10-2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về Giấy tờ của hành khách sử dụng khi đi tàu bay dân dụng.

Nhưng người sử dụng chứng minh nhân dân liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó có giao dịch đất đai và ngân hàng thì không thể đơn giản, dễ dàng như vậy.

Ngân hàng rắc rối

Vấn đề mấu chốt trong việc này là ở chỗ, khách hàng của ngân hàng bắt buộc phải giao dịch bằng chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 9 về “Thông tin nhận biết khách hàng”, Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012. Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì yêu cầu phải xuất trình và kiểm tra chứng minh nhân dân khi gửi và rút tiền, đồng thời phải ghi nhận trên thẻ tiết kiệm.

Khi cho khách hàng rút tiền gửi, ngân hàng phải bảo đảm rằng đó chính là người gửi theo đúng chứng minh nhân dân đã đăng ký. Nếu một người mang chứng minh nhân dân 12 số đến yêu cầu rút tiền gửi, trong khi thẻ tiết kiệm và hồ sơ lưu tại ngân hàng lại là một số chứng minh nhân dân 9 số hoàn toàn khác, thì cơ sở nào khẳng định rằng người gửi và người rút tiền chính là một? Nếu sơ suất để người khác rút mất tiền, thì chắc chắn ngân hàng sẽ phải đền và nhân viên ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự. Chuyện liên quan trực tiếp đến tiền bạc, trách nhiệm, thậm chí tù tội, thì làm sao có thể bỏ qua nguyên tắc tối thiểu là phải bảo đảm khớp đúng giấy tờ được?

Nếu một khách hàng phát sinh giao dịch mới tại ngân hàng thì cũng không có vướng mắc gì xảy ra từ chứng minh nhân dân mới. Nhưng đối với các giao dịch đã được đăng ký theo một số chứng minh nhân dân, mà lại đòi hỏi ngân hàng dễ dàng chấp nhận một số khác, thì chẳng khác nào đẩy ngân hàng vào rủi ro, nguy hiểm. Do vậy, ngân hàng không thể dễ dàng “tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện các giao dịch được thuận lợi” như mong muốn của ngành Công an.

Trên thực tế, ngân hàng thường phải cố vận dụng đủ mọi cách thức để nhận biết đúng khách hàng, như đề nghị xuất trình chứng minh nhân dân cũ hay hộ chiếu, hộ khẩu,… có ghi số chứng minh nhân dân cũ hoặc đề nghị lăn tay (một việc rất gây khó chịu cho khách hàng) để đối chiếu vân tay,… Nhưng có nhiều trường hợp, rất khó để ngân hàng giải quyết, thì ngân hàng đành buộc phải đề nghị khách hàng tự chứng minh bằng các giấy tờ xác nhận của cơ quan chức năng.

Như vậy, không chỉ người sử dụng chứng minh nhân dân mới, mà chính ngân hàng cũng là nạn nhân, chứ không phải là tội đồ trong việc nói trên.

Nguy cơ tiếp diễn

Mặc dù chứng minh nhân dân 12 số mới và 9 số trước đây đều có giá trị sử dụng như nhau đúng như khẳng định của ngành Công an, nhưng vấn đề mấu chốt nhất lại là ở chỗ, không có cơ sở để khẳng định rằng 2 chứng minh nhân dân đó là của một người. Khi thay đổi hoàn toàn số chứng minh nhân dân mới, không còn liên quan gì đến số cũ, thì coi như đã cắt đứt mối liên hệ quan trọng nhất giữa chứng minh nhân dân cũ và mới. Nhà nước đã vô tình đã tạo ra một số “định danh” mới khác biệt cho công dân trong tương lai, mà quên mất việc phải gắn kết nó với quá khứ.

Khi cần giấy tờ xác nhận của cơ quan chức năng để chứng minh hai người được ghi nhận trên hai chứng minh nhân dân khác nhau chính là một, thì lại không biết uỷ ban nhân dân cấp phường, công an cấp quận hay cơ quan nào khác có trách nhiệm chứng nhận. Vì không có quy định, chẳng có hướng dẫn, nên người dân phải chạy lòng vòng, rồi nơi này thì xác nhận một cách miễn cưỡng còn nơi khác thì không chịu làm.

Vấn đề bất cập như trên không phải bây giờ mới xuất hiện, mà đã xảy ra khá nhiều trong suốt mấy chục năm qua đối với những người phải thay đổi hộ khẩu thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác, dẫn đến thay đổi chứng minh nhân dân. Những năm tới đây, hàng chục triệu người sẽ bị thay đổi số chứng minh nhân dân từ 9 thành 12 số, thì sự phức tạp, rắc rỗi sẽ còn tăng lên gấp bội, nếu không có giải pháp khắc phục.

Rõ ràng, toàn bộ câu chuyện vướng mắc là do cơ quan cấp chứng minh nhân dân gây ra. Do đó, chính cơ quan này phải là nơi có trách nhiệm và mới có khả năng giải quyết được vướng mắc từ việc thay đổi số chứng minh nhân dân.

Cách làm tốt nhất là cần ghi nhận cả số chứng minh nhân dân cũ lên chứng minh nhân dân mới trong một khoảng thời gian ít nhất là 15 năm (tức thời hạn hiệu lực của mỗi lần cấp chứng minh nhân dân). Trước mắt, cơ quan cấp chứng minh nhân dân cần phải tạm thời khắc phụ bằng cách cấp kèm theo một giấy chứng nhận ngay mỗi lần cấp chứng minh dân nhân khác số. Việc này, không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, mà còn lấp được lỗ hổng pháp lý đặc biệt quan trọng, để người dân không còn khổ sở khi phải chứng minh “mình chính là mình” trong nhiều giao dịch khác nhau.

Đây cũng là một trong những tình huống sai sót, bất cập từ việc ban hành pháp luật: Tuy ổn thoả trong việc thực hiện chính công việc đó, nhưng lại rất bất ổn trước những tác động và hậu quả liên quan.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

———————

Thời báo Kinh tế Sài Gòn + Thời báo Ngân hàng số 162 ngày 10-10-2013 (trang nhất, Mục Góc nhìn).

(2.500)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,924