168. Bình luận Dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt.

Hội thảo VCCI                                                                                         Hà Nội 29-01-2013    

  1. Sự cần thiết ban hành Nghị định:
  • Việc quy định về việc thanh toán bằng tiền mặt đối với toàn bộ nền kinh tế là hoàn toàn cần thiết, không thể không làm. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phải ban hành một Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt như nội dung của Dự thảo Nghị định. Thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không bằng tiền mặt là hai nửa của cùng một vấn đề thanh toán, nhưng lại đã và sẽ tiếp tục được quy định tại 2 Nghị định khác nhau: Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Thanh toán bằng tiền mặt.
  • Nội dung chính của Dự thảo Nghị định quy định theo hai hướng: Các quy định về việc được thanh toán bằng tiền mặt và các quy định về việc không được thanh toán bằng tiền mặt (để loại trừ các trường hợp được thanh toán bằng tiền mặt). Tuy nhiên, nội dung chủ yếu của Dự thảo Nghị định là tập trung vào các quy định về việc không được thanh toán bằng tiền mặt gồm:
  • Điều 5 “Giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” quy định: Tổ chức tín dụng thực hiện giải ngân vốn vay bằng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trừ 3 trường hợp có thể giải ngân tiền vay bằng tiền mặt;
  • Điều 6 “Thanh toán bằng tiền mặt đối với các tổ chức” quy định: Các tổ chức không được thanh toán bằng tiền mặt trong 3 nhóm giao dịch;
  • Điều 7 “Thanh toán bằng tiền mặt đối với cá nhân” quy định: Các cá nhân không được thanh toán bằng tiền mặt đối với 2 nhóm giao dịch.
  • Vì vậy việc ban hành một Nghị định riêng về việc thanh toán bằng tiền mặt là không hợp lý, gây nhầm lẫn, khó theo dõi, thực hiện. Đề nghị không ban hành một Nghị định riêng, mà đưa vào thành một chương trong Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20-9-2001 của Chính phủ về Hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đơn giản, rõ ràng, hợp lý về nội dung này.[1]
  1. Về các trường hợp không được thanh toán bằng tiền mặt:
  • Điều 6 “Thanh toán bằng tiền mặt đối với các tổ chức” quy định: Các tổ chức không được thanh toán bằng tiền mặt đối với một số loại giao dịch như:
  • Mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoá: Hiện nay chỉ có Sở giao dịch chứng khoán, còn Trung tâm giao dịch chứng khoán đã không còn cách đây mấy năm;
  • Mua bán, chuyển nhượng bất động sản, các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng như tàu bay; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; ô tô (kể cả ô tô điện),…: Quy định này cần loại trừ các giao dịch dưới hạn mức phải thanh toán bằng tiền mặt.
  • Điều 7 “Thanh toán bằng tiền mặt đối với cá nhân” quy định: Các cá nhân không được thanh toán bằng tiền mặt đối với một số loại giao dịch:
  • Mua bán, chuyển nhượng động sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng như tàu bay; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; ô tô (kể cả ô tô điện),…: Quy định này cần được xem lại, đặc biệt nếu hạn mức phải thanh toán bằng tiền mặt thấp.
  • Mua, bán, chuyển nhượng bất động sản; xe mô tô hai bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) các loại xe tương tự phải đăng ký và gắn biển số; giao dịch góp vốn bằng tiền; mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán không qua Sở Giao dịch chứng khoán;… vượt hạn mức thanh toán bằng tiền mặt: Quy định này cần được xem lại, nhất là việc mua bán xe gắn máy và chứng khoán (không qua sàn).
  • Trong mấy chục năm qua đã buông việc thanh toán bằng tiền mặt, nhất là đối với giao dịch của cá nhân, từ chỗ vẫn giao dịch hợp pháp hàng chục tỷ đồng bằng tiền mặt, nay nếu yêu cầu chỉ được giao dịch vài chục triệu đồng bằng tiền mặt, thì sẽ khó khả thi và gây ra phản ứng “sốc”. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc xử lý đối với các trường hợp đã mua bán và thanh toán xong từ nhiều năm, nhưng sau khi có quy định về loại hình và hạn mức giao dịch bằng tiền mặt, mới làm thủ tục sang tên, đổi chủ, để tránh dẫn đến bế tắc.
  1. Về hạn mức thanh toán bằng tiền mặt:
  • Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh” của Nghị định quy định: “Nghị định này quy định về thanh toán bằng tiền mặt, hạn mức thanh toán bằng tiền mặt, phí dịch vụ tiền mặt và việc rút tiền mặt với giá trị lớn trên lãnh thổ Việt Nam”. Như vậy, “hạn mức thanh toán bằng tiền mặt” là một trong những vấn đề cốt lõi nhất, quan trọng nhất của Nghị định. Tuy nhiên, Dự thảo lại chỉ nêu khái niệm, mà không hề có quy định cụ thể về “hạn mức thanh toán bằng tiền mặt” là bao nhiêu. Như vậy, toàn bộ Nghị định này đã thiếu phần nội dung quan trọng nhất.
  • Sau Nghị định này, lại phải có nhiều văn bản quy định về việc thanh toán bằng tiền mặt, như quy định của Ngân hàng Nhà nước (Điều 11), Bộ Tài chính (Điều 12), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Điều 13).
  • Ngoài ra, cũng cần thống nhất với quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12. “Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào”, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 về một trong các điểu kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào là “Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng”.[2]
  1. Về giao dịch tiền mặt:
  • Khoản 1, Điều 9 “Phí dịch vụ tiền mặt” quy định “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt tại đơn vị mình và niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.” Đây là một quy định khá mơ hồ:
  • Mục tiêu của quy định này là nhằm để góp phần hạn chế thanh toán bằng tiền mặt hay để bù đắp vào chi phí giao dịch tiền mặt của các Tổ chức tín dụng;
  • Mức phí này có bắt buộc phải có hay không và có buộc phải cao hay bằng, hay thấp hơn mức phí dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt hay là mức phí bằng không;
  • Việc thu phí này à quyền tự chủ kinh doanh đương nhiên hay là gồm cả nghĩa vụ của các Tổ chức tín dụng hay là cả hai;
  • Nếu không có quy định này, thì Tổ chức tín dụng có được thu phí dịch vụ tiền mặt hay không. Trên thực tế, các Tổ chức tín dụng vẫn tự quyết định thu hoặc không thu phí này trong một số trường hợp từ trước khi có Nghị định đầu tiên số 161/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ Quy định về thanh toán bằng tiền mặt.
  • Điều 10 “Rút tiền mặt với giá trị lớn” quy định “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước được thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân về việc rút tiền mặt với giá trị lớn và thông báo trước khi có nhu cầu rút tiền mặt với giá trị lớn.” cũng không rõ ràng:
  • Tại sao lại chỉ được thỏa thuận về việc “rút tiền mặt với giá trị lớn” mà lại không phải cả việc “nộp tiền mặt với giá trị lớn”;
  • Việc “được thoả thuận” này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dịch vụ tiền mặt của Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước hay cũng là một biện pháp nhằm “chặn” bớt nhu cầu giao dịch tiền mặt hay là cả hai;
  • Nếu là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các Tổ chức tín dụng, thì đã can thiệp bất hợp lý vào thoả thuận hợp đồng và điều kiện dịch vụ do các bên tự nguyện thoả thuận;
  • Nếu là một biện pháp nhằm “chặn” bớt nhu cầu giao dịch tiền mặt, thì cần quy định thẳng là các Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước có quyền đặt ra các điều kiện “rút tiền mặt với giá trị lớn” và tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ “thông báo trước khi có nhu cầu rút tiền mặt với giá trị lớn” theo quy định của các Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước. Như vậy thì cũng lại mâu thuẫn với thoả thuận theo hợp đồng cung ứng dịch vụ thanh toán giữa các Tổ chức tín dụng với khách hàng.
  • Do vậy, cần xem xét đặt ra yêu cầu cụ thể của pháp luật[3], nhằm thực hiện mục tiêu hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, thay vì cách quy định đơn phương quyền của Tổ chức tín dụng được “ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt” hay quyền song phương “được thỏa thuận” về việc rút tiền mặt với giá trị lớn. Trên cơ sở đó các bên tự thoả thuận điều kiện giao dịch, tránh tình trạng như Dự thảo chỉ thể hiện được việc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cung ứng dịch vụ tiền mặt chứ không phải nhằm tới hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, nhất là quy định “ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt”.
  1. Về trách nhiệm của các cơ quan:
  • Khoản 1, Điều 13 “Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường” quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm “Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung trong giấy tờ chứng minh thanh toán qua ngân hàng vào hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thông qua hình thức mua, bán, chuyển nhượng theo quy định tại Nghị định này.” Đây là quy định có khả năng trái với quyền tự do giao kết hợp đồng, giao dịch dân sự và kinh doanh thương mại. trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và các đạo luật khác. Vì pháp luật không quy định chỉ được yêu cầu cấp giấy chứng nhận bất động sản mua, bán, chuyển nhượng sau khi đã thanh toán.
  • Dự thảo quy định về trách nhiệm của một loạt cơ quan gồm: Bộ Tài chính (Điều 12), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Điều 13), Bộ Xây dựng (Điều 14), Bộ Công an (Điều 15), Bộ Công thương (Điều 16), các bộ, ngành khác (Điều 17), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 18), trong việc quản lý việc thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên thực chất các mục tiêu là hạn chế thanh toán bằng tiền mặt (tức là yêu cầu thanh toán không bằng tiền mặt), chứ không phải là về việc thanh toán bằng tiền mặt. Chẳng hạn quy định Bộ Công an có trách nhiệm “Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về thanh toán bằng tiền mặt trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.” Trong khi đó, Nghị định quy định một nửa vấn đề còn lại là Thanh toán không bằng tiền mặt, thì không quy định trách nhiệm của các cơ quan nói trên.
  1. Về kỹ thuật soạn thảo văn bản:
  • Đề nghị xem lại cách đặt tên chương II “Quy định cụ thể” là không hợp lý.
  • Đề nghị bố cục lại để loại bỏ đoạn “Các tổ chức không được thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch sau:” tại Điều 6 “Thanh toán bằng tiền mặt đối với các tổ chức” và đoạn “Các cá nhân không được thanh toán bằng tiền mặt đối với:” tại Điều 7 “Thanh toán bằng tiền mặt đối với cá nhân”, vì không thuộc khoản nào trong các điều được bố cục theo khoản điểm. Cụ thể xoá 2 đoạn trên và sửa tên Điều 6 thành “Các trường hợp không được thanh toán bằng tiền mặt đối với tổ chức” và tên Điều 7 thành “Các trường hợp không được thanh toán bằng tiền mặt đối với cá nhân”.

—————————–

Địa chỉ liên hệ:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Trong Báo cáo Tổng kết Tình hình thực hiện Nghị định 161/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ Quy định về thanh toán bằng tiền mặt cũng nhắc đến mục tiêu ban hành là nhằm triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ.

[2]   Mục 3, Thông tư số  01/2007/TT-NHNN ngày 07-3-2007 của Thống đốc NHNN “Hướng dẫn thực hiện Điều 4 và Điều 7 Nghị định số 161/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ “Quy định về thanh toán bằng tiền mặt đã quy định “Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước khi chi trả cho người thụ hưởng có tài khoản tiền gửi thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Kho bạc Nhà nước với mức tiền trên 30 triệu đồng cho cùng một mục đích thanh toán phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả; với mức chi trả từ 30 triệu đồng trở xuống thì được sử dụng tiền mặt để chi trả.”

Điểm a và b, khoản 2, Điều 3 “Phương tiện thanh toán được sử dụng để giải ngân vốn cho vay”, Thông tư số 09/2012/TT-NHNN ngày 10-4-2012 của Thống đốc NHNN “Quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng” quy định:

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét quyết định việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, hoặc bằng tiền mặt, hoặc thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng vay để giải ngân vốn cho vay đối với các trường hợp:

  1. a) Thanh toán cho bên thụ hưởng là tổ chức với số tiền dưới 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) cho một lần giải ngân;
  2. b) Thanh toán cho bên thụ hưởng là cá nhân có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền dưới 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) cho một lần giải ngân”.

[3]   Mục 1, Thông tư số  01/2007/TT-NHNN ngày 07-3-2007 của Thống đốc NHNN “Hướng dẫn thực hiện Điều 4 và Điều 7 Nghị định số 161/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ Quy định về thanh toán bằng tiền mặt” đã quy định “Mức phí rút tiền mặt mà các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền thu từ 0% đến 0,05% số tiền mặt giao dịch, việc rút tiền từ các máy rút tiền tự động không bị giới hạn bởi mức phí này.”

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.732. Hành lang pháp lý mới cho hoạt động ngân...

(ĐT) - Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.283. Tổng hợp các bài khác trả lời phỏng vấn...

(ANVI) – 03 lượt khác trả lời phỏng vấn các báo chí: VOV1, VTV1 &...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,875