169. Hà cớ gì cứ phải dùng con dấu?

(CP) – Hiện đang có những quan điểm khác nhau xung quanh việc cải cách các quy định liên quan đến con dấu của doanh nghiệp. Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia xin giới thiệu một số ý kiến của luật sư nhìn nhận con dấu từ góc độ pháp lý.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì con dấu bắt buộc phải có đối với các pháp nhân, tổ chức nói chung, với các doanh nghiệp nói riêng. Điều này được thể hiện rõ nhất tại 2 quy định sau:

Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.”, theo quy định tại khoản 1, Điều 36 về “Con dấu của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước.”, theo quy định tại Điều 1, Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 của Chính phủ về Quản lý và sử dụng con dấu, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày 01/4/2009.

Quy định về con dấu của doanh nghiệp trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (Dự thảo ngày 19/9/2014) đã có những thay đổi cơ bản theo hướng, từ yêu cầu bắt buộc phải có con dấu và có vai trò quyết định giá trị pháp lý đối với văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp, sang “Hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.” và “Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.”, theo quy định tại khoản 1 và 3, Điều 44 về “Con dấu của doanh nghiệp”.

Con dấu tám lạng, chữ ký nửa cân

Theo một nguồn thông tin, hiện nay, chỉ có 7 quốc gia quy định việc đóng dấu của doanh nghiệp mang tính bắt buộc và nhằm xác nhận chữ ký, tư cách pháp lý. Còn khoảng 171 quốc gia khác, thì con dấu chỉ thể hiện ý nghĩa là dấu hiệu, biểu trưng cho một doanh nghiệp mà thôi.

Người giữ dấu như giữ “linh hồn” của doanh nghiệp. Thế nên người đại diện theo pháp luật hay người có quyền to nhất trong doanh nghiệp đã ký văn bản, nhưng lại phải chờ nhân viên văn thư cộp dấu thì chữ ký của mình mới có giá trị pháp lý? Và rồi, về mặt pháp lý là quy định như thế, nhưng lại chẳng phải là thế. Hợp đồng ký giữa 2-3 bên, nếu không đóng dấu thì vẫn có hiệu lực, vẫn ràng buộc cam kết, không thể vô hiệu chỉ vì chưa đóng dấu, chưa “khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ”.

Một nhà không có 2 chủ, một nước không có 2 vua, một văn bản của doanh nghiệp không thể quyết định bởi 2 yếu tố pháp lý ngang ngửa nhau là chữ ký và con dấu. Văn bản có chữ ký thật, mà đóng dấu giả thì giá trị đến đâu? Và ngược lại, đóng dấu thật mà chữ ký giả thì giá trị ra sao? Đáp án nào cũng không thoả đáng. Lúc nào cũng đặt doanh nghiệp “giữa 2 làn đạn”.

Vậy thì chỉ có cách duy nhất là một mất một còn, giữ một, bỏ một. Qua thực tế các vụ tranh chấp liên quan đến con dấu như: Cưỡng chế giao nộp con dấu tại Công ty Đay Sài Gòn, cuộc chiến buộc Tổng Giám đốc bàn giao con dấu tại Công ty Bông Bạch Tuyết hay Công ty Sudico kêu cứu vì bị “cưỡp” con dấu… đã cho thấy sai lầm về việc xác định sai vai trò pháp lý của con dấu.

Vì quá phụ thuộc, tôn thờ, trao cho con dấu quyền năng quá mức, nên mới dẫn đến tình trạng làm giả con dấu thì rất dễ lợi dụng lừa đảo. Nếu không quá đề cao và quy định giá trị pháp lý bắt buộc của con dấu, thì Huỳnh Thị Huyền Như đã không dễ dàng lừa đảo để chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, mà phần lớn là thông qua 8 con dấu làm giả một cách vô cùng dễ dãi. Doanh nghiệp cũng dễ bị liên luỵ, hàm oan vì cùng lúc phải lo quản đồng thời hai yếu tố pháp lý ngang ngửa nhau là chữ ký và con dấu.

Ngay cả khi có sự tranh chấp, xâm phạm con dấu, thì hầu như cũng không xử lý được các hành vi chiếm giữ con dấu pháp lý của doanh nghiệp. Công an thì cho rằng đó là tranh chấp, là quan hệ dân sự, còn toà án thì cũng không thụ lý giải quyết tranh chấp. Thế là dẫn đến tình trạng bế tắc của doanh nghiệp.

Hà cớ gì cứ phải dùng con dấu?

Cá nhân cũng có thể ký hợp đồng giao dịch lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng khắp trong và ngoài nước, cũng ký đủ thứ đơn từ pháp lý, gửi khắp các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đâu có cần phải có con dấu? Vậy thì các pháp nhân hà cớ gì mà cứ phải dùng con dấu như bảo bối, vật bất ly thân?

Chính khoản 1, Điều 14 về “Hợp đồng trước đăng ký kinh doanh” của Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng như Điều 19 về “Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp” của Dự thảo Luật Doanh nghiệp cũng quy định có trường hợp giao dịch của doanh nghiệp không cần con dấu. Đó là quy định cho phép “Người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.” và nếu “doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp đương nhiên tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết”. Như vậy rõ ràng, không cần con dấu, vẫn có thể ký và thực hiện hợp đồng với tư cách của doanh nghiệp.

Luật quốc gia và luật thị trường chấp nhận việc sử dụng chữ ký điện tử thay cho chữ ký tươi (ướt) và cũng đồng thời “phế truất” luôn con dấu pháp lý. Đã công nhận chữ ký điện tử thay cho chữ ký tay trực tiếp, thì cũng không có lý do gì mà không công nhận con dấu điện tử, tức là hai trong một (chữ ký và con dấu). Như vậy, thì có thể khẳng định ngay là có thể xoá bỏ con dấu như hiện nay.

Bỏ được con dấu pháp lý bắt buộc là cởi bớt một xiềng xích đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải bám chặt vào con dấu, là tự mua dây buộc mình. Tuy nhiên, khi đã quá phụ thuộc rồi, “đi theo lối mòn” rồi, bị trói chặt quá rồi, đã trở thành một phần tất yếu rồi, nay được tháo dây, cởi trói, thì rất có thể lại thấy mất mát, tiếc rẻ, lo lắng, thậm chí là sợ hãi, vì cái gì cũng có hai mặt lợi và hại.

Dự thảo Luật DN vẫn còn bất cập

Con dấu pháp lý đối với doanh nghiệp đang được quy định trong hàng chục đạo luật và hàng trăm văn bản dưới luật. Theo đánh giá sơ bộ, hiện có vướng mắc đối với một số quy định trong 20 đạo luật hiện hành liên quan đến con dấu của doanh nghiệp và tổ chức tương tự doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một điều trong một đạo luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội là có thể hoá giải được quy định trong tất cả các đạo luật. Còn xử lý quy định nghị định, thông tư thì là điều quá đơn giản.

Mặt khác, quy định về con dấu trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp cũng vẫn còn bộc lộ một số điểm bất cập.

Quy định một trong những nội dung đề nghị đăng ký doanh nghiệp là “mẫu dấu” tại khoản 8, Điều 24 về “Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp”. Như vậy đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vẫn bắt buộc phải có con dấu;

Quy định “Con dấu là tài sản của doanh nghiệp” và “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu” tại Điều 44 về “Con dấu của doanh nghiệp” là vẫn đề cao con dấu như trước đây.

Nếu quy định về con dấu trong Dự thảo Luật như nói trên, cùng với quy định “Hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh” và “Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.”, thì vẫn gần như đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bắt buộc phải có con dấu và chưa thoát khỏi cái ô pháp lý chụp cho con dấu.

Cần xác định rõ vấn đề, không phải là việc thay đổi từ bắt buộc phải có con dấu theo quy định thống nhất của Bộ Công an sang bắt buộc phải có con dấu do doanh nghiệp tự quyết định, mà là bỏ hẳn việc bắt buộc phải có con dấu, tức không nhất thiết phải có con dấu. Khi đó con dấu chỉ có giá trị nhận biết, phụ thêm, như thể lô gô, biểu tượng, như là con dấu chức danh.

Vì vậy, đề nghị phải quy định rõ là: Doanh nghiệp không bắt buộc phải có con dấu hoặc doanh nghiệp có thể có con dấu và việc đóng dấu của doanh nghiệp không nhằm khẳng định giá trị pháp lý của văn bản.

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Cạnh tranh Quốc gia – Cổng thông tin Điện tử Chính phủ (Chính sách & cuộc sống) 14-10-2014:

http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Ha-co-gi-cu-phai-dung-con-dau/211060.vgp

(1.787/1.787) – Trang Web xin bài tham luận và tự biên tập

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,716