173. Nợ xấu sẽ càng xấu nếu hình sự hóa quan hệ tín dụng.

(TBNH) – Hình sự hóa quan hệ tín dụng là một trong những nguyên nhân góp phần cản trở quá trình xử lý nợ xấu. Người ta sẽ rất sợ hãi trách nhiệm hình sự, không dám bỏ cái lợi nhỏ để đạt cái lợi lớn, thu ít nhưng thu sớm, trong xử lý nợ xấu.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Hiện nay đang có nhiều nhận định sai lầm về nguyên nhân và trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với nợ xấu. Thứ nhất là đổ lỗi cho ngân hàng gây ra nợ xấu. Thứ hai là đỗ lỗi cho ngân hàng không tích cực xử lý nợ xấu. Và thứ ba là đổ lỗi cho ngân hàng để cho nợ xấu tái diễn.

Đó chỉ là một phần nhỏ của sự thật. Thực tế thì hầu hết các ngân hàng không phải là con nợ xấu, mà là chủ nợ xấu. Các khoản đi vay của ngân hàng là nợ tốt. Ngân hàng vay dân, vay DN, vay TCTD khác hay vay NHNN đều trả nợ đúng thoả thuận, chỉ có DN vay ngân hàng là không trả được và chính điều này đã gây ra nợ xấu. Thủ phạm của nợ xấu là doanh nghiệp và nền kinh tế, mà ngân hàng đóng vai chính là nạn nhân.

Việc xử lý nợ xấu của DN là rất khó khăn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng của ngân hàng và không phải ai cũng nhìn ra câu chuyện đấy. Mọi người thường đặt ra câu hỏi, tại sao ngân hàng lại tạo ra nợ xấu kinh khủng như thế, tại sao ngân hàng không thu hồi nợ xấu, tại sao ngân hàng không kê biên tài sản, tịch thu hàng hóa, nhà cửa để bán vì theo luật cũng như thỏa thuận trong hợp đồng, ngân hàng có toàn quyền làm việc đó. Thế nhưng họ đâu biết rằng, ngân hàng làm sao thu nợ khi DN không có tiền, làm sao một mình ngân hàng có thể thu hồi và phát mại được tài sản bảo đảm là nhà đất.

Ngân hàng đang đơn thương độc mã giữa cuộc chiến xử lý nợ xấu. Khi cho vay, ngân hàng là người quyết định đối với khách hàng, nhưng khi đòi nợ thì khách hàng mới là người quyết định. Dân ngân hàng ngậm ngùi, xót xa mà thừa nhận một thực tế rằng, ngân hàng “đứng cho vay, quỳ thu nợ”, khiếp sợ trước nợ xấu. Đáng lẽ, vị thế của khách hàng vay tiền phải được chuyển đúng thành con nợ theo truyền thống ngàn đời. Nhưng lâu nay, đáng tiếc là nó lại được thay đổi từ “khách hàng” thành “khách nợ” theo quy định tại Nghị định về dịch vụ đòi nợ. Vậy là, dù con nợ có xấu đến đâu, thì ngân hàng vẫn phải đối xử như khách.

Để xử lý được tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật là vô cùng khó khăn vì thủ tục nhiêu khê và phải có sự “đồng thuận” của khách hàng cũng như nhiều cơ quan, ban ngành liên quan. Cuối cùng, khi ngân hàng đã bất lực, phải nhờ Toà án phán xử thì khó khăn, tốn kém, phức tạp, chậm trễ không thể tưởng tượng nổi, mỗi vụ việc bình quân mất vài ba năm. Và cánh cửa cuối cùng để giải thoát cho nợ xấu là phát mại tài sản thì dường như vẫn bị khép lại do sự tê liệt, dặt dẹo kéo dài của thị trường chứng khoán và bất động sản.

Tiền vốn và sự an toàn của ngân hàng đang bị vi phạm nghiêm trọng khi khách hàng không trả nợ. Các cổ đông nói chung, ông chủ ngân hàng nói riêng đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ góp vào ngân hàng đang thật sự mất ăn, mất ngủ trước tình trạng không thu hồi được nợ xấu, phải trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận có khi thua cả lãi suất tiết kiệm, rồi nguy cơ bị xoá sổ do phải sáp nhập, phá sản.

Vậy, lý gì mà bảo ngành Ngân hàng không tích cực xử lý nợ xấu? Lúc mới chớm gặp vấn nạn nợ xấu có thể nói là người ta còn chủ quan, dựa dẫm, ỷ lại. Nhưng đến nay, việc xử lý nợ xấu luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng. Chỉ tiêu thu hồi nợ là sống còn, lực lượng thu hồi nợ đông đảo, chỉ đạo thu hồi nợ quyết liệt, các ban bệ họp hành liên miên, vận dụng đủ mọi cách thức để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu…

Rõ ràng nhận thức đã rất rõ ràng, hành động đã rất tích cực, trách nhiệm đã rất cụ thể nhưng kết quả xử lý nợ xấu không có nhiều chuyển biến. Kết quả lớn nhất là đã trích lập, sử dụng được nhiều tiền dự phòng và bán nợ cho VAMC. Vấn đề mấu chốt, thực tế là đòi nợ và bán tài sản bảo đảm để thu hồi thì rất ít chuyển biến.

Đặc biệt, là phản ứng trì hoãn xử lý dứt điểm nợ nần, xử lý dứt điểm tài sản bảo đảm trước nguy cơ hình sự hoá quan hệ tín dụng. Khi cho vay trước đây thì giá trị tài sản cao, nay bán thì giá quá thấp. Bán hết tài sản mà không thu đủ nợ, thì cả khách hàng và cán bộ ngân hàng đều lo sợ bị quy kết tội phạm làm thất thoát tiền vay, bất luận lý do gì. Thế là cả hai bên đều nấn ná chờ đợi, hy vọng phục hồi sản xuất, kinh doanh để trả nợ, chờ đợi giá lên, mong trích đủ dự phòng và có chính sách miễn trách rõ ràng hơn….

Nếu người vay lạm dụng tín nhiệm hay lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng thì đương nhiên phải xử lý hình sự. Nếu cán bộ ngân hàng thực sự sai phạm nghiêm trọng, tham nhũng hay đồng phạm với người vay, thì cũng phải xử phạt về các tội tương ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, quá nhiều cán bộ ngân hàng là nạn nhân bị lạm dụng, lừa đảo nhưng lại bị quy kết là tội phạm vi phạm quy định về cho vay hoặc tội phạm cố ý làm trái. Đó là việc hình sự hoá quan hệ tín dụng, quan hệ kinh tế, dân sự. Đối lập với tội phạm lừa đảo, hơn bao giờ hết, chính cán bộ tín dụng, trưởng phòng tín dụng và giám đốc ngân hàng cấp tín dụng phải là nạn nhân.

Không thể có việc nạn nhân, người bị hại chung chung là ngân hàng, nếu những con người bằng xương, bằng thịt, trực tiếp giao dịch không bị lừa. Nhưng thật đau lòng khi nhiều người trong số đó đã phải chịu tù tội chỉ vì không may dính bẫy lừa đảo. Đặc biệt là rất nhiều trường hợp, mà chính bản thân ngân hàng cũng xác định rõ cán bộ của mình là nạn nhân, không có lỗi hoặc lỗi không đáng bị xử lý kỷ luật lao động, chứ nói gì đến mức phạm tội hình sự.

Hình sự hóa quan hệ tín dụng như vậy là một trong những nguyên nhân góp phần cản trở quá trình xử lý nợ xấu. Người ta sẽ rất sợ hãi trách nhiệm hình sự, không dám bỏ cái lợi nhỏ để đạt cái lợi lớn, thu ít nhưng thu sớm, trong xử lý nợ xấu. Vì nếu làm mạnh, làm kiên quyết, có gì bảo đảm rằng họ sẽ không bị người này phản ứng, cơ quan kia săm soi vì bỗng dưng gây hiếu hụt, thất thoát.

Nếu cứ kéo dài tình trạng như trên, thì không những nan giải trong xử lý nợ xấu hiện tại, mà còn nguy cơ tái diễn nợ xấu trầm trọng trong tương lai. Xử lý nợ xấu trong bối cảnh, mức độ thì nặng nề, thời gian thì cấp bách, pháp luật thì vướng mắc và thị trường thì khó khăn như hiện nay, thì phải chấp nhận chọn cái ít xấu nhất trong những cái xấu, chứ không thể đòi hỏi phải là cái đúng nhất, tốt nhất.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

————

Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 24-10-2014:

http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/2-no-xau-se-cang-xau-neu-hinh-su-hoa-quan-he-tin-dung-26402.html

(1.430/1.430)

#noxau #tylenoxau

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,170