176. Bế tắc đại diện duy nhất.

(KTSG) – Theo quy định của pháp luật hiện hành, mỗi pháp nhân nói chung và doanh nghiệp nói riêng chỉ có một người đại diện theo pháp luật. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc và thậm chí là bế tắc cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đại diện theo pháp luật

Một vấn đề quan trọng hàng đầu trong các giao dịch dân sự của doanh nghiệp là luôn phải xác định xem ai là người có thẩm quyền đại diện hợp pháp. Theo quy định tại khoản 3, điều 86 Bộ luật Dân sự năm 2005 về “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân” thì “Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự”.

Còn theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì chủ doanh nghiệp luôn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân. Còn một trong bốn người sau có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định tại điều lệ và được ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc.

Mỗi lần thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, lại xuất hiện một khoảng thời gian không thể xác định được ai mới thật sự là người đại diện.

Dù người đại diện theo pháp luật là ai, thì cũng có khoảng 30 nhiệm vụ, quyền hạn đã được luật định như: nhân danh doanh nghiệp trong việc xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại, lao động, hành chính, tố tụng…; ký vào điều lệ công ty; ký tên trên cổ phiếu hoặc giấy chứng nhận góp vốn; ký báo cáo tài chính của doanh nghiệp; chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu của doanh nghiệp…

Bế tắc chỉ với một người

Vì luật hiện hành quy định mỗi doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, nên đã gây ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với những công ty lớn, có hàng trăm nhân viên, với nhiều cơ sở kinh doanh ở các tỉnh thành khác nhau.

Nếu giám đốc hoặc tổng giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty, gần như không thể thực hiện được nhiệm vụ “điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty” theo quy định tại điều 70 và điều 116 của Luật Doanh nghiệp. Hay nói đúng hơn, mọi hoạt động hàng ngày của giám đốc không còn là quyền đương nhiên theo luật, mà đều phải dựa trên cơ sở ủy quyền của người đại diện theo pháp luật.

Ngược lại, nếu chủ tịch không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty, khi ký kết hợp đồng lại phải nhận được sự cho phép (ủy quyền) của giám đốc, mặc dù chủ tịch có thể là người chủ đích thực của công ty, còn giám đốc chỉ là người lao động làm thuê.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật vắng mặt, thì không dễ gì giải quyết được công việc phát sinh cần có sự ủy quyền, nhất là pháp luật lại chỉ cho phép người được ủy quyền được ủy quyền lại cho người thứ ba nếu được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Mỗi lần thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, lại xuất hiện một khoảng thời gian không thể xác định được ai mới thật sự là người đại diện, khi mà người cũ thì đã bị phế truất, còn người mới thì lại chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Khi công ty cần ký hợp đồng, chẳng hạn như thuê nhà để làm trụ sở, với chính cá nhân người đại diện theo pháp luật, thì cũng bế tắc vì vướng quy định tại khoản 5, điều 144 của Bộ luật Dân sự  về “Phạm vi đại diện”: “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó”. Nếu ủy quyền cho người khác để ký trong trường hợp này, thì cũng chỉ là sự đánh tráo khái niệm.

Mở rộng người đại diện

Nếu cứ quy định mỗi công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì chẳng khác nào coi pháp nhân như một cá nhân, tức là mọi hành động pháp lý chỉ được phát ra từ duy nhất một người.

Doanh nghiệp đã giao cho một người đảm nhận những công việc nhất định, thì người đó đương nhiên có thẩm quyền đại diện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đó, trừ trường hợp có quy định khác.

Vì vậy, cả dự thảo Bộ luật Dân sự và dự thảo Luật Doanh nghiệp đều đang sửa đổi theo hướng, mỗi công ty có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều này sẽ giải quyết được tất cả các vướng mắc kể trên và tạo ra sự linh hoạt, thuận tiện hơn cho doanh nghiệp.

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (20-11-2014:

http://www.thesaigontimes.vn/122851/Be-tac-dai-dien-duy-nhat.html\

(940/940)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,907