176. Bình luận Dự thảo sửa đổi phần nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự năm 2005.

Hội thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005                             Bộ Tư pháp, HN 16-18/4/2013   

BÌNH LUẬN DỰ THẢO SỬA ĐỔI PHẦN NGHĨA VỤ TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005[1]

Bình luận Dự thảo sửa đổi phần Nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự năm 2005 (từ Điều 121 đến 317 và Điều 388 đến Điều 427), do TS Nguyễn Am Hiểu và Nguyễn Thi Hạnh sửa tháng 4-2013. Các nội dung không bình luận là nhất trí.

1. Về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự” (Điều 122):

Khoản 1, Điều 122 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định, Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ 3 điều kiện sau đây:

a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

  1. b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
  2. c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.”

Điều kiện tại điểm b là thống nhất với quy định tại Điều 128 “Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội”.

Điều kiện tại điểm c là thống nhất với quy định tại Điều 132 “Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa”.

Nhưng cả 3 điều kiện nói trên đều không có mối liên quan rõ ràng với quy định về các trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu tại các Điều 129 “Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo”, Điều 131 “Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn”, Điều 411 “Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được”. Đặc biệt là những trường hợp giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất bị vô hiệu chỉ vì không vay vốn hoặc không vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoặc vay vốn tại các tổ chức tín dụng nhưng không vì mục đích sản xuất, kinh doanh, trong khi không hề “vi phạm điều cấm của pháp luật” (mà do Luật Đất đai chỉ đề cập đến việc thế chấp đất tại các tổ chức tín dụng để vay vốn sản xuất, kinh doanh). Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm điều kiện giao dịch dân sự vô hiệu để có thể bao quát hết các trường hợp cụ thể.

Nếu bỏ điều kiện tại điểm a như Dự thảo đề xuất[2], thì có phần mâu thuẫn với quy định tại Điều 130 “Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện” và mâu thuẫn với quy định tại Điều 133 “Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình”. Vì vậy, đề nghị giữ lại và mở rộng hơn điểm a.

Đề nghị bỏ từ “hoàn toàn” trong câu “Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện” tại điểm c, khoản 1, vì chỉ cần tự nguyện, có thể là sự tự nguyện không thật thoái mái lắm, nhưng vẫn là tự nguyện, chứ không cần đòi hỏi mọi trường hợp đều phải “hoàn toàn tự nguyện” đến mức tuyệt đối 100%.

2. Về “Giải thích giao dịch dân sự” (Điều 126):

Đề xuất nhập điều Điều 409 “Giải thích hợp đồng” vào Điều này là hợp lý.

Riêng đối với quy định tại khoản 2, Điều 409 “Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên.” cần xử lý thêm trường hợp điều khoản của hợp đồng có nhiều nghĩa nhưng không có nghĩa có lợi cho các bên mà chỉ có lợi cho 1 bên.

3. Về các giao dịch dân sự vô hiệu (các điều từ Điều 126 đến Điều 134):

Đề nghị bỏ các chữ “vô hiệu” hoặc “vô hiệu do” trong tên các điều dưới đây, vì không cần thiết và phản ánh được chính xác hơn nội dung của điều (nhất là có cả một số điều có nội dung giải thích từ ngữ):

  • Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội;
  • Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo;
  • Điều 130. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;
  • Điều 131. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn;
  • Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa;
  • Điều 133. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
  • Điều 134. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

Đề nghị sửa chữ “thì” trong “thì vô hiệu” tại Điều 128 thành “bị” cho thống nhất với cách viết “bị vô hiệu” tại các điều 129, 130, 131, 132 và 133.

Đề nghị xem xét chuyển việc giải thích các cụm từ “điều cấm của pháp luật”, “đạo đức xã hội” trong Điều 128; từ “lừa dối”, “đe doạ” tại Điều 132 lên Điều 122 hoặc các điều khác phù hợp hơn. Vì những từ ngữ này không chỉ được sử dụng trong một điều này hoặc chỉ trong trong phần về giao dịch dân sự vô hiệu, mà còn được sử dụng trong các điều luật và phần khác của Bộ luật. Ví dụ như “điều cấm của pháp luật”, “đạo đức xã hội” còn được đề cập đến tại Điều 282 “Đối tượng của nghĩa vụ dân sự”, Điều 283 “Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ.”,…

4. Về “Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức” (Điều 134):

Ngoài quy định “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.” tại khoản 1, Điều 124 “Hình thức giao dịch dân sự”, cần xem xét quy định rõ hai trường hợp liên quan đến hình thức, đó là công chứng (chứng thực) và đăng ký giao dịch bảo đảm.

Việc quy định không thực hiện việc công chứng trong trường hợp bắt buộc phải công chứng, thì giao dịch bị vô hiệu là một vấn đề nhức nhối, phủ nhận hoàn toàn sự tự do, tự nguyện ý chí của các bên.

Đặc biệt, giao dịch dân sự không đăng ký giao dịch bảo đảm, trong trường hợp bắt buộc phải đăng ký, thì đáng lẽ chỉ không “có giá trị pháp lý đối với người thứ ba” (không được ưu tiên xử lý tài sản bảo đảm) theo quy định tại khoản 3, Điều 323 “Đăng ký giao dịch bảo đảm” của Bộ luật Dân sự hiện hành, nhưng lại bị tuyên là vô hiệu, mặc dù không vi phạm vào bất cứ điều kiện nào trong số 3 điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại khoản 1, Điều 122 “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự” cũng như không thuộc về hình thức của giao dịch dân sự.

5. Về “Căn cứ phát sinh nghĩa vụ” (Điều 281):

Điều này được thể hiện như sau:

Điều 281. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ

Nghĩa vụ phát sinh từ các căn cứ sau đây:

  1. Hợp đồng;
  2. Hành vi pháp lý đơn phương;

3.…

Đề nghị bỏ câu dẫn dắt “Nghĩa vụ phát sinh từ các căn cứ sau đây:” đồng thời thêm chữ “các” trong tên Điều cho lô gic và thống nhất với các điều khác. Như vậy Điều này được thể hiện như sau:

Điều 281. Các căn cứ phát sinh nghĩa vụ

  1. Hợp đồng;
  2. Hành vi pháp lý đơn phương;

3.…

Tương tự cần bỏ hết các đoạn dẫn dắt không thuộc khoản, điểm nào trong các điều như Điều 308.3 “Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ”, Điều 394 “Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng”, Điều 402 “Nội dung của hợp đồng”, Điều 406 “Các loại hợp đồng chủ yếu”,…

6. Về “Hoãn thực hiện nghĩa vụ” (Điều 287):

Bộ luật Dân sự hiện hành cũng như Dự thảo quy định về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ (Điều 287)[3] và “Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ” (Điều 308.3), nhưng không có quy định nào về việc ngừng thực hiện hợp đồng. Ngược lại, Luật Thương mại năm 2005 thì lại chỉ có quy định về việc “Tạm ngừng thực hiện hợp đồng” (Điều 292 “Các loại chế tài trong thương mại”, Điều 308 “Tạm ngừng thực hiện hợp đồng”, Điều 309 “Hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng”), mà lại không có quy định về việc hoàn thực hiện hợp đồng.

Vì vậy, cần có sự thống nhất về việc này theo hướng quy định đầy đủ, bao quát tại tại Bộ luật Dân sự, còn Luật Thương mại thì không cần nhắc lại quy định chung.

Ngoài ra cần cân nhắc sử dụng thống nhất từ “hoãn” hay “tạm hoãn” như đã được sử dụng trong Bộ luật Lao động năm 2012 về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (các điều 32, 33 và 156).

7. Về “Miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ” (Điều 302):

Khoản 2, Điều 302 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Liên quan đến nội dung này là quy định tại khoản 1, Điều 308.11 “Quy định riêng về nghĩa vụ liên quan đến việc thanh toán nợ”: “Khi việc thanh toán nợ là nghĩa vụ của hợp đồng thì dù người có nghĩa vụ chứng minh được việc chậm thanh toán là do nguyên nhân bất khả kháng thì người đó vẫn không được miễn trả lãi suất phát sinh do chậm thanh toán.”

Nếu bỏ đoạn “trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” tại khoản 2, Điều 302 như Dự thảo, cộng với cách viết như khoản 1, Điều 308.11 nói trên, thì sẽ rất dễ dẫn đến cách hiểu là, nghĩa vụ trả tiền gốc theo quy định tại Điều 290 cũng sẽ được miễn khi phát sinh sự kiện bất khả kháng.

Vì vậy đề nghị bổ sung vào cuối khoản 2, Điều 302 cụm từ “trừ nghĩa vụ trả tiền” và bổ sung cụm từ “nghĩa vụ thanh toán nợ và” vào khoản 1, Điều 308.11 như sau: “Khi việc thanh toán nợ là nghĩa vụ của hợp đồng, nếu người có nghĩa vụ chứng minh được việc chậm thanh toán là do nguyên nhân bất khả kháng thì người đó vẫn không được miễn nghĩa vụ thanh toán nợ và trả lãi suất phát sinh do chậm thanh toán.”.

8. Về tên gọi các “Tiểu mục” (trước Điều 308.1):

Tên “Tiểu mục” xuất hiện trong Mục 2, Chương 26 “Trách nhiệm” của Dự thảo là cách gọi mới, hợp lý hơn so với bố cục tương tự trong Bộ luật Dân sự hiện hành, nhưng lại không được đánh số thứ tự và đặt tên, dẫn đến không biết phải gọi thế nào. Tuy nhiên đặt thành “Tiểu mục” thì lại làm cho bố cục của Bộ luật khá phức tạp và trái với quy định tại khoản 3, Điều 5 “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành quy phạm pháp luật năm 2008: “Văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng thì tùy theo nội dung có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm;…

Vì vậy, hợp lý nhất là xử lý về kỹ thuật soạn thảo, chuyển các “Tiểu mục” thành “Mục”.

9. Về “Các dạng không thực hiện đúng nghĩa vụ” (Điều 308.1):

Đề nghị sửa tên điều thành “Khái niệm không thực hiện đúng nghĩa vụ”, vì nội dung Điều này như sau: “Không thực hiện đúng nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ trì hoãn thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn; không có khả năng thực hiện nghĩa vụ; thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”, tương tự như cách đặt tên tại Điều 388 “Khái niệm hợp đồng dân sự” của Bộ luật Dân sự hiện hành.

10. Về “Quyết định cưỡng chế thực hiện của toà án” (Điều 308.8):

Đề nghị xem lại quy định tại tên Điều, vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Luật Thi hành án năm 2008, thì các bản án, quyết định của Toà án đều phải chuyển cho cơ quan thi hành án để ra quyết định cưỡng chế thi hành. Đồng thời, cơ quan thi hành án còn cưỡng chế thực hiện cả các phán quyết của Trọng tài thương mại.

Ngoài ra, cần sửa câu “Thủ tục cưỡng chế áp dụng theo quy định của Luật Tố tụng dân sự” thành “Thủ tục cưỡng chế áp dụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Thi hành án dân sự” hoặc “Thủ tục cưỡng chế áp dụng theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự và Thi hành án dân sự”.

11. Về sự kiện bất khả kháng (các điều 302, 308.10 và 308.11):

Đề nghị giải thích “bất khả kháng” trong “sự kiện bất khả kháng”, “nguyên nhân bất khả kháng” tại Điều 302 “Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ”, Điều 308.10 “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại” và Điều 308.11 “Quy định riêng về nghĩa vụ liên quan đến việc thanh toán nợ”, vì đây là một vấn đề pháp lý đặc biệt quan trọng liên quan đến nghĩa vụ và hợp đồng.

Đồng thời, việc giải thích này cần được đặt trong một điều chung phù hợp, tránh được đưa vào trong một điều rất không hợp lý như tại khoản 1, Điều 161 “Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự” của Bộ luật Dân sự hiện hành.

12. Về “Quy định riêng về nghĩa vụ liên quan đến việc thanh toán nợ” (Điều 308.11):

Khoản 1 Điều này quy định “Lãi suất phát sinh do chậm thanh toán được tính theo lãi suất do pháp luật quy định. Nếu lãi suất do hai bên thoả thuận từ trước vượt quá lãi suất do pháp luật quy định thì sẽ tính theo lãi suất đó, trừ trường hợp cho vay nặng lãi.” Quy định này là rất hợp lý, khắc phục sự bất cập, thậm chí là bế tắc từ hàng chục năm nay. Như vậy lãi suất thoả thuận giữa các bên có thể cao hơn giới hạn của pháp luật và giới hạn này chỉ được áp dụng khi có tranh chấp hoặc không có thoả thuận. Quy định này cũng tránh được việc gần như không thể đưa ra được một giới hạn lãi suất hợp lý áp dụng cho mọi trường hợp (có thể rất thấp đối với trường hợp này, nhưng lại là rất cao đối với trường hợp khác). Tuy nhiên cách quy định này hầu như không có khả năng được Quốc hội và số đông chấp nhận. Vì vậy, vẫn cần chủ động chuẩn bị một phương án khác, như quy định mức lãi suất chậm thanh toán được cộng thêm cao nhất không quá 36%/năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc là giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định.

Ngoài ra cần xem lại cụm từ “cho vay nặng lãi” để thống nhất với quy định tại Điều 163 “Tội cho vay lãi nặng” của Bộ luật Hình sự năm 1999.

13. Về “Giảm mức bồi thường thiệt hại” (Điều 308.13):

Hai khoản của Điều này đều có từ “có thể”: “1. Nếu người có quyền mắc sai lầm gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ và làm phát sinh thiệt hại thì có thể giảm mức tiền bồi thường thiệt hại cho người có nghĩa vụ tuỳ theo mức độ gây ảnh hưởng đó.” và “2. Nếu người có quyền chậm trễ trong việc giảm thiểu thiệt hại dẫn đến việc gây ra thêm nhiều thiệt hại thì có thể giảm số tiền phải bồi thường của người có nghĩa vụ tương ứng với số tổn thất mà lẽ ra người có quyền có thể giảm thiểu được.

Quy định trên sẽ không rõ là người có quyền, cơ quan giải quyết tranh chấp hay ai khác “có thể giảm mức tiền bồi thường thiệt hại”. Nếu đó là người có quyền, đồng thời là người có lỗi, thì phải giảm chứ không còn là “có thể”, tức là muốn thì giảm, không muốn thì thôi. Nếu là Toà án, trọng tài hay đối tượng khác giảm, thì cần diễn đạt lại câu, chẳng hạn: Nếu người có quyền mắc sai lầm gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ và làm phát sinh thiệt hại thì người có nghĩa vụ được giảm mức tiền bồi thường thiệt hại, tuỳ theo mức độ gây ảnh hưởng.

14. Về “Huỷ bỏ hợp đồng do không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng” (Điều 308.14):

Việc huỷ bỏ hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự hiện hành (các điều 335, 356, 428,…) cũng như Điều 308.14 của Dự thảo “Một trong các bên giao kết hợp đồng có thể huỷ bỏ hợp đồng ngay lập tức nếu bên kia vi phạm nghiêm trọng điều khoản hợp đồng.” nhưng không có quy định nào về việc đình chỉ hợp đồng. Tuy nhiên trong Luật Thương mại năm 2005, ngoài quy định tương tự Bộ luật Dân sự về huỷ bỏ hợp đồng (các điều 292, 312, 313,…), còn quy định về một chế tài khác, đó là “đình chỉ hợp đồng” (các điều 292, 293, 310,…), với khái niệm[4] và hậu quả pháp lý khác nhau.[5]

Vậy, việc “đình chỉ hợp đồng” cũng cần phải được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự hoặc phải được bỏ đi trong Luật Thương mại để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật về hợp đồng và vai trò của Bộ luật Dân sự.

15. Về “Chuyển giao quyền yêu cầu” (Điều 309):

Khoản 1, Điều này quy định:

1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ những trường hợp sau đây:

a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền yêu cầu”.

c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.”

Đề nghị xem lại việc Dự thảo bỏ bớt quy định tại điểm c, vì như vậy sẽ có thể dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý đối với một số trường hợp. Chẳng hạn Quy chế Mua bán nợ của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước ban hành có quy định hạn chế không được mua bán nợ trong một số trường hợp (tức là không được chuyển giao quyền yêu cầu đòi nợ).[6]

Tương tự là quy định tại khoản 2, Điều này dự kiến bỏ đi cụm từ “trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” trong câu “Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” cũng sẽ tạo ra xung đột, mâu thuẫn khi Quy chế về mua bán nợ nói trên quy định: Nếu không có thoả thuận trước trong hợp đồng tín dụng về việc mua bán nợ, thì phải có sự đồng ý của bên vay (bên có nghĩa vụ trả nợ).

16. Về “Không chịu trách nhiệm sau khi chuyển giao quyền yêu cầu” (Điều 312):

Đề nghị sửa tên Điều, bỏ bớt từ “không chịu”, vì thừa, không cần thiết. Chỉ cần xác định chủ đề “trách nhiệm trách nhiệm sau khi chuyển giao quyền yêu cầu”, còn chịu hay không chịu trách nhiệm và chịu như thế nào đã được thể hiện trong nội dung.

Dự thảo bỏ cụm từ “trừ trường hợp có thoả thuận khác” trong câu “Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.” Như vậy, sẽ không bao quát được quy định của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp mua bán nợ có truy đòi hiện nay. Khi đó, bên bán nợ và bên mua nợ thỏa thuận với nhau về điều kiện thực hiện quyền truy đòi của bên mua nợ đối với bên bán nợ, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua, bán nợ. Điều này có nghĩa là, nếu bên có nghĩa vụ trả nợ mà không trả được nợ, thì người chuyển giao quyền yêu cầu phải chịu trách nhiệm về khoản nợ.

17. Về “Nội dung của hợp đồng” (Điều 402):

Cần xem lại quy định tại Điều này chỉ nêu “Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:”, bao gồm 8 nội dung.

Để bảo đảm giá trị bắt buộc của hợp đồng thì cần có những quy định về nguyên tắc xác định các điều khoản chủ yếu bắt buộc phải có, còn cụ thể thì theo pháp luật chuyên ngành (nếu có). Nếu chỉ liệt kê các loại nội dung “có thể thoả thuận” thì không cần thiết, vì hợp đồng là sự thoả thuận không có giới hạn, trừ những nội dung trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Chính vì quy định vô thưởng, vô phạt, thiếu tính pháp lý, cho nên dẫn đến cách hiểu: Hợp đồng thế chấp không ghi giá trị tài sản và giá trị nghĩa vụ được bảo đảm vẫn hợp pháp, vì không vi phạm quy định nào của Bộ luật Dân sự.

18. Về “Địa điểm giao kết hợp đồng” (Điều 403):

Điều 403 quy định “Địa điểm giao kết hợp đồng do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.” Như vậy, nếu giao kết hợp đồng ở chi nhánh của pháp nhân mà không có thoả thuận, thì đương nhiên được coi là giao kết tại Trụ sở chính, vì đoạn 1, Điều 90 “Trụ sở của pháp nhân” quy định “Trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân.

Vì vậy, đề nghị quy định thêm, nếu không có thoả thuận, nếu việc giao kết hợp đồng do Chi nhánh của pháp nhân thực hiện thì địa điểm giao kết hợp đồng là trụ sở của chi nhánh pháp nhân. Việc này là cần thiết bảo đảm sát với thực tế, nhất là trường hợp chi nhánh của pháp nhân ở không cùng quốc gia với pháp nhân.

19. Về “Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự” (Điều 404):

Khoản 4, Điều này quy định: “Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản”. Ngoài tình huống người mua không ký vào vé máy bay như đã được đề cập trong Dự thảo, thì còn nhiều trường hợp khác như lăn tay, giao dịch điện tử cũng không cần “ký vào văn bản”. Do vậy, Đề nghị sửa lại là: Thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hoặc thể hiện việc chấp nhận hợp đồng.

20. Về “Hiệu lực của hợp đồng” (Điều 405):

Dự thảo bỏ đi câu “trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” trong quy định “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”, đồng thời ghi chú: Điều này không cần thiết vì Điều 404 và câu cuối Điều 4 (“Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”) đã quy định vấn đề đó rồi.

Đề nghị xem xét giữ lại quy định này, để khẳng định rõ “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết”, tránh tình trạng đại đa số mọi người, nhất là các thẩm phán, vẫn hiểu sai là hợp đồng chỉ có hiệu lực khi từ thời điểm do các bên thoả thuận, sau khi đã được công chứng, chứng thực, xác nhận, đăng ký,…(đối với các trường hợp bắt buộc). Điều này rất quan trọng để phân biệt giữa hiệu lực chung của hợp đồng (ràng buộc kể từ thời điểm giao kết) và hiệu lực của các nghĩa vụ cụ thể (bắt đầu giao hàng, thanh toán,…), đồng thời để cho các bên tham gia tôn trọng cam kết của mình. Đồng thời với quy định này là phải loại trừ quy định dẫn đến cách hiểu, hợp đồng có hiệu lực sau khi được công chứng, đăng ký,…

21. Về “Hợp đồng vô hiệu” (Điều 410):

Trong mối quan hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ, thì khoản 2 của Điều này đã xác định rõ: Không áp dụng đối với hợp đồng phụ là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bị chấm dứt nếu như hợp đồng chính vô hiệu. Tuy nhiên khoản 3 của Điều này quy định “Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thoả thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.” sẽ không bảo đảm an toàn cho các giao dịch bảo đảm, chẳng hạn khi hợp đồng tín dụng ghi nhận các đơn đề nghị vay vốn, và các tài liệu khác kèm theo là một phần không thể tách rời của hợp đồng tín dụng, thì việc hợp đồng phụ bị vô hiệu sẽ dẫn đến hậu quả rất không hợp lý là chấm dứt hợp đồng chính.

22. Về “Cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ” (Điều 416):

Đề nghị chuyển sang phần giao dịch bảo đảm, vì nó tương tự như một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ.

23. Về “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng” (Điều 427):

Điều này quy định “Thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng là hai năm, kể từ ngày người bị xâm hại biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.” Việc bổ sung thêm quy định “hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.” là đặc biệt quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị xâm hại.

Tuy nhiên cần xem xét nâng thời hạn này lên 3 năm, như đã từng được quy định trong Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991. Điều này cũng phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 159 “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi năm 2011), thời hiệu khởi kiện “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Ngoài ra, cần xem xét việc quy định trùng lặp về thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tổ tụng dân sự (đã có lúc cả 2 bên đều không quy định).

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

[1]   Bài thứ 13 trong loạt bài tham gia xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2] Với lý giải: “Đây không phải điều kiện có hiệu lức của giao dịch. Người không có năng lực hành vi vẫn thực hiện giao dịch. Vấn đề là giao dịch đó phải thực hiện thông qua người đại diện, hoặc phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật…, thường là người giám hộ.”

[3] Dự thảo quy định về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ như sau:

“Điều 287. Hoãn thực hiện nghĩa vụ” (Điều 287)

1. Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.

Bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh do hoãn thực hiện nghĩa vụ.

2. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn.”

[4] Luật Thương mại quy định về đỉnh chỉ và huỷ bỏ hợp đồng như sau:

“Điều 310. Đình chỉ thực hiện hợp đồng

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1 . Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;

2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.”

“Điều 312. Huỷ bỏ hợp đồng

  1. Huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.
  2. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng.
  3. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
  4. Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
  5. a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;
  6. b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.”

[5] Luật Thương mại quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ và huỷ bỏ hợp đồng như sau:

“Điều 311. Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng

  1. Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.
  2. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.”

Điều 314. Hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng

  1. Trừ trường hợp quy định tại Điều 313 của Luật này, sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.
  2. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.
  3. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.”

[6] Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN ngày 21-12-2006 của Thống đốc NHNN và Dự thảo Thông tư mới.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.384. Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập...

Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. (VTC1)...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,852