182. Bình luận về chế định vật quyền bảo đảm trong Bộ luật Dân sự năm 2005.

(ANVI) – Hội thảo khoa học cấp bộ: “Nhận diện khía cạnh pháp lý của vật quyền bảo đảm và một số kiến nghị xây dựng, hoàn thiện Bộ luật Dân sự Việt Nam” – Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch bảo đảm và Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp , HN 2013

Bài viết “Lý thuyết về vật quyền bảo đảm và ảnh hưởng của lý thuyết đó đối với chế định vật quyền bảo đảm trong Bộ luật Dân sự”của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện rất sâu sắc, súc tích và khoa học, nêu ra những lý luận rất có giá trị, giúp cho định hướng xây dựng chế định vật quyền bảo đảm trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đồng thời chỉ ra những vấn đề bất cập, vướng mắc rất thiết thực trong luật thực định cũng như trên thực tế.

Dưới đây là bình luận một số vấn đề chung quanh bài viết trên.

  1. Về vật quyền bảo đảm:
  • Hoàn toàn nhất trí với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện về các nội dung “Sự hình thành lý thuyết vật quyền trong luật latinh” và “Vật quyền bảo đảm: hệ quả tất yếu của sự phát triển lý thuyết vật quyền”[2], và “lý thuyết vật quyền như là cơ sở lý luận của chế độ bảo đảm nghĩa vụ” trong Bộ luật Dân sự, đặc biệt là 3 nội dung sau:
  • Chủ nợ, đặc biệt là người cho vay chuyên nghiệp, thường mong muốn có một cơ chế cho phép thu hồi nợ mà không phải bận tâm đến khả năng hợp tác của người mắc nợ, không lệ thuộc vào sự hợp tác đó. Các biện pháp bảo lãnh, cầm cố hoặc thế chấp tài sản được đặt ra nhằm mục tiêu này.”;
  • Cầm cố, thế chấp tài sản có tác dụng chỉ định một tài sản cụ thể mà chủ nợ có thể đem bán lấy tiền thu nợ, dù người mắc nợ có thể không muốn, không thích.”;
  • Việc xác lập quan hệ bảo đảm tạo ra vị thế đặc biệt của chủ nợ trong mối quan hệ với tài sản: không phải là chủ sở hữu, nhưng chủ nợ có các quyền đối với tài sản; các quyền này được thực hiện một cách trực tiếp, nghĩa là không cần sự hợp tác của người khác, kể cả người mắc nợ. Trong chừng mực đó, quyền của chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp mang có tính chất cơ bản của vật quyền.”
  • Dưới đây chỉ tập trung bàn về biện pháp thế chấp, nhất là quyền của bên thế chấp và quyền của bên nhận thế chấp bất động sản, liên quan đến bài viết nói trên của TS Nguyễn Ngọc Điện.
  1. Về quyền của bên thế chấp:
  • TS Nguyễn Ngọc Điện nhận định: “Trong trường hợp chủ sở hữu vẫn nắm giữ tài sản trong thời gian tồn tại của vật quyền bảo đảm, như khi tài sản được thế chấp, thì chủ sở hữu, đồng thời là người thế chấp, vẫn có đủ các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản trên nguyên tắc, bao gồm quyền định đoạt. Nói rõ hơn, chủ sở hữu một tài sản dùng để bảo đảm nghĩa vụ vẫn có quyền chuyển dịch tài sản cho người khác mà chủ nợ có bảo đảm không thể ngăn cản[3]. Nhận định này về nguyên lý là hoàn toàn chính xác, tuy nhiên trên thực tế lại đang là một trong những vấn đề vướng mắc nhức nhối nhất. Đúng như PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện đã viết, mục đích của việc cầm cố, thế chấp là để “chủ nợ có thể đem bán lấy tiền thu nợ” và “được thực hiện một cách trực tiếp, nghĩa là không cần sự hợp tác của người khác”[4]. Vậy, vấn đề đặt ra là khi “chủ sở hữu một tài sản dùng để bảo đảm nghĩa vụ vẫn có quyền chuyển dịch tài sản cho người khác mà chủ nợ có bảo đảm không thể ngăn cản[5], thì quyền của chủ nợ được bảo đảm bằng tài sản sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Khi mà việc chuyển dịch tài sản cầm cố, thế chấp là hoàn toàn hợp pháp, thì gần như chủ nợ sẽ bị mất quyền xử lý tài sản thế chấp trên thực tế. Khi đó thì quyền của chủ nợ không còn trực tiếp đối với tài sản bảo đảm hiện hữu, mà chỉ còn là gián tiếp đối với tài sản, hay chuyển thành quyền tài sản, quyền đòi nợ chung chung hoặc một cái gì đó tương tự với trường hợp tài sản bảo đảm bị thất thoát, không còn tồn tại. Và trong trường hợp này, chủ nợ đương nhiên mất quyền xử lý tài sản thế chấp (quyền quan trọng nhất của chủ nợ), mà chỉ còn quyền “yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán.”.
  • Theo quy định tại khoản 4, Điều 348 về “Nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản” và khoản 3, Điều 349 về “Quyền của bên thế chấp tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2005, nếu không được bên nhận thế chấp đồng ý, thì bên thế chấp tài sản “không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp”, trừ “trường hợp bán tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.” Nếu theo lý thuyết vật quyền bảo đảm, thì bên thế chấp có quyền bán, trao đổi, tặng cho mọi loại tài sản thế chấp, chứ không chỉ đối với hàng hoá luân chuyển. Vấn đề đặt ra là chế định vật quyền bảo đảm cần phải giải quyết như thế nào khi môi trường pháp lý liên quan cũng như thực tế của Việt Nam không bảo vệ được quyền chính đáng của chủ nợ, thường xuyên biến sự bảo đảm thành không bảo đảm, vô hiệu hoá quyền của chủ nợ trong trường hợp tài sản thế chấp bị chuyển quyền cho người khác, kể cả trường hợp được phép và không được phép bán tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật hay theo thoả thuận giữa các bên?
  1. Về quyền của bên nhận thế chấp:
  • Quyền thu giữ và xử lý tài sản thế chấp nói chung:

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện viết “Ở các nước, chủ nợ chỉ cần xuất trình bản án có hiệu lực pháp luật hoặc một chứng thư công chứng xác lập biện pháp bảo đảm cùng với các tài liệu chứng minh nợ không được trả đúng hạn, là có thể xúc tiến việc phong toả, kê biên tài sản để xử lý với sự hỗ trợ của công lực.”[6] Tuy nhiên ở phần tiếp theo của bài viết, tác giả lại khẳng định: “Ở các nước tiền tiến, một khi người mắc nợ không chịu trả nợ và cũng không chịu giao tài sản bảo đảm để xử lý, thì chủ nợ có bảo đảm phải tiến hành thủ tục cưỡng chế việc trả nợ, trên nguyên tắc, giống như chủ nợ thường: kiện ra toà, tiếp nhận bản án, tiến hành thủ tục kê biên tài sản và bán tài sản để thu tiền.”[7] Sự mâu thuẫn này, dẫn đến không biết các nước văn minh xử lý vấn đề này như thế nào và không rõ tác giả ủng hộ cách thức xử lý tài sản bảo đảm nào. Vì thế, ngay từ lý thuyết cũng vẫn chưa giải quyết được theo trình tự phi tố tụng trước “Sự bế tắc trong trường hợp người bảo đảm không chịu hợp tác để xử lý tài sản.”[8]

  • Quyền thu giữ và xử lý tài sản thế chấp là động sản:

Việc Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22-02-2012 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 về Giao dịch bảo đảm, quy định chủ sở hữu xe là bên thế chấp được giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông là hợp pháp và hợp lý. Tuy nhiên, với sự rủi ro hỗn loạn của môi trường xã hội và pháp lý hiện nay thì điều này đã thực sự trở thành một tai hoạ. Ngay cả khi chủ nợ giữ bản chính cũng đã quá khó quản lý và xử lý tài sản. Ví dụ, qua một mẩu Thông báo “truy nã” dưới đây đã được đăng tải từ mấy năm trước trên một tờ báo giấy:

Như vậy, Ngân hàng đã phải bỏ ra tới 50 triệu đồng chỉ để mua thông tin “di chuyển” của 2 chiếc xe ô tô thế chấp, mà lẽ ra đó là nghĩa vụ tối thiểu mà chủ xe phải cung cấp cho Ngân hàng. Đặc biệt, trong trường hợp này, chủ xe chỉ giữ bản sao, còn Ngân hàng giữ bản chính Giấy đăng ký. [9] Sau khi có Nghị định số 11/2012/NĐ-CP nói trên, thì hầu hết các ngân hàng buộc phải từ chối nhận thế chấp xe hoặc khi nhận thì vẫn yêu cầu bên thế chấp “tự nguyện” giao lại bản chính Giấy đăng ký. Nếu như theo lý thuyết vật quyền, pháp luật lại còn cho phép chủ sở hữu xe được tự do bán, trao đổi, tặng cho xe, thì khả năng cánh cửa thế chấp xe ô tô sẽ bị đóng sập. Tài sản thế chấp ví như gà bị nhốt trong chuồng mà vẫn còn không bắt được, thì liệu ai dám chấp nhận cuộc chơi thả gà ra mà đuổi?

  • Quyền thu giữ và xử lý tài sản thế chấp là bất động sản:

Tại Việt Nam, ngoại trừ trường hợp chủ nợ đã có trong tay bản án có hiệu lực pháp luật, còn lại thì không có chuyện xử lý được tài sản thế chấp là bất động sản, nếu chủ sở hữu không hợp tác. Việc thu giữ tài sản thế chấp chỉ có ý nghĩa trong trường hợp chủ sở hữu tự nguyện. Còn trường hợp chủ sở hữu không tự nguyện, thì trình tự thu giữ tài sản theo Nghị định số 163/2006/NĐ-CP sẽ không còn ý nghĩa. Việc quy định rõ trách nhiệm hỗ trợ của Uỷ ban nhân dân và Cơ quan công an trong việc thu giữ tài sản thế chấp trong Dự thảo Thông tư liên tịch đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, sẽ có tác dụng rất tích cực cho các chủ nợ, nhưng lại dễ gây thiệt hại cho các chủ sở hữu, đặc biệt là trong khi Bộ luật Dân sự không hề quy định về việc “thu giữ” này.[10]

Cái cái khó nhất là quyền thu giữ và xử lý tài sản thế chấp là bất động sản của chủ nợ đã được quy định trong Nghị định dường như không khả thi. Do đó, ngược lại với nguyên tắc: “Về mặt lý thuyết, chủ nợ có bảo đảm không cần bận tâm đến việc tài sản thuộc về ai và đang được ai nắm giữ. Một khi nợ không được trả đúng hạn, thì chủ nợ có quyền tổ chức kê biên và xử lý tài sản bảo đảm theo trình tự, thủ tục luật định để thu tiền trừ nợ mà không ai được phép cản trở.”[11] Tác giả cũng đã chỉ ra một cách chính xác hậu quả tiêu cực của giải pháp này đối với xã hội, dẫn đến “Sự lan tràn của kiểu ứng xử phi chuẩn mực trong quá trình xử lý nợ.” do “Không có công cụ pháp lý hữu hiệu để tự bảo vệ trong trường hợp người mắc nợ không hợp tác trong việc xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm, các chủ nợ, trong trường hợp điền hình là các ngân hàng, buộc phải dựa vào các biện pháp mang tính thủ công và dân gian.”[12]. Vì bên cạnh một vài quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về việc thông báo, bán tài sản thế chấp, thì còn nhiều quy định khác không dễ vượt qua để thu giữ và bán tài sản thế chấp là bất động sản, đó là:

  • Được “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp”; [13]
  • Có “quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở”; [14]
  • “Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ”; [15]
  • Người nào “đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”. [16]

Một nguy cơ bế tắc tiếp theo là cho dù có thu giữ được tài sản, thì cũng rất khó vượt qua được cửa ải thủ tục mua bán, công chứng, sang tên bất động sản. Mặc dù chủ nợ đã giữ Giấy chứng nhận sở hữu bất động sản, đã công chứng hợp đồng thế chấp, đã đăng ký thế chấp tại cơ quan tài nguyên và môi trường, đã làm đầy đủ thủ tục và thu giữ được tài sản thế chấp, nhưng cũng chưa chắc xử lý được tài sản thế chấp. Thực tế lâu nay, đa số các tổ chức bán đấu giá, công chứng và đăng ký sang tên nhà đất không chấp nhận việc mua bán bất động sản chỉ dựa trên cam kết của chủ nợ và chủ sở hữu đã thoả thuận trong hợp đồng thế chấp. Thậm chí đã có hợp đồng uỷ quyền của chủ sở hữu cho phép bán tài sản, tổ chức bán đấu giá còn yêu cầu chủ sở hữu ký vào các giấy tờ đề nghị khác nữa thì mới tiến hành thủ tục bán đấu giá.

  • Quyền thu giữ và xử lý tài sản thế chấp đã bị chuyển giao cho người khác:

Trên thực tế từ trước đến nay tại Việt Nam, việc xử lý tài sản thế chấp đang thuộc quyền quản lý, sử dụng và định đoạt của chính bên thế chấp cũng đã vô cùng trần ai, gian nan, khó khăn, thậm chí nhiều khi gần như tuyệt vọng. Nếu như tài sản thế chấp lại còn bị chuyển quyền sở hữu hoặc chuyển giao cho người khác thông qua các giao dịch hợp pháp, thì việc xử lý còn vướng mắc gấp bội. Do đó, nếu bao giờ Việt Nam chưa có những quy định cụ thể trong một đạo luật cho phép chủ nợ được “xiết nợ” tài sản thế chấp, thì cũng không thể cho phép chủ sở hữu được tự do chuyển quyền sở hữu tài sản thế chấp (đặc biệt là bất động sản) mà không cần có sự đồng ý của chủ nợ. Vì như vậy, thì không khác nào pháp luật khuyến khích việc vi phạm, bội ước; bảo vệ hành vi gian lận, lừa đảo; đồng thời trói chân, trói tay, thậm chí chặn đứng khả năng xử lý tài sản thế chấp của chủ nợ và vô hiệu hoá quyền ưu tiên của chủ nợ có bảo đảm trên thực tế.

  • Quyền ưu tiên thanh toán của chủ nợ có bảo đảm:

Về nguyên tắc quy định của pháp luật hiện hành về quyền ưu tiên của chủ nợ có bảo đảm và thứ tự ưu tiên của các chủ nợ là hợp lý. Tuy nhiên, áp vào thực tế thì là cả một câu chuyện muôn phần rắc rối, bất phân thắng bại trong nhiều trường hợp. PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện đã viết: “Luật có nói về quyền của chủ nợ nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán từ tiền bán tài sản (Điều 351 khoản 7), song không xác định thể thức thực hiện quyền ưu tiên này một cách rõ ràng, nhất là trong trường hợp có chủ nợ thường.”[17] Điều này được bộc lộ qua một loạt vụ việc, với sự tham gia của hàng chục ngân hàng tranh chấp và xâu xé tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển, với giá trị hàng ngàn tỷ đồng, trong các năm 2010 – 2013 tại các Công ty: An Khang (Cần Thơ), Thái Sơn, Cimco (Hải Phòng), Âu Mỹ (Hà Nội), Trường Ngân (Bình Dương),… Thực tế không thấy giá trị rõ về quyền ưu tiên của chủ nợ, của việc đăng ký thế chấp, mà dường như là hoà cả làng hoặc ai nhanh tay tranh cướp trước thì được.

  • Kết luận về vật quyền bảo đảm:

Với thực trạng pháp luật và thực tế xảy ra như phân tích ở trên, với những quy định hiện nay của Bộ luật Dân sự nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung chưa được thay đổi cơ bản lý luận về vật quyền bảo đảm, thì:

  • Không thể thực hiện: “Không lấy tài sản ra khỏi tay người mắc nợ, việc thế chấp không làm xáo trộn nền nếp khai thác, sử dụng tài sản, không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.”[18]
  • Không thể quy định: “Với tư cách là chủ sở hữu, người thế chấp có thể chuyển nhượng tài sản trong những điều kiện bình thường.”[19]
  • Không thể tránh được:“Bảo đảm nghĩa vụ tất yếu trở thành một biện pháp có tác dụng hạn chế quyền sở hữu, đặc biệt là hạn chế đối với quyền định đoạt của chủ sở hữu, quyền có tác dụng chuyển dịch tài sản từ người này sang người khác.”[20]
  • Và vẫn phải chấp nhận: “Quan hệ thế chấp có tác dụng trao cho người nhận thế chấp chức năng “cảnh sát” đối với người thế chấp liên quan đến việc sử dụng, định đoạt tài sản”.[21]

—————————–

Địa chỉ liên hệ:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

BÌNH LUẬN VỀ CHẾ ĐỊNH VẬT QUYỀN BẢO ĐẢM TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005[1]

 

[1]   Phản biện bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện theo đề nghị tại Công văn số 175/CĐKGDBĐ-NV ngày 22-5-2013. Bài thứ 16 tham gia xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2]   Mục 1 “Từ vật quyền đến vật quyền bảo đảm”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[3]   Mục 2.1 “Phân biệt bản thể tài sản và giá trị kinh tế của tài sản”, Mục 2 “Đặc điểm của vật quyền bảo đảm”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[4]   Mục 1 “Từ vật quyền đến vật quyền bảo đảm”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[5]   Mục 2.1 “Phân biệt bản thể tài sản và giá trị kinh tế của tài sản”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[6]   Mục 2.2, “Quyền đeo đuổi và quyền ưu tiên”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[7]   Mục 3.2 “Tính đặc thù của giải pháp”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[8]   Mục 3.2 “Tính đặc thù của giải pháp”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[9]   Thậm chí xe ô tô vẫn cứ lưu hành khi không có cả bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe do ngân hàng cấp theo quy định.

[10] Khoản 5, Điều 63 về “Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng chỉ quy định trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là “để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm”.

[11] Mục 2.2, “Quyền đeo đuổi và quyền ưu tiên”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[12] Mục 3.3 “Hậu quả của giải pháp về mặt xã hội”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[13] Điều 58, Hiến pháp năm 1992.

[14] Điều 73, Hiến pháp năm 1992.

[15] Khoản 1, Điều 169 về “Bảo vệ quyền sở hữu”, Bộ luật Dân sự năm 2005.

[16] Khoản 1, Điều 124 về “Tội xâm phạm chỗ ở của công dân”, Bộ luật Hình sự năm 1999.

[17] Mục 3.2 “Tính đặc thù của giải pháp”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[18] Mục 2.3 “Tính đối kháng tuyệt đối”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[19] Mục 3.2 “Tính đặc thù của giải pháp”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[20] Mục 3.2 “Tính đặc thù của giải pháp”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

[21] Mục 3.2 “Tính đặc thù của giải pháp”, bài viết của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.712. Hàng loạt vụ mất tiền trên tài khoản,...

(KTĐT) - Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,644