183. Bình luận Dự thảo nghị định giám sát doanh nghiệp Nhà nước.

(ANVI) – VCCI                                                    Hà Nội 06-2013    

 

  1. Nhận xét chung:
  • Dự thảo Nghị định quy định khá nhiều chế độ giám sát, kiểm tra và nhiều loại báo cáo trong việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên mục đích và nội dung giám sát, kiểm tra vẫn chưa thật sự rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, lại rất dễ trùng lặp với việc thanh tra, kiểm tra theo các quy định khác đối với doanh nghiệp. Do vậy, chưa thấy rõ sự cần thiết và tác dụng của việc ban hành Nghị định.
  • Bên cạnh việc quy định trách nhiệm của doanh nghiệp và quyền kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, cần xem xét quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các công việc nói trên. Dự thảo cũng còn thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình của các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Do vậy, nhìn chung Dự thảo Nghị định còn nặng về hình thức, khó phát huy tác dụng, hiệu quả trên thực tế.
  1. Về tên gọi của Nghị định:
  • Dự thảo có tên gọi là “Nghị định về quy định chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp nhà nước.” Đề nghị xem xét rút ngắn gọn, dễ nhớ và thuận tiện khi cần viện dẫn. Nếu đưa đầy đủ các vấn đề vào tên gọi, thì không biết bao nhiêu cho đủ, chẳng hạn cần phải thêm “nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh” (quy định tại nhiều điều trong Dự thảo) hay bên cạnh “chiến lược” và “kế hoạch” còn phải thêm “chính sách” và “quy hoạch” theo đúng yêu cầu về báo cáo kiểm tra được quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 12, Điều 18,… Ngoài ra, quy định việc “giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược”, nhưng chiến lược kinh doanh thì lại không phải là một vấn đề bắt buộc phải có của doanh nghiệp nói chung và tất cả các doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Nếu diễn giải đầy đủ thì thậm chí phải gọi tên là “Nghị định về quy định chế độ thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước”.
  • Vì vậy đề nghị chỉ cần gọi tên là “Nghị định về giám sát doanh nghiệp nhà nước.”, còn các vấn đề khác thì đã được ghi cụ thể trong Điều về Phạm vi điều chỉnh.
  1. Về Phạm vi điều chỉnh (Điều 1):
  • Đề nghị xây dựng một Nghị định giám sát toàn diện doanh nghiệp nhà nước, vì nếu chỉ giám sát “thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao”, thì lại phải có các quy định về giám sát, kiểm tra về tài chính, lao động, tiền lương, hiệu quả kinh doanh,… Đặc biệt, yếu tố “kế hoạch” ở đây quá chung chung, mơ hồ, không rõ là nội dung gì (dù đã được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 8 về “Nội dung kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch được giao của doanh nghiệp”). Về nguyên lý kinh doanh, thì kế hoạch phải là kế hoạch kinh doanh và phải luôn gắn liền với tài chính, lao động,… Vì vậy, nếu không ghi nhận cụ thể các nội dung về tài chính, lao động,… cần được giám sát trong Dự thảo Nghị định này, thì cũng cần ghi rõ là, việc giám sát các vấn đề khác trong doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định riêng.
  • Nhiều điều trong Dự thảo luôn đề cập đến cụm từ “ngành, nghề kinh doanh được giao” gắn liền với cụm từ “chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao” được ghi trong phạm vi điều chỉnh. Vì vậy, đề nghị phạm vi điều chỉnh cần viết đầy đủ cụm từ “chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao”.
  1. Về Quyền, trách nhiệm của người đại diện (Điều 15):

Đề nghị xem lại điểm c, khoản 2 quy định trách nhiệm của người đại diện phần vốn góp trong doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, ngoài việc gửi các báo cáo ước thực hiện còn : “Trước ngày 01 tháng 3 hàng năm gửi báo cáo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch được giao của năm trước.” Vì việc gửi các báo cáo chính thức thì còn phải phụ thuộc vào các báo cáo chính thức của công ty được cấp có thẩm quyền thông qua. Trong khi Luật Doanh nghiệp cho phép Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần tổ chức cuộc họp thường niên trước ngày 30-4 hằng năm, trường hợp đặc biệt không quá 30-6.

  1. Về Xử lý vi phạm về thực hiện báo cáo (Điều 19):

Quy định tại Điều này chỉ đề cập đến việc xử lý vi phạm đối với Doanh nghiệp Nhà nước, không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, mà không đề cập đến nội dung, sự trung thực, chính xác, đầy đủ, rõ ràng của báo cáo.

  1. Về các nội dung khác:
  • Cần đưa yêu cầu theo Nghị định này vào Dự thảo “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp” để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và cơ sở pháp lý ban hành Nghị định.
  • Đề nghị xử lý bỏ các đoạn văn không thuộc khoản nào trong các điều được bố cục theo khoản điểm, cụ thể là các đoạn ở dưới tên các điều 2, 6 và 15.
  • Đề nghị sửa đổi các từ, cụm từ sau:
  • Sửa cụm từ “theo đúng thời gian” thành “theo đúng thời hạn” (các điểu 6 và 15), “thời gian cho doanh nghiệp” thành “thời hạn cho doanh nghiệp” (Điều 9), “thời gian hoạt động” thành “thời hạn hoạt động” (Điều 11), vì thời hạn là một khoảng thời gian xác định;
  • Sửa cụm từ “tối đa không quá” (các điều 12 và 18) thành “tối đa” hoặc “không quá”, vì trùng lặp nghĩa;
  • Sửa “hàng năm” thành “hng năm” (các điều 1, 3, 4, 5, 6, 10, 13, 14 và 15).

—————————–

Địa chỉ liên hệ:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,604