Nợ xấu giá cao
(TGTT) Nợ xấu được xem như “cục máu đông” cản trở hoạt động tín dụng, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn mới. Mặc dù cả con nợ, ngân hàng thương mại, ngân hàng Nhà nước cho đến Chính phủ, Quốc hội đều mong muốn xử lý nợ xấu, nhưng kết quả vẫn chậm. Tất cả đều có nguyên do là giá cao.
Việc xử lý trong mấy năm qua đã làm giảm được tỷ lệ nợ xấu từ ít nhất là trên 10% xuống 4 – 5% và đang lùi nhanh về mức chuẩn dưới 3% trong năm nay theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Biến nợ xấu thành nợ tốt chủ yếu thông qua ba biện pháp: bán nợ cho công ty Quản lý nợ của các tổ chức tín dụng (VAMC), cơ cấu lại khoản nợ và sử dụng dự phòng.
Biện pháp xử lý nợ xấu
Bán nợ cho VAMC, về cơ bản, chỉ là một biện pháp dồn kho, đóng gói, khoanh nợ. Cơ cấu lại khoản nợ chủ yếu là gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và đảo nợ. Còn sử dụng dự phòng thì là giảm lãi của ngân hàng để đánh đổi nợ xấu.
Xử lý nợ xấu thực chất thì phải là thu hồi nợ của người vay, thông qua nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh hay bán tài sản thế chấp hoặc bán nợ cho nhà đầu tư, cho người thực sự có nhu cầu mua nợ. Chỉ khi đó, ngân hàng mới thu được nợ bằng tiền tươi, thóc thật. Nếu như việc đơn giản nhất là bán nợ xấu từ ngân hàng thương mại sang VAMC, thì việc khó nhất là xử lý tài sản bảo đảm. Tất cả đều chung một câu chuyện giá cả tài sản: Định giá tài sản bảo đảm cao để cho vay, giá bán nợ cao và giá bán tài sản bảo đảm cao.
Định giá tài sản bảo đảm cao
Về tài sản thế chấp để vay vốn, nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng thường định giá thấp, dẫn đến doanh nghiệp chỉ vay được ít tiền. Tuy nhiên, khi bàn về tài sản thế chấp phải phát mại, thì nhiều ý kiến lại cho rằng, vì ngân hàng định giá tài sản bảo đảm quá cao khi cho vay, nên khi xử lý thì không bán được hoặc dù có bán hết thì cũng chỉ thu hồi được một phần số nợ gốc, chứ chưa nói gì đến nợ lãi.
Thật khó khẳng định bằng cảm tính là việc định giá tài sản bảo đảm nói chung là cao hay thấp. Tuy nhiên, việc định giá tài sản bảo đảm nhằm phát mại thu hồi được nợ vay mà kết cục, không thu được đủ nợ, thì có thể thấy cả hai góc nhìn đều đúng. Đó là, mặc dù ngân hàng định giá tài sản bảo đảm có thể là quá thấp khi cho vay, nhưng rồi chính giá ấy lại hoá ra quá cao khi phải xử lý phát mại.
Giá bán nợ cao
Nợ xấu thì đương nhiên là một loại tài sản xấu. Nợ xấu, đồng nghĩa với khả năng thu hồi, chuyển đổi thành tiền rất khó khăn, nên rất ít người mua.
Riêng việc mua bán nợ với VAMC là điều vô cùng đặc biệt. Con nợ vẫn là con nợ và chủ nợ thì vẫn là chủ nợ, chỉ đổi từ vai này sang vai khác. Mỗi việc theo dõi, quản lý và xử lý nợ thì tăng thêm, lúc chủ nợ cũ, khi chủ nợ mới và đôi khi thì cả hai bên.
Do vậy, bán mà không phải bán, vì về cơ bản chủ nợ thực chất và cuối cùng vẫn là ngân hàng thương mại. VAMC chỉ đưa vai gánh đỡ một quãng đường lúc ngân hàng sắp kiệt sức. Hoạ hoằn thì VAMC mới mua đứt và thay hẳn vai chủ nợ của ngân hàng thương mại.
Sở dĩ việc bán nợ cho VAMC diễn ra một cách nhanh chóng, dễ dàng, là vì bán được nợ với giá hời và quan trọng nhất là được hạch toán nợ từ xấu sang tốt.
Giá bán tài sản bảo đảm cao
“Tài sản nợ” khó bán đã đành, tài sản bảo đảm gắn với nợ cũng lại rất khó bán, nhất là tài sản thế chấp là bất động sản gắn với các khoản nợ xấu. Đây là một thực tế rất đáng tiếc và không đáng có.
Chủ sở hữu tài sản đã chấp nhận ký hợp đồng thế chấp bất động sản, với đủ thủ tục công chứng, đăng ký thế chấp tại cơ quan quản lý nhà đất, để bảo đảm cho khoản nợ mà không trả được nợ, thì việc buộc phải phát mại tài sản là tất yếu. Vấn đề còn lại chỉ là sớm hay muộn, với giá cao hay thấp.
Tận cùng của vướng mắc chẳng qua là vấn đề giá cả. Nếu bán tài sản bảo đảm được giá, thì người ta sẽ dễ dàng chấp nhận đạo lý có vay, có trả, có nghĩa vụ thì phải thực hiện. Trong khi, chủ sở hữu muốn bán tài sản với giá cao, ngân hàng cũng không muốn bán với giá quá thấp, vì như vậy thì sẽ phải chịu trách nhiệm về việc thất thoát vốn vay, nhưng thực tế thì khó có chuyện bán được giá (mà thường là giá khá thấp). Mặt khác pháp luật không nghiêm, thậm chí đôi khi còn bất hợp lý đến mức có lợi cho người chây ỳ, kéo dài thời hạn trả nợ nói chung, thời hạn xử lý tài sản bảo đảm nói riêng. Thế là câu chuyện xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm bị kéo dài với muôn vàn khó khăn, trở ngại. Thành ra, chủ nợ ngân hàng tuy có quyền mà không dễ gì xử lý được tài sản thế chấp, ngay cả khi đã có bản án của toà hay quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án.
Thế là mọi thứ chung quanh nợ xấu đều cao giá. Cho nên, nợ xấu thực chất vẫn cao, rủi ro tiếp tục cao, chi phí ngân hàng còn cao và lãi suất cho vay của ngân hàng cũng sẽ không thể xuống thấp.
Theo VAMC, nợ xấu tính tới hết tháng 12.2014 của các tổ chức tín dụng là khoảng 309.000 tỉ đồng. Cùng thời gian, VAMC đã mua được 133.555 tỉ đồng dư nợ gốc với giá 108.652 tỉ đồng. Trong đó, nợ bất động sản chiếm hơn 67% (tương đương 83.000 tỉ đồng); vay kinh doanh chiếm 25,7% (tương đương 31.900 tỉ đồng). Về hoạt động bán nợ, VAMC đã bán 68 khoản với giá trị nợ gốc là 2.306 tỉ đồng, thu về 1.773 tỉ đồng; bán tài sản đảm bảo thu về 490 tỉ đồng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
Thế giới Tiếp thị (Pháp lý Kinh doanh) 18-7-2015:
http://thegioitiepthi.net/the-gioi-hoi-nhap/doanh-nhan-doanh-nghiep/no-xau-gia-cao/
(1.195/1.195)