190. “Lobby” chính sách: Việc không của riêng ai.

(DĐDN) – Hàng trăm VBQPPL được đăng tải trên các website của hơn 20 bộ trong cả năm nhưng không nhận được ý kiến phản hồi nào.

Việc vận động chính sách đã là một hoạt động được thực hiện một cách công khai và minh bạch tại nhiều quốc gia

 

Rất nhiều người vẫn buông ra những lời trách cứ đối với sự thờ ơ của người dân và DN trước công việc được cho là “sát sườn” của họ là đóng góp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan trực tiếp tới hoạt động, đời sống của mình. Chỉ đến khi chính sách được ban hành rồi thì không ít người mới “tá hỏa” chỉ ra những vô lý của chính sách, khiến họ khó thực thi.

Vì sao người dân và DN “quay lưng”

VĐCS là những nỗ lực có tính hệ thống nhằm tác động đến những người ra quyết định để tạo ra những chính sách phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn. Thông qua VĐCS, mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội có cơ hội đóng góp ý kiến với các nhà xây dựng chính sách để thay đổi các chính sách hiện hành hài hòa được lợi ích của các bên liên quan. Kết quả của vận động chính sách là mong muốn đạt được mục tiêu vì công bằng, dân chủ và phát triển của xã hội.

Xu hướng chung trên thế giới, trong đó có Việt Nam, VĐCS ngày càng trở thành công cụ trong tiến trình dân chủ hóa. Những cá nhân, tổ chức là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách ngày càng trở thành nhân tố quyết định trong quy trình ban hành và thực thi chính sách. Tuy nhiên, có một thực tế tại Việt Nam, quá trình VĐCS vẫn đang nặng hình thức.

Thực tế, không ít chính sách vừa được ban hành đã trở nên bất cập và phải thay đổi. Điển hình là Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội vừa qua. Điều này cho thấy, quy trình xây dựng chính sách và VĐCS đang có vấn đề. Một trong những nguyên nhân cần phải quan tâm khiến chất lượng của chính sách chưa tốt đó là hoạt động VĐCS chưa hiệu quả.

Đặc biệt, hoạt động này đã được thể chế hóa tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật phải có sự tham gia của các chủ thể liên quan đến văn bản đó. Tuy nhiên, thống kê của VCCI đã chỉ ra, có tới 78% DN chưa được hỏi ý kiến về các dự thảo pháp luật. Trong khi mỗi năm có khoảng 1.000 VBQPPL cấp trung ương được ban hành, với khoảng 70% trong số đó có liên quan đến DN.

Rõ ràng không thể đổ lỗi vì chưa có luật nên hoạt động VĐCS chưa phát huy được. Càng không thể đổ lỗi cho người dân và DN thờ ơ với chính quyền lợi của họ. Tôi cho rằng, những người xây dựng chính sách, những thành viên trong các ban soạn thảo VBQPPL cần phải đặt câu hỏi vì sao người dân và DN lại thờ ơ với hoạt động VĐCS? Liệu có phải vì người dân và DN thiếu hiểu biết, không đủ trình độ để góp ý chính sách hay cách thức lấy ý kiến chưa đúng…

VCCI là một trong hai cơ quan đầu mối để lấy ý kiến của người dân và DN và đưa ra những ý kiến nhằm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Để người dân phải quay lưng với chính quyền lợi của mình, lỗi đầu tiên chính là từ những nhà quản lý, nhà hoạch định, xây dựng chính sách. Quy trình VĐCS từ trước đến nay chưa đủ công khai minh bạch để người dân và DN cảm thấy đủ độ tin tưởng. Nhưng việc đóng góp ý kiến cho chính sách của họ chưa được xử lý, phản hồi một cách công khai và đúng mực. Nhiều người, nhiều ý kiến đã từng góp ý nhiều lần, đúng nơi, đúng lúc, kịp thời, thấu tình, đạt lý mà chẳng ăn thua. Và nản nhất là, khi góp ý thì một ý, khi ban hành lại là ý khác mà người tham gia chưa từng được biết hay nội dung này được tiếp thu, sửa đổi bằng nội dung khác nhưng là sự chuyển đổi câu chữ để giữ nguyên sự trói buộc, rắc rối, thậm chí là bất hợp lý hơn cũ. Chưa kể, dù muốn tiếp thu, nhưng không đủ khả năng xử lý kỹ thuật vấn đề hay diễn đạt câu chữ, nên cứ xin được giữ nguyên.

Vì vậy hàng trăm VBQPPL được đăng tải trên các website của hơn 20 bộ trong cả năm nhưng không nhận được ý kiến phản hồi nào.

Phải tạo điều kiện để mọi người đóng góp ý kiến

Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ 01/7/2016) đã quy định cụ thể và chi tiết hơn đối với hoạt động VĐCS. Theo Điều 6 của Luật mới, Mặt trận tổ quốc và VCCI là hai cơ quan đầu mối để lấy ý kiến người dân và DN. Có nghĩa là khi xây dựng VBQPPL phải có ý kiến của hai cơ quan này. Hai cơ quan này có trách nhiệm tổ chức và thu thập ý kiến của cá nhân, tổ chức liên quan. Luật cũng quy định, người đứng đầu các cơ quan soạn thảo VBQPPL phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện tốt hoạt động lấy ý kiến các bên liên quan.

Kỹ năng vận động chính sách của Hiệp hội DN cũng cần phải được nâng nên. Hiệp hội cần có bộ phận chuyên trách việc tìm hiểu thu thập thông tin chính sách mới, sắp ban hành và bất cập của hội viên. Khi có VBQPPL cần lấy ý kiến thì hiệp hội cần tổng hợp những nội dung liên quan trực tiếp tới hội viên để lấy ý kiến. VĐCS cần là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp của các hiệp hội DN.

Về phía cơ quan hoạch định và ban hành chính sách cũng phải tính toán và có phương án để thu thập được nhiều ý kiến đóng góp nhất. Những nội dung lấy ý kiến cộng đồng không thể làm lấy lệ, cho xong việc. Tất cả những quy định cụ thể cần được cụ thể hóa trong các văn bàn hướng dẫn Luật Ban hành VBQPPL chuẩn bị có hiệu lực. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, quyết định vấn đề và quyết định chất lượng văn bản quy phạm pháp luật vẫn nằm trong tay người soạn thảo chính sách, chứ không phải là từ phía người góp ý chính sách.

LS Trương Thanh Đức
Giám đốc Công ty Luật ANVI

 

Hai ví dụ điển hình cho việc VĐCS thành công của các hiệp hội có thể kể đến.

Thứ nhất là việc nhiều hiệp hội DN đã liên kết để kiến nghị điều chỉnh mức thế thu nhập DN. Sau khi dự thảo Luật thuế TNDN được công bố năm 2012 với mức thuế suất 23%. Các hiệp hội đã kiến nghị về mức 20% hoặc ít nhất cũng giảm 1% để phù hợp với tình hình thực tế. Cuối cùng Luật thuế TNDN mới được ban hành với mức 22%.

Thứ hai là việc ký quỹ bảo vệ môi trường khi nhập khẩu phế liệu DN phải ký quỹ 80% giá trị lô hàng với lãi suất không kỳ hạn. Hiệp hội Thép và Hiệp hội Giấy đã phối hợp kiến nghị đưa mức ký quỹ xuống 10% và DN được hưởng lãi suất thỏa thuận với các ngân hàng. Quy định này đã giúp DN giảm tới 90% chi phí giao dịch mà mục tiêu quản lý nhà nước vẫn đạt được.

Thực tế, rất nhiều Hiệp hội DN nước ngoài đã chủ động đề xuất chính sách và được Chính phủ Việt Nam chấp nhận điều chỉnh ban hành như: dỡ bỏ trần quảng cáo, quy định về thuế nước giải khát có ga…

Xã hội dân sự phải song hành với bộ máy nhà nước

Ông Dương Đăng Huệ – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Kinh tế (Bộ Tư pháp):

Vai trò của DN, hiệp hội DN vẫn rất mờ nhạt. Các DN nội còn rất thụ động khi được mời tham gia góp ý xây dựng chính sách. Mới đây, Bộ Tư pháp dành 4 tháng mời góp ý về Bộ luật Dân sự thì rất ít DN, hiệp hội ngành nghề nêu ý kiến. Ngay như Liên minh hợp tác xã, Hiệp hội DNNVV, là các tổ chức hội lớn như vậy mà cũng không hề tham gia. Trong khi, DN là trung tâm của xã hội hiện nay. Tôi cho răng, Nhà nước pháp quyền phải song hành với xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội dân sự cần được thể hiện vai trò từ xây dựng chính sách đến tham gia tổ chức, giám sát thực thi. Xã hội dân sự phát huy được vai trò thì nhà nước pháp quyền mới thực sự đúng nghĩa.

Cần có chuyên gia độc lập

 Trần Ngọc Ánh – Giám đốc đối ngoại Cty Niken Vĩnh Phúc:

Thời gian qua, DN thường bị động đối với chính sách sau khi VBQPPL được ban hành. Thông qua các tổ chức đầu mối hiệp hội DN, đại diện DN như VCCI, DN có thể làm rõ những điểm chưa rõ hay điểm mà cơ quan nhà nước muốn bảo lưu. Qua đó, DN có thể yêu cầu cơ quan soạn thảo giải trình để họ có cơ hội trao đổi. Cơ quan soạn thảo sẽ nói rõ điểm nào họ tiếp thu và vì sao, điểm nào chưa tiếp thu và vì sao? Thực tế, việc xây dựng chính sách của các bộ giai đoạn đầu vẫn khép kín. Ban soạn thảo của các bộ, ngành không có các chuyên gia độc lập. Các thông tin trong giai đoạn đưa ra ý tưởng xây dựng chính sách thường được bảo mật. Khi đã công bố trên website của Bộ thì cũng là thời điểm cận kề ban hành. DN không thể theo sát quá trình biến động của chính sách. Tôi cho rằng, trong các ban soạn thảo VBQPPL cần có các chuyên gia độc lập là người hiệp hội hoặc VCCI chỉ định có như vậy mới mang tính độc lập thực sự. Tôi cho rằng, công tác tham vấn chính sách phải có quy trình bắt buộc xin ý kiến được của bao nhiêu DN trong lĩnh vực đó, hay thông qua bao nhiêu hiệp hội đại diện cho tiếng nói chung của toàn DN…

Hiệp hội nhỏ cũng cần tiếng nói đủ lớn

Ông Đặng Thế Lưỡng – Chủ tịch Hiệp hội DN quận Hải An (TP Hải Phòng):

Chúng tôi là hiệp hội cấp quận và chưa lần nào được hỏi ý kiến xây dựng VBQPPL. Rất nhiều đóng góp ý kiến của chúng tôi thường bị rơi vào quên lãng. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần lên TP Hải Phòng. Lãnh đạo TP Hải Phòng nói ghi nhận rồi lại ghi nhận nhưng để đấy. Nếu những bất cập mà chúng tôi nêu ra có vấn đề thì TP phải chuyển xuống các sở, ban ngành như Sở TN-MT, Sở KH-ĐT… để triển khai hoặc hỗ trợ DN. Đơn cử như việc, tại địa bàn chúng tôi có nhiều dự án treo. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều phương án để đỡ hoang phí nguồn lực. Với những vị trí đắc địa, những dự án khả thi thì không nói, nhưng với những chỗ “xương” thì phải có phương án. Hoặc cho kéo dài theo từng phân đoạn, thời gian nhất định giúp DN có đủ thời gian và nguồn lực triển khai. Những hỗ trợ hoặc phương án triển khai cụ thể, kịp thời sẽ giúp DN khó khăn vượt qua phát triển tạo công ăn việc làm, nguồn thu cho ngân sách. Còn ngược lại, những DN không đủ năng lực thì giao lại đất cho DN khác có nhu cầu. Câu chuyện phân bổ lại nguồn lực đất đai không chỉ tại TP Hải Phòng, nhiều địa phương khác cũng vậy.

Đối với công tác VĐCS, chúng tôi cho rằng, đây là việc làm vô cùng quan trọng đối với các hiệp hội. Cho dù là hiệp hội nhỏ, việc VĐCS cũng phải là một ưu tiên hàng đầu. Phải làm tốt VĐCS thì hiệp hội mới lớn lên được.

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——-

Diễn đàn Doanh nghiệp (Chính trị – Xã hội) 16-8-2015:

http://enternews.vn/lobby-chinh-sach-viec-khong-cua-rieng-ai.html

 

“LOBBY” CHÍNH SÁCH: VIỆC KHÔNG CỦA RIÊNG AI[1]

[1] Sửa và OK bài của PV Bà Tú viết.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,906